thư mục

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Giấc mơ du học, sau Harvard rồi... đi đâu?


du học, Harvard, Mỹ, Phan Việt, học bổng, xuất ngoại



Giấc mơ du học, sau Harvard rồi... đi đâu?
 Nhiều người cho con đi học không phải vì nền giáo dục ở Tây mà là vì cái sẽ xảy ra tại Việt Nam sau khi một đứa trẻ có bằng Tây trở về, ví dụ “có bằng tây về Việt Nam sẽ tốt”.
LTS: Nếu những năm 1970s, 1980s, các thầy bói xem chỉ tay rồi phán "anh, cô có số xuất ngoại" thì người được bói khấp khởi hoặc là trong tương lai sẽ được đi xuất khẩu lao động; hoặc đi học ở Liên Xô và Đông Âu. Trước đó, rất nhiều lớp trí thức Việt được đào tạo bài bản bên Pháp. Hiện nay trong xu thế toàn cầu hóa, du học sinh Việt đã có mặt trên hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới, nói đủ các ngôn ngữ, du nhập về nước các nền văn hóa, kinh tế khác nhau.
Việc có một hay nhiều đứa con đang du học ở những nước phát triển được coi là tiêu chí thành đạt của các gia đình Việt Nam hiện tại. Xu hướng đang tăng này bắt đầu từ những nguyên nhân nào, sẽ tác động ra sao đến vào sự đổi thay xã hội và nền giáo dục Việt nói chung.
Tuần Việt Nam mở chuyên đề "Trao đổi, dịch chuyển và 'tị nạn' giáo dục" với sự tham gia của các chuyên gia, cựu du học sinh, những người có nhiều trải nghiệm giáo dục của Việt Nam và quốc tế.
Bài 1: Giấc mơ du học, sau Havard rồi... đi đâu?
Nhà văn Phan Việt tên thật là Nguyễn Ngọc Hường. Chị là tác giả của các tác phẩm - Phù phiếm truyện (2005); Tiếng người (2008); Nước Mỹ, nước Mỹ (2009); Một mình ở châu Âu (2013) và Xuyên Mỹ (2014).Chị cũng là đồng sáng lập tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng.
Phan Việt tốt nghiệp Đại học Ngoại thương năm 2000, sau đó sang Mỹ học Thạc sĩ Báo chí và Truyền thông, học tiếp chương trình Thạc sĩ thứ hai và lấy bằng Tiến sĩ công tác xã hội tại ĐH Chicago, Mỹ, hiện là Phó giáo sư, giảng dạy tại đại học South Carolina (Mỹ).
Trở về Việt Nam vào mùa hè này, ngoài các công việc liên quan đến sách, Phan Việt đưa một đoàn sinh viên và giáo sư Mỹ sang học về công tác xã hội tại Việt Nam, kết nối để Đại học South Carolina ký kết các văn bản hợp tác với ba trường Đại học lớn tại Việt Nam; tổ chức một hội thảo quốc tế về công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần; và vẫn đều đặn tới các bệnh viện tâm thần để thực hiện một nghiên cứu.
Cuộc trò chuyện giữa PV Tuần Việt Nam và TS Phan Việt diễn ra tại một ngôi chùa ở ngoại thành Hà Nội, nơi chị đang sống để làm nghiên cứu và cũng tranh thủ dạy tiếng Anh cho chư tăng và người đến chùa.

