thư mục

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Nhẹ bẫng 100.000 tỷ, chớp mắt 36 người chết!


Chuyện kể rằng tại Zimbabwe, các học sinh đã bĩu môi về những sông băng cổ đại 700 triệu năm tuổi, vì tờ tiền 100.000 tỷ của nước này đã khiến các em nghĩ khoảng thời gian đó chả là cái thá gì.
Phong độ khí khái của các học sinh xứ người dĩ nhiên là lạ và dù sao cũng thật đáng ngưỡng mộ, nhưng trong một chừng mực nào đấy, người Việt chúng ta có quyền nhếch miệng cười nhạt: đồ con trẻ!  Không tin ư? Hãy nhìn vào mặt báo hôm qua và hôm nay thì sẽ biết.

Một trong những thông tin đáng chú nhất trong ngày đến từ Vinalines, Tổng Công ty vừa trở nên nổi tiếng thời gian gần đây với đề án hiện đại hóa đội tàu.

Nay, một quả bom thông tin nho nhỏ đã nổ trên mặt báo: Ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinalines bị khởi tố.

Chẳng cần phải nhắc lại những ồn ào lâu nay xung quanh Tổng Công ty này, nhưng người ta lại hết sức quan tâm tới chức vụ hiện tại của ông nguyên Chủ tịch: Cục trưởng Cục Hàng hải.

Một thông tin đáng đọc khác: Ông Nguyễn Ngọc Huệ, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải hiện là đương kim Chủ tịch Vinalines.

Việc 2 cái ghế được hoán đổi cho nhau kể cũng hết sức bình thường và sẽ chẳng ai thắc mắc lấy một lời, nếu người ta không nhìn kỹ lại những cái mốc thời gian.

Tháng 2/2012, ông Dương Chí Dũng nhận chức Cục trưởng, trong khi ông Nguyễn Ngọc Huệ trở thành Chủ tịch Vinalines. Tháng 4/2012, Đề án công nghiệp hóa-hiện đại hóa được Bộ Giao thông phê duyệt, trong đó dự kiến khoản đầu tư 100.000 tỷ đến năm 2020 để Vinalines hiện đại hóa đội tàu.

Hẳn độc giả sẽ hết sức thú vị nếu biết thêm thông tin về cơ quan chức năng nào của Bộ Giao thông vận tải làm nhiệm vụ tham mưu cho Bộ về khoản đầu tư nói trên. Theo thông tin từ chính Cục Hàng hải, chức năng, nhiệm vụ số 1 của Cục là chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án quốc gia, các đề án phát triển thuộc ngành hàng hải trong phạm vi cả nước.

Chưa khẳng định được việc tham mưu từ phía Cục có tác động như thế nào đến quyết định của Bộ, và qua 2 đời Cục trưởng ai là người tham mưu về khoản đầu tư 100.000 tỷ kia, liệu có vì chút “động cơ” cá nhân nào không, nhưng cứ tưởng tượng, sau khi chèo lái con tàu Vinalines tuyệt vời đến nỗi nó nghiêng ngả sắp chìm, mà vị thuyền trưởng ấy lại được điều về đứng đầu cơ quan tham mưu, ban hành chính sách, thì kỳ diệu để đâu cho hết.

Ngoài ra, người ta còn phải tấm tắc khen ngợi cái số đỏ trong lá số tử vi của ông Cục trưởng nữa, vì trước khi về lãnh đạo Vinalines, ông đã quản lý Tổng Công ty xây dựng đường thủy (Vinawaco). Đơn vị này đã thua lỗ nặng, ấy vậy mà ông vẫn được đề bạt làm lãnh đạo một doanh nghiệp chiếm 45% tổng trọng tải đội tàu biển quốc gia, ai dám bảo “phúc bất trùng lai”?

Quay trở lại câu chuyện của cái xứ Zimbabwe kỳ cục kia, nghe nói các giáo viên của họ đã phàn nàn rằng việc in ấn tiền tới ngàn tỷ đã làm lệch lạc nhận thức của học sinh về toán học, khiến chúng mất cảm giác về độ lớn, bé của các con số.

Hồi trước, nghe cánh nhà báo kể lại chuyện này, nhiều người tưởng chuyện đùa, nhưng đến giờ thì nhất định một lượng độc giả kha khá đã phải ngã ngửa người mà tặc lưỡi lo xa rằng rồi đến lúc mình cũng bị đơ đơ như thế mất thôi.

Mà nói có sách, mách có chứng, sau khi bị dư luận mè nheo, Vinalines đã xin giảm khoản đầu tư xuống còn 68.000 tỷ, thế là chỉ sau có mấy hôm tính toán nghiêm túc, các bác ấy chả cần cóc gì 32.000 tỷ nữa. Ấy đấy, hàng chục nghìn tỷ mà cứ nhẹ như lông hồng, trách làm sao được dân tình bị mất cảm giác về… tiền!

Dẫu vậy, bạn cũng không nên quá ưu sầu về một tương lai “khí trơ” trong sức khỏe tâm thần người dân, bởi cũng trong ngày cuối tuần, một con số dù chỉ dừng lại ở hàng chục nhưng cũng khiến bao người phải đầm đìa nước mắt.

Sáng nay, thông tin về vụ tai nạn trong đêm khiến 34 rồi 36 người chết tại Đắk Lắk đã tràn ngập các báo điện tử, phủ một không khí ảm đạm và tang thương trong khắp cộng đồng mạng trước kỳ nghỉ cuối tuần.


34 người đã chết tại chỗ!
36 người đã chết, trong đó, phần nhiều là những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, có người một tiếng trước vừa rời vòng tay cha mẹ để trở lại trường đại học. Dù nông nổi đến mấy, người ta cũng phải gạt nước mắt mà thừa nhận, đấy là những cái chết đầy oan uổng. Ai cũng biết, chiếc xe rơi từ độ cao hàng chục mét xuống sông, nhưng, tai nạn thì không phải tự nhiên từ trên trời rơi xuống.

Chưa rõ các cơ quan chức năng sẽ đưa ra kết luận như thế nào về nguyên nhân tai nạn, nhưng cứ giả sử lái xe, nhà xe phải chịu trách nhiệm chính, thì người dân cũng sẽ cảm thấy thật khó mà ngủ cho ngon, nếu các cán bộ trong bộ máy công quyền vẫn có thể kê cao gối.

Nói thế để thấy rằng, trước một vụ việc – cho dù có là tai nạn đi chăng nữa – khiến hàng chục người phải chết oan uổng, có lẽ công việc của các cơ quan chức năng không chỉ là tìm ra nguyên nhân tai nạn, và nếu như nó thuộc về một người đã chết, thì mọi việc chấm dứt ở đấy.

Lý lẽ chỉ giản dị như thế này thôi: Nếu bất kỳ người dân nào cũng biết mình cần phải làm gì, được làm gì, không được làm gì và nên làm gì, thì cuộc đời này đâu cần sự tồn tại của các cơ quan chức năng?

Đến đây, người viết chợt nhớ lại một cái tít báo của Sài Gòn Tiếp thị cách đây nửa tháng, khi nói về kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Chẳng biết nhà báo khen hay chê khi đánh giá “Người dân có sức chịu đựng lớn với tham nhũng”, nhưng càng ngày càng thấy, nói thế vẫn còn quá nhiều thiếu sót.

Cứ phải khẳng định chắc như cua gạch là ngoài tham nhũng, người dân ta còn giỏi chịu đựng rất nhiều thứ khác nữa. Kể sơ sơ sẽ thấy thịt bẩn, bệnh lạ, cháy xe, xăng dỏm, hết lạm phát đến giảm phát…, bao nhiêu chữ nghĩa cho vừa với thực tế sống động.

Riêng cái chuyện tai nạn giao thông mà ta đang bình loạn đây, nghe đâu mỗi năm cũng “hy sinh” tương đương một sư đoàn cũng đã đủ thấy hóa ra lúc bốn phương phẳng lặng mà hiểm nguy cũng rập rình chả kém gì thời cha ông ta đánh giặc giữ nước. Nói đâu xa, cũng hôm nay tại Bình Dương, một vụ tai nạn ô tô đã cướp đi mạng sống của 3 người.

Trong khi chữ “lạ” được dùng ngày càng vô tội vạ với những vụ việc chưa tìm ra được nguyên nhân (mà lẽ ra người ta phải có trách nhiệm tìm thấy), như thể nó rơi từ trên trời xuống vậy, thì người dân cũng cảm thấy hình như mình “quen” dần và chấp nhận sống chung với lũ. Một trăm nghìn tỷ không thấy nó bự như hồi xưa, 34 người chết cũng không phải là ghê gớm lắm...

Trong một ngày có hai cái tin còi liên quan đến ngành giao thông như vậy, chẳng biết các cán bộ của ngành có thể yên giấc hay không, hay họ còn mải đánh đàn ghi ta và hát về những người đi tìm lửa?

Tin vui trong ngày đến từ một con cá lóc, mà trớ trêu thay nó lại xuất hiện ở Đắk Lắk, nơi vừa xảy ra vụ xe khách rơi sông. Theo các báo, trên đầu nó xuất hiện 18 chữ Hán, mà nghe đâu được dịch thành toàn những từ tưởng đâu đến từ thiên đường: “Nắng mưa tương đồng”, “mọi người, mọi loài hưng thịnh phát triển”, “ánh trăng đẹp khi mặt nước yên lặng”, “hỷ và phúc”.

Chả biết có phải vì cái sự “lạ” này nó quá tốt lành đến mức hiếm hoi mà dân tình đổ xô đi xem để tìm phần nào yên ủi hay không?, nhưng báo Nông Nghiệp điện tử hôm nay giật một cái tít, rồi sau được trang Báo Mới đưa lên vơ đét: Ông Chủ tịch huyện ơi, sao dân khổ thế này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét