thư mục

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Dã tâm của TQ trong ngày 30/4 lịch sử


Mưu sâu của Trung Quốc và tấm gương Dương Văn Minh

Dương Văn Minh là một tướng lĩnh đã từng phục vụ dưới quyền của Pháp lẫn Mỹ, nhưng sau đó được em trai mình là đại tá QĐNDVN Dương Thanh Nhựt, bí danh Mười Ty “ngụy vận” và cảm hóa được ngay từ đầu. Năm 1963, trong lúc Mỹ muốn "thay ngựa giữa dòng", lật Diệm, còn Mặt trận thì cũng muốn diệt Diệm vì gia đình này quá độc tài tàn bạo. Thế là cách mạng cũng tương kế tựu kế và “thuận nước đẩy thuyền”, ủng hộ Dương Văn Minh làm theo ý Hoa Kỳ. Dương Văn Minh cũng không từ chối đảo chính Diệm vì ông ta có tinh thần dân tộc và còn là một Phật tử sùng đạo, mắt thấy gia đình Diệm đàn áp đạo Phật dã man và “Đảng Cần Lao” lộng hành, tàn ác, xã hội không có tự do tín ngưỡng, thì tất nhiên là muốn lật Diệm.

Một thời gian sau, năm 1964, Mỹ nhận ra là họ không thể dùng được Dương Văn Minh, họ không tin dùng ông nữa và ông bị cho "ngồi chơi xơi nước". Mỹ làm cuộc đảo chính đưa “tướng râu dê” Nguyễn Khánh lên. Tướng Nguyễn Khánh sau khi lên thì độc tài quân phiệt không kém Diệm, và bị chống đối quyết liệt, nhất là sau khi hiến chương Vũng Tàu ra đời, thanh niên và sinh viên miền Nam rầm rộ biểu tình chống Mỹ-ngụy. Mỹ không yên tâm nên lại đảo chính lần nữa và đưa Thiệu-Kỳ lên, và liên danh này là 2 nhân tuyển cuối cùng của Mỹ mà họ hài lòng và an tâm nhất sau khi chọn lựa và thử nghiệm một loạt các tay sai khác nhau.

Mặt trận, thông qua người nhà của tướng Minh, đã “ngụy vận” và cảm hóa được ông. Từ chỗ còn mơ hồ về việc miền Nam bị Mỹ xâm lược và cho rằng Mỹ có giúp xã hội miền Nam, như các hành động tâm lý chiến mị dân xây nhà, sửa sang đường xá, phát đồ chơi cho trẻ em, xây trường học (cũng là để nhồi sọ), xây bệnh viện (cũng để chữa trị cho lính Mỹ, người Mỹ), chích ngừa miễn phí, khám bệnh miễn phí, bố thí thực phẩm cho dân nghèo, làm “từ thiện”, “nhân đạo” v.v. thì ông ta cũng nhận thức được bản chất của cuộc chiến, ông ta là một nhà chính trị trong cuộc, tuy đã bị “lập trình”, nhồi nhét lâu ngày dưới những mái trường và quân trường của Pháp - Mỹ nhưng sau khi nghe người của Mặt trận giải thích, phân tích thì ông ta cũng dần nhìn ra vấn đề, nhìn nhận đúng sự việc.

Ông thấy người Mỹ gây tội ác, ông thấy chính quyền của mình rõ ràng là một bọn bù nhìn nằm dưới quyền Mỹ, không có thực quyền, không có quyền quyết định cuối cùng, không có độc lập thật sự, thậm chí người Mỹ tràn lan khắp miền Nam, không coi "đồng minh Việt Nam Cộng hòa" ra gì, chà đạp lên "luật pháp VNCH", mặc tình thảm sát "công dân VNCH", sát hại một số tướng tá "đồng minh VNCH" mà Mỹ không ưa, giật dây đảo chính lật đổ, đưa lên đưa xuống các "tổng thống VNCH" như những món đồ chơi, tóm lại là thích làm gì thì làm, thích giết ai thì giết từ người dân cho tới "tổng thống". Từ đó, ông ta ý thức ra được đây đúng là một chính quyền bù nhìn của Mỹ và đang phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, xã hội miền Nam là một xã hội thực dân mới (neocolonialism).