Hãy cho họ thấy bạn khác biệt
Gần đây, báo chí Việt Nam thường phát sốt với những tin tức kiểu như bạn A được vào Harvard, bạn B được vào Stanford. Nhưng mọi câu chuyện luôn dừng lại ở việc vào được Harvard như cái đích tối cao, rất ít khi thấy thông tin về việc những người trẻ đó sau khi tốt nghiệp Harvard họ đã đi đâu, làm gì? Cá nhân chị có thể chia sẻ gì về mục đích quyết định đi Mỹ du học của chị hơn chục năm về trước? Đi học ở nước ngoài khi đó có phải là một trào lưu không?
Tôi đi Mỹ ngay sau khi tốt nghiệp trường Ngoại thương. Lúc đó chuyện đi du học ở Mỹ  cũng hiếm mà người Việt chủ yếu đi học ở Úc, Châu Âu, hoặc các nước Châu Á. Thường thì học bổng hay dành cho các bạn đoạt giải Olympic, giải quốc gia, quốc tế, hoặc là đã làm việc một thời gian để thành lãnh đạo trẻ.
Tôi không thuộc những diện này, cũng không có gì nổi bật về thành tích, nhà lại cũng không có điều kiện, nhưng tôi biết là tôi rất muốn đi du học. Đọc các tài liệu du học thì tôi thấy các trường ở Mỹ tuyển sinh viên khác các nước khác.
Có vẻ họ nhìn giáo dục như một vụ đầu tư kinh doanh cho nên họ sẵn sàng mạo hiểm nhiều hơn các nước khác. Bỏ ra mấy trăm ngàn USD cho một sinh viên là một sự đầu tư mạo hiểm mà. Nếu bạn chứng minh được với họ là bạn có đam mê và có khả năng trở thành một người tạo ra sản phẩm hoặc  giá trị riêng biệt cho xã hội thì họ sẽ chấp nhận đầu tư vào bạn.
Mất khoảng hơn một năm làm hồ sơ thì tôi được nhận đi học thạc sỹ về truyền thông.
Ấn tượng khi so sánh hai hệ thống giáo dục Việt – Mỹ của chị thế nào?
Ấn tượng đầu tiên là học ở Mỹ không có cảm giác khổ. Ở Việt Nam thì việc học là trung tâm cuộc sống của một đứa trẻ và gia đình đứa trẻ, từ lớp một đến hết đại học, rất cực nhọc.Tôi vẫn còn nhớ cảm giác của ba năm cấp ba; nói chung là triền miên học, triền miên luyện thi, bắt đầu từ lớp 10.
Sang Mỹ học 10 năm, tôi chưa bao giờ gặp lại cái gì gần gần như vậy.Vấn đề không phải là ở chuyện tần số lớp học đâu. Cái chính là ở Việt Nam, tôi học vì một sự sợ hãi vô mình là mình phải vào trường tốt, cụ thể là trường Ngoại thương. Ở Mỹ thì tôi học vì mình chọn; mình có thể thành thực nói là “tôi thích học ngành này lắm”.
Thực sự là tôi học 2 bằng thạc sỹ, một bằng tiến sỹ ở Mỹ nhưng tôi không thấy khổ và có cảm giác sợ như lúc học ở Việt Nam.
Còn khác thế nào: như tôi nói, đã học 10 năm, rồi đi dạy 4 năm ở Mỹ thì tôi thấy người Mỹ coi giáo dục như là một ngành công nghiệp sản sinh tri thức và nhân lực nên cách học và dạy ở Mỹ thực dụng lắm. Họ hướng thẳng vào những gì có thể khiến sinh viên ra trường là trở thành người lao động giỏi, thành người tạo ra các giá trị gia tăng liên tục. Họ đo kết quả mỗi môn học cũng như toàn bộ chương trình rất rõ ràng, dựa trên thay đổi về kiến thức, hành vi, và giá trị sống của sinh viên.
Ở cốt lõi, người Mỹ không quan trọng việc dạy học sinh nghĩ thế này làđúng, thế kia là sai; cũng không dạy sinh viên nên nghĩ về cái này, cái kia, mà mà họ dạy học sinh phương pháp nghĩ như thế nào. Còn nội dung cụ thể của suy nghĩ thì họ cho sinh viên được một sự tự do khá lớn. Lúc tôi là sinh viên và bây giờ là giáo viên, lớp học bên đó thường rất ít hành vi giảng, chủ yếu là thảo luận, tranh luận, thử nghiệm, trình diễn, xem, nghe, quan sát, tương tác thực sự…
Cũng vì có quan điểm coi giáo dục là một ngành công nghiệp nên giáo viên tuy được xã hội Mỹ coi trọng một cách tương đối nhưng trước hết là người làm công ăn lương được xã hội trả tiền để làm việc, thế thôi. Họ không nghiễm nhiên được hưởng bất cứ sự tôn kính nào cả; họ cũng phải bị đánh giá chất lượng công việc, được trả lương dựa theo cơ chế thị trường. Quan hệ giữa sinh viên và giáo viên rất bình đẳng. Các trường thì có sự tự chủ rất lớn, gần như hoàn toàn, về chương trình dạy cũng như về tài chính; cho nên mọi thứ sẽ lấy chất lượng đo lường được làm tiêu chí.

