thư mục

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Học và thực học bắt đầu từ đâu?

Học với mục đích và khát vọng gì? Câu hỏi này có lẽ chưa bao giờ lớp người đi học tìm câu trả lời sát sao để mà có được câu trả lời thỏa đáng. Bởi sự trọng quan và trọng bằng cấp vẫn là mục đích cao nhất của phần đa người học, và nguyên do sâu xa nhất của sự trọng đó cũng chỉ là mong có được một chỗ ấm thân bằng mọi giá, chứ không phải đúng nghĩa của từ trọng.

Xưa, thời học từ chương khoa cử thì chỗ ấm thân là một chức quan nho nhỏ trong triều. Nay, với số đông vẫn là chức quan nho nhỏ “trong triều”, một suất biên chế lương ít bổng lộc nhiều hay một cái nghề đang “hot”. Trong khi đó, sự học đích thực là nuôi dưỡng sáng tạo lẫn khát vọng dân tộc, và xa hơn nữa là đóng góp cho văn minh nhân loại.
Tuy nhiên, những chỉ dấu tích cực đang có chiều hướng tăng khi số người dám dấn thân theo đuổi đam mê khoa học, hay dấn thân vào chốn thương trường. Nhưng ngay cả trong số này, mục đích của việc học cũng chỉ dừng lại ở cái mức có một mảnh bằng đỏ như một sự đảm bảo, một tờ giấy thông hành, có được mấy chân tài có thái độ học với khát vọng cống hiến khi họ bắt đầu việc học, học bằng tư duy và học với trách nhiệm làm người? Nói đến đây, chợt nhớ cái slogan của IPL (chương trình Hạt giống Lãnh đạo Doanh Nghiệp) “Nhân tài - Thực học – Sánh vai”, một ngôi trường không cấp bằng như một tuyên ngôn học không vì bằng cấp mà vì đẳng cấp. Vậy đẳng cấp mà dân IPL nói đến là gì? Liệu họ đã chạm tới khát vọng của việc học? Tôi tin là có, trong cách họ truyền lửa về những con đại bàng với khát vọng đưa doanh nghiệp Việt Nam ra biển lớn. Tất nhiên ở đây chúng ta chỉ bàn tới khát vọng, còn khả thi hay khả năng là chủ đề của những cuộc trao đổi khác.

Xuyên suốt cuốn “Khuyến học” nhà tư tưởng vĩ đại của Nhật Bản, ông Fukuzawa Yukichi đã truyền khát vọng học tập cho thanh niên, cho lớp người cả đời họ và muôn đời trước đã coi thân phận thấp hèn của mình như là sự mặc định tự nhiên. Học trước tiên để làm người độc lập, tự do. Học để hiểu mỗi cá nhân là một mắt xích trong xã hội, sự tự do độc lập ấy tức là biết vị trí của mình trong xã hội, quyền được làm người, làm một quốc dân có tinh thần dân tộc. Đó là thực học.

Tinh thần thực học đã từng được du nhập vào Việt Nam bởi phong trào Duy Tân. Vào thời kỳ này, một số trường tư thục được mở ra với mục đích khơi gợi và nuôi dưỡng việc học tập để có nghề, có nghiệp trên cơ sở thúc đẩy tự do cá nhân, khát vọng dân tộc. Nhà nghiên cứu Bùi Trân Phượng đánh giá phong trào Duy Tân “Thiết lập nền học mới vì một tương lai dân tộc Việt thoát khỏi thân phận nhược tiểu bị khinh khi, ức hiếp không phải chỉ là tâm huyết của những người mở trường và đội ngũ sư phạm, còn là sự đồng tâm của xã hội”. Dù chỉ tồn tại trong vòng 9 tháng nhưng ảnh hưởng của phong trào Duy Tân đã lan rộng đến nhiều nơi trên đất nước, như những con sóng liên tiếp nối nhau, những dư âm và hồn cốt của phong trào còn lưu lại đến ngày nay.

Học cái gì? 

Ngay từ trang đầu của “Khuyến học”, Fukuzawa Yukichi đã đưa ra câu trả lời cho việc học cái gì? Rất cụ thể, ông gọi Nho học là cách học “dẫn đến tán gia bại sản”, ông thẳng thắn và cụ thể đưa ra các môn học hữu dụng cho đời sống từ kinh tế đến đạo đức. Vậy những nội dung học mà ông đưa ra cách đây 150 năm cho xã hội Nhật Bản có còn hữu dụng ở thế giới hiện tại và xã hội Việt Nam hiện tại?

Đã ở thế kỷ 21, khi nhiều quốc gia đã bước qua giai đoạn thành công mỹ mãn của thời kì cách mạng công nghiệp, cách mạng công nghệ và tương ứng với nó là các mô hình đào tạo thực dụng, theo nghĩa chỉ đào tạo các ngành nghề mà xã hội tại thời điểm đó đang thiếu và cần.  Ngay cả với  Mỹ đã được cảnh báo về xu hướng đào tạo này (từ trước cuộc khủng hoảng kinh tế), nay trăn trở với sự phát triển bền vững trong giáo dục, quay trở lại đặt câu hỏi: liệu các môn học thuộc khoa học cơ bản, khoa học xã hội đã được quan tâm đúng mức? Nghĩa thực dụng của giáo dục khai phóng là giáo dục hướng tới mục tiêu con người tự do, con người trưởng thành có tư duy và trách nhiệm và do đó sẽ có khả năng phát triển mọi ngành nghề mà họ đam mê, chứ không chỉ dừng lại ở mục đích cung cấp các kỹ năng thực dụng cho một nghề đang thiếu tại thời điểm ngay lúc đó của nền kinh tế thị trường, như một cách gián tiếp biến con người thành nô lệ của vật chất mà không khơi gợi được đam mê của một con người tự do. Vậy với Việt nam, mặc dù chưa chạm tới sự thành công của nền công nghiệp hay công nghệ, chúng ta có nên phớt lờ các cảnh báo này? Chúng ta nên cổ súy cho nền giáo dục theo hướng thực dụng của kinh tế tiêu dùng hay thực dụng của nền giáo dục khai phóng?

Tôi ủng hộ quan điểm giáo dục khai phóng đào tạo con người tự do, có trách nhiệm. Có tự do mới khơi gợi đam mê, có đam mê mới có thành công và đóng góp, không biến mình thành nô lệ vật chất hay bất cứ hệ tư tưởng nào. Khi đã đủ trưởng thành và tự do, đủ đam mê và trách nhiệm thì một hay vài năm đủ để trang bị các kỹ năng cơ bản cho các ngành nghề và chuyên môn hẹp.

Vừa qua sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam đã phần nào cho thấy sự thiếu hụt niềm tin và mục đích sống của thanh niên khi những cơ thể khỏe mạnh thông qua Nick để được an ủi, được thắp lửa. Đó là hệ quả tất yếu của sự thiếu hụt mục đích học tập, khát vọng học tập. Vậy do đâu mà họ thiếu? Câu trả lời do một nền giáo dục bừa bộn đã quá rõ ràng.

Vậy thì liệu một cuộc cách mạng giáo dục có khả năng cứu vãn niềm tin và thắp sáng khát vọng này không? Và học cái gì để đạt được mục đích đó?

Theo Hannah Arendt, học là để hiểu thế giới khách quan, bao gồm cả thế giới vật chất và con người. Tôi mạn phép bổ sung, học còn là để khám phá thế giới chủ quan, khám phá cái nội tâm của mỗi con người trong chúng ta để trả lời cho câu hỏi: chúng ta là ai trong thế giới này và khát vọng sống của mỗi chúng ta là gì? Tôi dùng chữ khát vọng không chỉ gồm những khát vọng to lớn thay đổi đất nước hay trở thành một nhà tư tưởng, một nhà khoa học, khát vọng để hiểu rõ cái nội tâm, cái mục đích làm người tự do của mỗi cá nhân cũng không kém phần quan trọng, dù đó là một người làm vườn hay một chính khách.

Vậy chúng ta có đi xa quá đến thành hư vô khi bàn tới đây cả mục đích làm người hay việc thấu hiểu nội tâm? Và phạm trù này có nằm ngoài việc học gì, cụ thể là học gì trong trường phổ thông và đại học hiện nay?

Rõ ràng không cần bàn cãi rằng việc có mặt các môn học từ khoa học cơ bản, đến các môn xã hội, các môn nghệ thuật, các môn chuyên ngành hẹp là các môn thực dụng của một nền giáo dục khai phóng trong nhà trường là tất yếu và cần thiết. Nhưng chúng ta học gì ở các môn này? Việc lựa chọn giảng dạy các môn học thực dụng nhưng theo lối Nho học, một lối đọc  - ghi, hay cao hơn là truyền đạt – ghi nhớ, như một sự nhồi nhét kiến thức và hoàn toàn vắng bóng phản biện hay đối thoại ở đây (tôi muốn nói ở đây là ngay từ lớp vỡ lòng) có ích gì chăng? Tôi cho là không nhiều nếu không nói là vô ích, nhất là trong thời đại mà một chiếc điện thoại bé xíu có khả năng ghi nhớ bằng hàng trăm nghìn lần khả năng ghi nhớ kiến thức cả đời đi học của một học sinh, sinh viên trung bình. Nếu tiếp tục giảng dạy theo lối này không khác gì bình mới rượu cũ, với lối thi cử trả bài như một cách cổ súy cho cung cách học tầm chương trích cú, không tư duy, thiếu tự do.

Học và dạy như thế nào?

Từ cách đây nửa thế kỷ đã tồn tại các lý thuyết về giáo dục như: Tư tưởng giáo dục dân chủ của John Dewey, trẻ em học trong lúc chúng tự thực hành và trong lúc chúng được tự mình sống cuộc sống thực và cuộc sống diễn ra ngay hôm nay; Tâm lý giáo dục lứa tuổi của Jean Piget (Piaget’s Gennetic Epistemology) và công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại, đưa ra một cách tiếp cận giáo dục hiện đại với bậc phổ thông. Và trước đó, hồi đầu thế TK XX, bất chấp lối thi cử và sách giáo khoa lúc đó, phong trào Duy Tân ở nước ta đã chú trọng đến vai trò chủ động của người học bên cạnh người thầy vẫn là nhân tố quyết định có khả năng định hướng cho người học tại các trường tư thục. Gần đây, ở nước ta, nhóm Cánh Buồm đã tiếp thu và vận dụng các lý thuyết và kinh nghiệm này thông qua cách học “learning by doing/ học tự nghiệm”, học thông qua hệ thống các việc làm cụ thể mà giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh trong từng giờ học để học sinh được tự làm, từ đó tự học, tự giáo dục. Người thầy chỉ làm nhiệm vụ định hướng chuỗi việc làm, học sinh tự trải nghiệm, hoàn toàn phủ nhận lối giảng dạy đọc - ghi, hay truyền đạt - ghi nhớ.

Giáo dục đại học lại càng cần đến tinh thần tự chủ và tự do của thầy và trò. Nếu chúng ta tham khảo các trường học Torah của người Do Thái sẽ thấy các hội trường chật như nêm và ở đó sinh viên hào hứng say mê đối thoại, tranh luận với nhau và với thầy. Không có cách học nào hiệu quả và khai phóng như cách biến mỗi sinh viên thành một người thầy, một nhà diễn thuyết, ngay cả với những môn tưởng như không liên quan gì tới nghệ thuật tranh biện như khoa học cơ bản.

Cần mặc nhận rằng chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ, giáo dục thế giới không còn loay hoay với phương pháp dạy hay bộ sách giáo khoa nữa. Giáo dục trong thế giới phẳng đã giúp người học ngụp lặn kiếm tìm trong thế giới công nghệ, nguồn học liệu đã không biên giới, không giới hạn. Khi mà ở bất cứ đâu bạn cũng có thể tham gia một giờ học như sinh viên Harvard, khi mà một ý tưởng của bạn có thể được hàng triệu người chia sẻ, một đóng góp nhỏ của bạn cũng có thể cho hàng triệu triệu người hưởng lợi. Chẳng hạn, một thanh niên Ấn Độ khởi sự một mình với Khanacademy nay đã là một nguồn học liệu mở và phong phú cho khắp thế giới. Vậy, nếu chúng ta biết cách dạy trẻ con một cách học chủ động, biết nâng niu cái động cơ hướng thiện, hướng thượng của việc học trong mỗi đứa trẻ thì với thời đại mà chúng sống, với môi trường mà chúng đang có, chúng hoàn toàn sẽ sớm biết sử dụng và tận dụng kho báu quý giá này, và như một sự đương nhiên một đứa trẻ biết học chủ động sẽ không thể là một thanh niên thiếu mục đích sống, thiếu khát vọng sống.

Từ những cứ liệu trên, kỳ vọng rằng một cú hích cho cả thầy và trò, để bắt đầu cho một cách học chủ động, học với tư duy và trách nhiệm làm người, học với sự trung thực cao độ. Chúng ta khuyến khích học sinh đem sách vở, tài liệu vào phòng thi, thậm chí có thể kết nối internet, như một nguồn tham khảo để giảm bớt việc cần phải thuộc lòng ghi nhớ.

Fukuzawa Yukichi đã từng khuyên các bạn sinh viên cách đây 150 năm nên đọc các sách của phương Tây, và nếu đọc được bằng văn bản gốc thì càng tốt. Chắc chắn rằng, lời khuyên vẫn luôn hữu dụng cho sinh viên Việt Nam hiện tại bởi tiếp cận giá trị phương Tây đồng nghĩa với sự tiếp cận tri thức khai phóng và sáng tạo, đặc biệt, việc tiếp cận nguồn tri thức bằng ngôn ngữ của các quốc gia kiến tạo ra nó sẽ giúp sự hiểu biết sâu và rộng hơn.

Học suốt đời

Một thực trạng đã và đang diễn ra trong xã hội chúng ta là sự tự mãn của số đông khi họ đã sở hữu tấm bằng trong tay. Họ tự đóng cửa giam mình lại trong cái mớ kiến thức nghèo nàn đến bần cùng trong quá trình học thụ động, thiếu tư duy, không khát vọng, chỉ để dành được tờ giấy thông hành; và rồi khi đã bước qua cánh cửa để có một chỗ ấm thân, họ rung đùi với sự “thành công” tột bậc ấy, bao nhiêu năng lượng có được chỉ nhằm để bày mưu tính kế leo cao, cao mãi. Không mấy ai trong số họ trăn trở và rèn rũa năng lực người, phẩm cách người.

