thư mục

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

kỷ niệm 140 năm ngày mất nhà yêu nước Nguyễn Trường Tộ (28/11/1871-28/11/2011)(

Bài 01: Nguyễn Trường Tộ và khát vọng canh tân.


Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828 (tức năm Minh Mạng thứ 9), trong một gia đình Công giáo, quê làng Bùi Chu (nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).


Nguyễn Trường Tộ viết: "Mấy chục năm nay tôi bôn ba trong thiên hạ, thu thập những tình thế biến đổi xưa nay, đem những điều đã học trong sách nghiệm ra việc đời. Đã trao đổi với ai một lời nói, một câu chuyện thì thâm tâm tôi cũng có ý muốn thu lấy sự hiểu biết của người làm của mình".




Ham học hỏi và lĩnh hội tri thức
Từ nhỏ ông đã được Giám mục Ngô Gia Hậu (Gauchier) dạy cho tiếng Pháp cùng với các môn khoa học thường thức của Tây phương. Ngoài ra, ông lại được cho đi du học ở nhiều nơi như Singapore, Malaisia, Pháp, La Mã... Trong những chuyến đi đó, ông đã tìm tòi và lĩnh hội được nhiều tri thức khoa học mới, trong lòng nung nấu đem những điều mình đã học hỏi được về phục vụ cho lợi ích nước nhà.
Tháng 6 năm 1864 (tức tháng 5 năm Tự Đức thứ 17), ông có bài viết bày tỏ mục đích về những lần xuất ngoại của mình: "Từ 15 năm nay, tôi đã biết rõ tất phải có mối lo như ngày hôm nay, nên tôi đã ra sức tìm tòi học hỏi trí khôn của mọi người để thêm sự hiểu biết cho mình".
Trong bản Trần tình (8/5/1863) ông lại viết: "Về việc học thì không môn nào không để ý tới, cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo cứu".
Ngày mùng 9 tháng 3 năm 1867 (tức ngày 16 tháng 2 năm Tự Đức thứ 21), ông lại viết tiếp: "Mấy chục năm nay tôi bôn ba trong thiên hạ, thu thập những tình thế biến đổi xưa nay, đem những điều đã học trong sách nghiệm ra việc đời. Đã trao đổi với ai một lời nói, một câu chuyện thì thâm tâm tôi cũng có ý muốn thu lấy sự hiểu biết của người làm của mình". Nhờ có lòng ham học hỏi và ý thức học tập một cách nghiêm túc nên Nguyễn Trường Tộ đã có một sự hiểu biết rất sâu rộng.
Những bản điều trần và khát vọng canh tân
Cũng vì mến mộ tâm lực của ông trong việc xây cất tu viện ở Sài Gòn nên trong Ký sự của dòng thánh Paul (Phao Lô) đã có những đoạn chép hết lòng ca ngợi: "Ông rất thông minh linh hoạt và vô vị lợi đến mức tuyệt đối, vì ông không nhận một đồng lương nào, chỉ ăn cơm không và tiêu vặt chút ít. Không có ông chúng tôi không bao giờ xây dựng được những tu viện, nguyệt đường...". Đó là chưa kể đến việc ông giúp tổng đốc Hoàng Kế Viêm (khi ông đã về Nghệ An) hoàn thành việc đào Kênh Sắt, xây dựng các cơ sở Nhà chung Xã Đoài (1868) và giúp dân làng Xuân Mỹ dời dân tránh khỏi vùng khí hậu khắc nghiệt.
Tháng 5 năm 1863 ông đã soạn xong ba văn bản để gửi lên Triều đình Huế: bản thứ nhất là Tế cấp luận, bản thứ hai là Giáo môn luận, bản thứ ba là Thiên hạ phân hợp đại thế luận. Trong ba bản đó, bản Tế cấp luận là văn bản quan trọng nhất. Nội dung của bản này đề cập đến việc canh tân và phát triển đất nước. Với Tế cấp luận ông đã khẳng định: "Tế cấp luận thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay... bài Tế cấp luận của tôi nếu đem ra thực hành hàng trăm năm cũng chưa hết".
Ở bản Giáo môn luận, ông dùng những lý lẽ của trời đất và các chứng cớ lịch sử để kêu gọi Triều đình phải có chính sách bao dung, nhân ái đối với những tín đồ Công giáo. Thế nhưng đứng trước tình thế bất lợi (Triều đình Huế đã kí hòa ước 5/6/1862 nhưng không muốn thi hành hay sửa đổi), Nguyễn Trường Tộ nhận thấy rằng chúng ta cần phải tạm thời hòa hoãn để củng cố mọi mặt đất nước, sau đó sẽ dốc lực đấu tranh, trong bối cảnh đó, ông đã viết Thiên hạ phân hợp đại thế luận.
Sau ba bản điều trần trên, Nguyễn Trường Tộ liên tục gửi nhiều bản khác lên Triều đình Huế (có 58 di thảo gửi cho Triều trình, liên tục trong vòng 10 năm). Những bản điều trần của ông là những đề nghị tâm huyết nhằm góp phần xây dựng đất nước, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng phong bế, lạc hậu và tạo nên sự thay đổi lớn lao bên trong, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhìn vào nội dung các bản điều trần, chúng ta nhận thấy Nguyễn Trường Tộ đã đi trước, và vượt lên trình độ của các tầng lớp trí thức nho sỹ đương thời.
Song thật tiếc, những dòng tâm huyết ấy lại không được chấp nhận do hạn chế của thời đại. Trước hết, do đất nước đang ở trong tình thế nước sôi, lửa bỏng: bên ngoài giặc đánh Đà Nẵng, chiếm Gia Định, chiếm ba tỉnh miền Đông rồi ba tỉnh miền Tây, nội tình thì loạn lạc (loạn Đoàn Trưng khiến Tự Đức suýt mất ngôi).
Mặt khác, do cái nhìn hạn hẹp của các quan chức đầu triều lúc bấy giờ (kể từ thời Gia Long, bộ phận đầu não của Triều đình đều là những người già bảo thủ nên bất cứ việc gì vua hỏi cũng đều phân vân không dám quyết, hoặc quyết theo hướng đóng cửa, làm tăng thêm những mâu thuẩn, xung đột). Và kết cuộc sự đợi chờ của ông cũng chỉ là vô vọng. Không những thế, ông lại còn bị Triều đình nghi ngờ là có quan hệ với Pháp (vì ông là tín đồ Công giáo, lại có thời gian làm việc cho Tây soái ở Nam Kỳ).
Ngày mùng 8 tháng 5 năm 1863 ông đã viết bản Trần tình bộc lộ những suy nghĩ và khát vọng của mình về thế cuộc, giãi bày tấm lòng mình, một hai đều vì nước nhà, dù công danh, tiền bạc cũng không làm lay chuyển được tấm lòng của ông.
Trần tình có đoạn viết: "Sau đó, tướng Bonard sang, tôi thấy ông ta có những hành động ngược lại sự bàn hòa, tình thế đã khó lại khó thêm, tôi mới quyết ý xin thôi không làm nữa. Họ không chịu xét. Tôi nhất định từ, không nhận bổng lộc, ai cũng cười là ngu. Mặc dầu họ có sai người đến cố nài ép trao cho tôi, tôi cũng bỏ đi. Thấy lòng tôi quyết định, chí tôi vững, họ lại đem quan chức ra dụ tôi. Tôi nói: Nhận quan chức thì được bổng lộc, không nhận thì dù bần cùng đến phải làm đứa ăn xin chứ không chịu theo mà phụng sự cho họ".
Mặc dù không được Triều đình trọng dụng, nhưng lòng ông vẫn luôn hướng về, vẫn mong được phò vua, cứu dân. Tấm lòng ấy thể hiện rất rõ qua những bài thơ mà ông để lại: "Mặt trời cho dẫu không soi đến/Hướng dương xin vẫn nếp hoa quỳ" và ở hai câu thơ khác: "Ngụy Tào sống gửi Từ Nguyên Trực/Tần Lã không thờ Lỗ Trọng Tiên".
Nguyễn Trường Tộ cả một đời vì đất nước, vì nhân dân nhưng khao khát của ông không hề được toại nguyện. Ông ra đi giữa tuổi xanh tràn đầy nhiệt huyết (ông mất ở tuổi 43, trên quê hương mình tại Giáo xứ Xã Đoài). Thiết nghĩ rằng nếu ông chưa vội ra đi, nếu những bản điều trần đó được thực thi thì lịch sử Việt Nam sẽ có những bước ngoặt lớn: không lâm vào cảnh mất nước và đời sống nhân dân thời bấy giờ phải khốn khổ, tình hình phát triển đất nước không bị tụt hậu như đã có trong lịch sử.
Và để khi vĩnh biệt cõi đời này, ông đã không phải nuối tiếc mà than thở rằng: 
"Một lỡ bước đi, muôn thuở hận
Ngoảnh đầu nhìn lại đã trăm năm".

