thư mục

Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Nhật đầu hàng: Vì Stalin, chứ không phải bom nguyên tử

Nguồn: Ward Wilson, “The Bomb Didn’t Beat Japan… Stalin Did”, Foreign Policy, 30/5/2013
Ý nghĩa chiến lược
Nếu các lãnh đạo Nhật Bản không lo ngại gì trước những vụ ném bom thành thị nói chung và vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima nói riêng, thì họ lo ngại điều gì? Câu trả lời rất đơn giản: Liên Xô.
Nhật Bản khi đó đang ở trong một tình thế chiến lược tương đối khó khăn. Họ đang tiến gần đến kết thúc điểm của một cuộc chiến mà họ đang thua. Tình hình rất tồi tệ. Tuy nhiên, lực lượng Lục quân vẫn còn mạnh và quân nhu còn đầy đủ. Gần 4 triệu binh sĩ còn được vũ trang và 1,2 triệu binh sĩ trong số đó đang canh gác những hòn đảo chính của Nhật Bản.[1]
Thậm chí những nhà lãnh đạo cứng rắn nhất trong chính phủ Nhật Bản cũng biết rằng cuộc chiến không thể tiếp diễn. Câu hỏi đặt ra không phải là có nên tiếp tục hay không, mà là làm thế nào để kết thúc cuộc chiến với những điều kiện tốt nhất có thể. Quân Đồng Minh (Hoa Kỳ, Anh Quốc, và các nước khác – hãy nhớ rằng Liên Xô khi đó vẫn còn trung lập) yêu cầu Nhật phải “đầu hàng vô điều kiện”. Các lãnh đạo Nhật Bản đã hy vọng rằng họ có thể tìm được cách để tránh bị xét xử vì tội ác chiến tranh, giữ được hình thức tổ chức chính quyền, và giữ lại một số vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm được: Triều Tiên, Việt Nam, Miến Điện, một phần Malaysia và Indonesia, một phần lớn miền đông Trung Quốc, và hàng loạt hòn đảo trên Thái Bình Dương.
Họ có hai kế hoạch để đạt được những điều kiện đầu hàng tốt hơn; nói cách khác, họ có hai lựa chọn chiến lược. Lựa chọn thứ nhất là ngoại giao. Nhật Bản đã từng ký một thỏa thuận trung lập hiệu lực 5 năm với Liên Xô vào tháng 4 năm 1941, và sẽ hết hạn vào năm 1946. Một nhóm gồm phần lớn là các lãnh đạo dân sự, đứng đầu là Ngoại trưởng Togo Shigenori, đã hy vọng có thể thuyết phục Stalin làm trung gian dàn xếp thỏa thuận giữa một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh, bên kia là Nhật Bản. Mặc dù kế hoạch này là một ván cược đầy rủi ro, song nó vẫn thể hiện tư duy chiến lược vững vàng. Sau cùng thì Liên Xô sẽ có lợi nếu đảm bảo những điều kiện trong thỏa thuận không quá có lợi cho Hoa Kỳ; tăng cường ảnh hưởng hay quyền lực của Hoa Kỳ ở châu Á ở bất kỳ mức độ hay hình thức nào sẽ đồng nghĩa với suy giảm quyền lực và ảnh hưởng của Nga.
Lựa chọn thứ hai là quân sự, và phần lớn những người ủng hộ lựa chọn này là quân nhân, đứng đầu là Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Anami Korechika. Những người này hy vọng sẽ dùng bộ binh Lục quân Đế Quốc để gây thương vong lớn cho các lực lượng Hoa Kỳ khi họ đổ bộ. Họ cho rằng nếu thành công thì sẽ có thể buộc Hoa Kỳ phải đưa ra những điều kiện có lợi hơn cho Nhật Bản. Chiến lược này cũng là một ván cược đầy rủi ro. Hoa Kỳ có vẻ rất cương quyết với yêu cầu đầu hàng vô điều kiện. Nhưng vì trên thực tế là đã có những lo ngại trong giới lãnh đạo quân sự của Hoa Kỳ rằng thương vong trong cuộc đổ bộ vào Nhật Bản sẽ là rất lớn, nên chiến lược này của giới cầm quyền Nhật Bản không phải là không có cơ sở.
Một cách để đánh giá xem nguyên nhân Nhật Bản đầu hàng là vì vụ ném bom Hiroshima hay vì cuộc đổ bộ và tuyên chiến của Liên Xô là so sánh cách mà hai sự kiện này tác động đến tình hình chiến lược. Tính đến ngày 8 tháng 8, sau khi Hiroshima bị ném bom, cả hai lựa chọn trên đều vẫn còn khả thi. Khi đó vẫn còn có thể đề nghị Stalin làm trung gian thỏa thuận (những ghi chép trong nhật ký của Takagi trong ngày 8 tháng 8 cho thấy ít nhất một số lãnh đạo Nhật Bản vẫn còn nghĩ đến việc cố gắng lôi kéo Stalin tham gia). Khi đó cũng vẫn còn có thể cố gắng đánh một trận quyết định cuối cùng và gây được tổn thất lớn. Việc Hiroshima bị hủy diệt không làm giảm đi sự sẵn sàng của những binh lính đang trấn thủ trên các bờ biển của bốn hòn đảo chính của Nhật Bản. Lúc ấy phía sau họ đã mất đi một thành phố, nhưng họ vẫn còn ở nguyên vị trí, vẫn còn đạn dược, và sức mạnh quân sự của họ không bị tổn hại theo bất kỳ cách đáng kể nào. Vụ ném bom Hiroshima không làm mất đi bất kỳ lựa chọn chiến lược nào trong số hai lựa chọn của Nhật Bản.
Tuy nhiên, tác động của việc Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản và đưa quân xâm nhập vào Mãn Châu & quần đảo Sakhalin lại rất khác. Ngay khi Liên Xô tuyên chiến, Stalin không còn có thể làm trung gian thỏa thuận nữa – giờ thì ông ta đã trở thành địch thủ. Vì vậy bước đi này của Liên Xô đã gạt bỏ đi lựa chọn ngoại giao của Nhật Bản. Tác động đối với tình hình quân sự cũng nặng nề không kém. Phần lớn những binh sĩ thiện chiến nhất của Nhật Bản đã được điều chuyển xuống phía nam của bốn hòn đảo chính. Quân đội Nhật Bản đã đoán đúng rằng nơi dễ là mục tiêu đầu tiên mà người Mỹ đổ bộ sẽ là đảo Kyushu nằm ở cực nam Nhật Bản. Đạo quân Quan Đông của Nhật Bản ở Mãn Châu chỉ còn là cái bóng của mình ngày xưa, bởi vì những binh lính giỏi nhất trong quân đoàn này đã được đưa về Nhật Bản để bảo vệ chính quốc. Khi Nga đưa quân vào Mãn Châu, họ dễ dàng cắt xuyên qua thứ mà ngày trước từng là một đội quân tinh nhuệ bấc nhất, nhiều đơn vị Nga chỉ phải dừng lại mỗi khi hết nhiên liệu. Tập đoàn quân 16 của Liên Xô – với quân số 100.000 binh sĩ – đã đổ bộ lên phía nam đảo Sakhalin. Lệnh của họ là quét sạch toàn bộ những lực lượng của Nhật Bản trên đảo và sau đó – trong vòng 10 hay 14 ngày – chuẩn bị đổ bộ lên Hokkaido, đảo cực bắc trong bốn hòn đảo chính của Nhật Bản. Lực lượng của Nhật có nhiệm vụ bảo vệ Hokkaido, Quân Khu 5, đã suy yếu khi chỉ còn hai sư đoàn và hai lữ đoàn, và được dồn về phía đông trên đảo. Kế hoạch tấn công của Liên Xô là đổ bộ lên đảo từ phía tây.
Chẳng cần phải là thiên tài quân sự mới thấy được rằng, mặc dù có thể đánh một trận quyết định chống lại một đại cường quốc tiến công từ một hướng, song không thể nào đánh lui hai đại cường quốc tiến công từ hai hướng khác nhau. Cuộc đổ bộ của Liên Xô đã vô hiệu hóa chiến lược đánh một trận quyết định, cũng như đã vô hiệu hóa chiến lược ngoại giao. Chỉ với một đòn đánh, tất cả lựa chọn của Nhật Bản đều đã tan biến. Cuộc đổ bộ của Liên Xô có ý nghĩa chiến lược quyết định còn vụ ném bom Hiroshima thì không – cuộc đổ bộ đã làm mất đi cả hai lựa chọn của Nhật Bản, trong khi vụ ném bom thì không làm mất đi lựa chọn nào.
Lời tuyên chiến của Liên Xô cũng đã thay đổi những tính toán về việc còn bao nhiêu thời gian để ứng phó. Tình báo Nhật Bản dự tính rằng các lực lượng Hoa Kỳ sẽ không đổ bộ trong suốt nhiều tháng. Mặc khác, các lực lượng Liên Xô có thể tiến sâu vào Nhật Bản trong thời gian rất ngắn là 10 ngày. Cuộc đổ bộ của Liên Xô đã khiến cho việc quyết định chấm dứt chiến tranh là vô cùng cấp bách.
Và các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã đi đến kết luận này trước đó vài tháng. Trong một cuộc họp của Hội đồng Tối cao vào tháng 6 năm 1945, họ đã nói rằng sự tham gia của Liên Xô vào cuộc chiến “sẽ quyết định số phận của cả Đế Quốc”. Cũng trong cuộc họp đó, Phó Tổng Tham mưu Lục quân Kawabe đã nói rằng “Duy trì tuyệt đối hòa bình trong quan hệ của chúng ta với Liên Xô là hết sức quan trọng nếu muốn tiếp tục cuộc chiến”.