Xét ngay khu vực giáo dục công, nơi được kì vọng và mặc định cao nhất về việc học tập suốt đời. Có vị giáo sư đã đưa ra con số thống kê: chưa đến 10% giáo viên, giảng viên biên chế tiếp tục đọc sách, học tập và nâng cao trình độ chuyên môn. Đó mới chỉ là nói đến chuyên môn, một thứ tất yếu phải nâng cao, mà chưa tính đến việc học tập vô vàn các lĩnh vực khác của cuộc sống để nâng mình lên. Liệu con số trung thực về việc các giảng viên, giáo viên đọc sách ngoài chuyên môn là bao nhiêu cuốn/năm?

Khi người thầy không đọc, không học đương nhiên không kích thích được tinh thần tự học, học suốt đời của học sinh. Có hai câu chuyện nhỏ mà nỗi buồn lớn: câu chuyện thứ nhất về việc không quản được thì cấm của Bộ giáo dục (về việc in và phát hành sách tham khảo), họ có luật cấm giáo viên giới thiệu tài liệu tham khảo tới học sinh dưới bất cứ hình thức nào? Có gì khôi hài hơn luật này không?!

Câu chuyện thứ hai, với cương vị là người thầy, tôi đưa sách đến học sinh để khuyến khích thói quen đọc và đọc rộng của các em thì gặp phải lời từ chối của hơn một học sinh giỏi rằng “bố mẹ em không cho đọc gì ngoài sách giáo khoa, sách tham khảo để học các môn trên lớp”, không biết các ông bố bà mẹ đó có hiểu được sách tham khảo để học tốt, để làm người tốt không phải chỉ là những cuốn sách có gắn mác “sách tham khảo”?

Liệu có giải pháp nào để hình thành thói quen và nhu cầu học suốt đời? Chưa bao giờ việc tự học và học suốt đời lại thuận tiện như bây giờ khi mà nguồn học liệu miễn phí trở nên vô tận và phong phú đến thế. Một xã hội bình đẳng, coi trọng dân chủ, tri thức và tri thức được đánh giá đúng đắn, được trả công xứng đáng sẽ tự nó là một xã hội học tập suốt đời. Sẽ không thể có sự manh nha của xã hội học tập nếu giá trị vật chất được đặt lên tối thượng, nếu mục đích sống cao nhất của mọi thanh niên là có xe Lexus, của mọi cô gái là có túi Louis Vuitton! Vậy giải pháp duy nhất cho xã hội học tập lại quay trở về vấn đề quả trứng và con gà, chỉ khi các hệ giá trị được tạo dựng đúng đắn chúng ta mới dần tạo ra mội xã hội học tập suốt đời, và ngược lại chỉ khi xã hội học tập suốt đời chúng ta mới tạo dựng lại được hệ giá trị đúng đắn cho mọi tấng lớp trong xã hội.

Thực học sẽ làm nên giá trị và nhân cách


Kết quả thi đại học vừa qua cho thấy, có hơn 66% thủ khoa là học trường làng. Có nghĩa những học sinh toàn do tự học là chính. Nhà văn Ngô Thảo cho rằng, hiện thực này mách bảo chúng ta nên bám sát văn hóa đọc, đó vẫn luôn là bệ phóng cho kiến thức, trí tuệ bay cao, còn tất cả những thứ khác chỉ là phương tiện.

- PV: Đa phần giới trẻ hiện nay lười đọc mà thường bị lôi cuốn bởi các phương tiện nghe nhìn… Hậu quả là kiến thức tuy có tăng về lượng nhưng lại thiếu chiều sâu và kỹ năng viết, diễn đạt cũng kém đi. Theo ông nên nỗi vì đâu?
- Nhà văn Ngô Thảo: Để làm việc, anh cần có rất nhiều kỹ năng, dẫu chỉ là cuốc đất cũng phải biết cuốc thế nào, như tiếng Quảng Trị, là khi nào dùng cuốc tai, cuốc chỉa, cuốc bàn, rồi còn mai, xẻng, xà beng… Lớp trẻ bây giờ đang mắc phải căn bệnh cái gì cũng biết, biết rất nhiều nhưng khi làm lại chẳng biết làm gì cả. Nghĩa là họ thiếu sự tỉ mẩn trong từng việc làm. Chúng ta cần phải dạy lớp trẻ những điều cụ thể như là anh nông dân phải biết trồng lúa mùa nào, ngày nào, chất đất ra sao. Rằng mùa màng chỉ có bấy nhiêu ngày, ngày nào nên dùng để gieo hạt, ngày nào phải ủ mầm, thóc bao nhiêu ngày… Chứ không phải như bây giờ, ai cũng nói được nhưng mấy ai biết những thao tác để làm ra nó ra sao.

Trong học hành cũng vậy. Tất cả mọi người đều đi học nhưng lại chẳng biết để làm gì. Ai cũng muốn tốt nghiệp đại học cốt lấy cái bằng để xin việc, nhưng thực tế thì sao, thất nghiệp đầy ra đấy, bằng tốt nghiệp treo xó bếp rồi xin đi làm bất cứ việc gì, miễn có tiền để nuôi sống bản thân.. Tôi không phủ nhận những người có định hướng thời nào cũng có nhưng tiếc rằng hiện nay số đó không nhiều.

Còn việc học ở trường thì nặng về lý thuyết chung chung, một người học nông nghiệp “ném” về nông thôn nhưng chẳng biết miền Bắc khác miền Nam ra sao, cây lúa ở vùng này khác vùng khác ra sao? Hiện nay, cái mà nhiều thanh niên học được đều chỉ mơ màng nên khi vào đời không có khả năng, không có kỹ năng lao động, kỹ năng sống… Mọi thứ họ đều thấy trước mắt nhưng họ không hề có kỹ năng để thực hành những công việc cụ thể.

Để học được, từ xưa đến nay người ta đều phải đọc, nhưng đọc trên giấy và đọc trên mạng hoàn toàn khác nhau. Mấy khi đọc trên mạng mà anh có được kiến thức gì? Trong việc học người ta thường chê học thuộc lòng nhưng thực ra, nếu không học thuộc lòng, anh không có cái gì cả. Có chăng anh đừng học thuộc lòng để làm việc cũng như học thuộc lòng thôi.

Đời này đến đời khác, có ai dạy mà người ta thuộc Kiều? Cái vốn sống thuộc lòng đó là cái mình phải biết nhưng sử dụng nó thế nào lại phụ thuộc bản lĩnh ứng xử của mình. Tại sao khi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang Việt Nam dẫn một câu Kiều ra nói, mình cảm thấy sung sướng? Là vì ông ta đã đụng đến một điểm nhấn của văn hóa người Việt.

- Nhưng sự thực thì các phương tiện hiện đại cũng có chức năng như đọc là giúp người ta giao tiếp?

- Phương tiện hiện đại chỉ giúp người ta giao tiếp, đọc cũng là một cách giao tiếp để anh biết thế thôi, nhưng để học, dứt khoát phải có sách vở. Ngày trước phải thức thâu đêm ngồi đọc, ghi chép những câu thơ hay nhưng chính thế hệ tưởng như học rất quê mùa như thế mới viết sách, làm được nhiều việc, chứ thế hệ đọc lướt nhiều, biết nhiều lại chưa thấy viết được gì độc đáo. Bạn nên biết, trí nhớ con người có hạn, nó chỉ được rèn luyện bằng những kỹ năng rất cụ thể.

Hiện nay, việc lớp trẻ xa rời kỹ năng đọc sẽ tạo ra một thứ văn hóa khác. Đó cũng là lý do vì sao trong Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam gồm các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới tại Việt Nam vừa diễn ra, người ta cũng lưu ý đến giáo dục và coi trọng khoa học cơ bản. Đó là chuyện ai cũng chấp nhận, tiếp thu nhưng không ai sáng tạo. Ngay cả truyện cổ tích, khi đọc ta chỉ nghĩ nó là thứ huyễn hoặc không có thực nhưng giá trị nó mang lại là vô cùng vì có một số người đọc nó nhưng không tin là cổ tích, đã biến những điều đó thành hiện thực. Trong thế giới chúng ta đang sống hiện nay, có biết bao điều mà mới đây thôi người ta cứ nghĩ đó là chuyện hoang tưởng. Để làm điều đó, dứt khoát phải là những người có đầu óc độc lập. Phải tự suy nghĩ mà chỉ suy nghĩ và sáng tạo được khi anh tự trang bị cho mình một vốn kiến thức thâm sâu về nhiều chuyên ngành khoa học, chứ không thể chỉ lướt trên mạng. Cho đến nay, cách học quan trọng nhất vẫn thuộc về cách đọc từ sách vở và thực nghiệm trong thực tế.

- Ở các nước tiên tiến, người ta dạy con trẻ cách đọc từ khi còn nhỏ để hình thành thói quen đọc sách sớm. Chúng ta có nên học theo cách này không, thưa ông?

- Đây là phương pháp giáo dục cơ bản. Nước ngoài sau khi tiếp thu khoa học, kỹ thuật tiên tiến, trải nghiệm cái lợi và cái hại của kỹ thuật, họ giác ngộ sớm hơn mình. Nhìn tình trạng đọc của lớp trẻ ta nhận thấy đây sẽ là thảm trạng trong tương lai. Một thế hệ không chịu đọc thì sẽ làm được điều gì? Không thuộc lấy vài trăm câu ca dao, tục ngữ; vài trăm câu Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, lắng nghe những làn điệu dân ca ba miền… thì lấy đâu ra vốn văn hóa dân tộc để sáng tạo? Mà vốn dân tộc mới là chứng chỉ quan trọng khi tham gia hội nhập với quốc tế.

Bạn thử đi phỏng vấn những nhà bác học, những kỹ sư sáng tạo… hỏi xem họ từng đọc bao nhiêu cuốn sách để có thể nghĩ ra, tìm ra phát minh, sáng tạo đó. Chỉ có cách đọc thực sự mới có thể chạm vào chiều sâu, hiểu được bản chất của vấn đề. Hơn bao giờ hết, văn hóa đọc nên được nhà trường, gia đình quan tâm. Đọc ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng chứ không phải chỉ là chuyện đọc sách truyện, sách văn học. Đọc cũng là một cách tự học và chỉ có tự học, mỗi người mới hoàn thiện hơn về mọi mặt. Cùng một khóa học, nhưng chỉ cần ra trường dăm mười năm sau, ai biết tự học là vượt trội lên hẳn.

- Nhưng xã hội bây giờ đòi hỏi con người phải cập nhật thông tin nhanh nhạy mà đọc sách thì cần thời gian để hiểu và sự tập trung cao độ. Thật khó để bắt thanh niên làm việc đó, thưa ông?

- Quả thật, thanh niên bây giờ ít người nói “cần cù bù thông minh”. Trong khi thực tế có hơn 66% thủ khoa là học trường làng. Có nghĩa những thủ khoa toàn do tự “cày” về kiến thức. Chính bằng chứng này mách bảo chúng ta nên bám sát văn hóa đọc, đó vẫn luôn là bệ phóng cho trí tuệ bay cao, còn tất cả những thứ khác chỉ là phương tiện. Nếu biến phương tiện đó thành phương thức sống, với vốn kiến thức ảo đó, bạn sẽ không đi được con đường dài đến tương lai.

Không phải bỗng dưng những tỷ phú như Bill Gates không trao tài sản cho con, mà vì họ tin con họ không chỉ giỏi như họ mà còn đi xa hơn nữa. Ngược lại, mình chỉ biết bao bọc, cho con đủ mọi thứ nên nó chẳng cần lao động. Ngày nay, không ai nhắc khái niệm Tự lực cánh sinh. Giờ đây, người ta chỉ nghĩ đến việc làm thế nào tìm được con đường ngắn nhất để có nhà cao cửa rộng, tiện nghi sinh hoạt thoải mái, có của ăn của để… Mặc dầu căn cứ vào đồng lương chính thức thì không làm sao cắt nghĩa được cho minh bạch. Có nghĩa rằng, có một số người có tài sản lớn không xuất phát từ công sức lao động. Thực tiễn xã hội này là bài học méo mó cho lớp trẻ thiếu bản lĩnh, một khi họ chỉ có một mục đích sống để hưởng thụ những tiện nghi, tài sản mà cha mẹ đã nhanh chóng kiếm được. Nhưng như thế anh là ai? Là vô danh tiểu tốt, sẽ là số 0, là con giun, con dế chứ không phải con người, đã là con người phải có danh gì trong trời đất chứ.

Hơn lúc nào hết, tư tưởng sống của nhà văn Nguyễn Công Trứ cần phải được nhắc lại để lớp thanh niên thấm nhuần và học theo: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Để có danh, tất nhiên anh phải đóng góp, phải làm được gì cho cuộc sống. Hình như bây giờ không ai nghĩ vậy mà chỉ nghĩ sống, tồn tại là được. Chí lớn, tầm nhìn xa có vẻ được người trẻ coi là những từ xa xỉ hoặc của một thời đã xa!

Bây giờ những người có ý chí để làm thay đổi cuộc sống của nhiều người khác cũng không nhiều. Ví dụ như ông Trương Gia Bình của Tập đoàn FPT hay Đặng Lê Nguyên Vũ của cà phê Trung Nguyên. Đây là những con người mà xuất phát điểm chẳng có gì đặc biệt nhưng ý chí của người ta hơn người, khi có ý chí thì dứt khoát phải học, mà cụ thể là đọc để có đầy đủ mọi kỹ năng cần thiết giúp ích cho công việc. Một con người có khả năng làm thay đổi cuộc sống của nhiều người. Xã hội ngày nay đang rất cần những con người như thế.

- Vậy điều cần thiết cho lớp trẻ bây giờ chính là tạo dựng, hun đúc lại ý chí và trách nhiệm của họ?