*******

 Bài 02:  Trí thức Cận Thần và trí thức Độc Lập


Bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ Nguyễn Trường Tộ chính là sự thất bại của ông trong việc kiến nghị những giải pháp canh tân đất nước với tư cách một trí thức. Từ đó thấy rằng, chỉ khi nào người trí thức tự giác tránh con đường cụt mang tên "Trí thức cận thần" để đi trên con đường mới - con đường trí thức độc lập, trí thức dấn thân - thì đất nước mới có thể tránh được nguy cơ trở thành "đất nước cận thần" và giữ được nền độc lập đúng nghĩa.

Mỗi khi nói về sự canh tân của nước Nhật, ta không khỏi nghĩ đến Fukuzawa Yukichi.
Mỗi khi nghĩ đến Fukuzawa Yukichi, ta không khỏi nghĩ đến Nguyễn Trường Tộ.
Cả Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ đều là là những nhà tư tưởng về cải cách, sống cùng giai đoạn lịch sử. Nhưng một người thành công, một người thất bại.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Fukuzawa Yukichi thành công, còn Nguyễn Trường Tộ thì thất bại?
Một phần của câu trả lời đến từ sự khác nhau trong cách tiếp cận của hai người




Trí thức độc lập


Sau khi tiếp thu nền văn minh phương Tây, và nhận thấy cần phải tiến hành cải cách để canh tân đất nước nhằm giữ nền độc lập, vươn lên sánh vai cùng các cường quốc phương Tây, Fukuzawa Yukichi tiến hành chương trình hành động của mình.

Các việc làm của Fukuzawa Yukichi tương đối phong phú, nhưng có thể khái quát ngắn gọn như sau: mở trường dạy học, dịch sách, viết sách, làm báo để truyền bá văn minh phương Tây cho trí thức và dân chúng Nhật Bản.
Ông tìm cách khai sáng cho dân chúng và trí thức Nhật Bản, lúc đó còn chìm đắm trong lối học từ chương ảnh hưởng của Nho giáo Trung Hoa, thông qua việc cổ vũ lối thực học của phương Tây; xây dựng hình mẫu trí thức độc lập và chủ trương "độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân".

Bản thân ông cũng hành động như một hình mẫu của trí thức độc lập, không phục thuộc vào giới cầm quyền.
Ông kêu gọi trí thức Nhật Bản lúc bấy giờ hãy "coi trọng quốc gia và coi nhẹ chính phủ", tự tin vào sức mạnh và vị thế độc lập của mình. Từ đó dấn đến niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của tri thức và nền văn minh mới mẻ có tác dụng giải phóng tư duy và bồi đắp sự độc lập của cá nhân.
Khi trường Đại học Keio do ông sáng lập có nguy cơ phải đóng cửa vì nội chiến, chỉ còn 18 học sinh, nhưng ông vẫn tin tưởng: "Chừng nào ngôi trường này còn đứng vững, Nhật Bản vẫn sẽ là quốc gia văn minh trên thế giới".
Fukuzawa Yukichi sống và làm việc như một trí thức độc lập điển hình.