Giới lãnh đạo Nhật Bản từ đầu đến cuối đã tỏ ra không quan tâm gì đến những vụ ném bom đang tàn phá các thành phố của họ. Và mặc dù điều này có thể không đúng khi những vụ ném bom bắt đầu diễn ra vào tháng 3 năm 1945, đến khi Hiroshima bị tấn công thì họ chắc chắn đã không coi những vụ ném bom thành thị là quan trọng, xét về khía cạnh tác động chiến lược. Khi Truman đưa ra lời đe dọa nổi tiếng là sẽ đổ xuống các thành phố Nhật Bản một “cơn mưa hủy diệt” nếu Nhật Bản không chịu đầu hàng, có ít người ở Mỹ nhận ra được là không còn gì nhiều để hủy diệt. Đến ngày 7 tháng 8, khi Truman đưa ra lời đe dọa, chỉ còn 10 thành phố trên 100.000 dân là chưa bị ném bom. Khi Nagasaki bị ném bom vào ngày 9 tháng 8, chỉ còn lại chín thành phố. Bốn trong số đó nằm trên đảo Hokkaido phía cực bắc Nhật Bản, một vị trí rất khó bị ném bom vì cách quá xa đảo Tinian nơi các máy bay ném bom của Mỹ đồn trú. Kyoto, cố đô của Nhật Bản, đã được Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson loại ra khỏi danh sách mục tiêu vì thành phố này có ý nghĩa biểu tượng và tôn giáo quan trọng. Vì vậy mặc dù đe dọa của Truman nghe rất đáng sợ, song sau khi Nagasaki bị ném bom thì chỉ còn lại bốn thành phố lớn có thể bị tấn công bằng bom nguyên tử.
Có thể thấy rõ sự tỉ mỉ và phạm vi của những chiến dịch không kích thành thị của Không lực Lục quân Hoa Kỳ qua thực tế là họ đã đánh bom nhiều thành phố của Nhật Bản đến nỗi họ về sau phải đánh đến cả những “thành phố” chỉ có khoảng 30.000 dân hoặc ít hơn. Trong thế giới hiện đại, 30.000 dân chỉ tương đương với một thị trấn lớn.
Tất nhiên là luôn có thể đánh bom lại những thành phố đã bị đánh bom từ trước bằng bom thông thường. Nhưng những thành phố này tính trung bình đều đã bị phá hủy 50%. Hoặc là Hoa Kỳ có thể ném bom nguyên tử xuống những thành phố nhỏ hơn. Tuy nhiên, khi đó chỉ còn có sáu thành phố nhỏ hơn (với dân số từ 30.000 đến 100.000 người) là chưa bị đánh bom. Xét đến việc Nhật Bản đã có 68 thành phố bị đánh bom nặng nề, và nhìn chung là đã không mấy để tâm đến chúng, thì có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên rằng các lãnh đạo Nhật Bản đã không mấy ấn tượng gì trước đe dọa tiếp tục đánh bom. Đe dọa đó không có tính thuyết phục về chiến lược.
Một câu chuyện thuận tiện
Bất chấp sự tồn tại của ba phản biện mạnh mẽ trên, cách diễn giải truyền thống vẫn đứng vững được trong tư duy của rất nhiều người, đặc biệt ở Hoa Kỳ. Người ta thực sự phản đối mạnh mẽ việc xem xét lại các dữ kiện thực tế. Nhưng có lẽ điều này không hề đáng ngạc nhiên. Chúng ta nên nhớ rằng cách diễn giải truyền thống về vụ ném bom Hiroshima là thuận tiện về mặt cảm tính đến thế nào – cho cả Nhật Bản lẫn Hoa Kỳ. Các ý tưởng có thể tồn tại lâu vì chúng đúng sự thật, song không may là chúng cũng có thể tồn tại lâu vì chúng tạo ra sự thỏa mãn về cảm xúc: Chúng thỏa mãn một nhu cầu tâm linh quan trọng. Chẳng hạn, vào cuối cuộc chiến, cách diễn giải truyền thống về vụ ném bom Hiroshima đã giúp các nhà lãnh đạo Nhật Bản đạt được một số mục tiêu chính trị quan trọng, cả về đối nội và đối ngoại.
Hãy đặt mình vào vị trí của Thiên Hoàng. Bạn vừa dẫn đất nước của mình qua một cuộc chiến thảm khốc. Nền kinh tế bị tiêu tan. Tám mươi phần trăm các thành phố của bạn đã bị đánh bom và thiêu hủy. Lục quân đã liên tiếp bị đánh gục trên chiến trường. Hải quân đã bị tiêu diệt phần lớn và không thể rời khỏi cảng. Nạn đói đang dần đến. Nói ngắn gọn là cả cuộc chiến đã là một thảm họa và, tệ hại nhất, là bạn đã nói dối thần dân của mình về việc tình hình thực sự tệ hại đến mức nào. Họ sẽ bị sốc trước tin đầu hàng. Vậy thì liệu bạn sẽ chọn làm gì? Thừa nhận rằng mình đã thất bại thảm hại? Đưa ra tuyên bố rằng bạn đã tính toán sai lầm nhiều đến mức khó tin, liên tiếp phạm sai sót, và gây thiệt hại khủng khiếp cho cả đất nước? Hay liệu bạn sẽ đổ thừa thất bại này lên một bước đột phá khoa học phi thường mà không ai có thể dự đoán? Chỉ với một hành động là đổ lỗi thất bại trong cuộc chiến cho bom nguyên tử đã quét sạch tất cả những nhận định và tính toán sai lầm. Bom nguyên tử là cái cớ hoàn hảo cho việc bại trận. Không cần phải phân bổ trách nhiệm, không cần tổ chức tòa án điều trần. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản có thể nói rằng họ đã làm hết sức mình. Vậy là ở mức độ chung nhất, bom nguyên tử đã có tác dụng giúp các lãnh đạo Nhật Bản không bị đổ lỗi.
Nhưng việc quy sự bại trận của Nhật Bản cho bom nguyên tử cũng phục vụ cho ba mục đích chính trị cụ thể khác. Trước hết, nó giúp bảo vệ tính chính danh của Thiên Hoàng. Nếu thua trận không phải vì lỗi lầm của thiên hoàng mà là vì vũ khí thần kỳ bất ngờ của kẻ địch, thì chức Thiên Hoàng vẫn có thể tiếp tục được ủng hộ ở trong nước Nhật.
Thứ hai, nó thu hút sự cảm thông của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản đã gây chiến một cách hung hăng, và hết sức tàn bạo đối với những dân tộc bị họ chế ngự. Hành vi của Nhật Bản nhiều khả năng sẽ bị các quốc gia khác lên án. Việc tái xây dựng hình ảnh cho Nhật Bản như là một nước nạn nhân – một nạn nhân bị đánh bom một cách bất công bằng một thứ vũ khí đáng sợ và tàn nhẫn – sẽ giúp bù trừ cho một số hành động vô đạo đức mà quân đội Nhật Bản đã làm. Hướng sự chú ý đến những vụ ném bom nguyên tử giúp vẽ lại hình ảnh Nhật Bản với màu sắc đầy cảm thông hơn và xua đi những kêu gọi trừng phạt nặng nề.
Cuối cùng, nói rằng bom nguyên tử đã giành phần thắng sẽ làm người Mỹ hài lòng. Hoa Kỳ chỉ chính thức ngừng chiếm đóng Nhật Bản vào năm 1952, và trong thời gian đó họ đã có quyền thay đổi hoặc tái lập xã hội Nhật Bản tùy ý. Trong những ngày đầu chiếm đóng, nhiều quan chức Nhật Bản đã lo sợ rằng người Mỹ định sẽ bãi bỏ chức Thiên Hoàng. Và họ còn một mối lo khác. Nhiều quan chức hàng đầu trong chính phủ Nhật Bản biết rằng họ sẽ phải ra trước tòa án tội phạm chiến tranh (những phiên tòa xử tội phạm chiến tranh chống lại các lãnh đạo Đức đang được tiến hành ở châu Âu khi Nhật Bản đầu hàng). Sử gia Nhật Bản Asada Sadao đã nói rằng trong nhiều cuộc thẩm vấn sau chiến tranh, “các quan chức Nhật Bản… tỏ ra rất nóng lòng muốn làm hài lòng những người Mỹ thẩm vấn họ”. Nếu người Mỹ muốn tin rằng bom nguyên tử đã giúp giành phần thắng, thì tại sao lại làm họ thất vọng?
Việc cho rằng bom nguyên tử đã kết thúc cuộc chiến phục vụ cho lợi ích của Nhật Bản theo nhiều cách. Nhưng nó còn phục vụ cho cả lợi ích của Hoa Kỳ. Nếu bom nguyên tử đã giúp giành chiến thắng, thì nhận thức về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ sẽ được tăng cường, ảnh hưởng ngoại giao của Hoa Kỳ ở châu Á và trên cả thế giới sẽ lớn hơn, và an ninh của Hoa Kỳ sẽ được củng cố. Hai tỷ USD dành để chế tạo quả bom sẽ không bị uổng phí. Mặt khác, nếu sự tham gia của Liên Xô vào cuộc chiến mới là điều khiến Nhật Bản đầu hàng, thì Liên Xô có thể tuyên bố rằng họ đã làm được trong bốn ngày điều mà Hoa Kỳ không thể làm được trong bốn năm, và nhận thức về sức mạnh quân sự và ảnh hưởng ngoại giao của Liên Xô sẽ được tăng cường. Và một khi Chiến tranh Lạnh diễn ra, khẳng định rằng sự tham gia của Liên Xô là yếu tố quyết định sẽ giống như hỗ trợ cho kẻ thù.
Xét đến những câu hỏi đặt ra ở trên, thật không hay khi chúng ta phải cân nhắc thực tế rằng những bằng chứng về Hiroshima và Nagasaki là trọng tâm của tất cả những gì chúng ta nghĩ về vũ khí hạt nhân. Sự kiện này là nền tảng cho quan niệm về tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân. Nó là tối quan trọng đối với trạng thái độc nhất vô nhị của vũ khí hạt nhân, tức ý niệm rằng những quy luật bình thường không áp dụng được cho chúng. Nó là một thước đo quan trọng cho những mối đe dọa hạt nhân: Đe dọa của Truman về việc trút “mưa hủy diệt” lên Nhật Bản là đe dọa hạt nhân công khai đầu tiên. Nó là mấu chốt của hào quang uy quyền khủng khiếp bao quanh vũ khí hạt nhân và khiến cho chúng quan trọng đến vậy trong quan hệ quốc tế.
Nhưng chúng ta sẽ phải nghĩ thế nào về những kết luận đó nếu như câu chuyện truyền thống về Hiroshima bị nghi ngờ? Hiroshima là trung tâm, là điểm xuất phát của tất cả những tuyên bố và khẳng định khác. Nhưng câu chuyện mà chúng ta đang tự kể cho mình có vẻ khá xa rời thực tế. Chúng ta phải nghĩ gì về vũ khí hạt nhân nếu thành tựu to lớn đầu tiên này – sự đầu hàng đột ngột và kỳ diệu của Nhật Bản – hóa ra chỉ là chuyện hoang đường?

Ward Wilson là học giả cấp cao tại Hội đồng Thông tin An ninh Mỹ – Anh (British American Security Information Council – BASIC). Bài viết này được xây dựng trên nội dung cuốn sách của ông là Five Myths About Nuclear Weapons (Mariner Books, 2013).

Ba cái đáng sợ của người Nhật

Trung Quốc và Nhật Bản nhìn nhau qua biển, là hàng xóm cách nhau một lạch nước hẹp. Ngày xưa Nhật từng là học trò trung thành, thật thà nhất của Trung Quốc. Sau Duy Tân Minh Trị, Nhật từng là kẻ địch hung ác nhất của Trung Quốc. Ngày nay Nhật và Trung Quốc là đối thủ tiền định trong một hiệp đấu định mệnh. Đông Á và Tây Thái Bình Dương chỉ có một bá chủ, một núi không thể có hai hổ.
Rõ ràng, hiểu biết Nhật Bản, hiểu biết đối thủ, biết mình biết người là việc rất có ý nghĩa.
Cái “Võ” của Nhật Bản
Trong các phim truyền hình nhiều tập về đề tài kháng chiến chống Nhật ta thường thấy võ quan Nhật hay dùng những thứ của con nhà võ để trang trí phòng làm việc; phần lớn họ đều đeo dao Võ Sĩ [chữ Hán-Nhật viết 刀, tức đao]; trong chiến đấu họ vô cùng gan dạ, khi thua thì dùng dao tự mổ bụng mình. Cái kiểu ấy gọi là Võ Sĩ Đạo [Bushido], thứ thuốc phiện tinh thần của người Nhật mấy nghìn năm nay.
Vậy nội hàm tinh thần của Võ Sĩ Đạo là gì? Có thể dùng hoa anh đào để ví người võ sĩ qua một mô tả rất kinh điển sau đây:
Ai đã thấy hoa anh đào đều biết, nhìn từng bông hoa thì không đẹp nhưng cả cánh rừng hoa anh đào lại rất đẹp. Anh đào đẹp nhất không phải là lúc hoa nở mà là lúc hoa tàn. Đặc điểm khi hoa tàn là chỉ sau một đêm cả rừng hoa anh đào tàn lụi sạch sành sanh, không một bông nào còn lưu luyến ở lại trên cành. Đó chính là cõi tinh thần mà người võ sĩ Nhật tôn thờ: đạt tới đỉnh cao đời mình trong khoảnh khắc đẹp chói lọi, phát huy giá trị lớn nhất của mình rồi sau đấy kết thúc sinh mệnh không chút lưu luyến. Người võ sĩ Nhật tự sát chẳng phải vì thua, cũng chẳng phải vì xấu hổ do thất bại. Họ không yếu đuối như thế; họ tự sát chỉ vì cảm thấy mình đã cố gắng hết sức, tâm nguyện đã đến hồi kết, cuộc đời mình chẳng thể nào có phút chói sáng hơn được. Lúc ấy nên tàn lụi như cánh hoa anh đào không còn chút luyến tiếc gì nữa.
Người thế nào thì đáng sợ nhất? Đội quân như thế nào thì đáng sợ nhất? Trong Đại chiến II lính Nhật đã cho ta thấy kẻ nào cả đến cái chết cũng không sợ thì kẻ ấy đáng sợ nhất! Một đội quân gồm toàn những người không sợ chết thì đáng sợ nhất!
Người Nhật hiện nay chưa hề vứt bỏ truyền thống của họ. Một dân tộc có truyền thống thượng võ, được vũ trang bằng tín ngưỡng tinh thần Võ Sĩ Đạo coi trọng sự trung thành tuyệt đối, phục tùng tuyệt đối, không sợ chết, sức mạnh của niềm tin lớn tới mức có thể huỷ diệt bất cứ sự vật nào xem ra vô cùng lớn mạnh.
Cái “Nhẫn” của người Nhật
Ai từng đến nước Nhật đều biết, khác với người Trung Quốc có thói hơi động một tý là đập bàn quăng ghế, người Nhật rất chú trọng lễ phép và nhẫn nhịn. Nói cách khác, người Nhật thường rất có lý trí. Dĩ nhiên không phải là nói nước Nhật không có những người trẻ phẫn chí, dĩ nhiên là có, và cũng chẳng ít, nhất là những thanh niên phái hữu, nhưng nếu so với số đông trong xã hội thì họ chỉ ngẫu nhiên gây ra chút sóng gió nhỏ mà thôi.
Hãy ngược dòng lịch sử, bắt đầu từ chuyện nhẫn nhịn của Thiên Hoàng Nhật Bản. Tại nước Nhật, Thiên Hoàng được coi là hoá thân của thần thánh, nhưng từ triều Nguyên Lại, sau khi lập ra Mạc Phủ Liêm Thương [tức Kamakura Bakufu, năm 1192; thực ra còn sớm hơn] thì Thiên Hoàng chỉ còn là bù nhìn, mất toàn bộ quyền lực. Mãi cho tới thời cận đại, năm 1868 khi phương Tây xâm nhập nước này, phái chống Mạc Phủ lập quân đội đánh đổ Mạc Phủ, tống khứ viên tướng cuối cùng của Mạc Phủ và công bố chiếu thư “Vương Chính Phục Cổ Đại Hiệu Lệnh” của Thiên Hoàng, trả lại toàn bộ quyền lực vào tay Thiên Hoàng rồi bắt đầu cuộc Duy Tân Minh Trị. Đến đây mới chấm dứt lịch sử 800 năm Thiên Hoàng mất quyền cai trị đất nước. Lâu đến thế mà Thiên Hoàng vẫn nhẫn nhịn được!
Nói đến “Nhẫn”, không thể không nhắc tới một vị “Đại Nhẫn” là Đức Xuyên Gia Khang [tức Tokugawa Ieyasu, 1543-1616], vì để giấu thực lực mà hy sinh cả vợ mình, sau này rốt cuộc dựng nên cơ nghiệp 300 năm cho gia tộc Đức Xuyên [tức Tokugawa] cai trị nước Nhật.
Hiện nay do thua trận trong Thế chiến II, phải chịu sự che chở của Mỹ, nước Nhật đang ở trong thời kỳ “nhẫn”. Dưới sự chỉ đạo của bộ Hiến pháp Hoà bình, đôi lúc các tàn dư thế lực quân phiệt lại ngóc đầu quậy phá. Giờ đây Nhật Bản chẳng khác gì một kẻ phải nhẫn nhục, luôn luôn thăm dò sự động tĩnh của đối thủ, tạm thời giấu kín nanh vuốt sắc nhọn của mình, đợi bao giờ thời cơ tới thì sẽ hoá thân thành kiếm khách giáng cho đối thủ một đòn chí mạng. Lý trí cực độ thì rất đáng sợ, kẻ địch trong bóng tối thì nguy hiểm nhất!
Lại bàn về sự “Học” của người Nhật
Tôi cho rằng dân tộc Nhật không phải là một dân tộc giàu sức sáng tạo nhưng lại vô cùng giỏi về mặt học cái hay cái tốt của người khác, hơn nữa còn biết xem xét thời thế giải quyết rất tốt vấn đề học ai và học như thế nào; sau khi học tinh thông rồi thậm chí còn vượt cả thầy.
Trung Quốc thời kỳ Tuỳ Đường được gọi là Thiên triều Thượng quốc. Hoàng đế nhà Đường từ Thái Tôn trở đi cho tới Đại Tôn đều được người ngoại tộc tôn kính gọi là “Thiên Khả Hãn” [Khả Hãn: lãnh tụ tối cao]; văn minh Trung Hoa đang ở đỉnh điểm. Hồi ấy nước Nhật ngưỡng mộ văn minh Trung Hoa và văn hoá Nho Giáo, trước sau từng 13 lần cử sứ thần sang Trung Quốc học tập toàn diện hệ thống chính trị, văn hoá, chế độ, điển tịch … và từ đó tạo nên cuộc “Cải tân Đại hoá” nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản, thúc đẩy nước Nhật thời cổ phát triển một bước lớn. Sau đó Nhật không ngừng liên hệ và giao lưu với Trung Quốc.
Thời cận đại, cùng với sự suy yếu của chính quyền nhà Thanh, các cường quốc phương Tây thống trị thế giới, người Nhật nhạy bén lập tức dứt khoát “Thoát Á nhập Âu”, “Bỏ Trung Quốc, học phương Tây”, cực kỳ chú trọng học chế độ văn minh và kỹ thuật tiên tiến của phương Tây, đóng vai trò “kẻ đầu cơ” thông minh trong làn sóng cuồn cuộn của lịch sử. Đến cuộc chiến tranh Giáp Ngọ [1894], cậu học trò cũ đã đánh bại cả thầy dạy mình [đánh bại nhà Thanh TQ]… Cuộc chiến tranh Nhật-Nga [1904, đánh tan hạm đội Nga] cũng vậy.
Võ, Nhẫn, Học – tín ngưỡng, lý trí, đầu cơ đã làm nên tính quốc dân của người Nhật ngày nay. Đây chính là chỗ đáng sợ nhất của Nhật Bản – “đối thủ định mệnh” của Trung Quốc.
Ngược lại, hãy xem Trung Quốc ngày nay: thiếu niềm tin, chỗ nào cũng thấy những thanh niên phẫn chí, gàn dở tự cho mình là đúng, bưng tai bịt mắt.
Bỗng dưng nhớ đến một nhân vật từng làm mưa làm gió trong thời kỳ chiến quốc ở Nhật là Tích Điền Tín Trường [Oda Nobunaga, 1534-1582]. Sau khi đưa được súng thần công vào nước Nhật, tuy phát hiện thấy loại vũ khí mới này có nhược điểm là thời gian nạp thuốc súng quá lâu khiến cho nó mất tính thực dụng, nhưng ông vẫn không bỏ nó mà vận dụng trí tuệ sáng tạo ra chiến thuật “ba bước”: khi chiến đấu, binh sĩ xếp làm 3 hàng, một hàng nạp thuốc súng, một hàng chuẩn bị và một hàng bắn; nhờ thế bổ khuyết được nhược điểm nói trên, phát huy được uy lực lớn nhất của binh khí nóng trong thời đại binh khí lạnh. Trong trận Trường Tiêu năm 1572, Tích Điền Tín Trường dùng vũ khí kiểu mới và chiến thuật tiên tiến nói trên đã đánh cho đội kỵ binh thủ cựu của Vũ Điền Tín Huyền – lực lượng quân sự mạnh nhất hồi ấy tan tành không còn một mảnh giáp và từ đó hoàn toàn bị loại ra khỏi vũ đài lịch sử.

Kẻ viết bài này chỉ là một người yêu thích lịch sử không chuyên với cái đầu tư duy xã hội hạng xoàng nhưng dường như đã nhìn thấy mối nguy đang đến gần; xin những vị có lý trí biết nhìn xa trông rộng xem xét các ý kiến nói trên.

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Sử thuyết vua hùng


Vua Hùng tên thật là gì?
1. Hùng và Lạc
Chữ Hùng (trong Hùng vương, Hùng điền) hay chữ Lạc (trong Lạc vương, Lạc điền, Lạc hầu, Lạc tướng) chữ nào có trước?
Chữ Lạc có trước, xuất hiện trong văn bản Giao Châu ngoại vực kí [交州外域記, Jiaozhou waiyu ji]. Cụ thể như sau:
交州外域記曰,交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民。設雒王雒侯主諸郡縣。縣多為雒將。雒將銅印青綬。
“Giao châu ngoại vực kí viết: “Giao Chỉ tích vị hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu lạc điền, kì điền tòng triều thủy thượng hạ/thướng há, dân khẩn thực kì điền, nhân danh vi lạc dân. Thiết lạc vương lạc hầu chủ chư quận huyện. Huyện đa vi lạc tướng. Lạc tướng đồng ấn thanh viện.”
Giao châu ngoại vực kí nói rằng: ‘Jiaozhi/ Giao Chỉ thời xưa khi chưa có quận huyện, đất đai (thì) có ruộnglạc. Những ruộng này theo (sự) lên xuống của con nước, và người dân cày cấy lấy cái ăn [ở] ruộng đó vì thế được gọi là dân lạc. Đặt các ông hoàng lạc (lạc vương), các ông quanlạc (lạc hầu) cai quản ở các quận huyện. Nhiều huyện có tướng lạc (lạc tướng). Các tướng lạc có dấu đồng và dải xanh.’
Chữ Hùng có sau, xuất hiện trong Nam Việt Chí. Cụ thể như sau:
交趾之地頗爲膏腴,徙民居之,始知播植,厥土惟黑壤,厥氣惟雄,故今稱其田為雄田,其民為雄民,有君長亦曰雄王,有輔佐焉亦曰雄侯,分其地以為雄將。(出南越志)
Giao Chỉ chi địa phả vi cao du, tỉ dân cư chi, thủy tri bá thực, quyết thổ duy hắc nhưỡng, quyết khí duy hùng, cố kim xưng kì điền vi hùng điền, kì dân vi hùng dân, hữu quân trưởng diệc viết hùng vương, hữu phụ tá yên diệc viết hùng hầu, phân kì địa dĩ vi hùng tướng.
Vùng đất Jiaozhi/ Giao Chỉ tương đối màu mỡ. Di dân đến sống ở đó, mới bắt đầu biết gieo trồng. Đất ở đây rặt là đất phì nhiêu đen. Khí ở đây mạnh (hùng). Cho nên bây giờ gọi những ruộng ở đây là ruộng hùng, dân ở đây là dân hùng. Có người lãnh đạo tối cao (quân trưởng) cũng gọi là vua hùng (hùng vương). Có những người phụ tá ông ấy [tức ông vuahùng] thì cũng gọi là quan hùng (hùng hầu). Chia đất ở đây để cho các tướng hùng (hùng tướng).
Chi tiết, xin xem bài dịch cực hay “Có các vua “Lạc” hoặc có các vua “Hùng” hay không? Hay là chẳng có cả hai?”.
2.Hùng hay Lạc
Nam Việt Chí ra đời sau Giao Châu ngoại vực ký hàng trăm năm. Quan trọng hơn, chữ Lạc (雒) chữ chỉ là để phiên âm từ tiếng Việt cổ qua chữ Hán cổ. Còn chữ Hùng (雄) là một chữ có nghĩa.
3. Chữ Lạc từ đâu mà có.
Người Việt cổ không có họ. Tên đặt theo nghề. Đến đời Trần vẫn đặt tên theo nghề cá. Lần ngược lên thời Hai Bà, tên người được đặt theo nghề nuôi tằm (Trứng Chắc, Trứng Nhì, rồi được người Tàu văn bản hóa bằng hán tự, rồi được các nhà sử học ngày xưa của VN dịch về tiếng ta thành Trưng Trắc, Trưng Nhị. Có rất nhiều ví dụ về tên nôm của danh nhân được người Tàu hán tự hóa rồi dịch ngược ra tiếng ta. Ai đọc Tạ Chí Đại Trường sẽ nhớ trường hợp rất thú vị của Lý Thường Kiệt – Thằng Kặc. Ngay cả trong lịch sử cận đại, nhiều tên riêng do phiên âm qua chữ latin rồi sau này dịch ngược lại qua tiếng Việt cũng có những biến thể thú vị như Chí Hòa – Kỳ Hòa, Vũng Quýt – Dung Quất).
Quay trở lại với văn bản Giao Châu Ngoại Vực Ký đã nói ở trên, thời cổ người dân sống bằng nghề nông, trồng cây lạc, trên các thửa ruộng lạc, tưới tiêu bằng thủy lợi tự nhiên, dân sống trên ruộng lạc, gọi là dân lạc, thủ lĩnh của dân lạc gọi là lạc vương, dưới lạc vương là các lạc hầu, lạc tướng.
Chữ Lạc chính là chữ lúa. Ruộng lạc là ruộng lúa. Dân lạc là dân (trồng) lúa. Tiếng Việt cổ gọi lúa là Lọ. Phiên âm qua tiếng Hán rồi phiên âm ngược lại tiếng Việt mà trở thành Lạc.
Người Mường (cùng ngôn ngữ với người Việt cổ) gọi Lúa là Lọ hoặc Ló. Tục ngữ người Mường có câu “Cơm mường Vó, Lọ mường Vang” (cám ơn chú Huy Tâm đã dạy cháu từ này).
Qua bao năm lạc lối, tên riêng Lúa của cha ông chúng ta, chạy qua bên Tàu, quay về với các nhà viết sử Việt thời cổ, lạc tiếp vài lần nữa, thành chữ Lạc. Nay nhờ 5xu biết google nghiên cứu mà tìm ra nghĩa gốc của từ. Chúc mừng Vua Lúa (nước) tục gọi Hùng Vương. Chúng con xin trả tên đúng về cho cụ
Ngày Giỗ Tổ ở đâu ra?
Trong entry trước tôi có thắc mắc liệu là cái ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 ở đâu ra. Cái thắc mắc nho nhỏ của tôi là vì ngày 10 tháng 3 là ngày vua Khải Định dùng công văn để quy định. Năm vua Khải Định ra cái công văn này là năm 1917. Đồng thời ca dao có câu “nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”.
Trong cái entry này bác 3 có nói rằng cái câu ca dao kia thực ra là rất mới, có tác giả đàng hoàng, và đăng báo vào năm 193x. Tức là cái câu ca dao ấy thực ra là để tuyên truyền cho cái ngày Giỗ Tổ mà vua Khải Định ấn định cho cả nước. Còn ngày Giỗ Tổ thực, mà nhân dân địa phương khu vực Đền Hùng, vẫn tiến hành cả ngàn (?) năm nay là ngày 11 tháng 3 âm lịch. (Vua cho cả nước làm sớm lên 1 ngày, ngay tại đền Hùng, để sau đấy một ngày thì dân địa phương có thời gian và địa điểm làm lễ của riêng mình). Qua đây cũng thấy cái giải thích của Kim Định về ngày 10 tháng 3 (Tam Miêu – Bách Việt) là bị đổ gãy hoàn toàn.
Thế nhưng, cuối cùng, thì cái ngày 11 tháng 3 âm lịch ấy phải ở đâu ra chứ? Nó phải có ý nghĩa (cho dù là gán ghép) hoặc tốt hơn cả, là nó phải có nguồn gốc thực sự từ đâu đó cội nguồn dân tộc. Thực ra tôi có câu trả lời riêng của mình, nhưng từ từ đã, lát sẽ nói. Thế mới gọi là câu view.
***
Đền Hùng, thực ra không cũ lắm, mới chỉ được xây dựng từ đời nhà Đinh. Điều này dễ hiểu vì trước đó là cả ngàn năm Bắc Thuộc.
Mã Viện sau khi cướp nước ta đã đốt sách, nung chảy hầu hết trống đồng, tịch thu mang về Tàu hầu hết các tác phẩm và sản phẩm tinh hoa của chúng ta, để rồi sau cả ngàn năm bắc thuộc, chúng ta mù mờ về tổ tiên nhà mình. Nghiên cứu sử theo sách sử (chép) thì dựa nhiều vào sách Tàu (ví dụ như Hậu Hán Thư) và sách ta, bắt đầu từ An Nam Quốc Vương kiêm hoàng tộc nhà Trần đầu hàng theo giặc (hehehe). Ngoài ra chỉ còn huyền sử với Lĩnh Nam Chích Quái là những câu chuyện nổi tiếng nhất.
***