- Ngày trước cũng chính lớp trẻ là lực lượng chủ lực giành lại độc lập cho đất nước. Ngày nay, một con người sống trong bối cảnh đất nước tự do, thanh bình, hoàn toàn có thể bình yên để sống nhờ sự tạo dựng của người khác. Nhưng để đất nước ngày một tốt đẹp hơn, rõ ràng tuổi trẻ hôm nay phải có ý chí khác. Ai cũng bảo sao ngày trước sống với nhau tốt thế, ao ước bao giờ cho đến ngày xưa, nhưng con người thời ấy khuyết tật cũng không ít. Chiến tranh cũng làm con người méo mó đi chứ. Nhưng vì họ có lý tưởng sống và luôn sẵn sàng xả thân vì nó nên mới có đất nước độc lập hôm nay.

Công bằng mà nói thì sống trong cuộc sống thanh bình như bây giờ mà gìn giữ được đường biên đạo đức là rất khó. Đó cũng là trách nhiệm của lớp trẻ. Sau chiến tranh, những người có tuổi đã thể hiện sự bất lực khi chấp nhận một xã hội thực tế không như mong đợi; lớp kế cận cũng khó có thể làm được việc gì lớn, mà hiện thực xã hội nhiều vấn nạn hiện nay là nỗi lo lớn của cả dân tộc. Nhiệm vụ của lớp trẻ hiện nay phải cùng tìm đáp số để giải quyết bài toán này. Bây giờ mình muốn bảo vệ truyền thống quý giá của một dân tộc độc lập thì phải xây dựng một dân tộc hiện đại hơn.

Những phẩm chất như cần cù lao động, sáng tạo, thông minh phải được gìn giữ và phát triển. Niềm tự hào về dân tộc phải được nuôi dưỡng. Nhưng làm mới mẻ, hiện đại hơn bằng những phẩm chất mới phù hợp với xu thế của thời đại là điều cần thường xuyên nghĩ tới. Nhiệm vụ của tuổi trẻ không phải là xây dựng tương lai theo những khuôn mẫu mà người xưa đã vẽ ra. Đến lượt mình, họ phải xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, nhân văn phù hợp với điều kiện và xu thế của thời đại. Đó là công việc rất lớn mà lớp trẻ phải đảm đương. Một công việc cần rất nhiều tâm huyết, trí tuệ, nhiệt tình của lớp trẻ.

Để làm được điều đó không còn cách nào khác mà chính các bạn phải học và tự học, tự tìm tòi sáng tạo lấy. Nếu chỉ học lý thuyết, kinh nghiệm quá khứ chung chung không thể giải quyết được những vấn đề của xã hội hiện tại. Quan trọng nhất chính là dạy cho lớp trẻ biết và có ý thức về trách nhiệm với sự phát triển của xã hội hiện nay. Điều đó không phải là mới mẻ. Hãy nhớ lại bức thư đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh cả nước trong ngày khai trường đầu tiên của chế độ mới gần 70 năm trước.

- Nhưng để buộc giới trẻ quen với công nghệ, sống nhanh, sống gấp… với thói quen thích hưởng thụ hơn là việc chịu đọc sách là một điều rất khó, thưa ông?

- Đây là trách nhiệm của nhà trường. Mỗi cá nhân sinh ra đời phải tự biết mình muốn điều gì, muốn hưởng thụ từ những thành quả của quá khứ để lại, hay tạo được dấu ấn cho riêng mình? Người cứ sống và hưởng thụ cho qua kiếp người khác với cá nhân tự tìm đường hướng cho cuộc đời, để sự hiện diện của mình phải làm cho cuộc sống khác đi, giúp nó đẹp hơn, tốt hơn. Những điều này phải được giáo dục ngay từ khi còn ở nhà trường. Giáo dục không chỉ là dạy cho học sinh biết chữ với những kiến thức bách khoa mà cần hơn là giáo dục ý thức sống có trách nhiệm với sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Chỉ cần có ý thức, lớp trẻ sẽ làm được nhiều hơn điều mà chúng ta luôn mong muốn.

- Vậy, theo ông, phải mất bao lâu nữa thì thanh niên Việt sẽ lại có thói quen đọc trở lại?

- Đừng suy nghĩ theo kiểu đồng loạt như vậy. Thời nào cũng có những bộ phận thanh niên sống có lý tưởng và lấy học tập làm phương thức chủ yếu trang bị kiến thức và kỹ năng sống và làm việc cho mình. Đối với họ, đọc và học là công việc thường xuyên và suốt đời. Ngày nay bộ phận đó cũng không phải là quá thiểu số. Mấy năm gần đây, lượng xuất bản phẩm được tiêu thụ đã có chiều hướng tăng lên. Nhưng chúng ta quan tâm đến mặt bằng của tuổi trẻ học đường, đặc biệt ở nông thôn. Điều này phải được bắt đầu từ đội ngũ giáo viên. Một người thầy chăm học, chăm đọc sẽ bằng chính tấm gương của mình, truyền tình yêu và kinh nghiệm sống đó cho học sinh của mình. Thời phổ thông, tôi có may mắn được học ở Trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng thành phố Vinh, Nghệ An.

Điều đặc biệt là sau này, hầu hết giáo viên của chúng tôi thưở ấy đều trở thành những giảng viên có uy tín ở các trường đại học. Họ đã nêu một tấm gương để học sinh ở vùng quê đó nhiều năm trước đậu đại học đều trên 90%. Thầy và trò cùng học, cùng đọc sẽ tạo nên một thói quen, một nếp sống lâu dài cho mỗi học sinh khi vào đời. Hy vọng là trong chiến lược cải cách căn bản nền giáo dục đang được cả xã hội chú ý hiện nay, cùng với việc chọn khối lượng kiến thức hợp lý và cập nhật, việc giáo dục ý thức trách nhiệm của mỗi người và kỹ năng làm người, kỹ năng sống và lao động của mỗi người sẽ được chú ý đúng mức, đặt đúng vị trí. Khi đó việc tìm đến văn hóa đọc, kỹ năng đọc như là phương tiện để học tập suốt đời sẽ không còn phải đặt ra một cách riêng lẻ, hay một cuộc vận động mà hiệu quả thực tế không có bao nhiêu.

Riêng tôi tin, sau một thời gian cả xã hội cổ vũ và chăm chú chạy theo lối sống tôn sùng vật chất, lấy sự làm giàu cho cá nhân là mục tiêu, lấy sự hưởng thụ vật chất làm lẽ sống, sẽ tất yếu dẫn đến những hệ lụy về sự phân biệt bởi khoảng cách giàu nghèo, vô tình khôi phục lại một xã hội phân chia giai cấp, nghĩa là xa rời mục tiêu lý tưởng của cuộc cách mạng, thì bằng một cách nào đó, nhất định phải có sự điều chỉnh ở cấp vĩ mô. Quần chúng lao động đông đảo từng là đội quân chủ lực của cách mạng vẫn chưa có cuộc sống gọi là hạnh phúc đã đành, mà chúng ta đang chứng kiến hiện tượng không phải những người giàu nhất là những người hạnh phúc nhất. Đó là hậu quả của định hướng phát triển xã hội không đặt trên nền tảng văn hóa. Ngay buổi đầu dựng chế độ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Khi sự điều chỉnh này diễn ra, trước hết trong giáo dục, thì việc coi trọng văn hóa, coi trọng lối sống có văn hóa nhất định sẽ dẫn đến nếp sống, mà trong đó văn hóa đọc sẽ được coi là đương nhiên, bởi việc thực học sẽ làm nên giá trị, phẩm chất và nhân cách của con người Việt Nam trong tương lai.


THÁI LINH

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

TRUNG QUỐC NGHÀN NĂM


 Những nhập nhằng của Bắc Kinh và hiểu lầm của thế giới về Trung Quốc
  
 * Lãnh thổ "Trung Quốc" thời Nguyên Mông... Hốt Tất Liệt, Khang Hy, v.v... là người Hán ư?
 

Với dư luận thế giới, Trung Quốc là cường quốc đã có ảnh hưởng quốc tế trong cả ngàn năm, sau thế kỷ lụn bại chỉ bằng chớp mắt, nay đang chiếm lại ngôi vị truyền thống. Cho nên các chiến lược gia đều thấy sự thật này trong cách xử trí với một quốc gia từng là trung tâm thế giới hay thiên hạ, như tên gọi của Trung Quốc. Khốn nỗi, sự thật này chỉ là một huyền thoại.

Sự thật là Trung Quốc chưa từng là trung tâm của thế giới, dù chỉ là thế giới của đại lục Âu-Á. Và ngàn năm qua, Hán tộc đã từng bị các sắc tộc khác thống trị trong nhiều thế kỷ. Bài này sẽ nói về giai đoạn đầu của "ngàn năm Trung Quốc", từ năm 960 với Đế chế của nhà Đại Tống cho đến năm 1911 khi Đế chế nhà Đại Thanh sụp đổ, chấm dứt luôn sự cai trị của các Hoàng đế Trung Hoa, khởi đầu từ Tần Thủy Hoàng Đế vào năm 221 trước Công nguyên.

Sau ngàn năm đó là "trăm năm huy hoàng" của Hán tộc, từ 1912 đến 2013 - một chuỗi huyền thoại cận đại mình sẽ xét sau....

***
Thế giới ngoài Châu Á, là Âu Châu hay "Tây phương", có thể đã lần đầu tiên biết về Trung Quốc dưới cái tên là CATHAY, hình như là do lầm lẫn của Marco Polo khi kể lại chuyện Trung Quốc thời nhà Nguyên với cái tên phổ biến KHITAN tại Tây Á và Trung Á của Đế quốc Khất Đan hay Khiết Đan.

Khác với nhiều quốc gia mà tên nước phản ảnh chủ quyền của một sắc tộc chính (Đại Việt là một thí dụ, Afghanistan là một thí dụ khác, đất của người Afghan), Trung Quốc có tên nước khá trung hoà, chung chung, là "quốc gia trung tâm". Bên trong có nhiều sắc tộc khác nhau, nhưng Hán tộc giữ vai trò chính - hoặc làm như là đã từng giữ vai trò chính. Đấy là huyền thoại đầu tiên, một sai lầm cứ lưu truyền như chân lý. Ngày nay, khi tiếp tục dùng chữ "Trung" như Bắc Kinh hay con vẹt Hà Nội, chúng ta lưu truyền sự sai lầm đó. Vô tình hay cố ý thì xin cứ chọn!

Trong ngàn năm Trung Quốc, từ 960 đến 1911, Hán tộc đã nằm dưới, hoặc bị các dị tộc bợp tai đá đít trong nhiều thế kỷ, khoảng hai phần ba thời gian đằng đẵng này.

Trước hết, sử sách lười biếng - và kẻ đọc sử theo tinh thần bị Hán hoá, là không dùng óc phê phán - thường ghi rằng nhà Đại Tống khởi nghiệp nhờ Triệu Khuông Dận vào năm 960 sau 70 năm loạn lạc của thời "ngũ đại thập quốc" ("năm đời 10 nước"), và kết thúc vào năm 1279. Ngàn năm qua, đấy là triều đại của Hán tộc có thiên mệnh lâu nhất, dài hơn ba thế kỷ (319 năm).

Sự thật lại không hẳn như vậy. Trước hết là về nhà Đại Tống.


ĐẠI TỐNG 960-1279

 

Nhà "Đại" Tống quãng 1114, dưới chân Tây Hạ và nhà Kim, bên cạnh Tây Tạng và Đại Lý (Nam Chiếu)


Sự thật là nhà Tống có nhiều thành tựu chói lọi về văn chương hay kỹ thuật, nhưng là thời "đa nguyên" khi chính quyền trung ương suy yếu nhất trong các triều đại của Hán tộc. Lý do là một sự thật khác: lãnh thổ Trung Quốc tuột khỏi tầm kiểm soát của Hán tộc vì bị các triều Khất Đan, Tây Hạ và nhà Kim cai trị trong cả thế kỷ. Xin hãy đọc lại:

Từ năm 960 đến 1279, nhà Đại Tống bị mất đất 1) cho Khất Đan từ năm 916 (Triệu Khuông Dận chưa thống nhất tất cả như thiên hạ thường nghĩ) đến năm 1125; 2) cho Tây Hạ (thuộc tộc Tangut, Thông Cổ Tư, có họ với dân Tây Tạng) từ 982 đến 1227; 3) cho nhà Kim, thuộc sắc tộc Nữ Chân, có họ với dân Khất Đan và Mãn tộc sau này, từ năm 1115 đến 1234.

Không chỉ mất đất, nhà Tống còn bị chia hai. Sau trăm năm đầu thì Bắc Tống bị tộc Liêu uy hiếp và bị nhà Kim tiêu diệt năm 1127. Còn Nam Tống thoi thóp đến năm 1279 là tiêu vong.

Trong 319 năm đó, sự thật ai oán là nhà Đại Tống của Hán tộc chịu phận chư hầu, phải triều cống cho Khất Đan từ năm 1004 và cho Tây Hạ từ năm 1044. Năm 1207, Hoàng đế Nam Tống là Ninh Tông Triệu Khoách còn tăng mức triều cống và tự xưng cháu, "Hoàng điệt", với "Hoàng thúc" nhà Kim. Chúng ta kính trọng các anh hùng của họ, như Nhạc Phi hay Văn Thiên Tường, nhưng, khi thấy Hán tộc coi thường các sắc tộc họ gọi là tứ di thì đừng quên sự thật: trong hơn ba thế kỷ của nhà Tống, có hai thế kỷ là bị "man di" khuất phục. Ta nhớ lại các anh hùng dân tộc của ta đã đánh bại quân Tống, như Lê Đại Hành năm 981 hay Lý Thường Kiệt năm 1075....

 
Nam Tống trước khi tiêu vong

 NGUYÊN MÔNG 1279-1368

Sau đó là thời của cháu nội Thành Cát Tư Hãn, là Hốt Tất Liệt, người lập ra nhà Nguyên của sắc tộc Mông Cổ trên một lãnh thổ bát ngát.

Sau khi Thành Cát Tư Hản lấn đất cắm dùi từ năm 1207 thì Mông Cổ hoàn toàn làm chủ Trung Quốc từ năm 1279 đến 1368. Hán tộc là dân thứ cấp, hạng dưới, của người Mông Cổ. Dù có thi đỗ để ra làm quan từ năm 1315 trở về sau cho triều Nguyên Mông thì sĩ phu Hán tộc chỉ được nhậm chức ở địa phương. Triều đình trung ương thuộc các Đại Hãn. Họ kết nạp trí thức Tây Á, Trung Á, Á Rập, thậm chí Âu Châu (Marco Polo là thí dụ).

Đây là một thời "đa nguyên" khác vì tầng lớp ưu tú xuất phát từ nhiều sắc tộc, thuộc các tôn giáo hay văn hóa như Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo, Cảnh giáo hay Mani giáo ("Minh giáo" theo cái hiểu thông tục nhờ truyện võ hiệp Kim Dung).... Tư tưởng Khổng Nho và cả chữ Hán có được sử dụng, nhưng chỉ là phương tiện cai trị thực tiễn ở dưới. Và trí thức Hán tộc có hai ngả giải thoát là văn chương, và.... lại luyện thuốc trường sinh theo Đạo giáo.


ĐẠI MINH 1368-1644

 

Vạn lý Trường thành vào đời Minh - Tân Cương, Mông Cổ và Mãn Châu ở đâu? \
  
Sau trăm năm dưới ách Nguyên Mông (1279-1368) Hán tộc có cơ hội quật khởi khi Chu Nguyên Chương sáng lập ra một triều đại kéo dài từ 1368 đến 1644.

Trải ngàn năm của Trung Quốc nếu có một thời kỳ mà Hán tộc thật sự thi thố tài năng hoặc nguyện ước "bình thiên hạ" thì đấy là vào nhà Minh, ít ra trong nửa đầu của 276 năm cai trị, là hơn một thế kỷ. Kết luận là không có gì sáng láng!

Tính trung bình thì trong 276 năm, mỗi năm lại có một cuộc chiến (con số chính xác của Alastair Johnson, một học giả Harvard, là 1,12!) Ngoài chuyện loạn lạc triền miên với hơn 300 vụ xung đột giải quyết bằng quân sự, những điểm nổi bật nhất của nhà Minh của tộc Hán là:

Thứ nhất, mở rộng và củng cố Vạn lý Trường thành, một kỳ tích của sự sợ hãi có thể thấy được từ mặt trăng. Thứ hai và đấy là lý do, vì khu vực Trung Nguyên của Hán tộc thường bị các dị tộc Mông, Mãn tấn công. Thứ ba, nhà Minh quay đầu vào núi, giữ thể thủ để tồn tại: sau bảy chuyến hải hành từ 1405 đến 1433 của Tam bảo Thái giám Trịnh Hoà, một Đô đốc Hồi giáo, thì Hán tộc ra lệnh "hải cấm". Nhường đại dương cho thế giới. Thứ tư, nhà Minh trở lại lý luận tinh thuần của Khổng Nho, không tranh đua buôn bán với thiên hạ.

Một lý do quan trọng không kém của kỳ tích tự cô lập này là kinh tế: công khố bị kiệt quệ.

Mười năm chiếm đóng (1407-1418) và thu vét tài nguyên của Đại Việt lại ộc ra hết và lỗ vốn vì 10 năm kháng chiến của Lê Lợi từ 1418 đến 1427! Xin đặt lại "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi vào bối cảnh "geopolitics"....

Và dù đã nâng cao mở rộng Vạn lý Trường thành, Hán tộc dưới đời Minh vẫn không ngăn nổi thác lũ từ Đông Bắc, họ lại bị dị tộc khuất phục sau khi gặp cảnh tham ô và động loạn liên miên từ trước đời Sùng Trinh 1611-1644.

Kết luận thì lãnh thổ Trung Quốc thời Nguyên Mông rộng lớn chừng nào thì co cụm dúm dó chừng đó vào thời nhà Minh của Hán tộc. Rồi chỉ mở rộng là nhờ dị tộc Mãn Thanh.


ĐẠI THANH 1644-1911
 

Bản đồ Đại Thanh - và nghệ thuật nhận vơ của Hán tộc

Mối duyên, hay cái nợ, của Hán tộc với các sắc tộc Nữ Chân, Khất Đan hay Liêu Kim không kết thúc với nhà Nguyên hoặc được Trường thành Liêu Đông của nhà Minh ngăn trở. Các sắc tộc thiểu số trên vùng Đông Bắc đã tranh đua với nhau, thoát khỏi ách Nguyên Mông và quật khởi. Đó là Mãn Tộc, tự xưng nhà Hậu Kim rồi đổi thành nhà Thanh. Họ vượt trường thành vào làm chủ Trung Quốc từ năm 1644.

Ngẫm lại thì thế giới bên ngoài biết quá ít về các sắc tộc hay bộ lạc như Mông Cổ, Tây Hạ hay Thông Cổ Tư, hoặc Mạt Hạt, Nữ Chân, Khất Đan, Cao Ly hay Mãn Châu, v.v.... Có lẽ Hán tộc cũng tránh nói đến cái phần kém vinh quang của họ trên những khu vực hoang vu cằn cỗi nơi "quan ngoại", ngoài Vạn lý Trường thành. Cho đến khi bàng hoàng vì bị một sắc dân thiểu số từ đó bước vào cai trị trong 267 năm.

Các sắc dân này cũng có đại anh hùng, như Đại Hãn Nỗ Nhĩ Cáp Xích và con trai là Hoàng Thái Cực, hai người sáng lập nhà Đại Thanh. Họ là tổ phụ của những Khang Hy và Càn Long nổi tiếng trên thế giới và góp phần nhân đôi diện tích của Trung Quốc vào đời Minh!

Quả thật là nhà Đại Thanh đã là đại cường Đông Á trong thời kỳ đầu, với các cuộc viễn chinh mở rộng bờ cõi nhờ các chiến công quân sự tại Tân Cương, Tây Tạng, Nepal và Miến Điện. (Trường hợp nước ta với Quang Trung Nguyễn Huệ là ngoại lệ tê tái, y như các chiến công đời Trần).

Thế giới khi ấy chỉ có ba Đế quốc xứng tài là Đế quốc Ottoman theo Hồi giáo, Đế quốc Moghul của văn hóa Ba Tư và Đế quốc Đại Thanh của Mãn tộc.

Dưới triều Mãn Thanh, Hán tộc lại là loại công dân hạng nhì, thắt bím nằm im dưới các sắc tộc thiểu số. Trong tổ chức quân sự và dân sự, là "bát kỳ", dưới tám lá cờ, các tộc Mãn và Mông vẫn lãnh đạo ở trên, Hán tộc là nô bộc chỉ được tham dự về sau, và ở cấp thấp. Trong sinh hoạt trị quốc, chữ Hán có được dùng, nhưng chỉ là phương tiện điều hành cho cấp dưới, chứ các văn từ quan trọng nhất đều viết bằng tiếng Mãn. Việc Hán tộc đã "Hán hóa" của dị tộc cũng là một huyền thoại khác. Nhà Thanh áp dụng tư tưởng Khổng Nho vì có lợi cho bộ máy thống trị - và cũng khiến xứ sở lụn bại dần - chứ vẫn khinh thường người Hán. Chỉ những ai đã nhiều đời phục vụ các tộc Nữ Chân, Kim Liêu về trước hay Mông Mãn về sau mới được trọng dụng. Họ là thành phần bị gọi là "Hán gian"....

Chính là sự miệt thị này mới giải thích phản ứng dội ngược của Hán tộc trong cuộc cách mạng gọi là "Dân Quốc" vào năm 1911 - và những thảm kịch về sau. Chuyện về sau, khi sẽ nói sau....


***


Khi điểm lại "ngàn năm Trung Quốc", từ 960 đến 1911, ta thấy ra quy luật của sự nhập nhằng, lồng trong mặc cảm tự ti được che giấu bằng tinh thần tự tôn nhờ chiến công của người khác.

Trong 319 của nhà Tống, có hơn 200 năm bị ngoại thuộc từng phần rồi toàn phần. Cộng với gần trăm năm thống trị của Mông Cổ và 267 năm của Mãn Thanh, Trung Quốc thực tế bị ngoại tộc khuất phục trong khoảng 600 năm. Xin viết lại cho dễ nhớ: 600 năm cúi đầu trong 950 của Đế chế Trung Quốc.

Nói cách khác, đa số các Hoàng đế Trung Quốc không phải là người Hán. Hai phần ba thời gian vinh quang của Trung Quốc ngàn năm là một chuỗi dài nhục nhã cho Hán tộc.

Khi các dị tộc man rợ này cai trị thiên triều thì họ mở cơ hội cho nhiều sắc tộc khác tham gia. Khi Hán tộc có thể một mình một chợ thi thố tài năng thì chủ nghĩa duy chủng thắng thế, Hán tộc là nhất. Trung Quốc có sự "ổn định" huy hoàng - trăm năm đầu của nhà Tống và nhà Minh. Sau đó là nội loạn, ngoại xâm và lụn bại.

Ngày nay, khi lãnh đạo Trung Quốc lấy chiến công chinh phục của dị tộc để nói về chủ quyền của họ, từ vùng Mãn Châu qua Nội Mông, Tân Cương hay Tây Tạng, họ nhập nhằng với lịch sử. Và với địa dư. Những vùng đất nằm ngoài Vạn lý Trường thành, dù là xây vào đời Chiến Quốc, hay Tần, hay mở rộng vào đời Minh, không thể là lãnh thổ của Trung Quốc.

Lãnh đạo Bắc Kinh còn nhập nhằng với các sắc tộc khác khi lại đề cao Hán tộc và coi thường những sắc tộc đã bị đồng hóa lần mòn, mà vẫn chưa thấy yên tâm trong bụng.... Nếu hiểu ra tâm lý đó, ta có thể hiểu được những động thái ngày nay của Bắc Kinh, rất hung hăng với bên ngoài, để che giấu mối lo ở bên trong.


Đặt vào bối cảnh địa dư chiến lược của trường kỳ, ta mới thấy sự kiêu hùng của Đại Việt từ các chiến công lẫy lừng vào đời Tống, đời Nguyên, đời Minh đến thời Thanh làm Càn Long phải tâm phục.... Còn đâu cái nét kiêu hùng?

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

MỘT LẦN RA LÝ SƠN

ĐÔI MẮT LÝ SƠN

Bút ký của NGUYỄN VĂN DŨNG

  Mùa hè năm 1965, tôi nhận sứ vụ lệnh về dạy học ở trường Trần Quốc Tuấn – Quảng Ngãi. Biết tôi thích ngao du sơn thuỷ, đám đệ tử thân thiết khao thầy một chầu du ngoạn Lý Sơn.
Hồi ấy, qua các em tôi chỉ biết Lý Sơn là “Vương quốc của tỏi”, là nơi biển trời lung linh quyến rũ. Không may hôm lên đường gió to, biển động. Chiếc tàu hải quân chạy lòng vòng bên ngoài không sao vào được bờ. Thế rồi chiến tranh ngày càng ác liệt, thầy trò ly tán, Lý Sơn cũng theo gió bụi mà nhạt nhoà dần trong tâm tưởng tôi.
Gần đây, có dịp tìm hiểu thêm mới hay Lý Sơn không chỉ là “Vương quốc của tỏi”, không chỉ là “Đảo ngọc” lung linh mời gọi, mà còn gắn liền với hơn 400 năm lịch sử oai hùng, là điểm tựa tiền tiêu – nơi xuất phát những binh đội Bắc Hải vượt biển ra Hoàng Sa – Trường Sa khẳng định chủ quyền và bảo vệ biên cương tổ quốc. Thế là tôi quyết định theo đoàn cứu trợ ra Lý Sơn.
Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền 24 km, diện tích 10 km2, gồm 03 xã, khoảng hơn 20 ngàn dân. Lý Sơn có 2 đảo. Xã An Vĩnh và An Hải thuộc Đảo Lớn, xã An Bình thuộc Đảo Bé. Trận bão số 9/2009, Lý Sơn là tâm điểm bị tàn phá nặng nề nhất, trong đó xã An Bình của Đảo Bé gần như tan hoang. Chúng tôi chọn cứu trợ Đảo Bé. Người ta nói Đảo Bé là vùng đất của “tám không”: không điện, không nước (mùa đông dùng nước mưa, mùa hè phải mua nước ngọt từ Đảo Lớn), không đường, không quán ăn, không nhà trọ, không thông tin liên lạc, trường học lèo tèo, trạm xá thoi thóp… Duy chỉ một cái có, đó là tấm lòng. Quà cứu trợ cho các gia đình nạn nhân xê xích nhau từ 20 triệu đến 500 ngàn đồng, nhưng tuyệt nhiên không hề thấy cảnh kiện cáo, phân bì nhau như nhiều vùng khốn khó khác chúng tôi từng đi qua. Cái đảo nhỏ chỉ bằng bàn tay, loanh quanh một vòng là hết; đi tới đâu chúng tôi cũng nhận được sự chào mời rộng mở, và những đôi mắt biết cười. Vậy đó – tấm lòng. Có phải nhờ thế mà họ trụ được giữa sóng gió trùng khơi!
Buổi chiều, chúng tôi trở lại Đảo Lớn bắt đầu cuộc khám phá Đảo Ngọc. Lý Sơn là dấu tích của núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước. Năm ngọn núi lớn chiếm hơn nửa diện tích đảo như nâng Lý Sơn lên từ biển xanh, trông xa xa, Lý Sơn như con đại bàng vỗ cánh giữa trời nước mênh mông.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là Lý Sơn quá đẹp. Không mênh mông như Phú Quốc, không huyền bí như Côn Đảo; Lý Sơn nhỏ nhắn và sinh động, hoang dã và cao sang, mịt mù và gần gũi. Phía đông Lý Sơn là những ghềnh đá dựng đứng với vô số hang động, trong đó có Chùa Hang vào loại danh thắng độc đáo; phía tây Lý Sơn là những bãi cát mênh mang, mời gọi. Biển Lý Sơn có màu xanh chi lạ – nó xanh màu ngọc bích. Tôi chỉ gặp loại màu xanh này hai lần trong đời, một lần ở vùng biển Seattle phía Tây – Bắc nước Mỹ, và một lần ở Địa Trung Hải hồi tôi đến thăm quê hương Napoléon… Một vị bô lão cho biết, thuở xưa Lý Sơn xanh thẳm rừng nguyên sinh. Hèn chi người ta gọi Lý Sơn là “Đảo Thần Tiên”, chắc không phải chỉ vì trên núi còn dấu vết bàn cờ tiên, mà vì trú xứ của quí chư tiên thì hẳn là nơi non bồng nước nhược.
Buổi chiều tha thẩn ngắm hoàng hôn, buổi tối nhâm nhi cốc “rượu dú” chờ trăng mọc, lòng lâng lâng khinh khoái… là niềm hạnh phúc dễ gì có được giữa cái cõi thế quá nhọc nhằn này. Còn với những “tâm hồn ăn uống”, hãy tin tôi đi, Lý Sơn có đủ các loại hải sản quí hiếm chẳng nơi nào có được: đồn đột, vích, đồi mồi, cá thu, cá mú, cá dìa, mực nang, mực ống, ốc xà, ốc lờ, ốc bàn tay, ốc tai tượng… cùng với các loại gỏi tỏi, gỏi cá đặc sản, ai có dịp thưởng thức sẽ hương vị để đời.
Đứng trên ghềnh đá bờ Đông vác mặt nhìn ra biển khơi, tưởng như nghe được hơi thở của Hoàng Sa – Trường Sa. Biển mênh mông, sâu thẳm, sóng tung bọt trắng bờ. Rõ ràng đây là loại bãi biển chỉ dành cho cánh nam nhi đại trượng phu: chí khí, niềm tin, khát khao, và những chuyến đi hùng tráng.
Ngày 28/4/2007, tỉnh Quảng Ngãi khai trương tuyến “Du lịch biển đảo Lý Sơn”. Vậy là đã hơn hai năm, nhìn quanh vẫn chưa thấy dấu hiệu gì của du lịch Lý Sơn: vẫn con “đường liên xã” lở lói, chật hẹp, nhộn nhạo đủ thứ thập loại chúng sinh; vẫn những ngôi nhà lụp xụp, chen chúc; vẫn những bãi tắm lổn ngổn rác; vẫn chẳng có công trình nghỉ dưỡng nào ra trò… Xây dựng đảo ngọc Lý Sơn thành điểm du lịch là xu thế tất yếu. Nhưng phải làm sao vượt khỏi trình độ làm du lịch kiểu chỉ đón được khách một lần. Và phải thấy cho được những hiểm họa do ngành kinh doanh không khói này gây ra. Đó là môi trường thiên nhiên bị huỷ hoại, truyền thống văn hóa dần biến mất; do không có qui hoạch tổng thể, mạnh ai nấy làm, nên không lâu sau “Đảo Ngọc” biến thành như mâm đồ chơi của con trẻ; và phải định hướng cho được du lịch Lý Sơn sẽ là loại hình du lịch gì: sòng bạc, ăn chơi, rập rờn, du hí…hay là du lịch lịch sử, lễ hội, tâm linh và nghỉ dưỡng; đặc biệt (đây mới là điều đáng quan tâm nhất) không thể để cho những di tích lịch sử vốn là phần hồn của Lý Sơn bị xâm hại.
Mà trên đất Lý Sơn, những di tích lịch sử thì nhiều lắm; ấy là những cứ liệu xác thực và sinh động nhất về chủ quyền của dân tộc với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là Âm Linh Tự với bia “Chiến sĩ trận vong” – nơi thờ phụng vong linh những chiến sĩ Hoàng Sa, là đình làng An Vĩnh – nơi làm lễ xuất quân bảo vệ biển đảo, là những ngôi mộ gió – nơi chôn vọng các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa chết mất xác trên biển; là những miếu thờ, lễ hội, tế lễ, những câu chuyện kể, những bài tráng ca nao lòng…
Rõ ràng, Lý Sơn gắn liền với giai đoạn lịch sử mở mang bờ cõi và khẳng định chủ quyền của các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn. Nhiều tài liệu lịch sử ghi rõ, vào nửa đầu thế kỷ 17, các Chúa Nguyễn đã tổ chức “đội Hoàng Sa”, tuyển dân binh từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra khai phá quần đảo Hoàng Sa: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo”… Tài liệu còn ghi rõ: “Nếu đi từ xã An Vĩnh (Lý Sơn) bằng thuyền về phía Đông Bắc thì sau ba ngày ba đêm sẽ tới Hoàng Sa. Vùng đảo này các núi linh tinh có hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia đi một ngày hoặc vài ba canh thì đến; trên núi có chỗ có suối nước ngọt, có đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn. Các sản vật tự nhiên ở quần đảo này gồm có yến sào, đồi mồi, hải cẩu… có thứ ốc vân tai to như chiếc chiếu và chim có hàng ngàn hàng vạn, thấy người thì vây quanh, không tránh…”. (Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn – 1776).
Đến Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… đời nào cũng đều nỗ lực quản lý vùng biển đảo rộng lớn trên Biển Đông, nhất là với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt từ thời Minh Mạng, triều đình thành lập hẳn một đội thủy quân quy mô, ra đảo làm nhiệm vụ đo đạc thuỷ trình, vẽ bản đồ và dựng bia chủ quyền: “Tháng giêng năm Ất Hợi (1815) sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thuỷ trình, cắm mốc chủ quyền và canh giữ biển đảo…” (Đại Nam Thực Lục chính biên).
Gần đây người ta còn tìm thấy một sắc chỉ của vua Minh Mạng được dòng họ Đặng ở Lý Sơn cất giữ suốt 175 năm, qua 6 đời, tại nhà thờ Đặng tộc. Đó là tờ lệnh, phái một đội thuyền gồm ba chiếc, với 24 lính thuỷ, ra canh giữ Hoàng Sa, ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15, tức năm Ất Mùi – 1835: “Giao cho Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn những thanh niên khoẻ mạnh và giỏi nghề bơi lặn để gia nhập đội thuyền, giao cho Đặng Văn Siểm lo kham việc đà công (người dẫn đường), giao cho Võ Văn Công phụ trách hậu cần”.
Thế đấy, một thời gian dài lịch sử, năm nào trên đất Lý Sơn cũng đều có con em ưu tú của các dòng họ Phạm, Võ, Nguyễn, Đặng, Lê, Dương, Trần, Trương “lãnh chiếu vua ban” ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước.
Do biển khơi sóng gió khó dò, lại chỉ bằng phương tiện ghe thuyền thô sơ, nên thường đó là những cuộc ra đi không có ngày trở lại.
                                                   Hoàng Sa trời nước mênh mông,
                                                   Người đi thì có mà không thấy về.

Bởi thế trước khi đội quân Hoàng Sa giong buồm ra khơi, người dân Lý Sơn đắng lòng làm lễ tế sống những chiến binh là con em mình. Người ta gọi đó là “lễ khao lề tế lính Hoàng Sa”. Lễ tế được tổ chức dịp tiết thanh minh, tại Âm Linh Tự – nơi ngày nay trở thành di tích lịch sử vô giá. Đồ tế lễ gồm chiếc thuyền mã bằng bè chuối, hình nhân thế mạng, gạo, muối, củi lửa, và các vật dụng khác y như hành trang của người chiến binh Hoàng Sa. Lễ tế được tiến hành uy nghiêm và thành kính. Sau cùng, người ta thả hết đồ tế lễ xuống biển, để người chiến sĩ yên tâm lên đường vì tin rằng đã có người thế mạng mình. Đã 300 năm qua, người dân Lý Sơn vẫn duy trì “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” mỗi đầu xuân như một truyền thống hào hùng, là niềm tự hào và biết ơn của con dân đảo đối với tổ tiên.
Khắp trên đảo Lý Sơn ngày nay còn cả hàng ngàn ngôi “Mộ gió” – nơi chôn vọng các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa chết mất xác trên biển. Thuở ấy, hành trang của mỗi chiến binh Hoàng Sa, ngoài lương thực cho sáu tháng hành quân, còn có một đôi chiếu, bảy đòn tre, bảy sợi dây mây, và một thẻ bài có khắc tên họ, bản quán, phiên hiệu, để khi phải hy sinh thì đồng đội bó xác vào chiếu rồi thả xuống biển. Nếu may mắn, người trong bờ khi vớt xác sẽ biết tung tích của người hy sinh.

Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn,
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây.

Nhưng thường là không may. Đó là trường hợp sau sáu tháng đội quân Bắc Hải không trở về, cũng không ai tìm thấy xác. Ở nhà, người thân cho người lên Giếng Tiền, lấy đất sét, nhào nhuyễn, rồi nặn thành tượng người chết với đầy đủ các bộ phận y như người thật. Xong, vị chủ lễ lập đàn cúng chiêu hồn, gọi linh hồn người chết nhập vào tượng đất. Sau cùng, người ta tiến hành nghi thức an táng như một đám tang bình thường – cũng khâm liệm với quần dài, áo the, khăn xếp, cùng quan quách đầy đủ; cũng hạ huyệt, cũng đắp mộ. Với sự hỗ trợ của hương khói và lễ nghi thiêng liêng huyền bí, gia đình, người thân tin rằng dưới phần mộ ấy là xác thân của con em họ. Ngày giỗ, người thân cũng ra mộ thắp hương, cầu nguyện; dịp thanh minh cũng đi tảo mộ như bao ngôi mộ khác. Theo các vị bô lão thì mộ gió đầu tiên ở Lý Sơn cách nay 200 năm là mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 24 chiến binh của hải đội Hoàng Sa. Với tốc độ và kiểu cách phát triển như hiện nay, không biết rồi đây số phận của những ngôi mộ gió ấy sẽ như thế nào? Có còn ai xem đó là di tích văn hoá, lịch sử, bởi vì sâu trong lòng nó cũng là xác thân của bao anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc?
Sẽ thiếu sót nếu như viết về Lý Sơn mà không nhắc chi đến con người Lý Sơn. Về “Người Lý Sơn”, chỉ cần nói một câu: Người Lý Sơn sinh ra giữa biển, lớn lên trong biển, trưởng thành sống và chiến đấu trên biển, già thao thức cùng biển, chết quay đầu về biển. Cũng có thể nói ngắn gọn hơn: Người Lý Sơn đậm vị biển, mạnh như bão biển, tâm hồn lộng gió biển. Bởi thế, không lạ gì khi ta gặp trong đời thường, người Lý Sơn cao lớn và rắn rỏi, phóng khoáng và tốt bụng, can trường và thuỷ chung. Hôm đi thăm đình làng An Hải, chiếc honda của chúng tôi trở chứng giữa đường – chắc là hết xăng. Bỗng từ sau xẹc tới một quí ông Lý Sơn vạm vỡ, sôi nổi: “Qua đây. Đây thôi mà”. Tôi nghĩ chắc nhà ông ta có bán xăng lẻ nên dắt xe theo, vừa vào sân quí ông Lý Sơn bèn phán tiếp: “Để xe đó, cứ lấy xe tui mà đi. Không sao”. Hoá ra là thế…
Người Lý Sơn vốn là hậu duệ của những trang hảo hán vượt biển khai phá Lý Sơn từ hàng trăm năm truớc. Cũng từ hàng trăm năm trước, dưới thời các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn, họ là những chiến binh ra Hoàng Sa – Trường Sa xác lập chủ quyền và bảo vệ biên cương tổ quốc. Họ đã chiếm Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa, rồi bây giờ khoanh vùng lưỡi bò tuyên bố nọ kia. Ngày nay, mỗi lần ra biển, Người Lý Sơn không chỉ đối mặt với sóng gió ba đào mà còn cả với tàu “lạ” cướp phá. Nhưng Người Lý Sơn vẫn bền gan bám biển. Không phải chỉ vì miếng cơm manh áo, cũng không phải vì không biết sợ, mà trên hết là vì niềm kiêu hãnh và tự trọng của con dân một nước Việt anh hùng. Suốt 400 năm lịch sử, con dân Lý Sơn vẫn luôn là những chiến sĩ kiên cường vì chủ quyền và độc lập dân tộc như thế. Điều ấy chưa đủ cho chúng ta nghiêng mình kính phục Người Lý Sơn hay sao?
A, còn thêm một đặc điểm nữa của Người Lý Sơn, đó là biết ước mơ. Buổi chiều đến thăm một trong những danh nhân của Lý Sơn – anh Nguyễn Văn Tùy. Anh nổi tiếng thế giới về khả năng “ăn tươi nuốt sống”; từ giun, dế, rắn, rít, cả cá độc, cóc độc, rắn độc, nhện độc… nói chung bất cứ con gì anh cũng đều ăn tươi nuốt sống được cả. Rất nhiều phóng sự đầy đủ về anh, kể cả chi tiết nhờ ăn tươi nuốt sống mà anh có thêm khả năng linh giác tuyệt vời; duy điều này tuy cũng vào hàng quan trọng không kém thì các nhà báo đã chẳng quan tâm, rằng anh còn là một nghệ sĩ đàn cò, và là tay mandoline số dách. Sau gần hai giờ đàm đạo đủ thứ chuyện trên đời, tôi xin anh một câu hỏi cuối cùng: “Nếu được quyền ước, thì anh mơ ước điều gì?”. Một thoáng trầm tư, anh nói: “Tôi mơ có một chiếc cầu nối liền Lý Sơn với đất liền, và ước mơ đất nước mình giữ vững chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa”. Tôi lạnh người… Thế đấy, như bao thứ quí giá khác lỡ đánh mất, nếu chí ta vẫn còn nghĩ đến, lòng ta vẫn còn mơ về, thì thế tất sẽ còn ngày tìm lại được.
Đã gần nửa thế kỷ từ lần đầu tôi lỡ chuyến thăm Lý Sơn. Bởi thế tôi định đặt tên cho bài viết này là “45 năm giấc mơ Lý Sơn”. Nhưng rồi vì một sự cố bất ngờ khiến tôi đổi ý: Buổi sáng cuối cùng trên bến cảng đợi tàu cá về lại đất liền, tôi gặp một cô gái Lý Sơn. Nàng – dong dỏng cao, đôi mắt sâu thẳm, xa vắng, và buồn vời vợi. Đó là đôi mắt tôi từng gặp trong suốt bốn ngày lăn lộn trên đất Lý Sơn. Nhưng tôi không hiểu nổi cái gì trong những đôi mắt ấy làm mình xao xuyến đến vậy. Nay tình cờ gặp nàng, tôi bỗng ngộ ra… Lý Sơn là ốc đảo biệt lập, là điểm tựa tiền tiêu, là nơi đầu sóng ngọn gió, là nơi xuất phát những đoàn hùng binh bảo vệ biên cương tổ quốc. Lịch sử của Lý Sơn là lịch sử của những chuyến ra khơi, là lịch sử của những tháng năm mỏi mòn chờ đợi, trông ngóng: tin tức từ đất liền, chồng con từ đoàn tàu đánh cá, những chiến binh hải đội Hoàng Sa… Nếu chọn một địa điểm thích hợp trên đất nước mình để đặt tượng đài Hòn Vọng Phu, tôi cho rằng đó phải là Lý Sơn. Nhưng trên núi Thới Lới hiện nay không có Hòn Vọng Phu nào cả. Phải chăng vì Lý Sơn đã có một hình tượng khác sinh động hơn, biểu cảm hơn, đó là ĐÔI MẮT.