"Trí thức cận thần"


Khác với Fukuzawa Yukichi, Nguyễn Trường Tộ, sau khi tiếp thu văn minh phương Tây, không truyền bá để khai sáng cho đại chúng mà dành phần lớn tâm sức cho việc viết tấu trình gửi nhà Vua. Tất cả các bản tấu trình và điều trần của ông đều không được đưa ra sử dụng, dù hơn ai hết, ông biết được giá trị thật của chúng: "Tế cấp luận thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay... Bài Tế cấp luận của tôi nếu đem ra thực hành hàng trăm năm cũng chưa hết".

Bằng cách đó, ông đã phụ thuộc tuyệt đối vào nhà cầm quyền, đánh mất vị thế độc lập của người trí thức. Nói cách khác, ông hành xử như một "trí thức cận thần": Viết tấu trình và chờ đợi sự sáng suốt của nhà Vua.

Như thế, ông đã tự tước đi cơ hội của chính mình, và rộng ra là của cả dân tộc, vì trong suốt lịch sử, số lượng các minh quân vô cùng ít.

Những kiến nghị cải cách của ông, dù đúng đắn và có tầm vóc thời đại, nhưng rốt cuộc lại trở nên vô dụng.

Do hành xử như một "trí thức cận thần", không có được sự độc lập cho bản thân mình, dẫn đến không có đóng góp gì đáng kể vào sự hình thành giới trí thức đúng nghĩa, nên sau khi ông mất đi, không có người tiếp nối. Tư tưởng canh tân đổi mới của ông vì thế bị chìm vào quên lãng.

Bài học cho hậu thế

Sự thất bại của Nguyễn Trường Tộ chính là bài học lớn nhất dành cho hậu thế. Tiếc rằng, bài học này, dù phải trả học phí rất đắt bởi không chỉ Nguyễn Trường Tộ mà còn cả dân tộc, không được sử dụng.

Những người có trách nhiệm thậm chí còn cổ vũ và yêu cầu trí thức phải đi theo lối con đường "trí thức cận thần" của Nguyễn Trường Tộ khi cho rằng: Trí thức muốn kiến nghị hay phản biện xã hội, cần gửi cho các cơ quan hữu trách trước khi phổ biến ra ngoài xã hội.

Lịch sử đã chứng minh: Đi theo còn đường đó là đi vào ngõ cụt. Làm theo cách đó là kéo lùi bước đi của dân tộc.

Trước tình cảnh đó, không còn cách nào khác, người trí thức phải tự giác tránh con đường cụt đó, con đường "trí thức cận thần", để đi con đường mới: con đường trí thức độc lập, trí thức dấn thân.

Chỉ khi đó, đất nước mới tránh được nguy cơ trở thành "đất nước cận thần", và giữ được nền độc lập đúng nghĩa.

Việc Quốc hội lắng nghe tiếng nói của những trí thức độc lập trong thời gian gần đây cho thấy con đường trí thức độc lập đã được khai mở, chỉ chờ người dấn bước.

*******


Bài 03: Vị thế của Nguyễn Trường Tộ trong bối cảnh lịch sử Việt Nam những năm 60 thế kỷ XIX

Nguyễn Trường Tộ(1828- 1871), sinh tại thôn Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, là một trong những người có tư tưởng cách tân đất nước điển hình ở nửa sau thế kỷ XIX. Đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời, tư tưởng của nhân vật lịch sử này trong các thập kỷ vừa qua. Ở bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh có liên quan đến con người Nguyễn Trường Tộ, đó là vị thế của ông trong bối Triều Nguyễn được thành lập năm 1802, về cơ bản bộ máy chính trị vẫn được phân chia thành 6 bộ, quyền lực thâu tóm vào tay vua. Đặc biệt là triều Minh Mạng, từ năm 1831, ông thực hiện cải cách, đơn vị hành chính tỉnh ra đời. Triều đình đã quản lý được cấp tỉnh và do đó chính quyền dưới triều Nguyễn là chính quyền tập trung hơn các triều đại trước đó. Đến thời Tự Đức, ông thực hiện cai trị đất nước một cách gián tiếp thông qua chế độ quan liêu đã được thiết lập từ thời Minh Mạng. Cơ mật viện được tổ chức như mô hình của triều đình Mãn Thanh bên Trung Quốc. Đất nước gồm 31 tỉnh thành, đứng đầu mỗi tỉnh là một viên Tổng đốc và các Tuần phủ phối hợp với nhau kiểm soát tình hình địa phương.

Tuy nhiên, sự bất ổn về an ninh, quốc phòng cũng bắt đầu nảy sinh và trở nên nguy hiểm ngay từ thời Minh Mạng. Cùng với những cuộc khởi nghĩa nông dân đã có hàng loạt những cuộc phiến loạn của các nhóm cướp bóc nổi lên khắp các tỉnh Lạng Sơn, Hưng Hóa, Quảng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình khiến cho triều đình luôn phải phân tán lực lượng quân đội để đối phó. Tình hình này càng nghiêm trọng và trở thành mối lo lắng thường trực dưới thời trị vì của Tự Đức. Do sự truy quét gắt gao của chính quyền Mãn Thanh, các nhóm tàn quân của khởi nghĩa nông dân Trung Quốc đã tràn qua biên giới Việt – Trung cướp bóc, tàn phá các địa phương phía Bắc. Tự Đức thể hiện sự bất an đó trong công văn gửi các tỉnh biên giới, nội dung có đoạn viết: “Các ngươi thử nghĩ xem: đất là đất của ta, dân là dân của ta, đối với phận sự của chính thân các ngươi lại càng quan thiết, mà nay để cho họ khác bức bách xen vào giày xéo đất cát, sai khiến dân con, như thế thì các ngươi còn mặt mũi nào đứng được trên đời nữa”.[1]

Triều Nguyễn sau khi thành lập đã có những biện pháp nhằm khôi phục sức sản xuất.Nhưng do tác động của các cuộc chiến tranh nông dân trong suốt thế kỷ XVIII đã làm cho tình hình sản xuất giảm sút nghiêm trọng. Vấn đề trị thủy bị sao nhãng vì triều đình phải mất thời gian tập trung binh lực đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân. Có tới 400 cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ từ đầu thời Nguyễn đến thời trị vì của Tự Đức. Trong khoảng thời gian 15 năm từ 1847 đến 1862, nhân dân phải chịu gánh nặng tổn thất của 11 lần thủy tai.

Tình hình thương nghiệp sút kém hơn các thời kỳ trước. Chính sách bế quan tỏa cảng của triều Nguyễn tạo ra sự ngừng trệ về công thương nghiệp. Lái buôn phương tây phải chịu thất bại trong cuộc buôn bán và rút khỏi nước ta. Đến thời Tự Đức, ông cũng bước đầu ý thức được vấn đề phải mở cửa, vai trò của thương nhân người Hoa trở nên nổi bật, tuy nhiên những đóng góp của họ đối với nền thương nghiệp Việt Nam không có gì đáng kể.

Về giáo dục thi cử, triều Nguyễn chủ trương vẫn giữ phép xưa. Đặc biệt, Nho giáo – tư tưởng đã rơi vào khủng hoảng ở thế kỷ XVIII đến thời kỳ này được triều đình phục hưng trở lại và sử dụng khá nhiều trong thi cử, trở thành khuôn sáo, xa rời hoàn toàn với hoàn cảnh thực tế lúc bấy giờ. Chính sách đóng cửa của triều Nguyễn đã hạn chế sự tiếp nhận những yếu tố mới trong tư tưởng Nho giáo từ Trung Quốc. Vì vậy, triều đình vẫn chỉ sử dụng được những sách Nho học của Chu Hy mà thôi. Các vua Nguyễn luôn yêu cầu quan lại đại thần của mình noi theo các tấm gương Trung Quốc cổ đại. Tư tưởng bao trùm lên triều đình chính là “xưa hơn nay”, “nội hạ ngoại di”,… cho rằng phương Tây là “Dương di”, “tà giáo”.Chính vì thế, sự bảo thủ của các vua Nguyễn càng trở nên mạnh mẽ.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng ở thời Nguyễn, đặc biệt là từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức là thái đội trịch thượng, coi thường và nghi ngờ của triều đình đối với các nước phương Tây. Triều đình coi đó là phương thức trị nước. Minh Mạng cấm đạo gắt gao hơn khi ông nhận thấy sự xuất hiện của giáo sĩ Tây dương Mác – Săng trong thành Phiên An bị quân nổi loạn của Lê Văn Khôi chiếm đóng. Đặc biệt, năm Minh Mạng thứ 16, quan đô sát Phan Bá Đại tâu lên triều đình về những điều mà ông ta cho rằng đó là tác hại của đạo Thiên chúa và điều quan trọng là phải loại bỏ tôn giáo đó: “Những thuật tà đạo dị đoan xui giục mê hoặc nhân dân, kẻ đứng đầu thì bị trảm giam hậu. Vậy thì tà giáo tức là tà đạo và Vương chếkhông bao dung và xưa nay đều phải trừ bỏ hẳn. Nay xin tham bác Lễ và Luật, định rõ điều cấm, khiến cho người ta biết răn chừa, thì mới dập tắt được dị đoan”[2]. Thời trị vì của Tự Đức, ông đã giết hại 27 giáo sĩ, 300 thầy tu và 3 vạn giáo dân nước ta. Việc cấm đạo và hạn chế thương nghiệp, triều đình cho rằng đó là biện pháp ngăn chặn hữu hiệu âm mưu xâm lược của các nước phương Tây. Triều Nguyễn không nhận thấy những tác hại nghiêm trọng của những việc làm trên đang từng bước đe dọa nền độc lập của dân tộc. Đường lối sai lầm của triều đình đã khoét sâu mâu thuẫn giữa các nước phương Tây với Việt Nam, buộc họ phải giải quyết vấn đề bằng vũ lực.

Năm 1856, chính phủ Pháp cử phái đoàn Mông Ti Nhi sang Việt Nam thương thuyết về mặt truyền đạo và tự do buôn bán để dọn đường cho việc xâm lược. Hội đồng của phái đoàn đã họp 3 tuần để quyết định kế hoạch chính thức xâm lược và đường lối cai trị sau khi đã chiếm nước ta: không nên biến Việt Nam thành nước trực thuộc Pháp mà nên duy trì triều đình Nguyễn, biến họ thành tay sai, đặt nước ta dưới sự “bảo hộ” của Pháp. Ngày 1-9- 1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng xâm lược nước ta ở cửa biển Đà Nẵng. Sau khi vấp phải thất bại, thực dân Pháp chuyển hướng đánh vào Gia Định. Triều đình có điều quân chống cự, tuy nhiên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội quan trọng để có thể đánh Pháp đến cùng.Các đình thần tâu với Tự Đức rằng: “Giặc lấy thuyền bền súng nhạy làm nghề giỏi ở ngoài biển rộng sóng gió, thế ta cũng khó tranh đua được với họ. Về kế sách thì hiện giờ nên lấy thủ làm chính. Giữ có vững vàng rồi sau mới có thể nói đánh hay hòa được. Nếu trước hết mà giữ không chắc thì chiến đã không được, lại e rằng hòa cũng không đủ trông cậy. Đến như cách công thủ thì hoàng thượng đã chỉ thị đủ rồi, không thiếu gì nữa. Cứ theo đó mà làm cũng đủ thắng giặc”[3]. Vào thời điểm tháng 4 năm 1861, Trương Đăng Quế cũng tâu với Tự Đức: “Người Tây dương ý muốn chiếm đóng Gia Định, lại muốn cắt tỉnh Tường, tỉnh Biên, yêu cầu như thế, sợ hòa cục không thành. Trừ ra việc chiến việc thủ không có kế gì khác”[4]. Nguyễn Bá Nghi lại bàn: “Sự thế Nam Kỳ, duy việc giảng hòa còn có thể làm được. Nếu không như thế sẽ có việc lo ngại khác”[5]. Triều đình bị phân hóa thành nhiều phe phái như vậy khiến cho tư tưởng chống giặc, đường lối và phương pháp tác chiến không thống nhất. Tự Đức nhiều lần huấn dụ rằng: “cốt yếu lấy sự hòa, hiếu làm quyền nghi tạm thời, mà đánh giữ làm thực vụ. Thế mà ý riêng của Bá Nghi chủ ở giảng hòa, không sửa sang việc phòng thủ”[6]. Triều Nguyễn từ chủ trương “thủ để hòa”, sau đó là “chủ hòa” dẫn tới hậu quả là Pháp chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam kỳ(Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) (1862), tiếp đến là 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) (1867).