Nếu chịu khó đọc tài liệu, hoặc đơn giản hơn là google, mọi người sẽ thấy cả chục thuyết khác nhau về cội nguồn dân tộc. Từ mê tín dị đoan Nho Việt, Hà Đồ, Kinh Thi, Kinh Dịch (Kim Định và những người theo phái này), đến văn hóa Đông Sơn, Hòa Bình (các nhà lịch sử khảo cổ Hà Văn Tấn đến Trần Quốc Vượng). Từ nhân chủng học (Bình Nguyên Lộc, cho rằng tổ tiên chúng ta có chủng Malai) đến Lê Mạnh Thát nghiên cứu sử dựa vào văn bản phật giáo và qua đó khước từ cả Triệu Đà lẫn An Dương Vương là vua của người Việt. Sau đây là tóm tắt một chút về các thuyết để các bạn thích món nào thì tự xào internet món đấy.
1. Trường phái Huyền Sử và sau này các môn đệ thêm cả mê tín vào (hay gọi luôn là phái Kim Định cho dễ) thì cho rằng Viêm Việt (Bách Việt, Cửu Lê, Lạc Việt…) ngày xưa làm chủ đất và văn minh Hoa Hạ. Sau này bị Hán Tộc vốn là dân du mục, thiện chiến hơn, oánh cho tơi bời, chạy toé khói về phương nam. Rồi lại bị đô hộ, chỉ có một nhóm nhỏ tồn tại đến bây giờ chính là người Việt chúng ta đang lướt web hiện nay. Rồi từ đó nhận hết Nho học, Kinh Thi, Kinh Dịch này nọ là có nguồn gốc từ dân ta mà ra hết. Tuy thường xuyên đẽo chân cho vừa giày, ông Kim Định có một điểm rất thuyết phục đó là họ của người xưa, bọn du mục thì lấy tên của tướng, họ của dân nông nghiệp lấy theo đất. Ông Tạ Chí Đại Trường cũng có nói Hùng là từ Hùng Điền mà ra.
2. Ngoại trừ những người làm sử dựa nhiều vào khoa học, ví dụ dựa vào khảo cổ học như cụ Hà Văn Tấn, thì có hai người mà tôi rất khoái do họ sử dụng nhiều phương pháp suy luận kiểu điều tra phá án Sherlock Holmes, kết hợp khảo cổ và folklor học, lẫn nghiệp vụ hịên trường CSI: đó là Trần Quốc Vượng, Tạ Chí Đại Trường. Ví dụ tiêu biểu là cả hai ông này đều có những phát kiến về ảnh hưởng của tù binh Chăm ở đồng bằng Bắc Bộ. Hay ông Tạ chí Đại Trường nói “có tội thì lội xuống sông” là dấu vết văn hóa của tắm sông Hằng (do cách nào đó đã đến VN, ví dụ qua phật giáo Nam tông) còn sót lại. Ông này còn giải thích về các họ Lí-Lê (Việt Mường), Phan-Phạm (Chàm) và Trịnh (Thái).
3. Ông Bình Nguyên Lộc tuy nói dài và hay khiêu khích nhưng ông ấy sử dụng hai công cụ cực kỳ đáng tin cậy là Nhân chủng học và Ngôn ngữ. Tuy món nhân chủng học là món gây nhiều tranh cãi, nhưng ngôn ngữ học lại có sự đồng thuận cao. Ông Bình Nguyên Lộc chứng minh được (tuy còn nhiều dẫn chứng võ đoán) rằng tiếng Việt trước thời kỳ Mã Viện là tiếng đa âm. Tàn tích còn sót lại là các từ ghép như Biển Cả. Ông này có giải thích từ Văn Lang là từ chữ Nang Vlang (Cọ Sọc) mà ra (ngoài cái ông này thì chưa thấy ai giải thích Văn Lang từ đâu mà ra cả). Ông này cho rằng người Việt Cổ là hậu duệ của giống Proto-Australoid (Cổ-Phương Nam), chủng thì là chủng Mã Lai. Vua Hùng là một bộ tộc thuộc chủng này, chiến thắng hằng loạt bộ tộc khác (cũng cùng chủng ấy, có ngôn ngữ và văn hóa giống nhau) thành lập nước Văn Lang, du nhập công nghệ đúc trống đồng của người Mã Lai (cũng là cùng chủng). Người Mường là các chủng tiến hóa hơn (đời sau) của giống này và đến Việt Nam sau cùng cho nên văn hóa và ngôn ngữ của người Mường rất giống người Việt Cổ và có nét gần gũi văn hóa với một loạt dân tộc ở Cao Nguyên.
Ông Bình Nguyên Lộc có chỗ khớp với ông Lê Mạnh Thát ở chỗ Bắc Tiến (người Việt Cổ đi từ tít dưới phương nam lên Bắc, mang văn hóa và tôn giáo của Ấn, Khmer…). Cũng khớp với khảo cổ Hòa Bình, Phùng Nguyên, Đông Sơn, Sa Hùynh.
Để rồi sau này về Nam mở cõi, người Việt hiện đại lại gặp những bà con của tổ tiên mình.
***
Mặc dù Vua Hùng và Văn Lang xuất hiện lần đầu (trong văn bản) là cuốn Việt Sử Lược do một hàng binh nhà Trần được tàu phong vương (ta gọi là Việt gian hoặc phản quốc), cho nên phần xạo là nhiều (xạo là để lấy le với địch, và xạo vì ông này là tay háo danh, thông minh, học giỏi). Tuy nhiên dù xạo cũng cho thấy là vua Hùng không phải là người gốc gác bản địa mà là dân di cư nên có thể làm được những việc mà dân ở đấy không thể làm được (võ hoặc vật chẳng hạn) nên Việt Sử Lược mới nói là “ảo thuật gia” và nhờ đó thống nhất được các bộ lạc và thành lập nước Văn Lang.
Sau này Ngô Sĩ Liên dựa vào, rồi thêm cả huyền sử, để viết hẳn đọan dài về Hùng Vương Âu Lạc An Dương Vương. An Dương Vương đoạn cuối có chỗ sau khi giết Mỵ Châu đã cầm sừng Tê rẽ nước biển mà đi xuống như Moses trong Cựu ước. Có lẽ vì điểm này mà Linh mục Kim Định quyết định dùng Lĩnh Nam Chích Quái để làm Kinh Hùng.

Vua Hùng chắc chắn là có thật. Cho dù xuất phát điểm, hoặc sự thật, vua Hùng chỉ là một ông tướng đứng đầu bộ lạc. Hùng Tướng hoặc Lạc Tướng. Phân tích của Bình Nguyên Lộc là có vẻ thuyết phục nhất nếu chỉ xét đoán về lập luận khoa học.
Vào cái link này và link này sẽ thấy tiếng Việt cho thấy dù vay mượn từ vựng rất nhiều của tiếng Tàu nhưng bản chất vẫn là Mon-Khmer và các nhánh ngôn ngữ gần nhất của tiếng Việt là: Mường, Khmer, Bahnar, Pacoh, Katu (một loạt các dân tộc anh em rất đỗi quen thuộc với chúng ta).
Và cũng như bác 3 ở đây nói, hay nếu ai chịu khó đọc Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi (có phần khảo dị rất hay) thì thấy nhiều truyện cổ tích của ta tương đồng với truyện cổ các nước Đông Nam Á hoặc Ấn Độ.
***
Cuối cùng, thế ngày Giỗ Tổ 11 tháng 3 Âm Lịch là từ đâu ra.
Rất có thể những người Việt Cổ, xuất phát là du mục săn bắn, khi định cư ở lưu vực sông Hồng, sông Mã, đã chuyển qua trồng lúa và phát triển công nghệ (hoặc thuổng ở đâu đó) đến trình độ cao: thủy lợi, thời tiết và lịch mặt trăng.
Định cư ở đây đã lâu nhưng họ không quên cái Tết cổ truyền của mình. Cái Tết đó đã đi vào âm lịch và trở thành ngày Giỗ Tổ. Đó là ngày 11 tháng 3 âm lịch, rất gần với Tết của người Khmer.
***
Lịch cổ của các nước Đông Nam Á là Phật Lịch Cổ. Đây là lịch âm dương (năm thì theo mặt trời, tháng theo mặt trăng). Kỷ nguyên đầu tiên của Phật lịch cổ bắt đầu (Tết năm Không) là ngày …10 tháng 3. Kỷ nguyên thứ hai Tết bắt đầu với ngày đầu tiên của năm mới là … ngày 11 tháng 3 (năm 545 BC). Đây là khoảng thời gian mà người Mường cổ và người Chàm cổ bắt đầu xuất hiện rõ rệt từ Trung tới Bắc Bộ. Cũng là thời kỳ vua Hùng thống nhất các bộ lạc và thành lập nhà nước cổ Văn Lang. Và từ đó tục Têm Trầu (rõ ràng là từ xứ Nam Dương) trở thành nghi thức ngoại giao cấp … bộ tộc (hehehe) và sau này thành nghi thức tiếp khách của dân đồng bằng sông Hồng (miếng trầu đầu câu chuyện). Tiễn quân ra trận (Bà Triệu) nhân dân cũng “têm trầu cánh kiếm đưa chồng ra quân).
Các nước ĐNA đến đầu thế kỷ trước đều dùng lịch dựa vào Phật Lịch (cổ hoặc hiện đại) trừ nước mình. Chắc là do sau thời Mã Viện, hoặc thậm chí từ thời Triệu Đà, bị nó cưỡng bức. Bởi vậy nên Tết cổ truyền của người Việt cổ phải lẩn trốn trở thành Giỗ Tổ như một bản năng giữ gìn gốc tích dân tộc. Nó cũng giải quyết khúc mắc tại sao dân ta làm nông nghiệp, dùng lịch âm (của tàu) mà trống đồng lại thể hiện thờ mặt trời. Nó cũng cho thấy tại sao từ Nam Đảo, Tây Nguyên, Thanh Hóa, Hòa Bình, Đồng Bằng Bắc Bộ và Lưỡng Quảng bên kia dãy núi lại có trống đồng hoặc cồng chiêng. Mà càng lên phía bắc thì trống đồng càng đẹp (thế hệ sau đi xa hơn và đạt trình độ công nghệ cao hơn thế hệ trước) cũng như càng xuống hoặc vượt qua bên kia núi thì tài nguyên ưu đãi hơn, đúc được trống to hơn).
Sau 1000 năm bắc thuộc thì chủng tộc chắc lai Hán nhiều, văn hóa ảnh hưởng nhiều, đâm ra tâm lý vừa hâm mộ, vừa sợ, vừa ghét Tàu. Nhưng dân Việt Thường Thị ở Hồng Lĩnh (nơi vua Hùng suýt nữa đặt kinh đô) thì ít bị Hán hóa hơn. Từ đó nảy sinh ra một ông TBT coi Tàu khựa như rửa đít, đó là ông LD (hehehe).
***
Update thêm một chút.
Báo ThanhNiên hôm qua (22 tháng Tư) bắt đầu triển khai loạt bài về thời Hùng Vương với tên gọi “Dựng nước sau trận đại hồng thủy”. Ngoài các ý tưởng/quan điểm sử dụng của Lê Mạnh Thát thì bài báo còn dùng thêm cổ địa lý của Hoàng Ngọc Kỳ trong đó có nói khoảng hơn 4000 năm trước thì nước biển dâng đột ngột lên tới hơn 5m và phải hơn 1000 năm sau mới rút.
Nếu thông tin trong bài báo đúng (chắc là đúng thôi hehe) thì đây chính là lý do phần nào giải thích được việc các bộ tộc chủng Mã Lai (không phải là dân Malaysia ở KL bây giờ) di chuyển lên Phương Bắc. Nó cũng giải thích được là tại sao các dân tộc anh em của người Việt cổ cứ ở trên cao nguyên với trên núi cho đến tận bây giờ. Và rõ ràng là những bộ tộc kéo xuống được đồng bằng sớm (vua Hùng) có lợi thế hơn hẳn các tộc khác.
Tuy nhiên báo Thanh Niên gán luôn cho quả nước biển dâng kia với lại truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh thì đúng là cưỡng bức thông tin quá đáng. Đấy là chưa kể đến việc Sơn Tinh rất có thể là nhân vật có thật, tên phiên âm qua tiếng Hán là Tuấn, sống ở đời cuối của giai đoạn Hùng Vương, đánh nhau còn thua Thủy Tinh … Thục Phán An Dương Vương. Sở dĩ nói vậy vì tôi tin chắc rằng nếu có Thủy Tinh thì ông này chắn chắn là Thục Phán.
Người Thái Cổ (cũng cùng chủng Austronesian nhưng khác chi, ở mé trên của dãy núi phía Bắc). Chủng này tiếng Tàu gọi là Âu.
Người Việt Cổ (khác chi, đã xuống đồng bằng). Chủng này tiếng Tàu gọi là Lạc.
(Đoạn này có thể tìm trong cuốn “Lột trần tiếng Việt” của Bình Nguyên Lộc)
Phục Phán có thể là người Thái Cổ. Hùng Vương là người Việt Cổ.
Khớp với truyến thuyết thì sẽ là thế này. Thục Phán xuống đồng bằng hơi muộn so với Hùng Vương (Thủy Tinh đến muộn) buộc phải đánh nhau với liên quân bố vợ con rể Hùng Vương và Sơn Tinh (năm nào cũng dâng nước đánh Sơn Tinh ở Tản Viên). Về địa lý thì cũng khá khớp ở chỗ quân Thục Phán đi theo đường sông (sông Đà???) xuống đất Phú Thọ rồi đánh nhau với liên quân Hùng Vương Sơn Tinh ngược lên đến Tản Viên thì thua. Năm nào cũng đánh và cũng thua. Nên đi vào truyền thuyết thành Thủy Tinh không những hụt quả gái đẹp mà còn ghen tức năm nào cũng choảng nhau.
Thế nhưng truyền thuyết (của dân thua trận) không nhắc đến trận cuối cùng, Thục Phán thắng trận (do Hùng Vương ngủ quên trên chiến thắng, Sơn Tinh mải nhậu thịt thú rừng), và thống nhất hai tộc Âu và Lạc để thành lập nhà nước Âu Lạc
Chim Lạc là con chim gì?
Câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi “Chim Lạc là chim gì?” chính là câu trả lời sau đây: “Chim Lạc là con chim trên mặt trống đồng nước ta”
Câu hỏi sau đây mới là câu khó: Con chim nguyên mẫu của Chim Lạc là chim gì?
Tổ tiên chúng ta là con Rồng cháu Tiên. Rồng là con giao long, tức là con thuồng luồng, tức là con cá sấu. Con rồng trên mặt trống đồng Hòa Bình và trống đồng Phú Xuyên vẫn là con cá sấu cách điệu bò lổm ngổm. Đến Lý-Trần vẫn còn phảng phất con cá sấu. Qua đời Lê thì râu ria vẩy viếc như cá chép, bây giờ trong Hoàng Thành vẫn còn mấy con đẹp ngất ngây, chỉ tội là rồng lai tàu. Đến thời Nguyễn thì chắc là rồng rởm, đếch biết ở đâu ra. Duy có chính ông Gia Long là rồng xịn, nếu như không nói là cực xịn.
Con cá sấu chắc sống đâu đó ở đồng bằng bắc bộ, nơi các cửa sông và đầm lầy. Cũng có đầy ở chỗ sông Hồng uốn khúc mà sau này nhà Lý dời đô về.
Thuở vua Hùng rời núi xuống trung du rồi lại gần các lưu vực, con cá sấu – thuồng luồng hẳn vẫn còn nhiều lắm nên tục xăm mình không phải là thời trang anh chị mà là trang phục bắt buộc để xuống sông. Vậy nên con Chim Lạc – dòng dõi nhà Tiên, cũng mới chỉ hình thành cũng tầm tầm thời đó. Hình thành qua tín ngưỡng và truyền kỳ. Từ con sấu nâng cấp thành con Rồng. Từ vua Hùng lộn xa quá thời Thục Phán để lờ mờ thành Lạc Long Quân (đúng ra phải là Âu Cơ do phóng chiếu ngược của tiềm thức kẻ thua cuộc). Còn đất mẹ, mẫu hệ, lộn về quá khứ mơ hồ thành Âu Cơ dòng dõi nhà tiên. Nông nghiệp và thời tiết, mẫu hệ và lực lượng sản xuất, đất mẹ và mặt trời đã gây ra sự lộn xộn âm dương khi đất mẹ có ông ngoại là mặt trăng phải thờ thần mặt trời (vai đức ông chồng tỏa nắng gieo mầm sống trên đất), mới có sự ẩm ương trong ngôn ngữ lúc gọi ông trăng lúc gọi chị hằng. Ông Trăng mới là chuẩn vì ông là chồng của bà Trời.
Cả hai vật tổ đều đẻ trứng nên mới thành truyền thuyết Âu Cơ Lạc Long Quân đẻ bọc trăm trứng. Khả năng bà Âu Cơ và ông Lạc Long Quân là bịa hoàn toàn, chỉ đến vua Hùng mới có thật.
Vật tổ là con Giao Long – Cá Sấu chắc mới xuất hiện sau này khi vua Hùng và một số bộ tộc anh em đã xuống đồng bằng. Cho nên giống nòi do vua Hùng đẻ ra mới là con Rồng. Còn vật tổ là con Chim Lạc hẳn đã theo đoàn người di cư từ phương nam dọc theo dãy Trường Sơn trong suốt hành trình có lẽ kéo dài hàng trăm năm. Cho nên giống nòi mới lùi xa một thế hệ nữa và gọi là Cháu Tiên. Con chim nguyên mẫu của Chim Lạc trên mặt trống đồng, ắt phải là một con chim gần gũi và gắn bó với tổ tiên của vua Hùng trong những năm dài du canh du cư từ Nam ra Bắc, từ núi xuống đồng bằng. Cái sự di cư để bảo tồn giống nòi ấy nó ăn sâu vào trong tiềm thức để rồi sau này có hàng triệu người từ bắc vào nam năm 1954, hay hàng trăm ngàn người từ đất này bỏ nước mà đi qua tận bên kia thái bình dương. Không phải là theo Chúa vào Nam, cũng không phải khổ quá không chịu được mà cột điện cũng phải đi. Mà là bản năng di cư để bảo tồn nòi giống nó thúc đẩy. Ai đã từng đi tàu đánh cá bé như cái lá tre trên mặt biển mênh mông mới có thể hiểu được đấy chính là bản năng. Còn không, thì chỉ vài người ra đi như Papillon người tù vượt ngục, chứ không thể nào ra đi cả ngàn cả vạn con người.
Trên hình trống đồng Hòa Bình và Phú Xuyên, Chim Lạc có hai loại đứng và bay. Con Chim Lạc đứng thì rất giống con Cốc (Cò, Vạc, Bồ Nông) là mấy con chim lội nước mò tôm bắt cá. Con Chim Lạc bay thì giống rất nhiều con chim khác mà xem kỹ thì chẳng giống con gì. Vậy nên giờ người ta cũng không biết con chim Lạc bản gốc là con chim gì nữa. Đã có lúc tôi đoán Chim Lạc cùng loài với chim Ch’Rao ở Tây Nguyên. Nhưng sau này nghĩ lại con Chim Lạc mỏ dài và to thế mà hót thì người nghe toác tai, không thể nào tổ tiên của vua Hùng thờ làm vật tổ được (còn con chim Ch’rao thì nó lại hót mới đau chứ).
Chim Lạc Bay có những đặc điểm sau đây:
+ Mỏ rất dài và to
+ Đầu có mào hoặc lông gáy xù lên (kiểu teenager bôi keo xịt tóc bây giờ)
+ Đuôi cánh én rất to.
+ Chân. Có hình trên trống không thấy chân đâu. Có hình thì có chân đang duỗi ra và ngắn hơn đuôi. (Hình không có chân là vì nhìn từ dưới lên chân duỗi ra ngắn hơn đuôi và ẩn vào đuôi)
+ Kích cỡ: không rõ. Có thể bé như con sáo, có thể to như đại bàng.
+ Sống theo đàn hay một mình: Cũng không rõ. Trên trống đồng thì rõ ràng là một đàn chim Lạc nối đuôi nhau bay vòng quanh mặt trời. Nhưng rất có thể chỉ là một con được cách điệu.
+ Có di cư hay không: Không rõ nốt. Nhưng có vẻ như là có bay về tổ dưới ánh trời chiều (ngược chiều kim đồng hồ).
Chim Lạc trên Internet:
Cũng giống như ngày Giỗ Tổ hay nguồn gốc của tổ tiên chúng ta, có rất nhiều thuyết giải thích Chim Lạc gốc là con chim gì nhưng tựu trung chỉ chia làm hai nhóm: nhóm Con Cò và nhóm Con Cắt.
Thuyết Con Cò
Thuyết phổ biến nhất thì cho rằng chim Lạc là con … Cò (hehehe) với giải thích về hình dáng của Chim Lạc rất giống Cò, Vạc và đặc biệt là giống con Hạc trong Văn Miếu. Ngoài hình dáng, thuyết này dựa vào việc con cò với nông nghiệp với …vua Hùng rất là gắn bó với nhau ở đồng bằng bắc bộ nên dần dần đuợc coi là vật tổ. Mặc dù thuyết này có nhiều nhóm con, nhóm thì cho rằng chim Lạc là con Cò, nhóm thì bảo con Bồ Nông, nhóm thì bảo là con Vạc. Đại khái đều là họ nhà cò lội nước mò tôm bắt cá, chả liên quan gì đến vua Hùng cả.
Thuyết này có hai điểm sai lớn:
+ Thứ nhất là vật tổ chim Lạc chắc chắn là có trước khi vua Hùng xuống đồng bằng và làm lúa nước (trước đó có thể làm lúa nếp lúa nương rồi) cho nên con Cò là con đến sau và đi vào dân ca, chứ không thể nào đi lên mặt trống đồng được.
+ Thứ nhì (cái này mới là sai chết người): con Cò khi bay, chân nó duỗi ra dài hơn đuôi nhiều. Tức là con Cò Đứng và con Chim Lạc Đứng nhìn hao hao giống nhau. Nhưng con Cò Bay thì cái chân nó duỗi dài ra khác hẳn con Chim Lạc Bay
Và một điểm sai nhỏ:
+ Trong Bộ Cò/Hạc thực ra chỉ có con Diệc là có cái bờm tóc ở gáy, các con khác nhẵn thín. Ngoài ra bộ Bồ Nông thì chân còn có màng.
(Mọi người có thể tìm tài liệu, ảnh về con Cò, Vạc, Bồ Nông, phân bộ khoa học (pháp danh) là Ciconiiformes)
Thuyết Con Cắt
Thuyết phổ biến thứ nhì là cho rằng Chim Lạc là bộ chim săn mồi (chim ưng, chim cắt, chim ó biển). Nói chung ai cũng khoái tổ tiên nhà mình là một con dữ tợn như vậy cho giống Hoa Kỳ hehehe. Tuy nhiên các con chim cắt, ưng, đại bàng đều có mỏ khoằm và ngắn. Sai hẳn so với cái mỏ dài ngoằng của Chim Lạc.

Trong thuyết này còn có ông đi tìm thấy con chim Lạc của tổ tiên ta ở … trong Văn Miếu thờ Khổng Tử.
(Mọi người có thể tìm tài liệu, ảnh về chim cắt chim ưng ở bộ Falconiformes)
Thế con Chim Lạc giống con gì nhất?
Với các đặc điểm trên trống đồng (trừ kích thước) thì chim Lạc giống con chim … Gõ Kiến (Woodpecker) nhất. Nghe thì buồn cười, nhưng con Chim Lạc cực kỳ giống một loài Gõ Kiến lưng đỏ và có sừng mào tên là Ivory-billed Woodpecker. Nhưng con này sống ở Hoa Kỳ và Cuba.
Con thứ nhì giống chim Lạc là con Gõ Kiến Lưng Lửa tên là Greater Flameback sống ở rừng rậm Đông Nam Á.
Con Gõ Kiến có loài sống cô độc, có loài sống theo đàn, cũng có loài di cư. Chúng cũng có tổ và chiều chiều bay về sau một ngày kiếm mồi ăn. Cách chúng dùng mỏ có lẽ đã gợi cho tổ tiên của vua Hùng cách làm rìu để đi săn và dùng giáo nhọn để chọc lỗ gieo hạt; nên hình người trên trống đồng hoặc là cầm giáo có mũi chĩa xuống, hoặc là cầm rìu lưỡi dài như mỏ chim gõ kiến.