Mãn mùa tu hú kêu thanh,
Cá chuồn đã vãn sao anh chưa về.

Chờ đợi và chờ đợi – từ ngày này sang ngày khác, từ đêm này sang đêm khác, từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang năm khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác…. không bao giờ thôi chờ đợi. Chờ đợi – được kết tinh thành máu, thành ý, thành khí, thành thần, thành gien… di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ đời này sang đời khác, làm nên nét đặc trưng của Người Lý Sơn: đôi mắt sâu thẳm và đau đáu chờ mong. Vâng. Đó là lý do vì sao tôi quyết định đổi tên bài viết này thành …….ĐÔI MẮT LÝ SƠN.

VÀ VÌ SAO TÔI RA LÝ SƠN
hungbin 15/06/2013

1.
Anh sẽ đi Lý Sơn để chụp ảnh
Anh sẽ đi Lý Sơn để câu cá
Anh sẽ đi Lý Sơn để tắm biển
Anh sẽ đi Lý Sơn…

Lý Sơn là một điểm đánh dấu trên bản đồ những chỗ cần đến của tôi, đã 3 năm nay.

Tôi đã nghiên cứu nhiều lộ trình, hỏi thăm nhiều người, có bận đã định tự đi, nhưng mãi tôi vẫn chưa đi…

Vì sao? Vì Lý Sơn không phải đơn giản là chỗ để bạn chỉ đến chụp ảnh, tắm biển hay câu cá.

Mỗi ngày, đọc báo về chuyện ngư dân Lý Sơn, tôi lại thấy mình nhỏ bé.

Tôi thấy những đồng bào Lý Sơn lớn lao hơn mình nhiều, nơi đầu sóng ngọn gió ấy…

2.
Ở Lý Sơn có nhiều mộ gió, mộ gió đắp bằng cát, cả Lý Sơn đâu cũng là cát.
 

Đó là những ngôi mộ không có hài cốt, nếu may mắn thì chỉ có một hình nhân bằng đất sét được thế chỗ, của những người đã vong mạng ở khơi xa, ở Hoàng Sa.

Có những ngôi mộ gió từ thời Hải Đội Hoàng Sa từ 200 năm trước vẫn được hương khói ở đây. Ở nghĩa trang có mộ gió, ở ngoài ruộng tỏi có mộ gió,  ở trong sân nhà mỗi ngư dân cũng có mộ gió.

Vào một giấc trưa, tôi thấy một phụ nữ lặng lẽ quì bên mộ gió trong sân nhà, rồi chậm rãi tưới bình rượu lên mộ.

Tôi tự hỏi người mất đi là ai, chồng hay con trai chị, vì tôi không thể đoán tuổi chị qua nét mặt đen bạc bời gió biển, vì tôi không hiểu nỗi đau của chị đến mức nào và làm sao chị có thể vượt qua được.

 3.
Ở Lý Sơn đâu cũng là cát, những con đường cát, những cánh đồng cát, những ngôi mộ cát… dưới cái nắng gắt gay của mặt trời ngoài biển, hạt cát Lý Sơn khô cong, nhám rạt.

Hàng ngàn con người sống trên cát, chết nằm trong cát.

Những cái cây tỏi, cây hành, cây mè… mọc lên từ cát, được những bàn tay đen sạm của các chị, các mẹ ở đây chăm bẵm, nâng niu… chúng đã không phụ lòng người, chúng trổ những màu xanh tươi mắt.

Tôi vẫn không hiểu như đã không hiểu sự chịu đựng của người phụ nữ Lý Sơn, làm sao những cây lá xanh tốt ấy lại được trồng trên cát, những ruộng cát trắng tinh, bỏng rát trong gió biển.

4.
Ở Lý Sơn có nhiều cờ, cờ Tổ Quốc màu đỏ với ngôi sao vàng, cờ bay phần phật trong gió biển.

 

Ra khỏi Sa Kỳ có thể nhận ra điều đó, những con thuyền cắm đầy cờ thả lưới ngoài biển, đến cái thúng chèo giăng câu cũng có cắm cờ.

Ở trên đảo cũng rực màu cờ, nhà cũng treo cờ, trường học cũng treo cờ, cả đến những ngôi mộ gió cũng cắm cờ… có những ngọn cờ mới đỏ rực, cũng có những ngọn cờ bạc màu, có vài ngọn cờ đã rách.

Nhìn ngọn cờ ở Lý Sơn mới thấy người ngư dân ở đây thật kiên cường.
  
Nếu tàu nào treo cờ Việt Nam thì chỉ cần ra khỏi Lý Sơn hơn chục hải lý, tàu đó có nguy cơ đối mặt với “tàu lạ”, với “Hải Giám”… tàu đó có nguy cơ bị đuổi, bị bắn, bị đánh đắm, bị bắt… và thực tế những câu chuyện như thế xảy ra mỗi ngày, ở mỗi nhà trên Lý Sơn…

Nhưng người ngư dân Lý Sơn vẫn treo cờ trên tàu, tàu nhỏ treo một cờ, tàu nhỡ treo hai cờ, tàu lớn treo bốn cờ, sáu cờ… cờ nào bị rách, bị bạc màu được thay cờ mới.

Để trong đất liền, để ngoài Hoàng Sa, dễ nhìn ra màu đỏ phần phật trong gió với ngôi sao vàng ở giữa.

5.
Ở Lý Sơn có hơn hai chục ngàn con người, đa phần là ngư dân hoặc bằng cách nào đó sống nhờ vào biển, mọi người đều được mặt trời và gió biển nhuộm thành đen sạm, mọi người đều nói giọng xứ Quảng nặng trịch và khó nghe, mọi người đều thương nhau và sống mở lòng ra với người khác.


Ở Lý Sơn có hơn hai chục ngàn con người, có rất nhiều trong số đó là hậu duệ của những người nhận sắc chỉ của triều đình ra định cư từ hai trăm năm trước, theo chân Hải Đội Hoàng Sa Kiêm Quản Bắc Hải để khẳng định chủ quyền Tổ Quốc, vì chiếu vua đã dạy rằng: Bản Quốc Hải Cương Hoàng Sa Xứ Tối Thị Hiểm Yếu”.

Có lẽ nhiệm vụ của tiền nhân mở cõi năm xưa trên hòn đảo này đã được di truyền lại cho hậu duệ ở Lý Sơn hôm nay, những hải binh bất khuất.

6.
Ở Lý Sơn có nhiều trẻ em, những đứa trẻ đem nhẻm và hiếu động, buổi sáng lúc nước lớn chúng thường chơi với nhau, đứa lớn ẵm đứa nhỏ, chúng chơi những trò chơi trẻ con như mọi đứa trẻ khác, như mọi đứa trẻ khác…

Chỉ có một điều khác là khi chiều lại, lúc thủy triều rút xuống khỏi ghềnh, có nhiều trong những đứa trẻ ấy lại loi ngoi trong trong lớp trầm tích của biển, bắt vài con ốc, moi vài con sò, bắt vài con cá nhỏ cho buổi cơm chiều hoặc để chị, mẹ chúng đem bán trong buổi chợ sớm mai.
  
Chỉ có một điều khác là có nhiều trong những đứa trẻ ấy, cứ đến bữa cơm lại ra nơi mộ gió ở sân sau, ở ruộng tỏi, khoanh tay mời cha, mời anh, mời chú ăn cơm.

Những đứa con trai đôi khi là đàn ông duy nhất trong nhà, những trẻ-con-đàn-ông này không khóc, nhưng trong ánh mắt của chúng có nỗi buồn cố hữu.

Chỉ có một điều khác là những trẻ-con-đàn-ông ấy ngày mai sẽ lại giong thuyền ra khơi xa, nơi cha anh chúng đã ngã xuống, với cánh cờ Tổ Quốc màu đỏ tươi có ngôi sao vàng ở giữa bay phần phật trong gió biển.

7.
 

Và tôi đã ra với Lý Sơn, khi về tôi vẫn nhớ mãi ĐÔI MẮT LÝ SƠN.

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Nói về rượu và bia

Trước hết, tôi xin thú nhận điều này: Tôi thích cả cà phê lẫn rượu. Với cà phê, phải nói là tôi nghiện. Sáng, thức dậy, không có cà phê, tôi có cảm giác tôi không thể tỉnh táo được. Mỗi ngày, hầu như tôi phải uống cà phê trước khi làm bất cứ điều gì khác. Không có cà phê, người cứ ngầy ngật. Bởi vậy, những khi đi ngoại quốc, tôi sợ nhất là đến những quốc gia không có hoặc ít có cà phê (như Trung Quốc, chẳng hạn

Thói quen uống cà phê và uống rượu của tôi khác nhau. Uống cà phê, tôi thích uống ở tiệm; uống rượu, tôi thích uống ở nhà. Cà phê, tôi uống lúc nào cũng được, nhưng thường buổi sáng và buổi trưa; rượu, tôi chỉ uống vào buổi tối. Cà phê, tôi thích nhất là caffe latte, không đường; rượu, tôi chỉ uống rượu đỏ. Rượu nặng, tôi có khá nhiều, nhưng hầu như chỉ dành cho khách khứa. Rượu trắng, cũng có, nhưng chỉ dành cho vài trường hợp hiếm hoi khi ăn một món nào đó. Tôi vẫn thấy thích rượu đỏ nhất.

Trong các loại rượu đỏ, tôi không thích những gì có vị ngọt và dịu. Tôi chỉ thích những loại rượu nghe hăng hắc mùi tiêu và mùi gỗ. Tôi thường uống khá chậm. Uống một ly rượu đỏ có khi mất cả tiếng đồng hồ. Tôi vừa đọc hay vừa viết vừa uống. Mỗi lần một hớp nho nhỏ. Hầu như không cần nuốt. Chất rượu cứ tan trong miệng và trên lưỡi. Nếu không cần quá tập trung vào công việc, tôi thích nghe ngóng dư vị của rượu trên lưỡi của mình. Tôi thấy vị rượu chạy trong lưỡi và thấm từ từ vào từng tế bào trong lưỡi. Tôi thích thú trong việc theo dõi chúng. Theo tôi, có sự khác nhau giữa rượu đỏ và rượu mạnh. Với rượu mạnh, người ta thưởng thức bằng cổ họng (và sau đó là các sợi dây thần kinh trên đầu); với rượu đỏ, người ta thưởng thức bằng mũi, lưỡi và vòm miệng. Với rượu mạnh, người ta trải nghiệm cảm giác bay bổng và sau đó, rớt xuống thật nặng; với rượu đỏ, người ta trải nghiệm cảm giác lâng lâng, lâng lâng mãi. Trước khi biết thích rượu đỏ, phải uống rượu mạnh với bạn bè, tôi thường say. Từ khi thích uống rượu đỏ, hầu như bao giờ tôi cũng biết dừng lại sớm, nên không hề say. Cảm giác lâng lâng của rượu, do đó, cứ kéo dài, không biến thành nhức nhối khó chịu như những điều những người uống rượu mạnh thường cảm thấy.

Tôi thích uống rượu đỏ trong hai trường hợp: có bạn thân và một mình. Với những bạn sơ giao, tôi không thích uống rượu. Chả hiểu tại sao. Hơn nữa, tôi chỉ thích uống rượu đỏ ở Úc và các quốc gia Tây phương. Nhiều năm trước, những lần về Việt Nam, tôi chỉ thích uống bia. Thật ra, thoạt đầu, tôi cũng định uống rượu đỏ, như thói quen của mình lúc sống ở Úc. Nhưng không thấy thích. Ngỡ tại rượu. Tôi loay hoay kiếm rượu đỏ của Úc. Vẫn không thích. Kiếm rượu đỏ của Pháp. Vẫn không thích. Sau năm bảy lần như thế, tôi bỏ cuộc. Quay sang uống bia, tôi thấy bia thật ngon (trong khi đó, ở Úc, tôi lại không thích bia). Hai lý do chính, tôi nghĩ, một, có lẽ do khí hậu: Trời nóng uống bia mới thấy ngon; hai, không khí: nhậu, ở Việt Nam, thường đông người và thường rất ồn, không thể “nghe” được mùi và vị rượu; bia, do đó, hợp hơn.

Thích uống và uống rượu cũng khá nhiều, nhưng không bao giờ tôi nghĩ là mình sành rượu. Trong đám bạn của tôi, cũng không ai thực sự sành rượu. Thậm chí, tôi có một người bạn uống rượu cả đời, ngày nào cũng uống, hết năm này sang năm khác, nhưng hầu như không bao giờ có thể phân biệt được rượu ngon và rượu dở. Anh chỉ biết phân biệt chất lượng rượu theo… giá. Nghe chai rượu nào mắc tiền, anh cứ xuýt xoa. Ngay cả khi bạn bè, vì nghịch, lừa anh, đôn giá lên, ví dụ, từ 20 đô lên 100 đô, anh cũng không biết, cứ tắm tắc khen ngon, hớp từng hớp một cách đầy trân trọng. Một số người quen khác của tôi có cả hầm rượu hàng mấy trăm chai nhưng cũng không có vẻ gì biết nhiều về rượu, trừ chuyện giá cả, và một số nghi thức chung quanh việc uống rượu, như các kiểu ly và các thức ăn đi liền với từng loại rượu, nghĩa là những điều rất căn bản và đơn giản.