Học Tây rồi về... làm gì?
Có phải đó là nguyên nhân khiến nhiều gia đình Việt Nam tìm mọi cách đưa con đi “tị nạn giáo dục”, theo cách nói phổ biến hiện nay, cho dù đắt đỏ, dù phải hy sinh nhiều thứ?
Cũng không hẳn đâu. Nhiều người cho con đi học không phải vì nền giáo dục ở Tây mà là vì cái sẽ xảy ra tại Việt Nam sau khi một đứa trẻ có bằng Tây trở về, ví dụ “có bằng tây về Việt Nam sẽ tốt”.
Cái họ nghĩ đến khi gửi con đi Tây là Việt Nam chứ không phải Tây. Tính toán như vậy cũng không có gì sai, nhưng tôi thấy là họ thường tính toán dựa trên những nhận định về Việt Nam hiện tại chứ không phải dựa trên nhận định về một Việt Nam có-thể-là hay một Việt Nam với những giá trị mới mà con cái họ chính là người góp phần kiến tạo, thậm chí là người khai phá, mở đường.
Không nhiều người, kể cả phụ huynh lẫn sinh viên, nghĩ đến những câu hỏi mấu chốt này: Tôi muốn gì, tôi muốn trở thành ai, tôi muốn di sản của mình là gì, để làm được điều đó thì con đường tối ưu cho tôi là gì? Tôi có cần phải đi Tây mới làm được điều đó hay có con đường khác tốt hơn? Nếu tôi đi Tây thì trường nào, học với ai, sẽ cho tôi kết quả tối ưu?
Tôi định sẽ đi học như một sự phản ứng với những ấu trĩ tôi thấy ở Việt Nam và tôi học để có thể tận dụng sự ấu trĩ đó hay là tôi muốn học vì tôi yêu tri thức, tôi muốn biết sự thật về thế giới, vì tôi muốn thay đổi cái tôi đang thấy.
Tôi lấy ví dụ như gần đây, báo chí Việt Nam thường phát sốt với những tin tức kiểu như bạn A được vào Harvard, bạn B được vào Stanford. Các bài viết thường hay tập trung kể xem A hay B và gia đình bạn đã vất vả và quyết tâm thế nào để vào được Harvard nhưng mọi câu chuyện luôn dừng lại ở việc vào được Harvard như cái đích tối cao.
Tôi thì nghĩ vấn đề không phải là vào được Harvard; vấn đề nằm ở chỗ bạn vào Harvard để làm gì, bạn có biết vì sao bạn muốn vào đó, chỗ đó có phải chỗ tối ưu để bạn làm được điều bạn muốn làm, trở thành người bạn muốn trở thành hay không?
Sau 'du học thoát nghèo' là 'du học thoát giàu'?
Có phải "cứ Mỹ là tốt"?
Như ở phần trao đổi trước, chị đã nói về động cơ dẫn đến trào lưu “đua” gửi con sang các nước tiên tiến để đi học.  Nhưng điều đáng quan tâm là  các du học sinh đó rồi sẽ làm được gì sau khi được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến?
Tâm lý mong muốn con em đi du học để trở thành những công dân quốc tế, đáp ứng được thị trường lao động toàn cầu... là rất thực tế và xác đáng. Nếu xác định mình đi học để có thể cạnh tranh đàng hoàng trên thị trường quốc tế thì quá tốt.
Nhưng như tôi nói, vì nhiều người Việt đi học với một khởi đầu không rõ ràng như trên cho nên cái mà họ đạt được cũng thường mang yếu tố tình cờ hoặc thụ động. Ở các nước khác thì tôi không rõ nhưng ở Mỹ, số người đi học rồi ở lại đi làm được theo mong muốn có ý thức của mình một cách đàng hoàng không nhiều đâu. Đa phần cũng là xoay sở một công việc, rồi cứ làm công ăn lương. Mình chỉn chu, nghiêm túc thì rồi cũng có những thành công nhất định.
Từ Việt Nam nhìn ra thì nhiều khi xã hội hay có một số những suy nghĩ không chính xác về người đang học và sống ở nước ngoài. Ví dụ đánh đồng mức độ uy tín và bằng cấp của các trường nghiên cứu hạng một (R1) với các trường kiểu như cao đẳng cộng đồng.
Hiện bây giờ, tôi vẫn nhìn thấy nhiều trường chất lượng không rõ ràng của Mỹ đến Việt Nam quảng cáo phóng đại về bản thân, khiến học sinh và phụ huynh nhầm lẫn "cứ Mỹ là tốt". Bản thân những người ở nước ngoài về cũng biết tâm lý này của xã hội nên cũng tận dụng nó. Kết quả là việc sính ngoại càng trầm trọng.

TS Phan Việt (thứ 5 từ trái sang) trong lễ ký kết với trường Đại học Quốc gia. Ảnh nhân vật cung cấp
Vậy dựa trên nền tảng là sản phẩm, kết quả giáo dục để đáp ứng với đòi hỏi của thị trường lao động, thì  theo chị, đâu là sức hút của giá trị Mỹ?
Tôi nghĩ cái gốc của vấn đề là nền giáo dục ở Mỹ gắn kết chặt với thị trường lao động và là sự triển khai của một hệ thống giá trị Mỹ trong đó con người được đánh giá rành mạch ở chất lượng công việc của anh, tài năng của anh. Trên mặt bằng chung, ở Mỹ ít có chỗ cho sự chàng màng.
Người Mỹ trọng lương tâm công việc lắm - cái này có nguồn gốc từ cái gọi là Protestant ethics, tức là cái đạo đức Tin Lành. Anh muốn xấu xa bê bết ở đâu thì kệ nhưng trong công việc, nếu anh đã được trả lương để làm thì anh phải làm tử tế, đấy là chuyện nghiễm nhiên, không bàn cãi.
Ở Việt Nam, giáo dục tồn tại độc lập như một cỗ máy tự vận hành vì mục đích khoa cử. Còn gắn kết giữa nó và thị trường lao động rất rời rạc. Gắn kết giữa nó với hệ thống giá trị hiện tại của Việt Nam lại còn rời rạc hơn - rời rạc hơn Mỹ và rời rạc hơn so với xã hội Việt Nam trước đây.
Tôi nói ví dụ chuyện hệ thống giá trị thế này. Nhiều bạn trẻ Việt Nam thường ao ước mình học ít thôi mà điểm vẫn cao, làm nhàn thôi mà lương vẫn cao, làm ít thôi nhưng vẫn thăng tiến. Sinh viên của tôi ở Mỹ nhìn chung không ước như thế. Các em ấy ước được làm việc mình thích và được trả lương công bằng - và đây là cái công bằng chung cho tất cả mọi người chứ các em ấy không muốn mình may mắn hơn người khác, không muốn mình nhàn nhã hơn.
Đừng "bê một cụm Việt Nam sang Mỹ"
Vậy theo quan sát riêng của chị, những điều lớn nhất các sinh viên Việt Nam thu được từ nền giáo dục tiên tiến đó là gì? Giúp ích đến đâu trong phát triển công việc của bản thân họ cũng như đóng góp cho cộng đồng?
Vấn đề này phụ thuộc vào từng cá nhân cụ thể, không có đáp số chung. Họ tìm cái gì sẽ được cái đó.
Như tôi nói, cái mục đích khởi đầu rất quan trọng cho việc bạn đi đến đích nào, có đi đến đích hay không và mất bao lâu để đi đến. Tôi nghĩ là cái động cơ của bạn lúc khởi đầu phải rất trong sáng và trung thực. Nếu nó bắt đầu từ những tính toán căn cơ thì thường rồi cuối cùng cuộc đời bạn cũng sẽ liên tục là những bài toán đối đãi rất đau đầu. Thường là những bạn có mục tiêu rõ ràng cho việc học của mình, có sự độc lập và trong sáng từ trong nước thì các bạn đó có thể có những cuộc lột xác hoàn toàn khi ra nước ngoài.
Còn những bạn đi vì các tính toán khác thì tôi thấy là thường vẫn co cụm trong cộng đồng người Việt với nhau, chẳng khác gì bê một cụm Việt Nam sang Mỹ.
Thành tựu quan trọng nhất của các bạn đó có thể là tấm bằng vì ngay cả một vài nếp sống văn minh và tự lập mà các bạn ấy học được ở Mỹ thì chỉ về nước một thời gian ngắn là mai một hết. Các bạn ấy có thể lại còn bị kẹt trong tình trạng trở lại Việt Nam thì thấy cái gì ở Việt Nam cũng tệ nên khó hòa nhập.