Vậy là Gõ Kiến giống Chim Lạc nhất. Nhưng Chim Lạc có phải là Gõ Kiến không thì đúng là bó tay. Nếu đúng thì cũng rất hay bởi nó cho thấy tổ tiên chúng ta là dân sơn cước chăm chỉ làm nương rẫy hơn là săn bắn thú rừng.
***
Có ai tự hỏi cái tên Gõ Kiến có từ bao giờ không? Chắc chắn tên này có khi chúng ta biết rằng con chim Gõ Kiến nó dùng mỏ và lưỡi để bắt kiến. Khi nào chúng ta biết việc này? À, có khi rất gần đây. Thậm chí cực kỳ gần, sau khi người Pháp đến Đông Dương nữa kìa.
Còn có ai tự hỏi về cái khăn mỏ rìu không? Khăn mỏ rìu là chỉ hình thức chít khăn đội đầu của người nông dân đi làm đồng, xa hơn nữa là của người tiều phu, và xa hơn nữa là của những người thợ săn du cư. Cái thắt nút và “mỏ rìu” rũ xuống có giống đầu và mỏ con chim Lạc không? Quá giống. Tại sao “rìu” là một từ cổ thuần Việt lại dính đến dụng cụ lao động (lưỡi rìu) và khăn chít đầu vừa là để tóc dài không xõa ra khi đi rừng, vừa là để che nắng khi làm ruộng. Hẳn trước đó tổ tiên chúng ta thấy trong thiên nhiên một loài chim có cái mỏ như vậy rồi từ đó gọi “chim rìu” hằng ngày bổ củi (bắt kiến), rồi đến “lưỡi rìu” bằng đá bằng đồng, rồi đến “khăn mỏ rìu” chít ngang tai. Hay Chim Lạc là Chim Rìu. Còn Chim Rìu biết đâu là chim Gõ Kiến???

(Comment bên Blog của Huy Minh vẫn nhiều người nói rằng Chim Lạc là hình ảnh lúa nước đồng bằng Bắc Bộ Cò Lả bay ra bay vô. Cái hồi đúc trống đồng, làm gì đã có đồng bằng ruộng lúa nước đủ rộng để chim cò bay ra bay vào hả các ông. Lúc đó ruộng của Vua Hùng may ra bằng cái ruộng lúa nương trên miền núi bây giờ. Vả lại con Chim Lạc nó hình thành từ quá khứ của Vua Hùng, thì mới đủ tư cách lên mặt trống rồi lượn quanh mặt trời hoành tráng vậy chứ.)

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017



Chuyên mục Kiệt Tác Thế Giới 
là chuyên mục thời báo Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tới độc giả những đỉnh cao của nền văn hóa nhân loại, đã được minh chứng qua dòng chảy thời gian, với các tác phẩm hội họa, âm nhạc, văn học, kiến trúc…kiệt xuất. Có thể nói đó là những dấu ấn lịch sử đã đặt định nên chuẩn mực giá trị nghệ thuật và nhân sinh vô cùng quý báu cho toàn thể nhân loại.

Vào một ngày đẹp trời năm 1977, có một kiệt tác âm nhạc đã được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) gửi phát vào không gian vũ trụ qua các con tàu thám hiểm vũ trụ là Voyager 1 và Voyager 2.
 Năm 1977, tàu thám hiểm Voyager 1 và Voyager 2 đã gửi một tuyệt phẩm vào không gian vũ trụ, đó là tuyệt phẩm nào vậy?
Đó là tuyệt phẩm nào vậy? 
Mời các bạn cùng chúng tôi thực hiện một chuyến du ngoạn về một vùng đất thanh khiết nhất, một nơi trong trẻo nhất không vướng chút bụi trần. Đó là tinh hoa của trời đất, của tình người tri cố, của những tâm hồn cô độc tìm thấy nhau giữa cuộc đời nhiều oan trái. Để rồi mỗi sáng thức dậy sẽ lại thấy lòng mình thanh thản và nhẹ tênh. Và lại thấy như có tiếng đàn vẫn réo rắt, du dương ngay trong chính tâm hồn mình…
Trần gian lỡ đọa ta không tiếc, chỉ tiếc trên trần thiếu tri âm…
 Trần gian lỡ đọa ta không tiếc, chỉ tiếc trên trần thiếu tri âm
Dường như trong sâu thẳm nội tâm mỗi con người, chúng ta ít nhiều có lúc cảm thấy đột nhiên rất cô độc trong cõi hồng trần này. Chúng ta có thể có nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người thân nhưng ngoài tình yêu thương của người thân và chia sẻ thông thường của bạn bè thì dường như trong sâu thẳm nội tâm của con người đều có một “vùng đất thiêng” của riêng mình mà không phải ai cũng có thể đặt chân tới được.
Đó là vùng đất cất giữ bí mật riêng tư của phẩm giá, đức hạnh và cao quý, bản chất nhất của linh hồn, nhưng cũng chính vì vậy nên nó không tùy tiện được bộc lộ trong sự hỗn độn của thế gian. Chúng ta khao khát được chia sẻ nó nhưng tuyệt đối không phải vì sự ràng buộc tầm thường của cuộc sống, mà nó đòi hỏi một sự đồng điệu thiêng liêng trong tâm hồn.
Chẳng thế mà có nhà văn từng nói “Trần gian lỡ đọa ta không tiếc, chỉ tiếc trên trần thiếu tri âm”. Một người bạn tri âm chính là người hiểu được phẩm chất tốt đẹp nhất trong ta, đánh thức được nó dậy và ở cạnh họ khiến ta thấy mình là chính mình nhất.
Tìm về với Kiệt Tác Thế Giới, ngày hôm nay Đại Kỷ Nguyên dành tặng quý độc giả một kiệt tác âm nhạc, một câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử khắc họa chân thực, sâu sắc cho chúng ta hiểu thế nào là  tri âm.


Đó chính là “Cao sơn lưu thủy”, tuyệt phẩm được diễn tấu bởi nghệ nhân Thất huyền cầm nổi tiếng – Quan Bình Hồ, kiệt tác mà vào năm 1977, NASA (Cơ quan hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ) đã gửi phát vào không gian vũ trụ thông qua các tàu thám hiểm Voyager 1 và Voyager 2, như một ước vọng thiết tha của loài người gửi lên Thượng Đế…
 Tuyệt phẩm được gửi vào không gian vũ trụ, như một ước vọng thiết tha của loài người gửi lên Thượng đế…
Thế nào là tri âm? Câu chuyện về sự ra đời của tuyệt tác
Từ trước đến nay, ai trong chúng ta cũng nghĩ mình hiểu được tri âm là gì…Là người có thể hiểu được ta, đồng điệu với tâm hồn ta một cách sâu sắc nhất và đi mãi cùng ta trong suốt cuộc đời…
Tuy nhiên, đi sâu hơn, Tri âm – trong tiếng Hán, “tri”- hiểu biết, “âm”- âm nhạc, tức là người hiểu được âm nhạc của mình. Và khái niệm đó lại xuất phát từ chính câu chuyện lịch sử kinh điển của Kiệt tác Cao Sơn Lưu Thủy này về mối tri âm thiêng liêng giữa Bá Nha – Tử Kỳ.
Theo sách Lã thị xuân thu: “Bá Nha cổ cầm, Chung Tử Kỳ tại ngoại thiết tính chi viết: nguy nguy hồ như thái sơn, dương dương hồ như lưu thủy” (Bá Nha gảy đàn, Chung Tử Kỳ ở ngoài nghe trộm, khen rằng: ngun ngút như núi Thái Sơn, cuồn cuộn như dòng nước chảy.)
Vào lúc Tấn, Sở đang giao hảo nhau. Bá Nha là người nước Sở, nhưng lại làm quan đến chức Thượng đại phu của nước Tấn. Bá Nha nổi tiếng là một khách phong lưu văn mặc, lại có ngón đàn tuyệt diệu nhất đời; ngày liền đêm, Bá Nha không bao giờ rời cây Dao cầm thiết thân của mình.
 Ngày liền đêm, Bá Nha không bao giờ rời cây Dao cầm thân thiết của mình…
Năm ấy, trên đường từ Sở về lại Tấn sau sau chuyến công cán, Bá Nha cho thuyền đỗ lại bến Hàm Dương vào một đêm trăng thanh gió mát. Bá Nha cho đồng tử đốt lư trầm trước thuyền, rồi lấy Dao cầm ra so phím thử dây. Dưới ánh trăng trong, tiếng đàn quyện lấy hương trầm đang cất vút lên cao giữa đêm thu thanh vắng, bỗng một tiếng ” bựt ” khô khan, dây tơ đồng đứt. Bá Nha nghĩ dây đàn đứt ắt có quân tử nào nghe lén đây, bèn sang sảng cất tiếng:
– Có cao nhân nào trên bờ lắng nghe tiếng đàn của tại hạ, xin vui lòng ra mặt.
Từ trên vách núị có tiếng vọng xuống:
– Xin đại nhân thứ lỗi cho, tiểu dân này đi kiếm củi về muộn, đi ngang qua đây, nghe tiếng đàn tuyệt diệu quá, nên cất bước đi không đành.
 Xin đại nhân thứ lỗi cho, tiểu dân này đi kiếm củi về muộn, đi ngang qua đây, nghe tiếng đàn tuyệt diệu quá, nên cất bước đi không đành…
Bá Nha cười lớn:
– Tiều phu nào mà lại dám nói chuyện nghe đàn với ta?
Tiếng nói từ trên núi lại đáp lại:
– Đại nhân nói vậy, kẻ hèn này trộm nghĩ là không đúng. Há đại nhân không nhớ câu nói của người xưa: “Thập nhất chi ấp tất hữu trung tín” (Trong một ấp có mười nhà ắt có người trung tín). Hễ trong nhà có quân tử thì ngoài cửa ắt có người quân tử đến…
Bá Nha có vẻ ngượng khi nghe câu nói của người tiều phu. Biết mình lỡ lời, ông tiến sát đến mũi thuyền nói lớn:
– Nếu thật là người trên bờ biết nghe đàn, thì xin cho biết lúc nãy tại hạ đã đàn khúc gì?.
Giọng trên bờ bình thản vọng xuống:
– Đó là Khổng Vọng Vi, Đức Khổng Tử khóc trò Nhan Hồi. Phổ vào tiếng đàn, lời rằng:
Khả liên Nhan Hồi mệnh tảo vong
Giáo nhân tư tưởng mấn như sương
Chỉ nhân lậu hạng đan biều lạc
Hồi nãy, đại nhân đang đàn thì đứt dây, nên còn thiếu mất câu bốn là:
 Lưu đắc hiền danh vạn cổ dương.
Tạm dịch thơ:
Nhan Hồi mất sớm thật đau thương,
Tư tưởng dạy người tóc bạc sương.
Ngõ hẹp nước bầu cơm giỏ hẩm
Danh hiền lưu mãi cõi trần dương.
 Ngõ hẹp nước bầu cơm giỏ hẩm. Danh hiền lưu mãi cõi trần dương.
Nghe xong, Bá Nha thấy lòng phơi phới lạ, vội sai tùy tùng lên bờ rước người tiều phu xuống thuyền. Bá Nha trân trọng đón tiếp:
– Quý hữu biết nghe đàn, vậy chắc cũng rõ được xuất xứ của cây Dao cầm?
Tiều phu không ngập ngừng:
– Nghe nói, thuở xưa vua Phục Hy tình cờ trông thấy có năm sắc sao rơi xuống cụm ngô đồng và chim phượng hoàng đến đó đậu. Vua biêt cây ngô đồng là thứ gỗ quý, hấp thụ tinh hoa của trơi đất, có thể dùng để làm nhạc khí được, liền cho người hạ cây, cắt làm ba đoạn Đoạn ngọn, tiếng quá trong và nhẹ, đoạn gốc tiếng đục và nặng, chỉ có đoạn  giữa tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được.
Nhà vua cho ngâm đoạn giữa thân cây giữa dòng nước, đúng bảy mươi hai ngày đêm, vớt lên phơi trong mát cho thật khô rồi gọi người thợ giỏi Lưu Tử Kỳ đẽo thành cây Dao cầm. Dao cầm dài ba thước sáu tấc, một phần án theo ba trăm sáu mươi mốt độ chu thiên, mặt trước rộng tám tấc, án theo tám tiết, mặt sau rộng bốn tấc án theo bốn mùa, bề dày hai tấc án theo lưỡng nghị Đàn gồm mười hai phím, tượng trưng cho mười hai tháng trong năm , lại có thêm một phím phụ tượng trưng cho tháng nhuận.
Đàn có năm dây án theo ngũ hành tượng trưng cho năm âm: cung, thương, giốc, thủy, vũ. Xưa, vua Thuấn gảy đàn Ngũ huyền, thiên hạ thái bình. Khi vua Văn Vương bị ngồi tù nơi Dũ Lý, Bá Âp Khảo thêm một dây oán, gọi là văn huyền (dây văn). Về sau, khi Vũ Vương đánh nước Trụ, thêm môt dây nữa gia tăng kích động gọi là vũ huyền (dây vũ). Do đó, Dao cầm lúc đầu có năm dây, sau có bảy dây.
Dao cầm có bốn điều kỵ là: rét lớn, nắng lớn, gió lớn và tuyết lớn; và bảy điều không nên là: không đàn ở đám tang, không đàn lúc lòng rối loạn, không đàn lúc lòng không thanh bạch, không đàn lúc bận rộn nhiều việc, không đàn lúc y trang không chỉnh tề, không đàn lúc không có trầm hương và không đàn lúc không có bạn tri âm.
 Không đàn lúc không có tri âm…
Bá Nha nghe nói, biết tiều phu là bậc kỳ tài, đem lòng kính thương:
– Hiền hữu quả là người tinh thông nhạc lý. Xưa kia, Khổng Tử đang gảy đàn, Nhan Hồi bước vào, nghe thanh âm sao mà u trầm, biết là trong tâm Khổng Tử đang giao động. Hỏi ra, mới hay là trong khi Khổng Tử đàn, thấy con mèo đang bắt chuột, nên tâm tư đã chùng tiếng tơ đồng. Trước kia, Nhan Hồi nghe tiếng đàn mà biết được lòng người thầy, còn ngày nay, nghe tiếng đàn Bá Nha này , hiền hữu có biết lòng ta đang tư lự gì không?
– Xin đại nhân cho nghe một vài khúc nhạc nữa.
Bá Nha thay dây đàn, gảy khúc Ý tại non cao.
Tiều phu ngẩng mặt mỉm cười:
– Tuyệt thay, ý chí cao vút. Ý tại non cao.
 Tuyệt thay! Ý chí cao vút. Ý tại non cao
Bá Nha giật mình ngưng đàn. Một lúc sau gảy thêm khúc Ý tại lưu thủy.
Tiều phu khua tay xuống dòng nước:
– Trời nước bao lạ. Ý tại lưu thủy.
Bá Nha thất kinh, nhìn người tiều phu không ngớt mắt, sao lại có người cảm thấu được tiếng đàn của mình như vậỵ Ông sai nguời hầu dẹp trà, bày tiệc rượu. Xong, ông đứng lên trước mặt người tiều phu, kính cẩn hỏi:
– Dám hỏi tiên sinh quý danh và quê quán. Tiều phu vội đứng lên, chắp tay thi lễ:
– Tiện dân họ Chung, tên Tử Kỳ, người thôn Tập Hiền gần núi Mã Yên này. Còn đại nhân, chẳng hay cao danh quý tánh là gì, hiện đi trấn nhậm nơi đâu mà ghé thuyền lại đây vãng cảnh.
– Tại hạ họ Du tên Thụy, là Đại phu nuớc Tấn, nhân đi sứ nước Sở về, thấy cảnh Hàm Dương trăng thanh gió mát, nên ghé thuyền thưởng lãm. Tại hạ chỉ là một kẻ tài hèn đức bạc mà thôi, còn như tiên sinh đây học thức uyên bác cớ sao không xuất thân lập công danh, phò vua giúp nước, mà lại sống ẩn dật chốn núi non hẻo lánh này?
 …Còn như tiên sinh đây học thức uyên bác cớ sao không xuất thân lập công danh, phò vua giúp nước, mà lại sống ẩn dật chốn núi non hẻo lánh này?
– Tôi còn cha mẹ già, không có anh em, phận làm con phải lo tròn chữ hiếu, dẫu cho công hầu khanh tướng cũng không thể đổi được một ngày báo hiếu của tại hạ.
Tử Kỳ hai mươi bảy tuổi, Bá Nha trân trọng nói:
– Tiện chức hơn tiên sinh những mười tuổi. Nếu tiên sinh không chê tôi đức mọn tài hèn thì xin kết làm anh em để khỏi phụ duyên tri âm.
Chung Tử Kỳ khiêm nhường đáp:
– Đại nhân là bậc công khanh nơi triều đình, tại hạ là kẻ áo vải chốn sơn lâm thì làm sao kết bạn với nhau được, xin đại nhân miễn cho.
– Giá trị con người đâu ở chỗ giàu sang phú quý, mà ở đức hạnh tài năng. Nay nếu tiện sinh chịu nhận làm anh em thì thật là vạn hạnh cho tiện chức.
Bá Nha đã có thành tâm, Tử Kỳ không từ chối nữa. Bá Nhà sai người hầu đốt lò hương mới, lập hương án trước thuyền, cùng Tử Kỳ lạy trời đất tám lạy, nhận nhau làm anh em khác họ, rồi hai bạn cùng đối ẩm chuyện trò với nhau rất chi là tương đắc.
Đến lúc ánh trăng nhạt nhòa, tiếng gà eo óc gọi ánh nắng mai, đôi bạn đành phải chia taỵ Bá Nha giọng run run, nhìn Tử Kỳ:
– Lòng huynh quá cảm mộ, chưa nỡ rời hiền đệ, hiền đệ có thể cùng huynh đi thêm một đoạn đường để thêm đước một khúc chuyện trò cho thỏa mối tâm tình.
Chung Tử Kỳ cũng không giấu được xúc động:
– Theo lễ, tiểu đệ phải tiễn hiền huynh vài dặm đường mới phải, ngặt vì song thân của tiểu đệ đang trông ngóng ở nhà, xin hiền huynh thứ lỗi.
– Vậy thì hiền đệ về nhà xin với song đường qua nước Tấn thăm chơi, chắc là sẽ được nhận lời.
– “Phụ mẫu tồn, bất khả viễn du”, làm sao Tử Kỳ có thể rời cha mẹ để vui chơi cùng bạn được.
Cuối cùng, Bá Nha nắm tay Tử kỳ, giọng khẩn thiết:
– Sang năm, cũng vào giờ này, xin hẹn hiền đệ tại đây.
 Đến lúc ánh trăng nhạt nhòa, tiếng gà eo óc gọi ánh nắng mai, đôi bạn đành phải chia taỵ….
Rồi lấy ra hai nén vàng, hai tay dâng cao lên trước mặt:
– Đây là món lễ vật mọn của ngu huynh làm quà cho bá phụ, bá mẫu, đã xem nhau là cốt nhục xin hiền đệ chớ từ chối.
Cảm tình tri ngộ, Tử Kỳ không từ chốị Lưu luyến chia tay, đôi bạn bịn rịn không thốt lên nỗi lời tạm biệt.

Thấm thoắt một năm qua, ngọn gió heo may từ phương Bắc về đem mùa thu đến. Bá Nha vào triều kiến vua Tấn xin được phép về Sở thăm quê nhà. Thuyền đến bến Hàm Dương, Bá Nha cho dừng lại dưới núi Mã Yên. Lòng bồn chồn trông ngóng. Vừng kim ô đã ngả bóng xuống lòng sông, khói sóng dâng lên nghi ngút, sao mãi vẫn không thấy bạn tri âm.
Bá Nha cho đồng tử đốt lò hương, rồi lấy Dao cầm đàn một khúc. Trong cơn gió nhẹ đầu thu, Bá Nha bỗng nghe tiếng đàn của mình sao mà ai oán, não nùng. Bá Nha thất kinh, ngừng tay đàn, tâm thần rối bời; cung thương bỗng nghe sầu thảm như thế này thì chắc là Chung Tử Kỳ gặp nạn lớn rồi.
Cả đêm, Bá Nha trăn trở, nhớ thương và âu lo cho bạn. Trời chưa sáng, Bá Nha đã khoác cây Dao cầm lên lưng, bỏ vào túi mười nén vàng ròng rồi cùng vài tên hầu tìm đến chân núi Mã Yên. Dọc đường gặp một ông lão, tay xách giỏ mây, tay cầm gậy trúc. Bá Nha lễ phép thưa:
– Xin lão trượng chỉ đường đi đến Tập Hiền thôn.
– Có Tập Hiền thông thượng, Tập Hiền thôn hạ. Tiên sinh cần đến thôn nào ?
– Thưa lão trượng, người Tử Kỳ họ Chung ở thôn nào?
Vừa nghe nhắc đến tên Chung Tử Kỳ, lão ông sa sầm nét mặt, đôi mắt trũng sâu chảy dài hai hàng lệ. Lão ông sụt sùi, giọng ngắt đoạn:
– Chung Tử Kỳ là con lão. Năm ngoái cũng vào ngày này, nó đi củi về, gặp một vị quan nước Tấn tên là Bá Nha và kết nghĩa huynh đệ vì chỗ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Lúc chia tay, vị quan có tặng cho vợ chồng lão hai nén vàng. Ở nơi núi non heo hút thế này, vợ chồng lão chưa cần đến số vàng đó, nên con lão đã dùng đổi lấy sách, đọc bất kể ngày đêm, giờ giấc , ngoài việc đốn củi mưu sinh. Có thể vì quá lao nhọc, con lão đã lâm bệnh mà qua đời…
Chưa kịp nghe hết lời, Bá Nha đã bật òa khóc, ôm chầm lấy ông lão, hậu sinh này chính là người bạn kết giao của Chung Tử Kỳ đây. Ông lão thảng thốt, trời ơi!
 Bá Nha cho đồng tử đốt lò hương, rồi lấy Dao cầm đàn một khúc. Trong cơn gió nhẹ đầu thu, Bá Nha bỗng nghe tiếng đàn của mình sao mà ai oán, não nùng…
– Mang ơn đại nhân không chê trách cảnh bần cùng, đã cùng con lão kết nghĩa tâm giao. Lúc lâm chung, con lão đã trối trăn lại: ” Sống không trọn đạo làm con, chết xin được chôn dưới chân núi Mã Yên để trọn đạo nghĩa với bạn, nằm bên triền dốc chờ đúng lời hẹn mùa thu này” Con đường mà đại nhân vừa đi quạ phía bên phải có nấm đất nhỏ là ngôi mộ của Tử Kỳ. Hôm nay đúng một trăm ngày mất, lão vừa đi viếng mộ con về thì gặp đại nhân.
Trước mộ Tử Kỳ, Bá Nha vừa lạy bạn xong, truyền đem đàn đến, ngồi trên tảng đá tấu khúc “Thiên thu trương hận“. Tiếng đàn đang réo rắt bỗng trầm hẳn xuống. Tiếng gió ngàn rít mạnh, bầu trời trở màu tối sẩm và tiếng tiếng chim từ xa vọng về nghe u uất não nùng. Bá Nha ngưng đàn. Gió ngừng rít, trời trong sáng trở lại, chim ai oán lặng tiếng. Bá Nha nhìn Chung lão thưa:
– Tử Kỳ đã về đây chứng giám cho lòng thành của tiểu sinh. Cháu vừa đàn khúc đoản ca để viếng người tri âm tài hoa mệnh yểu, và xin đọc thành thơ đoản ca này:
Ức tính khi niên xuân
Giang thượng tằng hội quân
Kim nhật trùng lai phỏng
Bất kiến tri ân nhân
Đản kiến nhất phân thổ
An nhiên thương ngã tâm
Bất giác lệ phân phân
Lai hoan khứ hà khổ
Giang ban khởi sầu vân.
Tử Ky, Tử kỳ hề !
Nhĩ, ngã thiên kim nghĩa
Lịch tận thiên nhai vô túc ngữ
Thử khúc chung hề bất phụ đàn
Tam xích Dao cầm vị quân tử
Dịch thơ:
Từ nhớ đến muà thu năm trước
Bến trường giang gặp bạn cố nhân
Năm nay lại đến Giang Tân
Giòng sông lạnh ngắt cố nhân đâu rồi
Buồn chỉ thấy nấm mồ bên núi
Cõi ngàn năm chia cắt đau lòng
Ôi thương tâm, ôi thương tâm
Sụt sùi lai láng bao hàng lệ rơi
Mây sầu thấp thoáng chân trời
Đêm vui đổi lấy một đời khổ đaụ
Tử Kỳ ơi, Tử Kỳ ơi
Ngàn vàng khôn chuộc được bầu tâm can
Thôi từ nay, thôi phím đàn
Ngàn thu thôi hết mơ màng cố nhân…)

Lời thơ vừa dứt, Bá Nha nâng Dao cầm lên cao, đập mạnh xuống tảng đá. Dao cầm vỡ tung từng mãnh, trụ ngọc, phím đồng rơi lả tả. Lão ông hoảng kinh, sao đại nhân lại đập vỡ đàn quí. Bá Nha đáp lời bằng bài thơ tứ tuyệt:

Thốt đoái Dao cầm phượng vĩ hàn
Tử Kỳ bất tại, hướng thùy đàn ?
Xuân phong mãn diện giai bằng hữu
Dục mịch tri âm, nan thượng nan
Dịch thơ:
Dao cầm đập nát đau lòng phượng
Đã vắng Tử Kỳ đàn với ai
Gió xuân bốn phía bao bè bạn
Khó thay tìm được bạn tri âm


Bốn câu thơ là bài văn tế cho bạn. Bá Nha quay lại phía lão ông, sụp quỳ xuống:
– Bá Kỳ Tử Nha đã y lời hẹn đến đây rồi. Nay tiểu sinh có đem theo ít nén vàng, xin thành tâm dâng lên bá phụ cùng bá mẫu để cung dưỡng tuổi già và tạo mươi mẫu ruộng làm tự cho Tử Kỳ. Bốn năm nữa hạ quan sẽ dâng biểu từ quan, về đây chung sống với bá phụ bá mẫu, với người bạn tri âm.
Chung lão không từ chối Bá Nha lạy Chung lão, lạy tạ từ bạn rồi quay xuống cho thuyền nhổ sào, trở về nước Tấn.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng những phút giây quý giá của cuộc gặp gỡ đó đã được lưu lại ngàn năm. Tình bạn của họ đã được khắc họa trong một bản nhạc kinh điển nhất của nhạc cổ Trung Hoa – Cao Sơn Lưu Thủy- bản nhạc mà Bá Nha đã chơi vào ngày gặp Tử Kỳ, được lưu truyền và được hậu nhân những người mến mộ hoàn thiện như bản nhạc đang có hiện nay.
 Trong dòng đời như cát bụi, tìm đâu được người tri kỷ???
Câu chuyện của họ đã đi vào lịch sử văn hóa, ảnh hưởng sâu sắc đến ý thức hệ của xã hội trong những năm dài của lịch sử, đã đi vào lòng người biết bao thế hệ sau này.
Vẻ đẹp vĩnh hằng của kiệt tác Cao Sơn Lưu Thủy
Mời các bạn giữ một tâm hồn tĩnh lặng để lắng nghe những tiếng lòng đồng điệu tri âm trong kiệt tác Cao Sơn Lưu Thủy.
Lắng nghe khúc nhạc, nếu thật sự không nhập tâm và tinh tế thì chúng ta không thể thấy hết cái hay cái đẹp của nó. Khúc nhạc bắt đầu bằng những thanh âm nhẹ nhàng và chậm rãi. Tiếng đàn đưa ta đến một không gian cao, rộng và thoáng đãng và mơ màng.
Ta như thấy lại hình ảnh Bá Nha năm nào đang đưa người theo điệu nhạc, đôi mắt nhắm lại và mơ về một nơi xa nào đó. Chỉ có đôi tay người nghệ sĩ lướt nhẹ trên phím đàn khi trầm khi bổng, dặt dìu, êm ái. Xung quanh là con sông chảy hiền hòa ôm vào lòng nó những dãy núi mù sương… Có lẽ đây là không gian mà ta gọi là “Cao sơn”.
 Ta như thấy lại hình ảnh Bá Nha năm nào đang đưa người theo điệu nhạc, đôi mắt nhắm lại và mơ về một nơi xa nào đó. Chỉ có đôi tay người nghệ sĩ lướt nhẹ trên phím đàn khi trầm khi bổng, dặt dìu, êm ái. Xung quanh là con sông chảy hiền hòa ôm vào lòng nó những dãy núi mù sương…
Rồi bỗng nhiên, nhịp đàn nhanh dần, réo rắt những dịp dồn dập nhau. Tưởng chừng như cả trái tim người nghệ sĩ cũng rung lên với nhịp thở gấp gáp. Ta lại như thấy mình giữa một khung cảnh sơn thủy hữu tình, một ngọn núi xa xa, một dòng thác chảy mạnh mẽ. Dòng nước cuộn sóng tung bọt trắng xóa.
Con nước chảy từ trên cao hòa mình vào dòng nước lớn. Khung cảnh ấy có thể hình dung là “lưu thủy”. Kết lại bản nhạc vẫn là những điệu âm réo rắt rồi nhỏ dần nhỏ dần như dòng chảy đang dần về một nơi xa lắm.
Bản nhạc không chỉ đẹp ở giai điệu mà còn đẹp như một bức tranh hữu tình. Đôi khi giữa dòng đời hối hả, dành ra một khoảng lặng để lắng nghe “Cao sơn lưu thủy“, ta lại thấy tiếng đàn như rót vào tim những thanh âm trong trẻo nhất.
 Rồi bỗng nhiên, nhịp đàn nhanh dần, réo rắt những dịp dồn dập nhau. Tưởng chừng như cả trái tim người nghệ sĩ cũng rung lên với nhịp thở gấp gáp. Ta lại như thấy mình giữa một khung cảnh sơn thủy hữu tình, một ngọn núi xa xa, một dòng thác chảy mạnh mẽ. Dòng nước cuộn sóng tung bọt trắng xóa
Một chút gì đó hoàn toàn thanh khiết không vướng bụi trần. Đó là tinh hoa của trời đất, của tình người tri cố, của những tâm hồn cô độc tìm thấy nhau giữa cuộc đời nhiều oan trái. Để rồi mỗi sáng thức dậy sẽ lại thấy lòng mình thanh thản và nhẹ tênh. Và lại thấy như có tiếng đàn vẫn réo rắt, du dương ngay trong chính tâm hồn mình…


Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

9 câu ngụy biện điển hình của người Việt


Có một thói quen rất nguy hiểm mà người Việt thường xuyên sử dụng trong giao tiếp, đó là thói quen ngụy biện. Thói quen này đã lây nhiễm một cách vô hình từ giao tiếp thường nhật, từ tâm lý thắng thua khi tranh cãi, và nhất là trong cộng đồng cư dân mạng…
Ngụy biện hay Fallacy là khái niệm để chỉ những cách lập luận tưởng chừng là đúng, nhưng thực chất lại là sai lầm và phi logic trong tranh luận. Ngụy biện có thể biến một vấn đề từ sai thành đúng, và từ đúng trở thành sai. Ngụy biện có thể dẫn đến những cái nhìn sai lệch và tư duy sai lầm mà chính bản thân người nói cũng không nhận ra được.
Những ai đã có kiến thức về ngụy biện đều hiểu một điều đáng buồn rằng: Người Việt rất hay ngụy biện và tư duy ngụy biện! Chúng ta đều biết hai chữ “ngụy biện”, nhưng liệu chúng ta có thật sự hiểu về nó? Bạn có tin rằng tại Việt Nam, ngụy biện đã cướp đi mạng sống của con người?
Ngụy biện như một thứ mặt nạ xấu xí khiến người ta tư duy lệch lạc mà không hay
Trên thế giới, ngụy biện đã trở thành một kiến thức được biết đến rộng rãi, và các nhà nghiên cứu đã thống kê khoảng trên dưới 100 loại ngụy biện khác nhau. Đáng tiếc là tài liệu về ngụy biện tiếng Việt chỉ có một vài nguồn, đó là trang GS Nguyễn Văn Tuấn, trang Thư viện khoa học, hay trang “Ngụy biện – Fallacy” của TS. Phan Hữu Trọng Hiền.
Dưới đây xin được tổng hợp lại 9 câu “ngụy biện” điển hình của người Việt đã được nêu ra tại các nguồn tài liệu trên:

1. “Nhìn lại mình đi rồi hẵng nói người khác”
Mình làm sai thì là sai rồi, sao lại không nhận sai, không nói thẳng vào vấn đề “mình sai” mà lại quay qua tìm điểm yếu của người khác? Việc này cũng giống như là khi nhận được góp ý: “Viết sai chính tả rồi kìa”, thì thay vì sửa sai, bạn lại bốp chát: “Thế mày chưa viết sai bao giờ à?”

2. “Có làm được gì cho đất nước đâu mà to mồm”
Người ta có làm được gì hay không thì là điều mình chưa biết, hơn nữa bạn đã “lạc đề” rồi. Vấn đề người ta nêu ra thì bạn không trả lời, không đưa ra luận điểm logic, mà lại đi đường vòng, chuyển qua công kích người khác.

3. “Nó ăn trộm chó thì cứ đánh cho nó chết”
Lập luận này đã khiến cho những kẻ trộm chó vốn không đáng phải chết bị giết chết bởi chính những người dân tưởng chừng “lương thiện”. “Ăn trộm chó” là sai, nhưng “giết người” cũng là sai, hai sai thì không phải là một đúng, mà là sai lại càng sai.

4. “Làm được như người ta đi rồi hãy nói”
Lại một hình thức “lạc đề”. Luận điểm mà người ta đưa ra thì bạn không xoay quanh mà bàn luận, lại cứ phải công kích cá nhân người khác thì mới vừa lòng sao?

5. “Nếu không hài lòng thì cút xéo ra nước ngoài mà sinh sống”
Lời nói này không chỉ đánh lạc hướng vấn đề, mà còn rất bất lịch sự, chuyên dùng để làm người đối diện tức giận, chứ chẳng có một chút logic nào trong đó cả.

6. “Chỉ có những người chân lấm tay bùn từ nhỏ mới là người cần cù chăm chỉ xây dựng đất nước”
Câu khẩu hiệu này đã từng xuất hiện ở Việt Nam trong quá khứ. Người ta có câu “vơ đũa cả nắm”, ấy chính là để chỉ việc lập luận cảm tính, khái quát cảm tính, mà không hề đưa ra logic hợp lý nào cả. Cũng như vậy, khi phân chia giai cấp và tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp, thì người ta đã mắc sai lầm ngụy biện, ví như chủ đất không nhất định là xấu, chủ doanh nghiệp cũng không nhất định là xấu, và người làm công ăn lương hay nông dân chắc gì đã là một người tốt cần cù chăm chỉ?

7. “Nước nào mà chẳng có tham nhũng”
Vì nước nào cũng có tham nhũng nên Việt Nam được phép có tham nhũng hay sao? Vì mọi người đều vượt đèn đỏ nên tất nhiên tôi cũng phải vượt đèn đỏ? Vì xã hội thiếu gì nghiện hút nên trong nhà có người hút chích cũng là bình thường?

8. “Nếu anh là họ mà anh làm được thì hẵng nói”
Đặt mình vào vị trí người khác là một tiêu chuẩn người xưa dùng để tu sửa bản thân, hướng vào bản thân tìm lỗi, là một nét văn hóa rất độc đáo của phương Đông. Tuy nhiên câu nói đó chỉ sử dụng khi một người tự răn mình, chứ không phải là một câu nói dùng trong tranh luận. Việc sử dụng nó trong tranh luận không chỉ là sự bịt miệng những phê bình của người khác, không giải thích các luận điểm của người khác, mà còn chứng tỏ rằng chúng ta đang phá hoại và lãng quên văn hóa truyền thống của chính mình.

9. “Tại sao anh dám nói chúng tôi sai? Anh là một tên phản bội dân tộc”
Kiểu lập luận chụp mũ này mặc nhiên coi mình là đúng, họ là sai, và những người đồng quan điểm với họ cũng là sai. Nó không hề đưa ra một thứ logic nào, nhưng lại cắt ngang một cái giới tuyến, và tùy tiện định tội cho người khác.
Ngụy biện như một thứ mặt nạ xấu xí khiến người ta tư duy lệch lạc mà không hay
Tất nhiên đây mới chỉ là những câu ngụy biện cơ bản nhất, thường thấy nhất. “Văn hóa ngụy biện” đã ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn, muôn hình vạn trạng, và luôn ẩn giấu trong tư duy của người Việt. Vậy nguyên nhân của thói quen này là từ đâu?

Trong phần nhiều các lỗi ngụy biện thường gặp của người Việt, có một tâm lý cơ bản hiện rõ ra khi tham gia thảo luận, đó chính là tâm tranh đấu, hiếu thắng, và không hề tôn trọng người đối diện. Ngoài đó ra, chúng ta cũng hay bị ảnh hưởng của tâm lý đám đông, lợi dụng tâm lý đám đông để che đi trách nhiệm của bản thân mình.

Muốn tránh cách tư duy ngụy biện, chúng ta không những phải sửa lối tư duy vòng vo, thiếu suy nghĩ, mà còn phải sửa chính từ tâm thái của mình khi trao đổi và luận bàn về mọi việc. Điều cơ bản nhất khi tham gia tranh luận là có trách nhiệm trong lời nói của chính mình và biết tôn trọng người đối diện.