Tôi chỉ thực sự gặp một người thích rượu và sành về rượu trong chuyến đi Sydney vào cuối tháng 4 vừa rồi: Hà Công Hồng. Là nha sĩ, nhưng Hồng rất thích văn nghệ và thích đọc sách báo về văn học cũng như tình hình chính trị Việt Nam. Đãi tôi, Hoàng Ngọc-Tuấn, Võ Quốc Linh và một số bạn văn nghệ khác tại nhà, anh giới thiệu trước: Sẽ cho chúng tôi đi vòng quanh thế giới bằng… rượu. Trước hết, ăn cá hồi đen của Nga (Sturgeon black caviar), anh cho chúng tôi uống champagne (Bollinger, Special Cuvee, magnum) của Pháp, kế tiếp, ăn cá trout biển hong khói của Na Uy và thịt bò Nhật (Blackmore wagya) kèm với loại muối Black Truffle của Ý, anh cho uống hai loại sake Kitanohomare Junmai Daiginj (sản xuất ở vùng Hokkaido) và Ginban Banshu 50 Junmai Daiginjo (từ vùng Toyama), sau đó, với các món ăn khác, anh cho uống rượu đỏ Pinot Noir 2006 (Daniel Schuster, Omihi Selection) của New Zealand (Waipara) và cuối cùng, quay lại Úc với chai Penfolds Caberet Shiraz Bin 389 sản xuất tại tiểu bang Nam Úc năm 1996. Hồng có một hầm rượu rất lớn, chứa rất nhiều rượu thuộc loại hảo hạng, nhưng uống mấy chai kể trên, cả khách lẫn chủ đều ngất ngư.

Ở Việt Nam, ngày trước, có khá nhiều người viết về thức ăn và rượu. Nguyễn Du, trong Thanh Hiên thi tập, từng viết về chuyện uống rượu với thịt cầy (Hữu khuyển thả tu sát / Hữu tửu thả tu khuynh); Nguyễn Khuyến, khi khóc Dương Khuê, nối liền rượu và tình bạn trong hai câu thơ nổi tiếng: “Rượu ngon không có bạn hiền / Không mua không phải không tiền không mua”; Tản Đà, người nổi tiếng cả về việc sành ăn lẫn sành rượu, gắn liền việc ăn uống với việc hưởng lạc. Nhưng, tất cả đều hoặc viết về thức ăn hoặc viết về rượu; dường như không ai để ý đến mối quan hệ mật thiết giữa rượu và thức ăn.

Có thể nói, với người Việt Nam, ít nhất là trước khi chịu ảnh hưởng của Tây phương, thứ nhất, rượu có thể uống bất cứ lúc nào cũng được, không nhất thiết trong bữa ăn; thứ hai, rượu, có thứ gì thì uống thứ đó, không cần biết thức ăn đi kèm là món gì, có thích hợp hay không. Trong bài “Luận về ăn ngon”, Tản Đà nêu lên bốn yếu tố quan trọng cho một bữa ăn ngon: thức ăn, giờ ăn, chỗ ngồi và người cùng ăn. Chỉ có thể có một bữa ăn ngon nếu cả bốn yếu tố ấy đều hoàn hảo. Nhưng ông lại không nhắc đến rượu.

Có lẽ đó là điều người Tây phương (và những người bị… Tây hóa!) không thể nào hiểu được. Nhất định họ sẽ thêm một yếu tố nữa: rượu. Michael Broadbent, một nhà phê bình rượu nổi tiếng người Anh, từng nói: “Uống rượu ngon kèm thức ăn ngon với những người bạn hợp với mình là một trong những lạc thú văn minh nhất trong đời” (Drinking good wine with good food in good company is one of life's most civilised pleasures). Nhiều người Tây phương xem rượu như phần hồn trong khi thức ăn chỉ là cái xác (“If food is the body of good living, wine is its soul”, Clifton Fadiman), thậm chí, rượu là phần… trí thức của bữa ăn (“Wine… the intellectual part of the meal”, Alexandre Dumas).

Hơn nữa, người ta nhận ra, một trong những đặc điểm quan trọng nhất giữa thức ăn và rượu là sự hài hòa. Mỗi loại rượu chỉ có thể kết hợp được với một loại thức ăn nào đó. Ăn món này, rượu này; ăn món khác, rượu khác. Nhiều người hay nói: rượu đỏ đi với thịt đỏ; rượu trắng đi với thịt trắng. Sự thực không đơn giản như vậy. Rượu đỏ có nhiều loại: Shiraz/Syrah hợp với các loại thịt đỏ; Cabernet Sauvignon với thịt bò, thịt gà, thịt vịt và thịt cừu; Pinot Noir hợp với salmon nướng, thịt gà, thịt cừu và các món ăn Nhật (đặc biệt sushi); Merlot dễ hơn, có thể uống với bất cứ loại thực phẩm gì, tuỳ thích. Hơn nữa, cách nấu cũng ảnh hưởng đến rượu. Ăn steak, người ta thường uống Cabernet hoặc Shiraz; ăn đồ chiên, người ta uống với Merlot hoặc Shiraz; ăn đồ nướng hoặc quay, kèm với nấm hoặc khoai tây, uống Pinot Noir.

Chưa hết, mỗi loại rượu cần một loại ly riêng. Uống rượu đỏ, chẳng hạn, cần loại ly thủy tinh rộng miệng và trong suốt để, thứ nhất, rượu có thể “thở” và hả bớt mùi nhanh; thứ hai, người ta có thể thấy được “chân” rượu (còn được gọi là “nước mắt” rượu, wine tears/legs): sau khi lắc nhẹ (theo vòng tròn), để ly rượu đứng thẳng, bạn sẽ thấy trên thành ly có một số giọt rượu dính lại và từ từ chảy xuống, ràn rụa như những giọt nước mắt; số giọt rượu ấy càng nhiều và càng đặc chứng tỏ chất cồn càng cao, và do đó, (có thể) rượu càng ngon; thứ ba, để có thể ngắm được màu rượu, qua đó, có thể sơ khởi thẩm định “tuổi” của chai rượu và thưởng thức rượu bằng thị giác (cũng là đỏ, mỗi loại rượu thường có độ đỏ khác nhau: Cabernet Sauvignon, còn mới, đậm nhất; để lâu năm, màu nhạt đi một chút; Merlot nhạt hơn chút nữa; Shiraz/Syrah cũng đậm như Cabernet Sauvigon nhưng trong lúc Cabernet gần với màu nâu, Shiraz gần với màu tím, hơi đục, nhất ở những chai còn mới; Pinot Noir nhạt nhất, như pha trộn giữa màu nâu và màu cam, để càng lâu càng trong suốt);  và thứ tư, để mùi rượu có thể xông thẳng vào mũi người uống, qua đó, người ta có thể thưởng thức rượu không những bằng vị giác mà còn bằng cả khứu giác.

Tuy nhiên, điều tôi cảm thấy thú vị nhất khi uống rượu ở nhà Hà Công Hồng là được nghe anh nói về rượu. Anh giới thiệu lai lịch của từng chai rượu: Nó được sản xuất ở đâu, năm nào, cách thức sản xuất ra sao, bằng loại nho gì, trong loại thùng gì, được pha trộn với những loại hương vị gì, được giới phê bình đánh giá ra sao. Anh biết rộng và nhớ nhiều vô cùng. Nghe anh nói, tôi mới nhận ra một điều, cái điều đáng lẽ tôi phải biết từ lâu: Người ta uống rượu không phải chỉ bằng các giác quan (physical senses) mà bằng cả cảm quan (sensuality), trước hết là cảm quan về không gian (sense of place) và sau là cảm quan về lịch sử (sense of history).

Mua cà phê, nhiều người cũng hay quan tâm đến nước sản xuất (ví dụ, Brazil, Costa Rica, Colombia, Ethiopia, Mexico hay Việt Nam), nhưng khi vào tiệm uống, không ai xem quốc gia sản xuất như một tiêu chuẩn đánh giá, thậm chí, người ta không thể biết. Và cũng không cần biết. Chất lượng ly cà phê tùy thuộc nhiều hơn ở cách pha chế. Rượu thì khác. Chất lượng của rượu tùy thuộc vào hai yếu tố chính: đặc điểm của nho và kỹ thuật chế biến. Yếu tố đầu lại tùy thuộc vào đất đai và khí hậu. Mỗi vùng chỉ thích hợp với một loại nho. Nói đến Cabernet Sauvignon, người ta nghĩ, trước hết, đến vùng Médoc ở Bordeaux, Pháp, sau đó, mới đến các vùng khác ở Mỹ, Úc, Nam Phi và Argentina. Nói đến Pinot Noir, người ta nghĩ, trước hết, đến vùng Burgundy ở Pháp, sau đó, đến Úc, New Zealand và Chile. Trong khi đó, Shiraz, dù xuất phát từ Rhône Valley ở Pháp, nhưng sau, có vẻ đặc biệt thích hợp với các điều kiện thổ nhưỡng tại Úc.

Đặc điểm và chất lượng của rượu tùy thuộc không những ở quốc gia mà còn ở từng địa phương trong mỗi quốc gia. Ví dụ, rượu ở Úc thay đổi theo từng tiểu bang, từ Nam Úc đến Tây Úc, Victoria và New South Wales; ở mỗi tiểu bang, rượu lại thay đổi theo từng vùng: tiểu bang Nam Úc, nơi sản xuất khoảng hơn một nửa số rượu trong nước, có các vùng sản xuất rượu nổi tiếng như Southern Fleurieu, Adelaide Hill, Barossa Valley, Coonawarra, v.v.. Hơn nữa, ngay cả ở những vùng nổi tiếng, chúng chỉ nổi tiếng về một loại rượu nào đó. Không phải tất cả.

Chính vì vậy, ở các quốc gia sản xuất nhiều rượu, chính phủ thường thiết lập bản đồ vùng rượu (wine regions, giống như bản đồ địa lý hay bản đồ hành chính) và hệ thống danh hiệu (appellation system) dựa trên nguồn gốc địa lý của từng loại nho. Việc ghi tên vùng trên các chai rượu (geographic indication), một mặt, là một yêu cầu của giới tiêu thụ; mặt khác, được luật pháp bảo vệ. Bất cứ sự giả mạo nào cũng đều có thể bị trừng phạt. Người sành rượu có thể sơ bộ đánh giá được chất lượng rượu qua địa phương sản xuất ghi trên nhãn (trên nguyên tắc, đơn vị địa phương càng lớn, ví dụ tên tiểu bang, chất lượng càng thường; càng nhỏ, ví dụ tên một quận hoặc một làng, chất lượng càng cao; với những địa phương đặc biệt nổi tiếng, người ta thường để trong ngoặc kép).

Hơn nữa, ở mỗi vùng, đặc điểm và chất lượng của rượu thay đổi theo từng năm. Đó là lý do tại sao, cùng một loại rượu, nhưng năm này ngon, năm khác lại dở. Hệ quả là, khi thưởng thức rượu, người ta hay để ý không những hiệu, nơi trồng nho mà còn cả năm sản xuất được ghi trên nhãn (những loại rượu giá rẻ, sử dụng loại nho trong nhiều vụ khác nhau – thường ghi là NV, Non-Vintage). (Do các lý do nêu trên, tập uống rượu, một trong những điều người ta cần học đầu tiên là học cách đọc nhãn in trên chai rượu!)

Trong một bữa tiệc, được thử nhiều loại rượu khác nhau, chúng ta không những được du hành qua không gian, từ nước này sang nước khác, mà còn được du hành qua thời gian, với những năm nắng nhiều hay nắng ít, nho được mùa hay không được mùa.

Nói chuyện về rượu, tôi lại nhớ đến Nguyễn Khuyến. Nhớ đến Nguyễn Khuyến, tôi lại nghĩ đến bài “Chừa rượu”:

Những lúc say sưa cũng muốn chừa,
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa.
Hay ưa nên nỗi không chừa được
Chừa được, nhưng mà cũng chẳng chừa.

Hay nhất trong bài thơ là cái giọng: Bài thơ 28 chữ, trong đó có 8 chữ kết thúc bằng vần “ưa”. Không những nhiều, các chữ có vần “ưa” ấy còn lặp đi lặp lại và nối liền nhau: Hai chữ cuối của câu trên được lặp lại ở đầu câu dưới (trong thuật ngữ thơ Đường, người ta gọi là thể “áp cú’). Âm “ưa”, tự nó, đã dài; việc lặp lại ấy càng khiến nó dài hơn. Dài đến độ… lè nhè.

Như cái giọng nhừa nhựa lè nhè của một người đang xỉn!


Lịch sử và văn hóa cafe viet

Người Pháp: "Cái xứ Bắc Kỳ thật là lạ!"

"Không có một tí bơ nào trên khắp cái nước An Nam này", đó là lời phàn nàn của một người Pháp đặt chân đến Hà Nội vào đầu năm 1884.

Kể từ năm 1883, sau khi chiếm thành Hà Nội và buộc triều đình Huế phải ký hiệp ước đầu hàng, giao cho Pháp quyền quản trị thành phố, người Pháp bắt đầu du nhập vào đây một lối sống mới của người phương Tây.

Một trong những đặc điểm của lối sống đó là cách ăn uống. Và Hà Nội bắt đầu có những đổi thay để đáp ứng nhu cầu ẩm thực của người Pháp, nhưng rồi cách ăn uống của người Pháp cũng đã ảnh hưởng đến một bộ phận người Việt, để hình thành một cách ăn của người Hà Nội cũng như của người Việt Nam nói chung. Chúng tôi xin điểm lại những đổi thay đó đầu thời thuộc địa vào cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ X

Lịch sử Cà phê và giải khát khi vào Viet nam


Với người Pháp đã thành một thông lệ, là không thể thiếu hàng cà phê. Thói quen của họ mỗi khi gặp nhau là phải kéo đến tiệm cà phê. Đấy là nơi người ta gặp nhau hàng ngày, nơi gặp gỡ bạn bè từ xa đến, nơi những người làm ăn đến bàn công việc và đôi khi làm một ván bài…

Có lẽ thói quen đó sau này đã được người Hà Nội học theo, nhưng phải đợi sang nửa đầu thế kỷ XX, khi đã hình thành một tầng lớp viên chức và thị dân người bản xứ thì Hà Nội mới biết đến tiệm cà phê của người Việt.