Tầng lớp sỹ phu phong kiến nước ta trước sự tấn công của Pháp đã có sự phân hóa. Một bộ phận chủ trương chống pháp, gọi là phái chủ chiến với tư tưởng thủ cựu, bộ phận khác chủ trương hàng gọi là phái chủ hòa có tư tưởng duy tân. Những người có tư tưởng duy tân đưa ra vấn đề hòa với Pháp, tranh thủ thời gian khôi phục đất nước, chấn chỉnh võ bị, làm cho đất nước giàu mạnh có đủ thực lực để đánh Pháp. Yêu cầu cấp thiết của lịch sử những năm 60 của thế kỷ XIX là triều Nguyễn phải kết hợp hai vấn đề đánh Pháp và canh tân đất nước. Thực hiện cải cách là vấn đề quan trọng bổ trợ cho việc đánh Pháp thành công. Nguyễn Trường Tộ là người tiêu biểu nhất của dòng tư tưởng canh tân đó.

Từ năm 1861 đến năm 1871, Nguyễn Trường Tộ gửi lên triều đình nhiều bản điều trần, trong đó có“Thiên hạ đại thế luận” (1863), Dụ tài tế cấp bẩm từ (1863), Lục lợi từ (1866), Tế cấp bát điều (1867) với những nội dung cải cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Tư duy kinh tế của Nguyễn Trường Tộ được coi là điển hình nhất trong các nội dung cải cách của ông. Nguyễn Trường Tộ cho rằng kinh tế là nền tảng quốc gia, “trong ngũ phúc, phú đứng đầu”. Để có thể theo kịp văn minh phương Tây, triều đình cần phải chú trọng vào vấn đề phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Trong ‘Thiên hạ phân hợp đại thế luận” ông đã nói rất cụ thể cái đại thế trong thiên hạ, vị trí của nước Việt Nam là một nơi rất ưu thế trên quả địa cầu, có nhiều tài nguyên khoáng sản, đất đai, là điều kiện rất quan trọng cho một nền công nghiệp: “Người Pháp đã biết rõ đằng sau nước ta có hai dãy núi lớn, từ núi Côn- lôn mà xuống bao bọc phía đông tây của sông Cửu- long, có nước ta làm bình phong ở phía đông, nước Xiêm làm thung lũng ở phía tây. Trong thiên hạ không có chỗ nào hiểm yếu cao quý hơn chỗ này. Vả lại, hai cái mạch núi ấy, từ phía bắc mà dọi xuống phía nam có rất nhiều lâm sản và khoáng sản quý báu, cho nên Pháp mới đến Gia- định”[7]. Vấn đề theo Nguyễn Trường Tộ chỉ là ta còn thiếu vốn và kỹ thuật mà thôi, nên hợp tác với nước ngoài trên lĩnh vực khai thác để lấy kinh nghiệm. Tổ chức đào kênh từ Hải Dương đến Huế để phát triển thương nghiệp. Khuyến khích nhân dân buôn bán để nội thương được phát triển. Đối với nông nghiệp, ông cho rằng “nông nghiệp là cái gốc, ăn mặc và hàng trăm nhu cầu khác đều từ nông nghiệp mà ra”, vì vậy ông đưa ra chủ trương thành lập bộ canh nông. Về điểm này, ông tiến xa hơn Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ. Đánh thuế trên các mặt hàng xa xỉ như tơ, lụa, các mặt hàng nhập ngoại nhằm thu tiền nhà giàu.

Về chính trị, ông chủ trương xây dựng mô hình theo kiểu quốc dân nhất thể, thượng hạ tình thông, quân chủ thần quyền, vẫn chủ trương có vua nhưng vua chỉ có quyền ân xá chứ không còn quỳên sát sinh đối với dân chúng. Ngoài ra còn đề nghị sát nhập các tỉnh để hạn chế số biên chế và tăng lương cho viên chức.

Theo Nguyễn Trường Tộ, giáo dục có vai trò quan trọng: “Học tập bồi dưỡng nhân tài là con đường đưa đến sự giàu mạnh”. Áp dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống chứ không phải là cái học từ chương khuôn sáo “dù bút có trọc hết lông, môi ráo hết nước bọt cũng không ích lợi gì”. Giáo dục sản sinh ra những con người của nền giáo dục ấy: trồng đậu được đậu đó cũng là lẽ tự nhiên. Theo ông là “nếu để công phu trau dồi văn hay chữ tốt đó mà học những công việc hiện tại như học đồ trận binh pháp, học xây thành giữ nước, học cách bắn đại bác,… cũng có thể chống được giặc vậy. Nếu để công lao trong mấy mươi năm đọc thuộc lòng những tên người, tên người, tên xứ, những chính sự trong sách, nghĩ lý lộn xộn của Ngu Hạ, Thương, Chu, Hán, Đường, Tống, Nguyên thưở trước đó, mà học những công việc hiện tại, như học việc binh, việc hình, luật lệ, tài chính, kiến trúc, canh cửi cày cấy và các công việc mới mẻ khác, có thể làm cho dân giàu nước mạnh vậy”[8]. Ông đề nghị cải cải cách chữ viết, lập nhà xuất bản sách báo nhằm nâng cao trình độ người dân. Chăm lo trợ cấp xã hội bằng việc lập các viện Dục Anh (chăm sóc trẻ mồ côi) và trại Tế Bần (chăm sóc người già).

Về quân sự, Nguyễn Trường Tộ chủ trương muốn thắng giặc phải dùng uy vũ chứ không phải lời nói; nêu cao vai trò của binh lính và việc học tập binh thư, chú ý lương bổng cho sỹ quan và chế tạo vũ khí mới. Về ngoại giao, muốn bảo vệ độc lập dân tộc thì phải tự lực tự cường, có chính sách ngoại giao khôn khéo mềm dẻo, kiềm chế nước Pháp.

Tạm nhượng bộ cho Pháp và tiến tới giảng hoà với Pháp là yêu cầu của Nguyễn Trường Tộ gửi lên triều đình Huế. Theo ông hoà chỉ là vấn đề sách lược: “Tôi thường nghiên cứu sự thế trong thiên hạ mà thấy cảnh ngộ nước ta ngày nay hoà với Pháp là thượng sách… Hoà thì trên không cưỡng lại ý trời, dưới có thể làm cho dân khỏi khổ, chấm dứt được sự dòm ngó của gian nghịch, ngăn chặn được sự tranh giành của nước ngoài”. (di thảo số 1, bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ, tr 108- 110).Yêu cầu ngoại giao rộng rãi dưới hình thức mở rộng cửa giao thiệp với nước ngoài, “nên mở cửa chứ không nên đóng kín”,(di thảo số 55). Mạnh dạn mở mang các hải cảng, các cửa biển để đón tàu các nước ngoài vào buôn bán.

Những điều trần của Nguyễn Trường Tộ gửi lên triều đình nhà Nguyễn đã cho thấy:“Ông là người đầu tiên ở châu Á biết áp dụng một kiểu tư duy mới, hoàn toàn trái ngược với lối tư duy giáo điều chỉ để minh hoạ một chân lý có sẵn và xong xuôi… theo ông không có gì là bất biến ở tự nó cả, mọi tình trạng lạc hậu hiện nay của Việt Nam đều xuất phát từ một cách nhận định là con người có thể chuyển cái thực tế bất lợi thành một thực tế có lợi để giành độc lập và phồn vinh của đất nước. Ông là người đầu tiên khẳng định con đường vượt gộp để đổi mới đất nước”[9].

Khi tiếp xúc với những đề nghị của Nguyễn Trường Tộ, Tự Đức tỏ thái độ ngập ngừng. Ông đã bàn với Cơ mật viện: “Các khanh không nghĩ, không nói thì lấy ai nghĩ, ai nói cho? Chỉ vì lòng trẫm và lòng các khanh cũng đều vì việc công, việc quan trọng không mưu tính với số đông thì không thể làm được, nhưng không kín đáo lại hại cho sự thành công, chưa thể dự tính nhiều được. Truyền cho Cơ mật viện và Thương bạc với khanh (Trần Tiễn Thành) bàn luận kỹ nên phải làm thế nào cho chu đáo, phúc tâu đầy đủ, đừng để mất thời cơ. Nếu có đường lối nào hay hơn thì càng tốt”[10]. Tuy nhiên, đến thời điểm năm 1866, Tự Đức có dịp đọc mấy trang “Thảo thư gửi Tây soái” – bản thảo bức thư do Nguyễn Trường Tộ viết giúp cho triều đình đấu lý, bàn giải với Pháp, Tự Đức bớt do dự và bắt đầu cho thực hiện một số những kiến nghị của Nguyễn Trường Tộ. Triều đình “sai hai tỉnh: Vĩnh Long và An Giang lựa chọn các thuộc viên, làm thợ, hoặc sĩ nhân nhanh nhẹn, tài cán, có ý tứ tinh xảo, độ 20 người, hậu cấp cho áo quần lương thực, sai tới tỉnh Gia Định học tập các nghề công xảo (như đúc luyện sắt tây, đóng tàu thủy, đúc súng lớn, đúc hạt nổ, chế tạc đạn, làm đồng hồ, làm dây đồng để đưa tin tức và các loại máy móc…”[11]. Triều đình cho phép Nguyễn Trường Tộ cùng với giám mục Gôchie sang Pháp mời thầy dạy và mua sắm dụng cụ để lập trường kỹ thuật ở Huế. Nhưng mưu đồ lấn chiếm nước ta của Pháp ngày càng được đẩy mạnh. Năm 1867, Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ. Tự Đức rơi vào thế lúng túng, các đình thần gạt bỏ việc thành lập trường kỹ thuật. Thí điểm bước đầu về việc áp dụng những điều trần của Nguyễn Trường Tộ đành bị bỏ dở.

Như vậy, Tự Đức không phải không muốn canh tân, hay nói khác đi, ông vẫn thực hiện một số đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ. Nhưng trên thực tế, mưu đồ xâm lược nước ta của Pháp đã lộ rõ, từng phần đất đai của Nam kỳ đang dần bị giặc chiếm và sự thực là 1867, ba tỉnh miền Tây Nam kỳ đã hoàn toàn rơi vào tay Pháp. Trong tình thế lúng túng đó, Tự Đức lại nhận định sai dã tâm xâm lược của địch là chỉ chiếm đất chứ không thôn tính đất nước nên đã tìm mọi cách để chuộc lại những vùng đất đã mất. Tự Đức thực hiện những kiến nghị của Nguyễn Trường Tộ ở một số mặt như kinh tế, giáo dục chỉ mang tính thăm dò, không có tâm trạng và quyết tâm đến cùng. Triều đình đặt vấn đề canh tân đất nước ở một vị trí không mấy quan trọng, hay nói cách khác là không mấy mặn mà. Như vậy, bản thân Tự Đức người đứng đầu triều đình, chưa hề chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho một chương trình canh tân thực sự.

Mặt khác, Tự Đức là người am hiểu thơ văn, say mê lý thuyết Khổng giáo nhưng lại thiếu thông tin về những sự kiện mới nhất. Do sức khỏe yếu kém nên ít khi ông đi tới các địa phương để nắm bắt tình hình trong nước. Mọi chính sách ông đưa ra chỉ bó hẹp trong triều đình, mọi thông tin nhà vua có được là nhờ qua tổ chức trung gian: quan lại. Tự Đức cũng có nhiều dịp tiếp xúc với các giáo sĩ người phương Tây, trong số đó có Giám mục Pellerin. Ông ta đã nhận xét về Tự Đức qua cuộc gặp gỡ năm 1855 như sau: “vua đã tỏ ra quan tâm muốn biết về châu Âu và các quốc gia lớn ở châu Âu, vua hỏi tôi nước Pháp nhờ đâu mà hùng cường và phồn thịnh, tôi trả lời là những sinh lực hàng đầu của một dân tộc là quyền tự do cá nhân và những quan hệ tự do giữa các dân tộc nữa. Câu trả lời có vẻ làm vua sửng sốt”[12]. Tự Đức có quan tâm đến vấn đề làm sao để đưa đất nước phồn thịnh? Song cách giải quyết vấn đề của Tự Đức lại dựa vào lý thuyết và những hình mẫu của Khổng giáo. Ông cho rằng: “Vấn đề an ninh quốc gia, vấn đề không phải là lãnh thổ rộng hay hẹp. Vấn đề là ở nhân tài. Cũng như Gia Cát Khổng Minh (người nổi tiếng nhất trong các vị tướng quốc của thời hoàng kim trong lịch sử Trung Hoa, lãnh đạo một nước nhỏ là nước Chu), nếu có nhân tài thì họ có thể bảo đảm an ninh đất nước”[13]. Tư tưởng của Tự Đức đóng khung trong phạm vi lý thuyết Nho giáo đã hạn chế tầm nhìn của ông đối với bên ngoài. “Nhưng ngoài ra, người Việt Nam không phát triển một luận thuyết độc đáo nào khả dĩ vạch ra một đường lối riêng cho dân tộc, một khẩu hiệu có thể làm bật dậy sự thức tỉnh chung vì công cuộc đề kháng dân tộc. Về mặt này, có thể nói nước Việt Nam của vua Tự Đức tỏ ra bảo thủ hơn các nước theo Nho giáo khác”[14].

Như trên đã nói, Tự Đức chỉ quản lý đất nước thông qua đội ngũ quan lại. Mà đối tượng “rường cột” của đất nước thời Tự Đức lại chính là văn thân. Nếu mất đi sự ủng hộ của văn thân, Tự Đức khó có thể nắm bắt được tình hình trong nước. Vì vậy, điều tối quan trọng của triều đình là phải thâu tóm được tầng lớp này. Nhưng Nguyễn Trường Tộ hoàn toàn không có được sự ủng hộ của sỹ phu trong triều đình và tầng lớp văn thân. Đại bộ phận tỏ ra hoài nghi những đề nghị cải cách của ông, thậm chí còn cho rằng ông là tay sai cho thực dân Pháp. Trần Tiễn Thành, quan Thượng thư Bộ Binh, là người xem xét các điều trần của Nguyễn Trường Tộ, tuy được coi là người có cảm tình với ông nhưng cũng không chuyển ngay lên vua Tự Đức những bản điều trần đầu tiên như “Thiên hạ đại thế luận”, “Giáo môn luận”, “Lục lợi từ”, “Trần tình khải”,…mà Nguyễn Trường Tộ viết từ tháng 3 đến tháng 7- 1864. Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ có sự phản đối đường lối thủ cựu của Tự Đức. Nhưng quần thần đông đảo vẫn tôn Tự Đức là minh quân, là thánh quân.

Năm 1868, các đại thần Nguyễn Tri Phương, Đoàn Thọ, Võ Trọng Bình,… tâu về việc mua máy móc, sách vở, lập trường dạy nghề, họ lại ca thán về tổn phí lớn quá: “Chúng tôi xét các khoản Ngô Gia Hậu và Nguyễn Trường Tộ kê biên, hoặc dùng để xem thiên văn, hoặc dùng để tìm địa lợi, hoặc giúp vào khí dụng đều là có ích, nhưng theo phương pháp đó tất phải lâu thì giờ; lại còn phải lựa chọn học sinh, thợ thuyền đi học, lính tráng canh giữ, đặt chuyên viên đôn đốc việc mới mong thành hiệu, tổn phí không phải ít”.[15] Dư luận của sỹ phu khiến Tự Đức do dự. Rốt cuộc “triều đình làm thì không chí quyết, làm chỉ từng điểm nào đó mà không theo một quốc sách có đầu có đuôi, hệ thống; không kế hoạch; không nắm những điều cơ bản; không biết cái gì làm trước, cái gì làm sau. Trước hết là triều đình không tín nhiệm Nguyễn Trường Tộ mặc dầu họ nhận định rằng ông Tộ nói đúng.[16]Như vậy, Nguyễn Trường Tộ không có được một lực lượng hậu thuẫn mạnh mẽ tạo nên tiếng nói có trọng lượng gây áp lực đối với Tự Đức cũng như những triều thần trong triều đình.

Trải qua gần mười năm (1858 – 1867) đất nước bị xâm lược, từ đường lối chiến lược đến việc tổ chức quân đội, trang bị kỹ thuật, tác chiến, hoàn toàn không có gì khác trước trừ những việc chuộc lại những vùng đất mà triều đình đã dâng cho giặc từ 1862 đến 1874. Kế hoạch phòng thủ các vùng còn lại của đất nước của triều đình rất rời rạc, chỉ giới hạn ở việc lập thêm vài cơ lương binh ở một số tỉnh, cắt cử thuyên chuyển một số võ quan ra trấn thủ ở các nơi xung yếu.

Qua việc làm rõ bối cảnh lịch sử và thái độ của Tự Đức, các đình thần của triều Nguyễn đối với những đề nghị canh tân của Nguyễn Trường Tộ, ta có thể nhận thấy:

Triều đình nhận thức được vấn đề cần phải canh tân đất nước, nghĩa là công nhận tầm quan trọng mà những đề nghị của Nguyễn Trường Tộ đưa ra. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, gặp phải những khó khăn, triều đình không quyết tâm đến cùng. Đó là sự cứng nhắc, thiếu thích ứng của triều Nguyễn trước những biến động của thực tế.

Vị thế của Nguyễn Trường Tộ chỉ được nhìn nhận và đánh giá ở một mức độ nhất định trong nhãn quan của triều Nguyễn. Thực tế là sự hoài nghi của triều đình về con người Nguyễn Trường Tộ cũng như những đề nghị cải cách của ông vẫn tồn tại. Sự hoài nghi này ngăn cản quyết tâm của triều đình trong việc thực hiện canh tân đất nước.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Nguyễn Trường Tộ đến các trí thức có tâm huyết với đất nước sau đó lại rất mạnh. Ông là người mở đầu cho trào lưu canh tân đất nước ở nửa sau thế kỷ XIX và tư tưởng của ông đã khởi nguồn cho một dòng chảy cách tân sôi động trong lịch sử dân tộc. Cùng thời và sau thời của ông có rất nhiều tên tuổi của các trí thức: Đinh Văn Điền, Đặng Huy Trứ, Phạm Phú Thứ, Bùi Viện, Nguyễn Lộ Trạch,… đã ý thức được vấn đề quan trọng là thực hiện cải cách, làm cho đất nước giàu mạnh. Đặc biệt, Nguyễn Lộ Trạch (1852 – 1895) người làng Kế môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Là một người học rộng, biết nhiều nhưng không có mục đích đi thi để làm quan. Ông có điều kiện tiếp xúc với các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ và nhanh chóng ảnh hưởng từ các điều trần đó. Đặc biệt là chủ trương coi vấn đề canh tân đất nước là một phương pháp để cứu nước. Vấn đề hoà với Pháp một cách tạm thời, tranh thủ thời gian hoà để cải cách, tạo ra thực lực chống Pháp. Coi vấn đề chính trị và giáo dục, đặc biệt là giáo dục có vai trò quyết định sự thịnh suy của quốc gia. Như vậy, đối với các trí thức cùng chí hướng với ông, Nguyễn Trường Tộ có một vị trí quan trọng.

Trong bối cảnh lịch sử những năm 60 của thế kỷ XIX, tình hình Việt Nam có nhiều biến cố lịch sử. Vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan, vị thế của Nguyễn Trường Tộ chưa được nhìn nhận hợp lý. Cũng vì vậy, triều đình mới thực hiện được phần nào những kiến nghị của ông, còn đa phần những chủ trương cải cách của Nguyễn Trường Tộ vẫn nằm im trên giấy tờ.

 ******




Bài 04: Tấm gương và bài học Nguyễn Trường Tộ


NGUYỄN TRƯỜNG TỘ là một nhân vật lớn, lạ và hiếm của lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX. Ông là một tấm gương sáng cho chúng ta và hậu thế.


Nguyễn Trường Tộ là người yêu nước nhiệt thành và sâu sắc. Trong tình thế khó khăn của một người đứng giữa hai thế lực nhưng ông luôn đặt mình trong trách nhiệm công dân với nước, đề cao lợi ích của đất nước và trăn trở lo toan về hiện tình đất nước. Ông đã nỗ lực tích lũy tri thức và kinh nghiệm để có một cách tư duy, tầm nhận thức mới về con đường yêu nước và cách thức giữ nước trong bối cảnh rối ren của đất nước. Các bản điều trần của ông đã thể hiện rõ ràng và sâu sắc tư duy khoa học thực tiễn và viễn kiến toàn diện, sâu sắc về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, Nguyễn Trường Tộ là hiện thân của khát vọng canh tân đất nước hồi giữa TK XIX. Ông muốn dân tộc được độc lập và đất nước phải có sự thay đổi tiến bộ theo xu thế của thời đại. Các đề nghị cải cách của ông không được nhà nước phong kiến đương thời chấp nhận nhưng đã có tác dụng nêu gương và cổ súy cho một lối tư duy mới dựa trên các tri thức khoa học về xây dựng và giữ gìn, quản lý đất nước. Ở Nguyễn Trường Tộ, tri thức khoa học và các giá trị văn hóa từ bên ngoài mà ông tiếp thu được đã được kết hợp hài hòa với tri thức, kinh nghiệm lịch sử và truyền thống văn hóa của dân tộc, tạo nên những tri thức mới, nhận thức mới có khả năng đáp ứng ở một mức độ cao hơn các đòi hỏi của đất nước và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Trong bối cảnh xã hội đương thời, bên cạnh nguy cơ mất nước là những phức tạp về văn hóa và tôn giáo, Nguyễn Trường Tộ là một tấm gương sáng vừa Kính Chúa vừa Yêu Nước. Ở ông là một sự hài hoà tư cách/nhân cách công dân của Nước và tín đồ của Chúa. Phụng sự cho những quyền lợi của dân tộc là mục tiêu cao cả của cuộc đời ông.
Nguyễn Trường Tộ đã để lại cho hậu thế những bài học sâu sắc và dài lâu. Đó là bài học về lựa chọn lý tưởng. Ông hoàn thành bổn phận của một con chiên nhưng luôn tràn đầy tinh thần yêu nước, ôm ấp khát vọng canh tân đất nước, làm cho nước mạnh giàu để bảo vệ độc lập dân tộc.
Bài học thứ hai là phương pháp học tập và tư duy. Nguyễn Trường Tộ biết lựa chọn để học những cái mới, cái tiến bộ, cái phù hợp, cái thiết thực, cái có ích với nước, với dân. Ông không chỉ học lý thuyết mà học thực tiễn và thực hành vào thực tiễn. Các điều trần là sự vận dụng tri thức có được nhờ giao lưu, học tập với phương pháp đúng của ông.
Bài học thứ ba là kinh nghiệm xử thế về mối quan hệ giữa quyền lực và trí tuệ, người cầm quyền và trí thức. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trường Tộ đã chứng tỏ được mấu chốt của các mối quan hệ này là phải biết tôn trọng sự thật, tôn trọng thực chứng khoa học, các giá trị khách quan, tôn trọng nhân cách, trách nhiệm của nhau và tối thượng là phải biết cùng nhau tôn trọng và đề cao các giá trị và lợi ích của dân tộc, của nhân dân.
Đó là những bài học sâu sắc, thiết thực, chưa bao giờ cũ mà chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét