thư mục

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Dân Chủ không phải là cái chúng ta cần đấu tranh

Một câu trích dẫn nổi tiếng của Emma Goldman, dịch tạm:
 Nếu bầu cử có thể thay đổi được gì, họ sẽ khiến cho nó trở nên phi pháp.
 Báo chí, truyền thông, Facebook khắp thế giới những ngày gần đây đang sục sôi với sự kiện hàng chục ngàn người tại Hong Kong xuống đường biểu tình đòi hỏi dân chủ. Tuy nhiên bài viết này sẽ không bàn về sự kiện đó như hầu hết những gì mọi người đang được cho biết, mà sẽ bàn về hai chữ “dân chủ”.
“Thượng nhân bàn về ý tưởng
Thường nhân bàn về sự kiện
Phàm nhân bàn về con người.”
Eleanor Roosevelt (Phu nhân cố Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt)
Để có thể nói cho tường tận, đầy đủ về dân chủ thì tôi cần phải viết cả một quyển sách, như có nhiều tác giả đã viết, nhưng hiện tại thì vẫn chưa có mạnh thường quân nào tài trợ để tôi thực hiện được việc đó, nên trong khuôn khổ một bài viết dành riêng cho Triết Học Đường Phố tôi sẽ cố gắng tập trung vào những điểm trọng tâm, vì thế tất nhiên sẽ có những điểm bị lược bỏ, thiếu sót. Nội dung chính của bài viết này tôi đoán trước được rằng sẽ trái ngược với quan điểm của 99% độc giả, nên chắc chắn sẽ có người phản biện; nhưng tôi xin được phép nói trước là có thể mình sẽ không trả lời những phản biện đó. Lý do? Có thể kiến thức chính trị tôi còn nông cạn nên không đối đáp được; hoặc cũng có thể tôi trả lời được nhưng đơn giản là không có thời gian, những ai biết tôi đều biết tôi hiếm khi nào có thời gian. Mọi người hãy xem đây như một bài tham khảo. Tất cả những hiểu biết tôi đều học được từ những người giỏi hơn mình; ai thật sự muốn tranh luận thì tôi có gợi ý là không nên tranh luận với tôi mà nên tranh luận với những người giỏi hơn tôi. Forum tụ họp của nhóm học giả này – trang tôi đọc mỗi ngày – sẽ được kèm theo ở cuối bài [2] (họ nói tiếng Anh).
Dân chủ là gì?
Thật sự thì dân chủ là cái gì mà tôi thấy người người hô hò dân chủ, nhà nhà hô hò dân chủ, thậm chí cả thế giới cũng hô hò dân chủ, các blogger hô hò dân chủ, các nhà hoạt động chính trị ai ai cũng hô hò dân chủ? Tôi có cảm giác rằng người ta chẳng biết mình đang hô hào cho cái gì; phải chăng nhiều khi nghe hai chữ dân chủ có vẻ hay hay và thấy người khác hô hào thì họ cũng hô hào theo nhưng sự thật thì chưa bao giờ suy ngẫm về nó hơn một giây (tất nhiên con số một giây này chỉ là một nghệ thuật thậm xưng). Dân chủ có phải chỉ đơn giản là một xã hội do nhân dân làm chủ? Tất nhiên là không đơn giản như vậy; chúng ta phải tập suy nghĩ sâu xa hơn. Cách thức để có được một xã hội do nhân dân làm chủ như vậy thì người ta phải làm gì? Bạn đã trả lời đúng: Bầu cử. Vấn đề của dân chủ không phải là nó do dân làm chủ hay vua làm chủ; vấn đề mấu chốt nằm ở việc bầu cử.
1. Dân chủ là đa số thắng thiểu số
Bất kỳ một người có lý trí nào cũng sẽ đồng ý rằng thành phần những người có tài năng, trí thức, thông minh, trí tuệ, học rộng hiểu nhiều, kiến thức phong phú,… đều không bao giờ thuộc về thành phần đa số. Ludwig von Mises có một câu nói từng được đăng trên THĐP, nhưng đây là lúc nó cần được nhắc lại:
“Tất cả những tiến bộ mà nhân loại đã đạt được là thành quả có được từ động lực của một nhóm thiểu số nhỏ bé, những người đầu tiên xa rời tư tưởng và tập quán của đa số, sau đó nhóm đa số mới chấp nhận sáng kiến của họ. Đưa cho nhóm đa số cái quyền áp đặt nhóm thiểu số phải nghĩ gì, đọc gì, và làm gì cũng đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết, một lần và vĩnh viễn cho sự tiến bộ.”
– Ludwig von Mises, Liberalism
Dân chủ nếu được cường điệu lên đúng mức thì nó không khác gì một chủ nghĩa bầy đàn xuất phát từ tâm lý bầy đàn. Dân chủ là một sự ngụy biện argumentum ad populum khổng lồ, một sự ngụy biện cho rằng cái gì nhiều người nói đúng thì nó là đúng; không có gì sai lầm hơn sự ngụy biện này. Tiếng Hán có câu “Tam nhân thành hổ” cũng là vì lẽ đó.
2. Dân chủ là 51% được quyền đưa ra quyết định cho 49% những người còn lại
Ngay cả khi khoảng cách giữa đa số và thiểu số chỉ cách nhau 2% chúng ta có thể thấy dân chủ đặt ra giới hạn và giết chết những khả năng như thế nào. Việt Nam hiện nay có hơn 93 triệu người, giả sử tổng số người bầu cử kỳ này là 50 triệu, bạn thuộc nhóm 24 triệu, lá phiếu của bạn và lá phiếu của 24 triệu người kia coi như vô ích. Toàn bộ nhóm 24 triệu người vừa bị nhóm 26 triệu áp đặt ý định. Nếu bạn biết tư tưởng và quan điểm của mình thuộc về nhóm thiểu số thì việc bầu cử là hoàn toàn vô ích. Ảnh hưởng của lá phiếu của bạn là 0%. Nếu biết lá phiếu của bạn là vô ích thì bạn có đi bầu không?
3. Dân chủ giới hạn những khả năng, tiềm năng, giới hạn sự lựa chọn
Trong một thị trường tự do, không một ai bị lãng quên, không có nhu cầu thiểu số nào là quá nhỏ đến nỗi không có người đứng ra cung cấp. Thị trường tự do là một sự một sự phân trung, phi tập trung. Trong khi dân chủ hay nhà nước thì trái lại, nó là một sự tập trung, tại một điểm single point of failure, một mô hình “đa cấp”, kim tự tháp, từ trên xuống dưới; trong khi phân trung là một mô hình mạng lưới, mạng nhện, không có điểm thất bại duy nhất. Torrent hoạt động dựa trên mô hình này; Bitcoin cũng hoạt động dựa trên mô hình này. Tôi không biết nói rằng nó là một mô hình bất khả chiến bại có phải là nói quá không, nhưng tôi cho rằng đây sẽ là mô hình của tương lai.
Trong một thị trường tự do, có cầu thì sẽ có cung, không phải chỉ nhu cầu của đa số, không phải chỉ nhu cầu của thiểu số, nhưng bất cứ nhu cầu nào miễn nó hợp luân lý thì nó sẽ có một cái giá. Trong khi với dân chủ, bạn không thể một cách hợp pháp có được dịch vụ bảo vệ bởi một nhóm người không dùng tiền của bạn đi giết người nơi xứ khác, để mua biệt thự, xế khủng, đất đai, địa ốc… Tôi cũng nghĩ rằng dự đoán của Jim Bell sẽ trở thành sự thật, một khi cryptocurrency và cryptography trở nên phổ biến, đại trà. Nếu nó thật sự là một điều không thể tránh khỏi như Jim Bell nói, chiến tranh diện rộng chỉ còn là cái có trong lịch sử. Tới đây thì Google is your friend, hãy làm quen với Google đi vì tôi sẽ không tiếp tục đi sâu vào hang thỏ này bởi nó không nằm trong chủ đề chính của bài viết.

Hãy thử hình dung ra viễn cảnh một xã hội tương lai, nơi luật pháp được cạnh tranh, anh ninh được cạnh tranh, khu phố này cạnh tranh với khu phố khác… Cạnh tranh không có nghĩa là chiến tranh, bạo loạn—những sự kiện này không hề miễn phí mà ngược lại, phải tốn kém, rủi ro rất nhiều, đã làm ăn kinh doanh thì phải hạn chế tốn kém, rủi ro tối đa. Thêm vào đó, tấn công luôn tốn kém gấp nhiều lần phòng thủ—mà là cạnh tranh dưới nguyên tắc NAP (Non-Aggression Principle, tạm dịch Nguyên tắc Không Xâm Phạm, một trong những nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa tự do, libertarianism). Pierre-Joseph Proudhon, một triết gia chính trị nổi tiếng người Pháp sinh năm 1809, người đã theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa thậm chí còn phát biểu rằng: “Tự do là mẹ của trật tự, không phải là con.” Hay Gustave de Molinari, một chính trị gia, kinh tế gia người Bỉ sinh năm 1819 đã từng nhận ra, “Chiến tranh là hệ quả tự nhien của sự độc quyền; hòa bình là hệ quả tự nhiên của tự do.”
Bạn không thích cần sa, không thích đồng tính, không thích người khác sở hữu súng, không thích Bitcoin, không thích tư hữu, không thích polygamy, không thích phá thai,… Không hề chi, bạn cứ sống ở khu phố Cộng Sản 75 với những người có cùng tư tưởng. Có tới vô số khu phố với những luật lệ khác nhau cho bạn lựa chọn. Nghe có vẻ viễn vông nhưng thực tế thì với các công nghệ sea-steading [3], cryptography và 3D printing càng ngày càng phát triển thì tôi tin rằng đây chính là tương lai mà loài người đang đi tới.
Một xã hội tự do cho phép chủ nghĩa xã hội tồn tại bên trong nó. Nhưng một xã hội chủ nghĩa thì không cho phép tự do tồn tại bên trong nó. Chủ nghĩa tự do có thể bao trùm chủ nghĩa xã hội; nhưng không có sự ngược lại. Đây là một sự khác biệt quan trọng thể hiện đẳng cấp.
4. “Tại sao anh không đi chỗ khác đi?”
Đây chỉ là một câu hỏi, không phải là một lý lẽ logic có thể dùng để phản biện. Đi hay không đi không liên quan gì tới vấn đề. Và vấn đề ở đây chính là khi một luật lệ được bầu ra một cách dân chủ, nếu nó xâm phạm vào nguyên tắc NAP thì căn bản là nó đã sai trước. Tại sao một người phải ra đi khi luật lệ kia mới là cái sai? Bảo người đó đi chỗ khác cũng giống như bảo một người đang sống trong một khu phố an ninh từ trước tới giờ đi chỗ khác khi bỗng nhiên có một tên côn đồ mới dọn về. Tên côn đồ mới là người phải đi chỗ khác.
Trớ trêu thay, nếu bạn muốn người ta đi chỗ khác chỉ vì họ không đồng ý với luật lệ bạn ủng hộ hay những người bạn bầu lên thì bạn đã được toại nguyện với não trạng chảy máu chất xám tại Việt Nam hiện nay, nhân tài đã bỏ nước ra đi hết, nếu vẫn chưa ra đi thì họ cũng đang tìm cách ra đi. Một đất nước không có nhân tài cũng giống như một thân xác không có linh hồn. Như Milton Friedman từng nhận xét về việc di cư giữa biên giới Hong Kong và Trung Quốc, “Hãy nhìn người ta bầu cử bằng chân của họ.” Xem người Trung Quốc muốn qua Hong Kong—một trong những có nền kinh tế tự do nhất thế giới—hay ngược lại? Giải pháp không phải là bảo người ta đi chỗ khác; giải pháp chính là phải cải cách, thay đổi hệ thống vận hành. Thay đổi thì tất nhiên đau đớn, nhưng nó phải diễn ra nếu chúng ta muốn trưởng thành. Chừng nào mà chúng ta còn chưa sẵn sàng để thay đổi tư duy, đột phá tư tưởng thì chừng đó chúng ta vẫn còn đang lê bước với tốc độ của một con rùa, trong khi bầu trời chính là giới hạn và nó đòi hỏi một sự cất cánh trong nhận thức.
5. Bản chất của dân chủ là những tầm nhìn ngắn hạn
Các chính trị gia khi muốn có được số phiếu của đám đông thiếu kiến thức về kinh tế, chính trị, chỉ thấy được những gì trước mắt, bề nổi, thì tất nhiên họ phải hứa hẹn những điều nghe hấp dẫn, mà hy sinh những lợi ích lâu dài, đổi lấy những lợi ích ngắn hạn. Giống như một người nghiện thuốc phiện lên cơn thì phải được thỏa mãn ngay lúc đó, trong khi giải pháp cần phải làm không gì khác hơn là cai nghiện. Tiến sĩ Hans-Hermann Hoppe đã lý luận trong cuốn Democracy: The God That Failed (tạm dịch: Dân chủ: Vị thần đã thất bại) của mình rằng chế độ dân chủ thật ra còn tệ hơn chế độ quân chủ. Một hệ thống mà phải trông chờ người tốt lên nắm quyền là một hệ thống yếu kém. Nếu bạn biết quan sát thì bạn sẽ thấy quyền lực rất nhiều khi còn làm tha hóa cả một người tốt.
6. Định lý Arrow’s impossibility
Định lý này được chứng minh bởi Tiến sĩ kinh tế Kenneth Arrow trong luận án tiến sĩ của mình và sau đó năm 1951 đã được in thành sách Social Choice and Individual Values. Diễn giải một cách đơn giản thì định lý này phát biểu rằng: Không thể có một cơ chế bầu cử nào có thể thỏa mãn 3 tiêu chí công bằng sau:
1.            Nếu mọi người đều ưu tiên X thay vì Y thì cả nhóm muốn X hơn Y.
2.            Nếu ưu tiên giữa X và Y không thay đổi (các nhóm khác có thể thay đổi, vd: X—Z, Y—Z, hay Z—W, thì ưu tiên của cả nhóm chọn X hơn Y vẫn không thay đổi.
3.            Không có “lá phiếu quyết định”, không người nào được quyết định khi có trường hợp hòa.
7. Bầu cử là trái với luân thường đạo đức, là phi logic

Không có sự tàn bạo nào tệ hơn là bắt buộc một người phải trả tiền cho những thứ hắn không muốn chỉ vì bạn nghĩ là nó sẽ tốt cho hắn.”
– Robert Heinlein, The Moon is a Harsh Mistress
Hãy trả lời câu hỏi này, Bạn có quyền tấn công, sử dụng bạo lực với người khác–trừ các trường hợp tự vệ–không? Câu trả lời rõ ràng là không. Nhưng khi bạn bầu cử có nghĩa là bạn đang trao cho chính phủ một quyền bạn không hề có để chính phủ thực hiện những hành động bạo lực đó đối với người khác; bạn không thể trao cho người khác cái bạn không có. Nền tảng của mọi chính phủ chính là bạo lực; không có nó thì không một chính phủ nào có thể tồn tại. Một xã hội chưa trưởng thành là một xã hội sử dụng bạo lực để giải quyết những vấn đề của nó. Một xã hội trưởng thành là một xã hội không cần dùng đến bạo lực, thay vào đó, Tự Do được đưa lên ngôi. Tự do mới là cái chúng ta cần phải đấu tranh, không phải dân chủ.
Tạm kết

Không biết từ khi nào mà hầu như tất cả mọi người ai cũng đặt tự do và dân chủ ngang hàng, song song nhau. Người ta không biết rằng cái giá phải trả cho dân chủ chính là tự do. Nói cách khác, không thể có dân chủ và tự do cùng một lúc. Sự khác biệt giữa dân chủ và tự do là gì? Dân chủ áp đặt quan điểm của người này lên người khác; tự do thì không. Bạn có tự do làm những gì mình muốn miễn nó không xâm phạm đến người khác, không xâm phạm vào nguyên tắc NAP. Một khi đã hiểu rõ về dân chủ, bạn sẽ không còn cổ động nó một cách vô minh như trước, thậm chí bạn có thể sẽ còn thấy khó chịu với thực trạng ai ai cũng đang ra sức cổ động nó như những con robot của văn hóa, “một thực tại ảo đã được phê chuẩn” theo cách dùng từ của Terence McKenna, và đó cũng là lý do khiến tôi phải viết bài này, vì nếu tôi không viết thì ai sẽ viết đây khi tôi vẫn chưa phát hiện được một đồng chí người Việt nào có cùng tư tưởng trong radar của mình. E là còn phải chờ đợi mỏi mòn.