Tuy nhiên, ông ta còn trách nhiệm với gia đình, cho nên không thể một sớm một chiều mà ly khai ngay lập tức hay theo về với cách mạng. Mặt trận biết vậy và còn khuyến khích ông ta ở lại, đối với Mặt trận thì một sĩ quan cao cấp, có chức vụ cao, “thân tại Tào, tâm tại Hán” ở trong hàng ngũ giặc thì có lợi cho cách mạng hơn. Năm 1975, Mặt trận đã dùng “con bài bí mật” này tuyên bố đầu hàng vô điều kiện làm Hoa Kỳ không phản ứng kịp và Trung Quốc cũng không kịp đục nước béo cò.

Trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975, Trung Quốc đã tìm cách đi cửa sau để tiếp xúc tướng Minh, “tổng thống” vào ngày cuối của chế độ Sài Gòn, để tiếp tục chống lại cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân của quân dân miền Nam Việt Nam. Văn kiện “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua” của Bộ ngoại giao Việt Nam do NXB Sự Thật xuất bản vào tháng 10 năm 1979 đầu tiên công bố chuyện mờ ám này. Sau này, tướng Dương Văn Minh, tướng Nguyễn Hữu Hạnh, sĩ quan ngụy Trần Viết Đại Hưng, và nhiều cựu tướng tá, sĩ quan quân đội Sài Gòn cũng thừa nhận chuyện này.

19 giờ ngày 28 tháng 4, ngay sau khi tân "tổng thống" Dương Văn Minh vừa thu âm xong bản tuyên bố của mình với yêu cầu cả hai bên ngưng bắn, thương lượng để bàn giao chính quyền thì ông Vanussème (Vanuxem), tùy viên quân sự và an ninh của Đại sứ quán Pháp tại Sài Gòn xuất hiện. Ông này yêu cầu ngưng phát cuộn băng và đưa ra một đề nghị khiến ông Dương Văn Minh cũng phải kinh ngạc vì sợ mình nghe nhầm: Chính quyền mới do ông Dương Văn Minh đứng đầu hãy kêu gọi Trung Hoa can thiệp, ngăn chặn cộng sản Việt Nam tiến vào Sài Gòn.

Vanussème nói có những nguồn tin ở Washington, Paris và Bắc Kinh cho biết Trung Quốc không ủng hộ một thắng lợi hoàn toàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông ta còn khẳng định: "Quân đội Trung Quốc sẽ vào giúp các ông đứng vững". Tuy nhiên, tướng Minh đã từ chối đề nghị của Vanussème và nói: “Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp, rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai cho Trung Cộng.” Sau khi Vanussème đi khỏi, Dương Văn Minh than với vài người thân hữu: "Mình đã bỏ Pháp đi theo Mỹ, bây giờ nó lại xui mình đi theo Tàu. Thật là chán quá."

Theo tướng ngụy Lý Tòng Bá và Dư Quốc Đống kể lại trên đài radio “Chân trời mới” và một số đài phát thanh Việt ngữ ở Houston, Texas, Hoa Kỳ năm 2004. Trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, một nhân viên ngoại giao Trung Quốc đã gặp riêng Dương Văn Minh và khuyến khích hãy cố thủ, án ngữ Vùng 4 Chiến thuật, hứa hẹn sẽ đem quân đánh vào biên giới miền Bắc Việt Nam để giải vây cho ngụy Sài Gòn. Nhưng tình thế bi đát, Mỹ bất lực, buông tay, bỏ rơi, tình hình của ngụy Sài Gòn đã tuyệt vọng không còn cách nào cứu vãn. Dù quân Trung Quốc có thật sự làm vậy thì cũng không thể nào ngăn cản được khí thế tiến công của quân dân miền Nam từ nông thôn tràn về giải phóng Sài Gòn, sào huyệt của ngụy quyền Sài Gòn.

Rất nhiều tư liệu, hồi ký, hồi ức của các chóp bu ngụy, sĩ quan ngụy đã thừa nhận việc này. Ví dụ ông Dương Văn Minh sau khi định cư ở Pháp, đã kể lại cho các sinh viên Pháp gốc Việt trong một buổi nói chuyện thân mật ở Paris rằng trong ngày 30 tháng 4, khi ngụy quyền Sài Gòn trong cơn hấp hối, sắp sụp đổ, thì người của Trung Quốc đã tìm cách liên lạc với chính phủ Dương Văn Minh thông qua sự trung gian của người Pháp, đề nghị viện trợ, giúp đỡ khẩn cấp ngụy Sài Gòn chống lại quân dân miền Nam.

Theo cựu chuẩn tướng quân đội Sài Gòn Nguyễn Hữu Hạnh (hiện đang là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), thì sáng ngày 30-4-1975, tướng tình báo Pháp Francois Vanussème đã đến “Phủ thủ tướng” gặp “tổng thống” Dương Văn Minh, đề nghị kêu gọi Trung Quốc can thiệp để cứu ngụy quyền Sài Gòn đang trong cơn nguy cấp. Tướng Minh vốn đã được Ban Binh vận Trung ương cục miền Nam thông qua em trai Dương Thanh Nhựt (bí danh Mười Ty, người của cách mạng) và gia đình đã thuyết phục từ trước, nên ông đã khước từ và nói: “Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp, rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai cho Trung Cộng.” Cựu "dân biểu" Sài Gòn Lý Quý Chung, Bộ trưởng Thông tin trong ngụy quyền Dương Văn Minh, trong hồi ức “Hồi ký không tên” xuất bản ở Việt Nam cũng đề cập tới chuyện này.

Ông Nguyễn Hữu Thái, một chiến sĩ cách mạng, một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào sinh viên Sài Gòn chống Mỹ trước 1975 cũng xác nhận thông tin này. Trong bài hồi ức “Dương Văn Minh và tôi” năm 2008, ông ta kể lại: Viên tướng Pháp Francois Vanussème đội lốt ký giả hối hả đến gặp tướng Minh và các cộng sự, và nói với họ: “Hãy rút về Cần Thơ, cố thủ Vùng 4 Chiến thuật, chỉ vài ngày nữa thôi thì Trung Quốc sẽ có giải pháp trung lập hóa miền Nam”. Tướng Minh từ khước đề nghị của đặc sứ Pháp và sau đó than với cộng sự một câu khác: “Hết Tây đến Mỹ, chẳng lẽ bây giờ còn đi làm tay sai cho Tàu nữa sao!”

Đó là lý do mà trong những ngày miền Nam sôi sục khí thế, thì ít ai để ý lúc đó Trung Quốc đã tập kết trọng binh một cách bất thường ở biên giới phía Nam, đại quân áp sát biên thùy, tạo ra áp lực quân sự làm nóng biên giới. Trong khi lực lượng võ trang miền Nam Việt Nam đang tiến quân như “mưa lũ tràn về” giải phóng thành đô, thì lực lượng biên phòng miền Bắc Việt Nam phải đặt trong tình trạng báo động với một tâm trạng hoang mang không hiểu ông hàng xóm định làm gì.

Như vậy đã rõ, Trung Quốc không muốn một Việt Nam độc lập - thống nhất – hòa bình nên đã đi đêm với Mỹ, thực hiện chiến lược “liên Mỹ đả Việt” (聯美打越), sau khi Mỹ “bỏ con giữa chợ” thì Trung Quốc muốn đóng thay vai trò của Mỹ. Nhưng họ không ngờ "con bài" Dương Văn Minh của Mặt trận, vốn đã được Ban Binh vận Trung ương cục miền Nam, và đại tá QĐNDVN Dương Thanh Nhựt (em ruột của tướng Minh) cảm hóa từ lâu, “thân tại Tào – tâm tại Hán”. Mặt trận ngay từ đầu đã khuyến khích, động viên tướng Minh ở lại với Mỹ, vì một sĩ quan cao cấp, có chức tước cao ở trong hàng ngũ giặc thì có lợi cho kháng chiến hơn, phát huy giá trị hơn.

Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, “con bài Dương Văn Minh” đã phát huy tác dụng, các tổ chức bí mật của ta ở trong chóp bu ngụy quyền đã cùng với tướng Minh giành quyền từ tay ông lão chống cộng cực đoan Trần Văn Hương, không nghe lời Mỹ, bác bỏ mọi uy hiếp, dụ dỗ của Trung Quốc, đầu hàng vô điều kiện và kêu gọi binh lính bỏ vũ khí đầu hàng làm Mỹ và Trung Quốc đều bị bất ngờ.

Sự kiện trên cũng cho thấy, Trung Quốc không chỉ muốn “liên Mỹ đả Việt”, mà còn muốn thay thế vai trò của Mỹ đối với ngụy quyền. Vì khách quan mà nói, Mỹ đã “bỏ con giữa chợ”, hoàn toàn bỏ rơi ngụy Sài Gòn từ sáng ngày 30/4/1975. 4:58 sáng thì Martin đã rời Việt Nam. 7 giờ sáng những quân nhân cuối cùng của Hoa Kỳ cũng rời khỏi Việt Nam. 7:53 sáng chiếc trực thăng quân sự cuối cùng của Mỹ chở 10 người lính Thủy quân Lục chiến Mỹ cuối cùng tháo chạy khỏi Việt Nam. Không đầy 4 giờ sau, ngụy quyền sụp đổ, ngụy quân tan rã. Còn 2 tướng Fredrick C. Weyand và John Murray thì đã bỏ chạy khỏi Việt Nam ngay từ chiến dịch Mùa xuân 1975, trước chiến dịch Hồ Chí Minh.

Như vậy, kết quả cuộc chiến đã được định đoạt vào lúc 7:53 sáng ngày 30/4 khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, chứ không phải khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vào 11:30 trưa hôm đó, tướng Minh là quân bài của Mặt trận từ lâu, và tác dụng của việc tuyên bố đầu hàng và kêu gọi buông súng chỉ là để cho không còn đổ máu vô ích, đánh gục những sự ngoan cố cuối cùng của một bộ phận quá khích.

Trung Quốc lá mặt, lá trái không những với Việt Nam, mà còn với cả đồng minh mới Hoa Kỳ, đồng minh mà họ đi đêm từ năm 1972. Âm mưu qua mặt Mỹ, nhặt lại công cụ mà Mỹ đã sử dụng và vừa mới vứt bỏ cách đó vài giờ. Mỹ - Trung, một bên vỏ quýt dày thì một bên móng tay nhọn, bên tám lạng, người nửa cân, hình thành một mối quan hệ bạn thù khó phân.

Henry Kissinger khi nói về Chiến tranh biên giới Việt – Trung, cũng đã thừa nhận: “Trung Quốc giúp đỡ Hà Nội để làm cùn bớt lưỡi dao của Mỹ thọc vào châu Á.” và "Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975, chính là mối đe dọa chiến lược to lớn đối với Trung Quốc còn hơn đối với Mỹ."

Không những các thỏa thuận giữa Trung Quốc với Mỹ, những mưu đồ chiến lược của họ đã bị thất bại, mà một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa độc lập, thống nhất, phát triển, hội nhập, và có uy tín và vị thế chính trị ngày càng cao trên trường quốc tế, sẽ mãi là vật cản, chướng ngại không thể nào san bằng cho mưu đồ bành trướng bá quyền Đại Hán của Trung Quốc ở Đông Dương và Đông Nam Á. Thắng lợi lịch sử của dân tộc Việt Nam ngày 30/4/1975 không chỉ là thất bại lớn của Hoa Kỳ, mà cũng là thất bại lớn của Trung Quốc.


Và cuối cùng là những giọt nước mắt hạnh phúc của dân tộc Việt nam anh hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét