thư mục

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Việt Nam không tự thiết kế được hệ thống giáo dục hoàn chỉnh?


 (GDVN) - Từ thời các triều đại Phong kiến ở thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 19, giáo dục được rập khuôn theo Trung Hoa. Tới thời kỳ kháng chiến, chúng ta chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Pháp. Sau cách mạng tháng 8, chúng ta chịu ảnh hưởng của giáo dục Liên Xô và Mỹ... tuy vay mượn nhưng ở các thời kỳ đó tương đối ổn định. Hơn 10 gần đây, chúng ta loay hoay tìm hướng đi mới, nhưng thật đáng tiếc là vẫn còn manh mún, chất lượng đào tạo thua kém nhiều nước láng giềng.

Trong thông báo của Hội nghị TƯ 6 nói về đổi mới giáo dục có đoạn viết: “Đây là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần tiếp tục nghiên cứu... để ban hành nghị quyết vào thời gian thích hợp”

Thời gian thích hợp là bao giờ và chúng ta có thể sớm đổi mới giáo dục để đáp ứng được kỳ vọng của toàn dân không? Xin góp ý kiến trả lời cho câu hỏi đó bằng việc điểm qua nền giáo dục của nước ta từ thế kỷ thứ 14 đến nay:

Nền giáo dục của Việt Nam từ thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 19
Ở thời kỳ này, các triều đại phong kiến Đại Việt xây dựng Nhà nước theo mô hình Nhà nước Nho giáo của Trung Hoa. Từ cơ cấu luật pháp, hành chính đến giáo dục, văn chương và nghệ thuật đều rập khuôn theo mẫu Trung Hoa .
Trong giáo dục thì thực hành chế độ khoa cử, dùng chữ Hán và chữ Nho, đào tạo nhân tài phục vụ cho bộ máy hành chính của các Hoàng Triều và xây dựng những cổ lệ phong kiến địa phương theo Nho giáo. Mỗi khoa thi có 3 kỳ thi quan trọng nhất là thi Hương, thi Hội và thi Đình. Tài liệu dùng để giảng dạy, học tập và thi cử gồm các tài liệu chính của Nho học Trung Hoa là: Tứ thư, Ngũ kinh và Sử Trung Hoa (tức Bắc sử ). Riêng thời Nguyễn (1802-1919) có thêm tài liệu do người Việt biên soạn là: Sơ học vấn tân, Âu học ngũ ngôn thi và Nam sử. Phương pháp giáo dục chủ yếu là dạy, học thuộc lòng.

Nền giáo dục của Việt Nam thời thuộc Pháp ( 1887-1945)
Tháng 8/1858, Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam. Năm 1887, Pháp đã hoàn thành quá trình xâm lược Việt Nam và đã củng cố xong bộ máy cai trị tại nước ta. Từ thập kỷ 1910 ở Việt Nam đã có cuộc cải cách giáo dục, xoá bỏ hoàn toàn Nho học đi cùng với chữ Hán, thay bằng phong trào tân học dùng chữ quốc ngữ. Từ đó tạo ra một tầng lớp trí thức mới xuất thân từ truyền thống Nho giáo nhưng được tiếp cận với Văn hoá Phương Tây.
Từ năm 1917, chính quyền thuộc địa ở Việt Nam đã ban hành một hệ thống giáo dục dùng cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Chương trình giáo dục là của Pháp, có chút ít sửa đổi cho phù hợp với người Việt. Tiếng Pháp được dùng là ngôn ngữ chính trong trường học. Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai. Hệ thống giáo dục này có 3 bậc học: Tiểu học, trung học và đại học. Tại Hà Nội có Khu Đông Dương học xá.
Nền giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ sau cách mạng tháng 8/1945 đến 1985:
Kể từ sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập 2/9/1945 và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chương trình giáo dục ở Việt Nam được gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn, cùng với chương trình Bình dân học vụ xoá nạn mù chữ, được thực hiện ở miền Bắc và miền Trung (trừ miền Nam, quân Pháp đã trở lại xâm lược lần thứ hai) cho đến ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, chương trình giáo dục này được tiếp tục áp dụng trong các vùng kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến năm 1950. Từ năm 1950 đến năm 1956, tại các vùng kháng chiến và sau đó trên toàn miền Bắc đã được gỉải phóng, bậc tiểu học và bậc trung học được xếp xắp thành hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm gồm: 4 năm cấp 1(tiểu học), 3 năm cấp 2 (THCS) và 2 năm cấp 3 (THPT). Từ năm 1956, hệ thống giáo dục phổ thông được xếp xắp lại theo hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm của Liên Xô, gồm: 4 năm cấp 1 (tiểu học), 3 năm cấp 2 (THCS), 3 năm cấp 3 (THPT). Sau 10 năm học, học sinh phải thi tốt nghiệp để nhận bằng THPT.

Từ ngày 6/3/1956, tại Hà Nội đã mở 5 trường đại học, giảng dạy theo chương trình của Liên Xô gồm: Đại học Bách Khoa, Đại học Nông Lâm, Đại học Sư phạm, Đại học tổng hợp (Văn và Khoa học), Đại học Y Dược. Bậc Tiến sĩ thì được gửi đi đào tạo tại Liên Xô, Đông Âu.

Từ năm 1986, trong điều kiện đất nước đã thống nhất và đổi tên là CHXHCNVN, hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm được áp dụng trong cả nước cho đến nay. Sau 12 năm học, học sinh phải dự kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT, sau đó dự kỳ thi quốc gia tuyển sinh đại học.

Trong các trường đại học, tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất. Trong khoảng 10 năm, từ năm 2000 đến năm 2012, số lượng trường đại học và cao đẳng đã phát triển đột biến: 307 trường đại học và cao đẳng đã được thành lập mới hoặc do được nâng cấp. Năm 2012, Việt Nam có khoảng 91 triệu dân, đã có 409 trường đại học và cao đẳng và đào tạo theo tín chỉ.
Nền giáo dục ở miền Nam (1946-1975):
Sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập 2/9/1945 và thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Pháp đã đem quân trở lại xâm lược lần thứ hai và trước tiên từ miền Nam. Vì vậy, chương trình giáo dục ở miền Nam vẫn áp dụng theo chương trình của Pháp, cho đến thập kỷ 1970. Trong thời kỳ này đã có chương trình giáo dục do người Việt khởi xướng. Trong thập kỷ 1970 (đến 30/4/1975), hệ thống giáo dục tại miền Nam áp dụng theo mô hình giáo dục của Hoa Kỳ.

Chương trình giáo dục phổ thông là 12 năm, gồm: 5 năm tiểu học, 4 năm trung học đệ nhất cấp, 3 năm trung học đệ nhị cấp. Sau 12 năm học, học sinh phải dự kỳ thi Tú tài để kết thúc chương trình trung học.
Các Trường (và Viện) đại học tại miền Nam đã có trước ngày 30/4/1975 đào tạo các lĩnh vực và các chuyên ngành sau: Y, Dược, Sư phạm, Nông nghiệp, Kinh tế và quản trị, kỹ thuật công nghệ, quốc gia hành chính. Các đại học đào tạo theo tín chỉ.

Lịch sử giáo dục qua các thời kỳ nói trên cho chúng ta 2 kinh nghiệm lớn:

1. Nền giáo dục của Việt Nam ở từng thời kỳ đều vay mượn nền giáo dục nước ngoài (của Trung Hoa phong kiến, Pháp, Liên Xô, Hoa Kỳ). Việt Nam chưa bao giờ tự thiết kế được cho mình một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh.

2. Tuy vay mượn nước ngoài nhưng hệ thống giáo dục ở những thời kỳ đó lại tương đối ổn định. Còn trong khoảng hơn 10 năm gần đây, chúng ta đã rất cố gắng tự mày mò cải cách nền giáo dục nhưng kết cục lại đưa đến những dấu hiệu rất đáng buồn phiền: Hệ thống giáo dục trở thành chắp vá manh mún (dễ thấy nhất là tuy cùng có chức năng đào tạo nghề nhưng Tổng cục đào tạo và Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chia cắt thành những cắt cứ riêng. Chất lượng đào tạo bậc đại học và đào tạo nghề dưới đại học ngày càng thua xa các nước láng giềng trong khu vực. Mò mẫm lúng túng đến mức có những quyết sách thụt lùi, như trong việc phong học hàm đã châm trước tiêu chuẩn ngoại ngữ cho chức danh Phó Giáo sư. Thầy cô giáo được ví như những sĩ quan tác chiến ngoài chiến trường thì ngày càng mất dần nhuệ khí, giảm sự gắn bó với nghề dạy học.
Những dấu hiệu đó chứng tỏ Bộ Giáo dục - Đào tạo nhiều năm qua chưa đủ khả năng tự thiết kế một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh để đổi mới.

 Nói đến hệ thống giáo dục của một quốc gia là nói đến một chuỗi các vấn đề trong giáo dục có quan hệ phụ thuộc chặt chẽ với nhau, từ mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu để học, cách dạy, cách học, phương tiện để học, vai trò nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, cách kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục, mô hình tổ chức quản trị. Nói đổi mới giáo dục không đơn giản là chỉ thay đổi quỹ thời gian giáo dục chẳng hạn từ giáo dục trung học 12 năm trở về 11 năm hay ngược lại.

Chi nhiều tiền chưa chắc giáo dục đã tốt hơn

Thế giới có nhiều cách xếp hạng đại học có chất lượng đào tạo tốt nhất. Trong số đó đang được nhiều quốc gia ưa dùng là cách xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải. Bảng xếp hạng của họ từ năm 2007 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Theo bảng xếp hạng đó, 37 quốc gia đã có tên trong danh sách 500 trường đại học có chất lượng đào tạo tốt nhất thế giới. Trong đó 15 quốc gia đã chia nhau thứ tự xếp hạng từ 1 đến 15 là: Mỹ - Anh - Nhật - Đức - Canada - Pháp - Thuỵ Điển - Thuỵ Sĩ - Hà Lan - Australia - Italia - Israel - Đan Mạch - Na Uy - Phần Lan (Nga thứ 16, Trung quốc thứ 18).

Mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa kinh tế và giáo dục: 15 quốc gia này đều trong hàng ngũ các nước phát triển. Riêng 9 trong số 15 quốc gia đó đã nằm trong danh sách 11 quốc gia giầu nhất thế giới năm 2009 theo thứ tư sau: Mỹ - Nhật - Đức - Anh - Pháp - Italia - Canada - Australia - Hà Lan .

Năm 2009, tài sản tài chính quốc gia và thu nhập bình quân đầu người của một số quốc gia đó như sau:
Mỹ là 41.590 tỉ USD và 43.563 USD. Nhật là 14.642 tỉ USD và 36.952 USD. Đức là 6.068 tỉ USD và 39.339 USD. Anh là 6.064 tỉ USD và 34.209 USD. Pháp là 4.975 tỉ USD và 41.000 USD. Quốc gia càng giàu thì Ngân sách chi cho giáo dục càng lớn. Năm 2000 Mỹ chi cho giáo dục bậc cao 260 tỉ USD (bằng 2,6 % PIB - PIB tương tự GDP). Năm 2008 Pháp chi cho giáo dục bậc cao 23,7 tỉ Euros ( bằng 1,3% PIB) tương đương 33,85 tỉ USD; mức chi bình quân cho mỗi sinh viên Pháp trong 1 năm học là 10.150 Euros ( tương đương 304 triệu VND). Giáo dục càng phát triển thúc đẩy kinh tế càng phát triển và ngược lại.


Mỹ, Đức, Pháp, Anh luôn là các quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Tuy vậy cũng có trường hợp chi lớn cho giáo dục nhưng chất lượng giáo dục lại không cao. Ví dụ: Theo số liệu điều tra của INSEE năm 2008 thì 69,2% tổng số dân Pháp có bằng đại học. Cũng năm đó 27,2% tổng số dân Mỹ có bằng đại học. Theo chương trình PISA của tổ chức quốc tế OCDE đánh giá học sinh trung học quốc tế, năm 2009 Phần Lan đứng đầu, đang được thế giới suy tôn là cường quốc giáo dục, còn Mỹ chỉ xếp hạng dưới mức trung bình, nhất là về mức am hiểu Toán và Khoa học. OCDE kết luận cách chi vào giáo dục như thế nào là điều quan trọng, các nước đã chi nhiều tiền hơn cho giáo dục không nhất thiết là đã làm giáo dục tốt hơn.

Bài học từ Nhật Bản

Xây dựng một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh và phù hợp xu hướng tiến bộ của thời đại cần có quá trình tích luỹ kinh nghiệm nhiều năm. Nói đến hệ thống giáo dục của một quốc gia là nói đến một chuỗi các vấn đề trong giáo dục có quan hệ phụ thuộc chặt chẽ với nhau, từ mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu để học, cách dạy, cách học, phương tiện để học, vai trò nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, cách kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục, mô hình tổ chức quản trị. Nói đổi mới giáo dục không đơn giản là chỉ thay đổi quỹ thời gian giáo dục chẳng hạn từ giáo dục trung học 12 năm trở về 11 năm hay ngược lại.
Nền giáo dục đại học hiện đại trên khắp thế giới bắt nguồn từ chiếc nôi ở Châu Âu, đã có truyền thống gần một thiên niên kỷ. Trường đại học đầu tiên của Italia là Đại học Bologna thành lập năm 1088 cách đây 924 năm. Đại học Oxford của Anh thành lập năm 1096 cách đây 916 năm. Đại học Paris Sorbonne của Pháp thành lập năm 1253 cách đây 758 năm. Đại học Heidenberg của Đức thành lập năm 1386 cách đây 626 năm.
Tuy vậy, có những quốc gia đi tắt như Nhật Bản và nước Nga Sa hoàng, đã lựa chọn nhập khẩu mô hình giáo dục tiến bộ của nước ngoài để đổi mới giáo dục trong nước thành công và các quốc gia đó đang đứng trong danh sách các quốc gia có những trường đại học chất lượng đào tạo tốt nhất thế giới.
Ở Nhật, thời Nhật hoàng Minh Trị (Mutsuhito 1867-1912) đã cử nhiều phái đoàn đến Phương Tây học hỏi rồi trở về áp dụng mô hình giáo dục Anglo - Saxon của Anh và Mỹ, thành lập các Đại học. Đưa những thành tựu khoa học kỹ thuật của Phương Tây vào giảng dạy, đào tạo những tầng lớp lãnh đạo chính quyền và các doanh nhân mới. Từ đó làm người Nhật nhiệt tình với “văn minh khai hoá” (bunmei kaiko), đặt nền móng cho “sự thần kỳ Nhật Bản”.
Ở nước Nga Sa Hoàng, Vua Piotr I đã chu du 18 tháng sang Tây Âu trong hai năm 1697 và 1698 để học hỏi rồi trở về nước Nga cải cách hệ thống giáo dục trong nước, thành lập Viện Hàn Lâm khoa học Nga, thành lập nền tảng ban đầu cho nền công nghiệp Nga, đưa nước Nga lạc hậu đi sau Tây Âu hàng trăm năm, vượt lên trở thành 1 trong 5 đế quốc lớn mạnh ở Châu Âu chỉ trong 1 thời gian ngắn, tạo nên khúc ngoặt cực kỳ quan trọng trong lịch sử nước Nga. Vì thế, Vua Piotr I được nhân dân Nga ca ngợi là Người đã chế ngự được quá khứ, thúc đẩy nước Nga đi lên con đường tiến bộ và Vladimir Vladimirovich Putin, tổng thống Nga hiện nay đề cao Piotr I là nhà cải cách kiệt xuất trong lịch sử nước Nga.
Thế giới đang tồn tại hai hệ thống giáo dục khác nhau
15 quốc gia có chất lượng đào tạo đại học tốt nhất thế giới nói trên nằm trong 2 hệ thống giáo dục khác nhau là Hệ thống giáo dục Anglo-Saxon với đại diện là Anh, Mỹ và Hệ thống Bologna của Châu Âu với đại diện là Đức, Pháp. Thuộc hệ thống Anglo - Saxon có Mỹ – Anh – Canada – Australia – Nhật. Thuộc hệ thống Bologna là Đức – Pháp – Italia – Hà Lan – Phần Lan – Đan mạch – Na Uy – Thuỵ Điển – Thuỵ Sĩ . Riêng hệ thống giáo dục đại học của Anh còn được gọi là hệ thống nửa tư nhân hoá ( Système Semi-Privatisé ). Chương trình giáo dục phổ thông của tất cả 15 quốc gia nói trên đều là 12 năm (riêng ở Anh và 1 số Bang ở Đức là 13 năm). Các bậc đại học và sau đại học trong 2 hệ thống tương tự nhau nhưng có khác nhau về thời lượng đào tạo.
Điểm khác biệt cơ bản chi phối cách tổ chức khác nhau giữa 2 hệ thống là: Hệ thống Anglo - Saxon thiên về tính cạnh tranh cao. Hệ thống Bologna cũng có cạnh tranh nhưng thiên về sự bình đẳng cơ hội học tập của công dân.
Ở Mỹ và ở Anh, khả năng tài chính của các trường đại học rất khác nhau. Chẳng hạn ngân sách năm 2008 của Đại học Harvard là 34,9 tỉ USD nhưng ngân sách của đại học công lập University of Virginia chỉ có 5,24 triệu USD. Ở Mỹ, đại học công lập cũng thu học phí. Học phí giữa các trường đại học rất khác nhau. Học phí trung bình 1 năm học của 1 trường đại học tư ở Mỹ khoảng 25.143 USD, tương đương 528 triệu VND. Không phải gia đình nào ở Mỹ cũng lo liệu được. Học phí năm học 2010 của Đại học Notingham Trent ở nước Anh là 14.000 GBP, tương đương 499 triệu VND.
Ở Đức và ở Pháp, sinh viên các trường đại học công lập được miễn học phí. Vì vậy, nhu cầu tài chính mức trung bình cho năm học 2010 ở đại học Pháp (và ở Đức) khoảng 8.570 Euros, tương đương 257 triệu VND là mức hầu hết gia đình người Pháp có thể lo liệu được.
Chỉ ở Đức, Pháp và một số nước Bắc Âu mới đào tạo Kỹ sư khoa học ứng dụng (Engineer of Applied Science). Đào tạo kỹ sư khoa học ứng dụng là kinh nghiệm của Tây Đức rút ra trong thời kỳ phục hồi và phát triển kinh tế thần kỳ ở thập kỷ 1960 và thập kỷ 1970. Học sinh trung học của Đức và Pháp, sau khi học xong chương trình trung học giai đoạn I (tương tự THCS của Việt Nam) có thể vào học Trường nghề (Fachschule ở Đức) hoặc trường THPT dạy nghề (Lycée Professionnel ở Pháp) để sau khi ra trường có thể hoà nhập ngay vào xã hội nghề nghiệp.
Chỉ riêng 45 quốc gia Châu Âu tham gia Thoả ước Bologna mới có sự tương thích trong hệ thống đại học quốc gia, để chuẩn hoá bằng cấp giữa các đại học, tạo thuận lợi cho việc trao đổi sinh viên, dịch chuyển sinh viên giữa các nước và sử dụng họ trong toàn Châu Âu, đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế của Châu Âu.
Sự nhận biết về 2 hệ thống giáo dục này cho chúng ta khả năng lựa chọn học hỏi phù hợp, tránh được sự học hỏi và vận dụng kinh nghiệm nước ngoài theo cách “đầu Ngô mình Sở”. Ý kiến của Giáo sư Viện sĩ khoa học Nga Sergei Petrovich trả lời Báo nước Nga đáng để chúng ta suy nghĩ khi học tập kinh nghiệm nước ngoài. Sergei Petrovich thừa nhận kinh nghiệm phát triển khoa học của Mỹ trong các trường đại học là ưu việt, nhưng ông nói: “Trước hết, chúng ta phải giầu như nước Mỹ để có thể thực thi kinh nghiệm phát triển khoa học của họ trong các trường đại học”.

Năm 2010, Việt Nam có gần 90 triệu dân, GDP hơn 104 tỷ USD, GDP danh nghĩa bình quân đầu người khoảng 1200 USD, số trường đại học và cao đẳng là 409. Cũng năm 2010, Đức có gần 82 triệu dân, GDP của họ là 3.900 tỉ USD, GDP danh nghĩa bình quân đầu người 39.339 USD (gấp 25 lần Việt Nam), số trường đai học của họ là 323.

Giáo dục nhằm mục đích gì? Trước hết giáo dục được hiểu là một quá trình được tổ chức có ý thức, góp phần hoàn thiện nhân cách người học (vì nhân cách được hình thành ngay từ khi đứa trẻ mới được sinh ra và được hình thành trước tiên trong thời gian sống ở gia đình) và đáp ứng các nhu cầu tồn tại và phát triển của con người trong xã hội đương đại. Nói như vậy có nghĩa là phải giáo dục nhân cách và kỹ năng sống cho người được giáo dục.

Giáo dục nhân cách trong gia đình và trong nhà trường nhằm củng cố tính nhân văn, sống có lý trí, có bản ngã cho trẻ vị thành niên, sống phù hợp với chuẩn mực xã hội, phân biệt với cách sống theo bản năng, vốn có của con người nguyên thuỷ.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, giáo dục kỹ năng sống phải gồm cả 2 loại kỹ năng là kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Kỹ năng cứng là kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm là kỹ năng ứng xử hiệu quả trong mối quan hệ hợp tác lao động ở những tập thể có nhiều chuyên ngành khác nhau, cùng thực hiện một chương trình, một đề tài hoặc làm việc trong những ê - kíp đa quốc gia, đa văn hoá. Tổng kết của thế giới đương đại cho thấy: Trong số những người thành đạt, chỉ có khoảng 25% hoàn toàn dựa vào kỹ năng cứng, 75% còn lại dựa vào kỹ năng mềm bổ sung cho kỹ năng cứng. Sinh viên Châu Âu đã tốt nghiệp thường phải qua 1 thời gian thử việc, nếu thiếu kỹ năng mềm thường khó được tuyển dụng lâu dài.
Giáo dục cũng được hiểu là làm nền tảng cho việc truyền thụ, phổ biến văn hoá từ thế hệ này sang thế hệ khác .
- Cách thực hiện giáo dục nên như thế nào để có hiệu quả?
Giáo dục vốn có trong từ Latinh “ Educare”, nghĩa là làm bộc lộ. Từ đó, giáo dục được hiểu là quá trình làm bộc lộ những khả năng tiềm ẩn của người được giáo dục, đánh thức trí tuệ của người được giáo dục (đối lập với cách giáo dục áp đặt, nhồi sọ).
Quá trình giáo dục bao gồm các thành tố có liên hệ mang tính hệ thống với nhau, từ mục tiêu giáo dục đến nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, phương tiện giáo dục, hình thức tổ chức, chỉ tiêu đánh giá.
Quá trình giáo dục được chia thành nhiều bậc, cũng có mối liên hệ mang tính hệ thống với nhau, gồm 3 bậc chính là giáo dục tuổi mầm non và mẫu giáo, giáo dục phổ thông ( gồm giáo dục tiểu học và trung học ) và giáo dục đại học.
Giáo dục tuổi mầm non không tách khỏi giáo dục tuổi thơ ấu (kể từ khi con người được sinh ra đến 8 tuổi, là giai đoạn nhạy cảm nhất trong toàn bộ cuộc đời của con người).
Giáo dục trong giai đoạn 2 năm đầu tiên, kể từ khi được sinh ra nhằm xây dựng khái niệm về bản thân đứa trẻ. Đây là một phần trọng yếu trong sự hình thành nhân cách của trẻ. Trong giai đoạn này cha mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng. Người được thay thế cha mẹ không thể chỉ làm nhiệm vụ trông giữ trẻ.
Mỗi xã hội có cách thực hiện khác nhau. Ở một số quốc gia Châu Âu trong đó có Đức, việc này do người mẹ trực tiếp làm, được nghỉ tại nhà 2 năm và được hưởng phụ cấp của xã hội. Ở Phần Lan, giáo viên dạy trẻ trước tuổi đi học phải có bằng cử nhân. Ở các quốc gia XHCN trước đây, việc này được thực hiện rất tốt trong các trường mầm non và các trường mẫu giáo.
Giai đoạn từ 3 đến 8 tuổi được gọi là giai đoạn của “Cửa sổ cơ hội” (Window of opportunities), có vai trò quan trọng trong sự phát triển tư duy, nhân cách và có ảnh hưởng lớn đến suốt cuộc đời con người. Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ 5 tuổi có cấu trúc kết nối của não hoàn thiện ở mức 50%, ở 8 tuổi là 80%. Ở giai đoạn này, trẻ dễ tiếp thu, học hỏi những cái mới, cần được quan tâm giáo dục, chăm sóc thích đáng để phát huy hết tiềm năng trong tương lai. Một quốc gia muốn có nhiều nhân tài không thể không làm tốt giai đoạn giáo dục tuổi thơ ấu. Đây là lý do giải thích vì sao ở các nước Phương Tây, các cô giáo bậc tiểu học được đào tạo rất chu đáo và được học sinh quý mến như người mẹ thứ hai.
Giáo dục phổ thông chủ yếu phải khơi dạy những trí thức, những kỹ năng cơ bản, cần thiết, sát thực nhất để học sinh có thể áp dụng vào cuộc sống, nhằm thích nghi và hoà nhập tốt với xã hội. Ở bậc trung học, học sinh đã cần được giáo dục những kỹ năng nghề nghiệp cơ bản để có thể hoà nhập được ngay với xã hội nghề nghiệp. Điều này được rất quan tâm ở Pháp, Đức và một số nước khác ở Châu Âu. Đây cũng là điều Viêt Nam học được khi dự Hội thi kỹ năng nghề thế giới ở London 2011.
Giáo dục đại học phải khơi dạy và nuôi dưỡng tính ham học và nâng cao khả năng tự học cho sinh viên.
Hãy làm như Mutsuhito và Pyotr I đã làm
1. Làm theo Mutsuhito và Piotr I nghĩa là: Lựa chọn và nhập khẩu 1 mô hình giáo dục của 1 quốc gia nào đó trong 2 hệ thống Anglo-Saxon hay Bologna mà chúng ta thấy thích hợp nhất , rồi trước mắt làm như họ, sau đó hãy nghĩ cách cải tiến.
Khi còn sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn ao ước “Dân ta ai cũng được ăn no, được mặc ấm và được học hành”. Đó là “Giấc mơ về cơ hội bình đẳng giáo dục” cho thanh niên nước ta. Hệ thống Bologna có thể đáp ứng được điều này và mô hình giáo dục của Pháp là thích hợp nhất.
2. Làm theo Mutsuhito và Piotr I còn có nghĩa là: Trong giai đoạn này, cần ưu tiên cho sự thành công của đổi mới giáo dục nên phải đặt vai trò nhà giáo đúng với vị trí của họ trong xã hội, cả về sự trọng vọng và đãi ngộ tiền lương. Kinh nghiệm của “Siêu cường giáo dục Phần Lan” và của tất cả 37 quốc gia có các đại học chất lượng đào tạo tốt nhất thế giới là trong giáo dục có 2 chủ thể “Nhà giáo và Học trò”.
Nhà giáo được ví như sĩ quan tác chiến ngoài chiến trường. Muốn đổi mới giáo dục thành công, cũng như muốn thắng trận ngoài chiến trường, phải chăm lo đúng mức cho họ.
Trong thời gian đầu cải cách giáo dục ở Nhật (1866-1869), mức lương của công chức Nhật là 30 Yen/tháng thì mức lương của nhà giáo bản xứ cao hơn mức này, còn mức lương trả cho giảng viên nước ngoài thì cao gấp 10 lần. Khi đó có khoảng 500 giảng viên nước ngoài giảng dạy cho 15 trường đại học đầu tiên của Nhật. Họ được trả lương đến 300 Yen/ tháng, ngoài ra còn được hỗ trợ về ăn ở và đi lại. Người Nhật không ghen tỵ. Họ chấp nhận hưởng lương thấp hơn, để các giảng viên nước ngoài cống hiến hết mình cho nước Nhật, truyền thụ các kinh nghiệm của họ cho người Nhật.
Ở Phần Lan, mức lương của giáo viên khoảng38.500 USD/ năm, ngang với mức lương trung bình trong Khối OCDE ( Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế ). Mức lương này không cao nhưng được xã hội Phần Lan trọng vọng.
Các thiên tài trong lịch sử đều có tầm nhìn chiến lược và đầu óc rất thực tế. Freidrich II Đại đế của Phổ là nhà chính trị kiệt xuất của Châu Âu thế kỷ 18. Nhà chính trị kiệt xuất ở Châu Âu thế kỷ 18 nói: “Không có vị tướng đói meo nào có thể làm anh hùng cho toàn quân”. Còn Piotr I Đại đế là nhà cải cách kiệt xuất của nước của Nga thế kỷ 18 thì nói: “Binh sĩ không thể ăn no với những lời hứa hão huyền”.
Lùi 1 bước để còn tiến nhiều bước
Hãy xem 1 so sánh sau đây:
Năm 2010, Việt Nam có gần 90 triệu dân, GDP 101 tỉ USD, GDP danh nghĩa bình quân đầu người 1.546 USD, số trường đại học và cao đẳng là 409.
Cũng năm 2010, Đức có 82 triệu dân, GDP của họ là 3.900 tỉ USD (gấp ta 38 lần), GDP danh nghĩa bình quân đầu người của họ là 39.339 USD (gấp ta 25 lần), số trường đai học của họ là 323.
Tham khảo thêm: Cũng năm đó Pháp chi từ ngân sách bình quân cho mỗi sinh viên trong năm học là 10.150 Euros tương đương 304 triệu VND/1 sinh viên.