Có lẽ người đầu tiên mở cửa hàng cà phê ở Hà Nội là bà De Beire, một trong những người phụ nữ kỳ cựu nhất đã đến Việt Nam theo đoàn thám hiểm của Jean Dupuis từ năm 1872, rồi quyết định ở lại đây mà không trở về nước.
Một bác sĩ Pháp đã nói về tiệm cà phê của bà như sau: "Năm 1886, tiệm cà phê của bà trở thành một thứ điểm hẹn, nơi mọi sĩ quan, kể từ tướng lĩnh cho đến quan một, tự coi có bổn phận, chiều chiều vào lúc 6 giờ, phải đến ngồi vào bàn một lúc trước bữa ăn tối. Bà De Beire đi đi lại lại giữa các bàn và ai cũng nói với bà một đôi câu thân ái.
Ai cũng biết câu chuyện đời bà và thái độ dũng cảm của bà khi bà cầm súng bắn trả bọn quân Cờ Đen trong lần chúng đốt phá nhà thờ công giáo. Nhất là ai cũng biết lòng hảo tâm vô hạn của người đàn bà tuyệt vời ấy, người chỉ biết làm điều tốt, đứng đầu mọi tổ chức từ thiện, tự mình đến bệnh viện thăm nom thương bệnh binh, dành cho họ tất cả rau trong vườn rau bà trồng chỉ để dùng vào mục đích ấy.
Khi mới đặt chân đến Bắc kỳ, tôi cứ đinh ninh sẽ gặp ở bà De Beire một cái gì như một nữ anh hùng và tôi đã xiết bao ngạc nhiên khi thấy trước mặt mình là một người đàn bà nhỏ thó gày gò ốm yếu, đã già, đầu đội một chiếc mũ đàn bà kiểu thịnh hành năm 1830".
Cho đến năm 1885, riêng trên phố Paul Bert (Tràng Tiền ngày nay) và Hàng Khay đã có sáu tiệm cà phê: ngoài Cà phê sĩ quan của bà De Beire còn có Cà phê thương mại của ông Voisin ở nơi sau này trở thành Nhà in Viễn Đông I.D.E.O. (nay là Trung tâm văn hóa Pháp), Cà phê Hòa Bình của ông Blum, Cà phê quảng trường ở chỗ sau này là hiệu thuốc Reynaud-Blanc (nay là cửa hàng dược phẩm góc đường Hàng Khay-Hàng Bài) và cuối cùng là Cà phê Block (ở góc đường Hàng Khay - Bà Triệu ngày nay).
Người Hà Nội đã thừa hưởng được kỹ thuật pha và cách uống cà phê của người Pháp thời đó. Nhưng đến nay, khi ở Pháp và nhiều nước khác trên thế giới người ta không còn uống cà phê theo kiểu xưa nữa, thì ở Hà Nội (cũng như nhiều nơi khác ở nước ta) người ta vẫn giữ nguyên cách pha cà phê cũ kỹ bằng cái phin, để cho cà phê chảy từng giọt rất đặc và bốc mùi thơm đậm đà.
Người uống phải ngồi nhâm nhi cả tiếng đồng hồ bên tách cà phê, chỉ thích hợp với những ai nhàn rỗi, chứ những người bận rộn với công việc làm ăn thì làm sao mà chờ đợi được. Cho nên bây giờ hầu hết các tiệm cà phê ở Hà Nội đều bán cà phê pha sẵn, tuy vẫn rất đậm đặc so với thói quen của người phương Tây. Còn muốn có thứ cà phê hợp thời thượng như expresso hay capucchino thì phải đầu tư mua máy pha, chỉ các khách sạn hay nhà hàng lớn mới có chứ không vừa tầm với những tiệm cà phê nho nhỏ.
Có thể nói uống cà phê sáng đã trở thành một thói quen trong lối sống của người Hà Nội và người Việt nói chung. Có phải vì nước ta đã trở thành một trung tâm sản xuất cà phê của thế giới hay vì lý do gì khác? Nếu có sang Trung Quốc hay Hàn Quốc thì mới thấy cà phê vẫn còn là một thứ nước uống xa lạ.
Nhưng trong khi cà phê đã trở thành một thức uống bình dân quen thuộc với nhiều tầng lớp lao động Sài Gòn, thì ở Hà Nội, cà phê vẫn chỉ phổ biến trong tầng lớp viên chức và học sinh sinh viên. Ở Sài Gòn, khi xong việc, từ người kéo xe cho đến phu khuân vác thường tìm đến quán cóc vỉa hè để nhâm nhi một ly cà phê đá, còn ở Hà Nội, những người lao động nghèo khổ chỉ giải khát bằng nước chè tươi hay nước vối, ít khi họ có mặt ở quán cà phê ven đường.
Người ta đến tiệm cà phê còn để giải khát, nhất là trong những tháng hè nóng bức của Hà Nội, ai cũng mong được một cốc nước ngọt có đá lạnh. Nhưng lúc đầu hiếm khi người ta được uống lạnh vì đá chở từ Hải Phòng lên rất bập bõm, thậm chí đôi khi phải chở từ Hồng Kông về.
Đến năm 1887 nước đá được đưa về đều đặn hơn, bán với giá mười xu một kg, trong khi ở Hải Phòng là bảy xu và ở Sài Gòn là hai xu. Năm sau giá nước đá bán lẻ rút xuống còn sáu xu một kg. Năm 1889 ở Hà Nội mọc thêm nhiều quán giải khát, chỉ tiếc rằng không được mát lắm bởi vì nhà công nghiệp Berthoin, người gần như giữ độc quyền lo nước đá cho người Hà Nội, đã không cung cấp đủ.
Thế là thư phản đối nhao nhao lên trên các trang báo, một trong những thư ấy làm ông Berthoin tức giận. Ông kiện tác giả bức thư. Nhưng các quan toà hình như là người cũng thích uống đá, đã xử cho nhà công nghiệp vụng về kia thua kiện. Và phải đợi đến năm 1891, nhà Larue mới mở một xưởng nước đá ở Hà Nội, trước khi đi vào kinh doanh bia Larue. Nhà máy nước đá đầu tiên đó hiện nay đã trở thành doanh nghiệp nhà nước chủ yếu sản xuất nước đá của Hà Nội nằm trên đường bờ sông.
Từ đấy Hà Nội không lo thiếu đá nữa. Về bia thì phải đợi đến năm 1891 ông Hommel mới mở một xưởng nấu bia bên đường đê Parreau (tức đường Hoàng Hoa Thám ngày nay). Người ta đồn rằng tại đây ông Hommel đã khoan được giếng nước có chất lượng phù hợp với việc nấu bia, cho nên bia Hommel trở thành nổi tiếng khắp Bắc kỳ thời thuộc địa.
Và đến nay Nhà máy bia Hà Nội cũng thừa hưởng được nguồn nước đó để sản xuất bia ngon. Bên cạnh đó phải nói đến bia Larue cũng nổi tiếng một thời, nhưng sau khi người Pháp rời khỏi miền Bắc Việt Nam năm 1954, thì bia Larue cũng biến mất. Gần đây bia Larue mới xuất hiện lại, nhưng không hiểu vì lý do gì mà nó vẫn chưa có mặt tại Hà Nội mà chỉ phổ biến ở các tỉnh miền Trung trở vào.


Người Pháp không phải là những người uống nhiều bia như người Đức và cũng không có bia ngon nổi tiếng như người Tiệp, cho nên bia ở Hà Nội chỉ là bia chai bán ở các cửa hàng giải khát, chứ không có cửa hàng chuyên bán bia.
Thời đó, để giải khát người ta uống nước chanh đóng chai (limonade) nhiều hơn. Với người Việt thì uống bia chưa trở thành phổ biến và người Hà Nội cũng không uống bia thường xuyên như người Sài Gòn thời đó. Tên gọi "la de" của người Sài Gòn cho thấy bia đã thành một thức uống bình dân ở thành phố quanh năm nóng bức này, còn ở Hà Nội người bình dân thời Pháp thuộc không mấy khi biết đến bia.
Vậy mà không hiểu từ bao giờ sau năm 1954, các quán bia hơi đã trở thành nét sinh hoạt phổ biến ở Hà Nội để rồi lan tràn đến các thành thị khác trên khắp nước ta.
Buổi đầu, vào những năm 1960, khi các hàng bia mới mở tại Hà Nội, chỉ có những người thành thị gốc mới biết thưởng thức. Còn người từ nông thôn ra không biết uống bia, họ cho là đắng và thường phải pha thêm đường mới uống được. Nhưng chính vì pha đường nên lại càng dễ say.
Vậy mà chỉ sau một thời gian, bia đã trở thành đồ uống rất được ưa chuộng, không chỉ người Hà Nội, mà người nông thôn cũng ham thích, không chỉ có đàn ông, mà đàn bà con gái cũng rủ nhau đi uống bia. Cái cảnh xếp hàng lấy bia trong những năm theo chế độ bao cấp đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người Hà Nội. Nhiều câu chuyện uống bia đã được phản ánh trên báo chí, vừa vui mà cũng có phần nhếch nhác. Và đến nay, có lẽ không đâu người ta tốn nhiều thì giờ nhậu nhẹt ở các quán bia như nước ta.

...Văn hóa cafe của người Viêt.

Người Tây thấy lạ về văn hóa cà phê Việt.
Ở Việt Nam, xã hội cà phê có vẻ như thuộc về nam giới...
Việt Nam có một nền văn hóa cà phê rất khác với các nền văn hóa cà phê ở phương Tây.

Uống cà phê khác uống trà: 

Uống trà, cần lặng lẽ; uống cà phê, cần bạn để tâm tình. Bạn, khi uống cà phê khác với bạn khi uống bia hay uống rượu: Với loại có chất cồn, bạn càng đông càng tốt, chuyện trò càng sôi nổi càng hay; với cà phê, người ta chỉ thích thì thầm. Tâm hồn con người, khi uống trà, thường khép lại, quay vào trong; khi uống bia hay rượu thường mở ra, chan hoà với người khác; khi uống cà phê, nửa khép nửa mở. Ngay cả khi ngồi uống cà phê một mình, người thường vẫn thích ngồi nhìn ra ngoài. Để thấy người khác. Hiểu được điều đó, phần lớn các tiệm cà phê, khi có điều kiện, thường thiết kế theo lối nửa kín nửa hở: nếu bàn ghế không bày lấn ra đường được thì ít nhất các cửa ngỏ đều mở toang, để không gian trong và ngoài tiệm gần như là một.
Cà phê ở đây dành cho việc thưởng thức một cách chậm rãi, tương tự như cách uống của người Pháp. Tuy nhiên, người Pháp uống cà phê trước khi ngày làm việc bắt đầu. Còn ở Việt Nam, người ta thường bỏ ra ít nhất nửa tiếng mỗi lần uống cà phê và họ có thể uống vào bất cứ lúc nào trong ngày.

Ở trong các quán cà phê, tôi để ý thấy khách hàng hầu hết là đàn ông. Thời gian gọi cà phê, chờ cà phê ra rồi chờ cà phê nhỏ giọt phải mất ít nhất mười lăm phút.

Trong khi đó, khách ngồi hút thuốc, đọc báo, suy tư, hoặc trò chuyện với nhau và tận hưởng thời gian rảnh rỗi. Khi ly cà phê đã sẵn sàng, họ nhâm nhi như người Scotland nhâm nhi rượu whiskey, rồi lại nói chuyện và hút thuốc.

Khi tôi hỏi một người bạn những khách hàng trong quán cà phê là ai, cô ấy bảo đó là người đang làm việc. Có thể họ tự kinh doanh hoặc đi làm thuê, nhưng cái hay là họ có thể sắp xếp thời gian ngồi suy tư bên ly cà phê.

Thời gian nghỉ giải lao uống cà phê giữa giờ làm việc ở Việt Nam không bị quy định chặt chẽ. Những người đi làm có thể đi uống cà phê bất cứ lúc nào trong ngày, còn người thất nghiệp thì ngồi uống cà phê cả ngày.

Hiếm khi tôi thấy người dân ở đây gọi cà phê mang đi. Có lẽ chỉ có phụ nữ bận đến công sở ngay thì mới chọn cách uống này. Phụ nữ có vẻ cũng ít ngồi nhâm nhi cà phê trong quán. Hình như họ quá bận với công việc, hoặc với chuyện mua sắm gia đình.

Thỉnh thoảng trong những quán cà phê sang trọng, tôi gặp những người phụ nữ ngồi thư thả uống nước. Nhưng có vẻ như họ không phải người đi làm, mà là những người dư dả tiền của lẫn thời gian.

Ở Việt Nam, xã hội cà phê có vẻ như thuộc về nam giới. Ở các nước phương Tây, lúc uống cà phê không phải là thời gian dành cho việc quảng giao. Ly cà phê là một phương cách đem đến sự hăng say làm việc.

Ở Ý, những người bạn tôi thường đứng uống nhanh một cốc espresso trước khi lao vào công việc. Họ không có nhiều thời gian để ngồi trò chuyện và nhâm nhi.

Sau ly cà phê khởi động đầu ngày, người phương Tây sẽ tập trung làm việc đến khoảng 11 giờ. Sau đó, họ sẽ nghỉ giải lao để uống thêm chút trà hay cà phê cho tỉnh táo.

Ở Mỹ, nhiều loại xe ôtô bố trí chỗ đặt ly cà phê vì người Mỹ thường có thói quen ghé xe lại một cửa hàng bên đường mua ly cà phê đặt trong xe rồi đi ngay. Không có thời gian ngồi thưởng thức cà phê trong quán, họ thường để ly cà phê của mình trong ôtô cho tiện. Thậm chí nhiều khi họ còn chẳng có thời gian để ăn sáng.

Một phát minh người Mỹ quen sử dụng là máy pha cà phê. Máy này được cài chương trình và hoạt động ban đêm để cà phê luôn sẵn sàng vào buổi sáng. Cách này giúp người Mỹ tiết kiệm thời gian pha cà phê. Người uống có thể vừa cầm cốc cà phê vừa uống, vừa chạy ra cửa hoặc lái xe đến công sở.

Tóm lại, ở các nước phương Tây, cà phê là chất xúc tác cho tinh thần làm việc. Còn ở Việt Nam, cà phê đi cùng với thú vui thư giãn với bạn bè. Có lẽ người phương Tây đặt cao năng suất lao động, còn ở một số quốc gia khác, mọi người lại đề cao sự thư giãn trong cuộc sống.

Mặc dù cà phê ở Việt Nam thường đậm đặc hơn cà phê ở các nước phương Tây, nhưng người thưởng thức cà phê ở đây không hề có biểu hiện gì là sẽ hăng say lao ngay vào công việc ngay sau khi giọt cà phê đầu tiên ngấm vào cơ thể. Họ vẫn thích sự từ từ và thư giãn hơn.