thư mục

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Chuyện hai cầu


   
Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự - Ai thiết kế cầu Thê Húc ?

























ảnh bên là cầu Thê húc đang được dựng lại
Hai Cau The Huc
Trong ảnh bên có hai cái cầu đi vào đền Ngọc Sơn, người đi trên cầu ăn mặc có vẻ trang trọng


 Năm 1945, Nhật dựng chính phủ Trần Trọng Kim. Chính phủ “Đế quốc Việt nam” này tồn tại rất ngắn ở Huế nhưng đã kịp bổ nhiệm cho Hà Nội thị trưởng đầu tiên của mình: ông Đốc Lý Trần Văn Lai. Ông bác sỹ này là người đã quốc ngữ hóa toàn bộ văn bản hành chính của thành phố Hà Nội. Trước đó ngôn ngữ chính thức của công quyền là tiếng Pháp.  Ông cũng đặt lại tên danh nhân Việt (rất nhiều danh tướng) cho các con đường mang tên Pháp, bỏ tên Pháp lấy lại tên cũ cho khu phố cổ. Nhân tiện, ông cũng cho giật nốt mấy cái tượng, trong đó có tượng Bà Đầm Xòe (Lady Liberty) ở Cửa Nam và tượng Paul Bert (nay là chỗ tượng Lý Thái Tổ). Lúc này Hà Nội chưa có tượng Lenin.
Đến khi Pháp chọn giải pháp Bảo Đại và dựng Quốc gia Việt Nam (1949), thì chính phủ mới này bổ nhiệm ông thị trưởng thứ hai của Hà Nội (1950): một ông nhà giàu ăn mặc rất đẹp, gốc Hoa, tên là Thẩm Hoàng Tín. 

Tết năm 1952 cầu Thê Húc bị gãy. Để có thiết kế đẹp thị trưởng Thẩm Hoàng Tín tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu và trong hơn ba chục mẫu của các kiến trúc sư cả Pháp lẫn Việt tham gia thì thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm (1908-1999) được lựa chọn. Vẫn giữ lại dáng cong cầu vồng xưa nhưng Nguyễn Ngọc Diệm thiết kế cong hơn để cầu khỏe hơn, đồng thời làm cầu nổi hơn. Nguyễn Ngọc Diệm giữ nguyên 16 hàng cọc tròn nhưng các đầu trụ được vuốt nhọn như gợi nhớ lại chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng. Dầm ngang và dầm dọc của Thê Húc đúc bằng bê tông để kéo dài tuổi thọ, tuy nhiên mặt và thành cầu, ông thiết kế bằng gỗ. Trong quá trình xây lại cầu, họ dựng cầu tạm bên cạnh. Ảnh chụp có hai cây cầu phía trên, có lẽ là ảnh hôm khai trương cầu Thê Húc mới: vẫn còn cầu tạm, và khách đi trên cầu ăn mặc rất đẹp. Năm 1952 đang là chiến tranh Pháp Việt, nên sự kiện này hẳn là rất được gây chú ý của cư dân Hà Nội.

Sau 1954 cả hai ông thị trưởng Trần Văn Lai và Thẩm Hoàng Tín đều không di cư vào Nam mà ở lại Hà Nội. Trần Văn Lai sau làm thứ trưởng, làm phó chủ tịch thành phố. Con của ông Thẩm Hoàng Tín có người ở Pháp, nên sau này ông đi Pháp chữa bệnh (1979), ở lại Pháp với con, mất tại Pháp. Con gái ông Thẩm Hoàng Tín là vợ của giáo sư sử học Lê Thành Khôi, và là mẹ của ngôi sao nhạc jazz Nguyên Lê. Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm cũng ở lại và có thêm một số công trình như cổng công viên Thống Nhất (cổng đường Nam Bộ, nay là Lê Duẩn), cầu trong công viên, khu tập thể (xưa là tiểu khu) Nguyễn Công Trứ.



***