 Theo suy nghĩ của riêng tôi, du học sinh thường rơi vào hai nhóm đối tượng: hoặc rất giỏi và nhận được học bổng, hoặc con của gia đình khá giả đi du học tự túc. Cả hai nhóm đều có những điều kiện (để) thành công cao, được mong đợi tạo ra ảnh hưởng tích cực để phát triển cộng đồng. Nhưng không phải ai cũng có thể đạt được thành công khi trở về. Ngoài thái độ học tập mà chị vừa phân tích ở trên, nếu họ không thành công, thì đâu là những cản trở khác?
Nói như vậy cũng không được công bằng lắm. Chúng ta mở cửa từ năm 1986 nhưng thực ra số người đi học nước ngoài rồi trở về Việt Nam làm việc vẫn chỉ là muối bỏ bể trong một đất nước cần xây dựng quá nhiều thứ và có quán tính quá lớn từ quá khứ.
Thế hệ này bắt đầu nhìn ra rằng vấn đề ở Việt Nam là tri thức, là một hệ thống giá trị mới, còn kinh tế thì bây giờ cũng đã ổn rồi, xã hội mình không đến nỗi chết đói nữa.
Thế hệ du học trước tôi chủ yếu đi Nga và Đông Âu, trở về với một Việt Nam nghèo. Cái mà họ muốn thay đổi nhất là thoát nghèo. Và bây giờ bạn có thể thấy ảnh hưởng của họ ở nhiều lĩnh vực kinh doanh, bất kể bạn cho rằng ảnh hưởng đó là tốt hay xấu.
Đến thế hệ của tôi bắt đầu đi Mỹ, Anh, Úc... nhưng cũng chỉ bắt đầu thực sự từ 10 năm trở lại đây.
Thế hệ này bắt đầu nhìn ra rằng vấn đề ở Việt Nam là tri thức, là một hệ thống giá trị mới, còn kinh tế thì bây giờ cũng đã ổn rồi, xã hội mình không đến nỗi chết đói nữa.
Nhưng thay đổi các giá trị luôn khó và lâu; sáng tạo ra các giá trị mới càng khó hơn. Mình vừa phải có đủ tích lũy và tri thức để xây dựng nó, phát biểu được nó ra rành mạch, vừa phải sống chính những giá trị đó giữa một biển tác động của thế giới cũ.
Nhưng tôi thấy điều này đang manh nha xuất hiện như những đốm lửa nhỏ rồi.
Tôi lấy ví dụ là Viện Nghiên cứu Toán Cao Cấp mà anh Ngô Bảo Châu và các đồng nghiệp đang thực hiện. Tôi đến đó, thấy các khóa học đều đặn, rất nhiều người ở nước ngoài về dạy ở Viện vào mùa hè như anh Vũ Hà Văn, anh Hà Huy Tài, các anh chị ở Pháp, ở Nhật, vv...
Xã hội có thể cho việc này là nhỏ, nhưng cái họ đang làm có giá trị tích lũy rất tốt. Họ đang chứng minh một thứ và giúp thế hệ sau tin một thứ: cuộc sống vững vàng, tự tại nhờ vào tri thức là rất quan trọng cho con người đương đại. Hoặc tôi thấy những nỗ lực của anh Giáp Văn Dương với Giap School. Hay của nhóm tổ chức liên hoan phim hàng năm YyxineFF; những ca sỹ và người làm nghệ thuật độc lập; các công ty sách độc lập; các hội đọc sách, hội làm cha mẹ....
Rồi tôi gặp các nhóm bạn trẻ cùng nhau thành lập các tổ chức phi chính phủ làm về môi trường, về giáo dục kỹ năng sống, bình đẳng giới, vv... Có quyền tin là đang manh nha những lớp sóng mới trong lòng xã hội Việt Nam. Cái tinh thần của cơn sóng ấy và cái giá trị lõi xuyên suốt những cơn sóng ấy là giống nhau và tích cực.
Cản trở họ thì nhiều, tôi không cần nói ra chắc ai sống ở Việt Nam cũng biết. Cái mà họ cần làm nhất bây giờ chính là hợp tác với nhau.
Tôi thì nghĩ là điều đó thể nào cũng xảy ra; nó chỉ cần thêm thời gian và cần có những nhân tố kết nối. Bản thân mỗi người, mỗi nhóm vào lúc này đều đang tập trung xây dựng nội lực và tìm ra bộ mặt riêng của mình nên chuyện đứng một mình, manh mún là chuyện dễ hiểu.
Xin cảm ơn chị!


Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

"Thời khắc Munich" ở Đông Bắc Á

So sánh Đông Á với châu Âu thập niên 1930 thật chẳng có gì chung. Vậy, có phải chính quyền Obama quả thật đang nhân nhượng Trung Hoa một cách vô lối không?

Tôi đã ngưỡng mộ Thượng nghị sĩ James Webb bang Virginia từ cuối những năm 1980, khi tôi là một sĩ quan hải quân Mỹ mới được bổ nhiệm còn ông là Tổng Tham mưu trưởng Hải quân (secretary of the navy). Ngoài những thành tích đạt được trên cương vị người làm chính sách và nhà lập pháp, Webb còn là một cựu chiến binh đánh thủy của Mỹ ở Việt Nam, từng được tặng huy chương; một tiểu thuyết gia, sử gia đáng chú ý, và là con cháu của những người nhập cư Scotland-Ireland đã định cư và góp phần xây dựng nên miền nam nước Mỹ? Có lý do gì để tôi không thích ông? Vì vậy, khi ông phát biểu rằng Mỹ “đang tiến gần đến thời khắc Munich với Trung Hoa” trên biển Hoa Nam (tức Biển Đông – ND), ta rất nên xem xét lời ông một cách nghiêm túc.

Ông nói vậy ngang với việc nạp đạn vào súng. Nếu như có một “thời khắc Munich” đang thành hình, thì ai là nhân vật chính đây? Dường như Webb xếp Trung Hoa vào vai nước Đức quốc xã – một thế lực hung tàn, hám lợi, tìm cách tăng cường ảnh hưởng chính trị của nó và hy sinh quyền lợi của các nước nhỏ. Điều này làm cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trở thành bản sao của nhà độc tài Đức Adolf Hitler. Tổng thống Obama thì đóng vai Neville Chamberlain, ông thủ tướng Anh mà vào năm 1938 đã đem phần lớn lãnh thổ Czechslovakia ra đổi chác, những mong làm dịu cơn khát đất của Hitler. Chamberlain trở về nhà và được hoan nghênh ồn ã; ông ta tuyên bố là phương Tây đã đàm phán được “hòa bình trong thời đại của chúng ta”. Các nguyên thủ Anh và Pháp cũng tìm cách kéo dài thời gian, đề phòng trường hợp hòa bình tan vỡ. Bằng việc đẩy các nhu cầu của Hitler sang những lãnh thổ của người thiểu số Germain, họ đã có thêm thời gian để tái thiết lực lượng vũ trang, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sắp tới ở châu Âu. Các nước Đông Nam Á bây giờ là nước Czechoslovakia bất lực của ngày ấy. Họ không tài nào ngăn cản nổi việc các siêu cường đem lợi ích sống còn của họ ra mà đổi chác – thậm chí cuối cùng là trao đổi cả sự tồn tại của họ với tư cách quốc gia. Bảng phân vai của Webb có thể chẳng làm cho nhân vật nào trong vở kịch đang được trình diễn trên Biển Đông kia hài lòng.

“Munich” là cách gọi tắt của khái niệm “nhân nhượng vô nguyên tắc”, một khái niệm mà từ năm 1938 đã mang những hàm nghĩa nặng nề*. Tuy nhiên cần phải chỉ ra rằng nhân nhượng là sự trao đổi ngoại giao thường gặp trong tình hình bình thường. Các nước đều luôn luôn phải thỏa hiệp, họ cũng nên làm như thế. Liệu Munich – nỗi ô nhục của việc nhân nhượng những con thú ăn thịt người – có phải là một phép ẩn dụ thích đáng để chỉ cách hành xử của Mỹ trong những tranh chấp hàng hải làm đục ngầu nước Biển Đông?

Chúng ta hãy phân tích sự tương đồng để xây dựng một số thông số khi tìm hiểu về các sự kiện trên Biển Đông. Trước hết, Czechoslovakia là đối tượng thứ yếu, không mấy quan trọng, của những kẻ đã thỏa thuận nhân nhượng kia. Mối đe dọa đối với hòa bình, như lời Chamberlain, xuất phát từ “một cuộc cãi vã ở một nước xa xôi, giữa những người mà chúng ta chẳng hiểu gì”. Chiến đấu vì Czechoslovakia gần như là điều mà Anh và Pháp không thể tưởng tượng nổi*. Người Mỹ hiếm khi theo dõi tình hình chính trị Đông Nam Á, mặc dù khu vực ngã tư hàng hải này có tầm quan trọng rất lớn đối với mậu dịch toàn cầu và thương mại Mỹ. Các nhà lãnh đạo của Philippines khăng khăng cho rằng hiệp ước an ninh năm 1951 giữa Manila và Washington đã quy định cả những yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Liệu người Mỹ có chiến đấu để bảo vệ những yêu sách đó của Philippines không, hay là những cái đó chỉ là chuyện thứ yếu, cũng giống như chủ quyền của Czechoslovakia trong mắt các cường quốc phương Tây năm 1938?

Thứ hai, phái đoàn Anh-Pháp đã dâng đối tượng thứ yếu này (Czechoslovakia) cho con thú hung dữ đói đất (Đức Quốc xã) để đổi lấy hòa bình tạm thời. Trước đó Hitler đã gom đủ thành tích xâm lược. Vào năm 1936 chẳng hạn, quân đội Đức tái vũ trang vùng Rhineland. Bằng cách ấy, Berlin bắt đầu phá bỏ Hiệp ước Versailles – hiệp ước chấm dứt Thế chiến I và áp đặt nghĩa vụ bồi thường nặng nề lên nước Đức bại trận. Đầu năm 1938, Hitler gây áp lực với Áo, buộc Áo phải chấp nhận Anschluss (Liên minh Đức-Áo), tức liên minh trong một nước Đức đế quốc rộng lớn hơn. Khi đó, tại Munich, các nhà lãnh đạo Pháp và Anh đưa ra một loạt thỏa hiệp có tác dụng kích thích cơn thèm khát của con thú đói đất. Sau khi cho đi Sudetenland – một thành phố công nghiệp của Czechoslovakia, dân cư chủ yếu là người Đức, và là nơi có những rặng núi có thể bảo vệ nền cộng hòa khỏi bị tấn công – London và Paris đã làm tiêu tùng khả năng của Czech chống lại những đòi hỏi của Đức. Chẳng bao lâu sau đó, quân đội Đức chiếm được phần còn lại của Czechoslovakia.

Một cách khác để nhìn vào câu chuyện Biển Đông là thế này: Có phải Bắc Kinh đã lập được thành tích xâm lược rõ ràng tương tự, tiến đến bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Trung Quốc, bán rẻ chính phủ các nước Đông Nam Á thân thiện – một kết quả mà Washington lẽ ra phải thấy trước và tránh đi? Có thể lắm, nhưng cũng cần nhớ lại là, thậm chí ngay cả người kế nhiệm Chamberlain là Winston Churchill cũng đã rất hào phóng. Trong bài diễn văn ca tụng Chamberlain, Churchill cảnh cáo người nào có ý định phán xét một vụ việc như thỏa ước Munich “mà không tính đến hoàn cảnh ra đời của nó”. Ông ta nhận xét rằng các nhà lãnh đạo:

“Những người thiên về cảm tính thường hay tìm kiếm những giải pháp rành mạch dứt khoát để giải quyết những vấn đề phức tạp và tối tăm; những người sẵn sàng chiến đấu bất kỳ khi nào bị một thế lực ngoại quốc đe dọa; không phải bao giờ cũng đúng. Mặt khác, những người có xu hướng cúi đầu, nhẫn nại và kiên định tìm đến các thỏa hiệp hòa bình, thì không phải bao giờ cũng sai. Ngược lại, trong đa số trường hợp, họ có thể đúng, không chỉ đúng về mặt đạo đức mà còn đúng khi xét từ quan điểm thực tiễn… Biết bao nhiêu cuộc chiến tranh đã xảy ra vì những kẻ xúi giục bạo loạn!”.
Còn hơn thế nữa, trong suốt thời gian tại vị thủ tướng sau cuộc Thế chiến, Churchill vẫn tiếp tục cho rằng “đối thoại luôn tốt hơn chiến tranh”. Những lời ấy không thể là của một nhà lãnh đạo, người đã tự động bác bỏ mọi thỏa hiệp ngay cả với kẻ gây hấn tiềm năng như Hitler, Joseph Stalin hay Nikita Khrushev. Thu gọn tất cả những tranh cãi quốc tế vào một thỏa ước Munich có lẽ là sự đơn giản hóa thái quá – và sai lầm. Washington nên đối thoại, hay là đã đến lúc phải đứng lên đối đầu với Bắc Kinh, thay mặt cho chính phủ các nước Đông Nam Á thân thiện?

Thứ ba, các cường quốc phương Tây đã hy sinh lợi ích sống còn của bên thứ ba mà không hề hỏi ý kiến bên thứ ba đó. Hội nghị Munich không có sự tham dự của Tổng thống Czechoslovakia Edvard Beneš, dù nước của ông là nhân vật có quyền lợi chính yếu trong tranh chấp. Nhượng đất Sudetenland, hội nghị đã đồng thuận cao với việc phá hoại nền kinh tế, công nghiệp và tài nguyên của Czechoslovakia. Nếu bây giờ sự kiện thỏa ước Munich lặp lại, thì nghĩa là Mỹ và Trung Quốc sẽ quyết định tương lai của Biển Đông mà không hề hỏi xem chính phủ các nước Đông Nam Á có tán thành không. Nếu Obama đóng vai Chamberlain, ông ta sẽ lựa chọn một cách thiếu khôn ngoan: khuyến khích Bắc Kinh cố cưỡng ép các chính phủ châu Á phải tiếp tục nhượng bộ.

Lịch sử luôn lặp lại nhưng không hoàn toàn như cũ. Ở đây cũng vậy. Còn phải xem liệu Biển Đông – hệ thống đường biển rộng lớn nơi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và các nhân vật quyền cao chức trọng khác liên tục tuyên bố là “thuộc lợi ích quốc gia của Mỹ” – có bị Washington xếp vào hàng đối tượng thứ yếu không? Có một dấu hiệu cho thấy không phải như vậy: Chiến lược Biển 2007 của Mỹ – văn bản hướng dẫn Hải quân, Thủy quân Lục chiến và các hoạt động tuần duyên của Hoa Kỳ – trên thực tế đã nêu rõ rằng Mỹ sẽ tiếp tục là cường quốc hải quân hàng đầu ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trong khoảng thời gian dự kiến được trong tương lai. Nếu Washington nghiêm túc với việc này, thì họ khó có thể xếp xó Đông Nam Á – khu vực nối giữa hai đại dương – vào vị trí “để đó tính sau”. Nói theo cách của Chamberlain, Biển Đông có lẽ là một dải đất ở xa, trong khi người Mỹ ít quan tâm tới các vấn đề (gần) của khu vực. Họ khó có thể thờ ơ đứng nhìn nó.

Liệu nhượng bộ có khiến Trung Quốc làm tới, có khiến quyền lực của họ phình to thêm trong khi hy sinh lợi ích của các nước láng giềng không? Đây là câu hỏi mấu chốt cho những người đang quan sát Trung Quốc. Giải quyết các vấn đề nảy sinh trong vùng biển kế cận Trung Quốc, gồm Biển Đông, Đài Loan, tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và những chuyện tương tự, có thể làm Bắc Kinh hài lòng. Quả thật, những xung đột đó toàn rơi vào vùng biển ngoại vi lịch sử của Trung Quốc, nơi mà Trung Quốc cho là đường của họ. Nhưng cũng có thể sẽ có những món khai vị, như Đức Quốc xã đã từng khai vị bằng Rhineland, Áo, và Czechoslovakia. Trung Quốc sẽ no nê, thỏa mãn, hay sẽ tìm kiếm thêm các món ăn ngon miệng khác? Đây là điều còn chưa biết được

Và cuối cùng, khó mà tin rằng Washington sẽ gạt các chính phủ Đông Nam Á ra khỏi những cuộc bàn thảo về tương lai của họ. Quả thật, lập trường truyền thống của Mỹ đối với các yêu sách về chủ quyền trên biển là không theo lập trường nào cả. Nói chung Mỹ chỉ khẳng định rằng các bên cần giải quyết mâu thuẫn mà không sử dụng bạo lực, và bất kỳ bên nào chiến thắng trong tình trạng hỗn loạn về chủ quyền và quyền tài phán trên biển thì đều phải duy trì tự do hàng hải, thể hiện qua tự do trên vùng biển và vùng trời của khu vực. Chính quyền Obama, cũng giống như chính phủ của ông Chamberlain, có thể tham gia sâu hơn vào những vụ việc ở Đông Nam Á. Nhưng nếu họ tự chỉ định mình vào vị trí phát ngôn viên cho các chính phủ Đông Nam Á thì có lẽ sẽ hơi gượng gạo.

Phép so sánh lịch sử của Thượng nghị sĩ Webb có đúng hay không thì còn tùy mắt người nhìn. Thỏa ước Munich đã đem lại một cái chuẩn tuyệt vời để ta dựa vào đó mà theo dõi quan hệ Mỹ-Trung, bất kể sự tương đồng có hoàn hảo hay không. Hơn nữa việc ông Webb nổi tiếng là người nói thẳng, nói toạc tình hình khu vực, có thể sẽ giúp cho lợi ích của nước Mỹ và khu vực. Thẳng thắn với chính mình và với bè bạn mình về các vấn đề nguy hiểm là rất quan trọng và thậm chí còn quan trọng hơn thế nữa, khi ta có những kẻ cạnh tranh tiềm tàng như Trung Quốc.

                                                                                                       James R. Holmes Ngày 17/7/2011

James Holmes là phụ tá giáo sư chiến lược ở trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ. Quan điểm trong bài này là của riêng tác giả.