Quy mô mạng lưới các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam lúc này đã phát triển vượt ngưỡng chịu đựng của nền tài chính quốc gia. Tiền đâu để chi phí nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo? Nếu mời 2 giáo sư Mỹ vừa được nhận giải Nobel 2012 là Alvin E. Roth và Lloyd . S. Shapley sang làm cố vấn tài chính cho Bộ Giáo dục – đào tạo, chắc chắn các giáo sư ấy sẽ khuyên trước mắt nên thu hẹp quy mô màng lưới đại học và cao đẳng cho phù hợp tiềm lực tài chính hiện có.
OCDE đã nhắn nhủ các quốc gia: “Cách chi vào giáo dục như thế nào là quan trọng”. Friedrich II Đại đế của Phổ từ thế kỷ 18 thì nói: “Sức mạnh của tiền bạc và thời gian phải được dùng đúng chỗ”.
Muốn vậy, đương nhiên Bộ Giáo dục – đào tạo phải quy hoạch lại mạng lưới, có giảm, có thành lập mới, có hợp nhất, sao cho cuối cùng tăng được số học sinh học nghề và giảm bới số lượng sinh viên để mức kinh phí tính trên đầu sinh viên tăng .
Nếu Bộ cũng chọn mô hình giáo dục của Pháp thì nên quy hoạch lại như sau:
1. Trước hết, hàng năm kiên quyết phân luồng 50% học sinh sau lớp 9 vào học các trường THPT nghề, giảm bớt số sinh viên vào đại học. Có phân luồng được hay không, chủ yếu phụ thuộc chất lượng chương trình đào tạo nghề và chính sách sử dụng sau khi học sinh ra trường.
2. Thực hiện nghiêm quy định đào tạo bậc cao đẳng 2 năm, sẽ giảm ít nhất 30% kinh phí chi cho giáo dục Cao đẳng so với trước.
3. Thành lập mới 1 số trường Cao đẳng nông nghiệp và 1 số trường THPT phân ban nông nghiệp (Lycée Agricole) cho các vùng chuyên canh lúa. Kinh nghiệm của Pháp: Nền kinh tế của Pháp hiện nay là nền kinh tế sau công nghiệp, chỉ còn 3% dân số làm nông nghiệp nhưng năm 2009 có 218 trường Lycée Agricole.
4. Chuyển chương trình đào tạo kỹ sư đang là 4 năm lên 5 năm. Thành lập mới từ 1 đến 2 Viện đào tạo Kỹ sư khoa học ứng dụng theo mô hình Viện INSA de Lyon với quy mô mỗi Viện 1.500 sinh viên, thời gian đào tạo 5 năm. INSA de Lyon luôn luôn đứng trong Top 1 các trường đào tạo kỹ sư Pháp.
Thành lập Hội đồng Danh hiệu kỹ sư toàn quốc theo mô hình Cti của Pháp, để kiểm định chất lượng đào tạo kỹ sư và công nhận bằng kỹ sư của các trường.
Ở Pháp, các đại học đào tạo đa lĩnh vực và đa ngành gọi là Đại học tổng hợp (Université). Các đại học đào tạo đa ngành nhưng chỉ trong 1 lĩnh vực gọi là Viện (Institut).
5. Tổ chức lại Hệ thống các trường, lớp giáo dục mầm non và mẫu giáo trong cả nước, theo phương thức bán công, đào tạo giáo viên và giao cho chính quyền các phường, xã trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý .
6. Hợp nhất 1 số trường đại học mới thành lập nhưng hoạt động kém hiệu quà thành những trường đại học tổng hợp hỗn hợp (The comprehensive universities) theo mô hình của Đức hoặc của Pháp. Đây là loại trường hợp nhất trường đại học tổng hợp và 1 số Viện đại học trên cùng khu vực, nhằm tận dụng có hiệu quả đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, thư viện, phòng thí nghiệm, đội ngũ giáo viên, bộ máy quản lý và hành chính.
7. Chuẩn bị các điều kiện để Việt Nam có thể chuẩn hoá bằng cấp đại học, xoá dần sự khác biệt về bằng cấp giữa Việt Nam và các quốc gia có mối bang giao sâu về kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để trao đổi sinh viên, lao động bậc cao và hợp tác kinh tế.
8. Làm theo lời khuyên của GS Viện sĩ Sergei Petrovich, trong một thời gian trước mắt hãy dành số kinh phí nghiên cứu cơ bản ít ỏi cho các Viện nghiên cứu. Đối với các đại học, hướng công việc nghiên cứu của họ về các doanh nghiệp, theo mô hình SYNERVIA của Pháp. Kinh nghiệm của Phá: Hàng năm Pháp đều tăng ngân sách cho R&D. Năm 2007, Pháp đã chi 37,9 tỉ Euros cho R&D, chiếm 2,1% PIB (1euro = 30.000 VND) nhưng phần lớn các nhà nghiên cứu đều làm việc trong các trung tâm nghiên cứu của Nhà nước và mối liên hệ giữa các cơ quan đó với doanh nghiệp là yếu nên hiệu quả đối với nền kinh tế cũng yếu. Pháp đã khắc phục được dần tình trạng yếu kém nay bằng tổ chức SYNERVIA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét