thư mục

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

“Thời khắc Munich” của nước Mỹ?



So sánh Đông Á với châu Âu thập niên 1930 thật chẳng có gì chung. Vậy, có phải chính quyền Obama quả thật đang nhân nhượng Trung Hoa một cách vô lối không?

Tôi đã ngưỡng mộ Thượng nghị sĩ James Webb bang Virginia từ cuối những năm 1980, khi tôi là một sĩ quan hải quân Mỹ mới được bổ nhiệm còn ông là Tổng Tham mưu trưởng Hải quân (secretary of the navy). Ngoài những thành tích đạt được trên cương vị người làm chính sách và nhà lập pháp, Webb còn là một cựu chiến binh đánh thủy của Mỹ ở Việt Nam, từng được tặng huy chương; một tiểu thuyết gia, sử gia đáng chú ý, và là con cháu của những người nhập cư Scotland-Ireland đã định cư và góp phần xây dựng nên miền nam nước Mỹ? Có lý do gì để tôi không thích ông? Vì vậy, khi ông phát biểu rằng Mỹ “đang tiến gần đến thời khắc Munich với Trung Hoa” trên biển Hoa Nam (tức Biển Đông – ND), ta rất nên xem xét lời ông một cách nghiêm túc.

Ông nói vậy ngang với việc nạp đạn vào súng. Nếu như có một “thời khắc Munich” đang thành hình, thì ai là nhân vật chính đây? Dường như Webb xếp Trung Hoa vào vai nước Đức quốc xã – một thế lực hung tàn, hám lợi, tìm cách tăng cường ảnh hưởng chính trị của nó và hy sinh quyền lợi của các nước nhỏ. Điều này làm cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trở thành bản sao của nhà độc tài Đức Adolf Hitler. Tổng thống Obama thì đóng vai Neville Chamberlain, ông thủ tướng Anh mà vào năm 1938 đã đem phần lớn lãnh thổ Czechslovakia ra đổi chác, những mong làm dịu cơn khát đất của Hitler. Chamberlain trở về nhà và được hoan nghênh ồn ã; ông ta tuyên bố là phương Tây đã đàm phán được “hòa bình trong thời đại của chúng ta”. Các nguyên thủ Anh và Pháp cũng tìm cách kéo dài thời gian, đề phòng trường hợp hòa bình tan vỡ. Bằng việc đẩy các nhu cầu của Hitler sang những lãnh thổ của người thiểu số Germain, họ đã có thêm thời gian để tái thiết lực lượng vũ trang, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sắp tới ở châu Âu. Các nước Đông Nam Á bây giờ là nước Czechoslovakia bất lực của ngày ấy. Họ không tài nào ngăn cản nổi việc các siêu cường đem lợi ích sống còn của họ ra mà đổi chác – thậm chí cuối cùng là trao đổi cả sự tồn tại của họ với tư cách quốc gia. Bảng phân vai của Webb có thể chẳng làm cho nhân vật nào trong vở kịch đang được trình diễn trên Biển Đông kia hài lòng.

“Munich” là cách gọi tắt của khái niệm “nhân nhượng vô nguyên tắc”, một khái niệm mà từ năm 1938 đã mang những hàm nghĩa nặng nề. Tuy nhiên cần phải chỉ ra rằng nhân nhượng là sự trao đổi ngoại giao thường gặp trong tình hình bình thường. Các nước đều luôn luôn phải thỏa hiệp, họ cũng nên làm như thế. Liệu Munich – nỗi ô nhục của việc nhân nhượng những con thú ăn thịt người – có phải là một phép ẩn dụ thích đáng để chỉ cách hành xử của Mỹ trong những tranh chấp hàng hải làm đục ngầu nước Biển Đông?

Chúng ta hãy phân tích sự tương đồng để xây dựng một số thông số khi tìm hiểu về các sự kiện trên Biển Đông. Trước hết, Czechoslovakia là đối tượng thứ yếu, không mấy quan trọng, của những kẻ đã thỏa thuận nhân nhượng kia. Mối đe dọa đối với hòa bình, như lời Chamberlain, xuất phát từ “một cuộc cãi vã ở một nước xa xôi, giữa những người mà chúng ta chẳng hiểu gì”. Chiến đấu vì Czechoslovakia gần như là điều mà Anh và Pháp không thể tưởng tượng nổi. Người Mỹ hiếm khi theo dõi tình hình chính trị Đông Nam Á, mặc dù khu vực ngã tư hàng hải này có tầm quan trọng rất lớn đối với mậu dịch toàn cầu và thương mại Mỹ. Các nhà lãnh đạo của Philippines khăng khăng cho rằng hiệp ước an ninh năm 1951 giữa Manila và Washington đã quy định cả những yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Liệu người Mỹ có chiến đấu để bảo vệ những yêu sách đó của Philippines không, hay là những cái đó chỉ là chuyện thứ yếu, cũng giống như chủ quyền của Czechoslovakia trong mắt các cường quốc phương Tây năm 1938?

Thứ hai, phái đoàn Anh-Pháp đã dâng đối tượng thứ yếu này (Czechoslovakia) cho con thú hung dữ đói đất (Đức Quốc xã) để đổi lấy hòa bình tạm thời. Trước đó Hitler đã gom đủ thành tích xâm lược. Vào năm 1936 chẳng hạn, quân đội Đức tái vũ trang vùng Rhineland. Bằng cách ấy, Berlin bắt đầu phá bỏ Hiệp ước Versailles – hiệp ước chấm dứt Thế chiến I và áp đặt nghĩa vụ bồi thường nặng nề lên nước Đức bại trận. Đầu năm 1938, Hitler gây áp lực với Áo, buộc Áo phải chấp nhận Anschluss (Liên minh Đức-Áo), tức liên minh trong một nước Đức đế quốc rộng lớn hơn. Khi đó, tại Munich, các nhà lãnh đạo Pháp và Anh đưa ra một loạt thỏa hiệp có tác dụng kích thích cơn thèm khát của con thú đói đất. Sau khi cho đi Sudetenland – một thành phố công nghiệp của Czechoslovakia, dân cư chủ yếu là người Đức, và là nơi có những rặng núi có thể bảo vệ nền cộng hòa khỏi bị tấn công – London và Paris đã làm tiêu tùng khả năng của Czech chống lại những đòi hỏi của Đức. Chẳng bao lâu sau đó, quân đội Đức chiếm được phần còn lại của Czechoslovakia.

Một cách khác để nhìn vào câu chuyện Biển Đông là thế này: Có phải Bắc Kinh đã lập được thành tích xâm lược rõ ràng tương tự, tiến đến bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Trung Quốc, bán rẻ chính phủ các nước Đông Nam Á thân thiện – một kết quả mà Washington lẽ ra phải thấy trước và tránh đi? Có thể lắm, nhưng cũng cần nhớ lại là, thậm chí ngay cả người kế nhiệm Chamberlain là Winston Churchill cũng đã rất hào phóng. Trong bài diễn văn ca tụng Chamberlain, Churchill cảnh cáo người nào có ý định phán xét một vụ việc như thỏa ước Munich “mà không tính đến hoàn cảnh ra đời của nó”. Ông ta nhận xét rằng các nhà lãnh đạo:

“Những người thiên về cảm tính thường hay tìm kiếm những giải pháp rành mạch dứt khoát để giải quyết những vấn đề phức tạp và tối tăm; những người sẵn sàng chiến đấu bất kỳ khi nào bị một thế lực ngoại quốc đe dọa; không phải bao giờ cũng đúng. Mặt khác, những người có xu hướng cúi đầu, nhẫn nại và kiên định tìm đến các thỏa hiệp hòa bình, thì không phải bao giờ cũng sai. Ngược lại, trong đa số trường hợp, họ có thể đúng, không chỉ đúng về mặt đạo đức mà còn đúng khi xét từ quan điểm thực tiễn… Biết bao nhiêu cuộc chiến tranh đã xảy ra vì những kẻ xúi giục bạo loạn!”.

Còn hơn thế nữa, trong suốt thời gian tại vị thủ tướng sau cuộc Thế chiến, Churchill vẫn tiếp tục cho rằng “đối thoại luôn tốt hơn chiến tranh”. Những lời ấy không thể là của một nhà lãnh đạo, người đã tự động bác bỏ mọi thỏa hiệp ngay cả với kẻ gây hấn tiềm năng như Hitler, Joseph Stalin hay Nikita Khrushev. Thu gọn tất cả những tranh cãi quốc tế vào một thỏa ước Munich có lẽ là sự đơn giản hóa thái quá – và sai lầm. Washington nên đối thoại, hay là đã đến lúc phải đứng lên đối đầu với Bắc Kinh, thay mặt cho chính phủ các nước Đông Nam Á thân thiện?

Thứ ba, các cường quốc phương Tây đã hy sinh lợi ích sống còn của bên thứ ba mà không hề hỏi ý kiến bên thứ ba đó. Hội nghị Munich không có sự tham dự của Tổng thống Czechoslovakia Edvard Beneš, dù nước của ông là nhân vật có quyền lợi chính yếu trong tranh chấp. Nhượng đất Sudetenland, hội nghị đã đồng thuận cao với việc phá hoại nền kinh tế, công nghiệp và tài nguyên của Czechoslovakia. Nếu bây giờ sự kiện thỏa ước Munich lặp lại, thì nghĩa là Mỹ và Trung Quốc sẽ quyết định tương lai của Biển Đông mà không hề hỏi xem chính phủ các nước Đông Nam Á có tán thành không. Nếu Obama đóng vai Chamberlain, ông ta sẽ lựa chọn một cách thiếu khôn ngoan: khuyến khích Bắc Kinh cố cưỡng ép các chính phủ châu Á phải tiếp tục nhượng bộ.

Lịch sử luôn lặp lại nhưng không hoàn toàn như cũ. Ở đây cũng vậy. Còn phải xem liệu Biển Đông – hệ thống đường biển rộng lớn nơi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và các nhân vật quyền cao chức trọng khác liên tục tuyên bố là “thuộc lợi ích quốc gia của Mỹ” – có bị Washington xếp vào hàng đối tượng thứ yếu không? Có một dấu hiệu cho thấy không phải như vậy: Chiến lược Biển 2007 của Mỹ – văn bản hướng dẫn Hải quân, Thủy quân Lục chiến và các hoạt động tuần duyên của Hoa Kỳ – trên thực tế đã nêu rõ rằng Mỹ sẽ tiếp tục là cường quốc hải quân hàng đầu ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trong khoảng thời gian dự kiến được trong tương lai. Nếu Washington nghiêm túc với việc này, thì họ khó có thể xếp xó Đông Nam Á – khu vực nối giữa hai đại dương – vào vị trí “để đó tính sau”. Nói theo cách của Chamberlain, Biển Đông có lẽ là một dải đất ở xa, trong khi người Mỹ ít quan tâm tới các vấn đề (gần) của khu vực. Họ khó có thể thờ ơ đứng nhìn nó.

Liệu nhượng bộ có khiến Trung Quốc làm tới, có khiến quyền lực của họ phình to thêm trong khi hy sinh lợi ích của các nước láng giềng không? Đây là câu hỏi mấu chốt cho những người đang quan sát Trung Quốc. Giải quyết các vấn đề nảy sinh trong vùng biển kế cận Trung Quốc, gồm Biển Đông, Đài Loan, tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và những chuyện tương tự, có thể làm Bắc Kinh hài lòng. Quả thật, những xung đột đó toàn rơi vào vùng biển ngoại vi lịch sử của Trung Quốc, nơi mà Trung Quốc cho là đường của họ. Nhưng cũng có thể sẽ có những món khai vị, như Đức Quốc xã đã từng khai vị bằng Rhineland, Áo, và Czechoslovakia. Trung Quốc sẽ no nê, thỏa mãn, hay sẽ tìm kiếm thêm các món ăn ngon miệng khác? Đây là điều còn chưa biết được.

Và cuối cùng, khó mà tin rằng Washington sẽ gạt các chính phủ Đông Nam Á ra khỏi những cuộc bàn thảo về tương lai của họ. Quả thật, lập trường truyền thống của Mỹ đối với các yêu sách về chủ quyền trên biển là không theo lập trường nào cả. Nói chung Mỹ chỉ khẳng định rằng các bên cần giải quyết mâu thuẫn mà không sử dụng bạo lực, và bất kỳ bên nào chiến thắng trong tình trạng hỗn loạn về chủ quyền và quyền tài phán trên biển thì đều phải duy trì tự do hàng hải, thể hiện qua tự do trên vùng biển và vùng trời của khu vực. Chính quyền Obama, cũng giống như chính phủ của ông Chamberlain, có thể tham gia sâu hơn vào những vụ việc ở Đông Nam Á. Nhưng nếu họ tự chỉ định mình vào vị trí phát ngôn viên cho các chính phủ Đông Nam Á thì có lẽ sẽ hơi gượng gạo.

Phép so sánh lịch sử của Thượng nghị sĩ Webb có đúng hay không thì còn tùy mắt người nhìn. Thỏa ước Munich đã đem lại một cái chuẩn tuyệt vời để ta dựa vào đó mà theo dõi quan hệ Mỹ-Trung, bất kể sự tương đồng có hoàn hảo hay không. Hơn nữa việc ông Webb nổi tiếng là người nói thẳng, nói toạc tình hình khu vực, có thể sẽ giúp cho lợi ích của nước Mỹ và khu vực. Thẳng thắn với chính mình và với bè bạn mình về các vấn đề nguy hiểm là rất quan trọng và thậm chí còn quan trọng hơn thế nữa, khi ta có những kẻ cạnh tranh tiềm tàng như Trung Quốc.

James Holmes là phụ  tá giáo sư chiến lược ở trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ. Quan điểm trong bài này là của riêng tác giả.

 The Diplomat James R. Holmes

Mục đích cuối cùng của Mỹ là bao vây Trung Quốc từ mọi Phía Kinh tế - Chính Trị - Quân sự

Nguyễn Xuân Nghĩa / Đức Tâm

Từ khi Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái Bình Dương (APEC) chưa khai mạc hôm 12/11 vừa qua tại Hawaï, người ta đã thấy quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bỗng như nháng lửa. Bên lề phiên họp của cấp bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế, ngày 11/11, Ngoại trưởng Hillary Clinton kêu gọi Bắc Kinh tiến hành cải cách chính trị và nêu ra mối quan ngại của Mỹ về tình trạng chà đạp nhân quyền tại Trung Quốc, than phiền việc tăng ni Tây Tạng phải tự thiêu để phản đối và việc trí thức Trung Quốc, như luật sư mù Trần Quang Thành vẫn bị quản thúc tại gia.

Đáng chú ý hơn cả là màn đấu khẩu giữa trợ lý bộ trưởng Thương mại Bắc Kinh với đặc sứ về Thương mại của Hoa Kỳ về sáng kiến thành lập một khu vực tự do thương mại qua hiệp định "Đối tác Xuyên Thái Bình Dương", được gọi tắt là TPP. Khi phía Trung Quốc phàn nàn là không được mời vào việc thảo luận thì đặc sứ Mỹ phản pháo, rằng sáng kiến Xuyên Thái Bình Dương không là một câu lạc bộ khép kín, và ai cũng có thể xin gia nhập, nhưng chẳng nên đợi là sẽ được mời!

Theo giới quan sát, một trong những chủ đề chính Thượng đỉnh APEC năm nay lại là dự án Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương.

RFI phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ về hồ sơ này.

RFI: Xin chào chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa. Theo dõi hồ sơ Xuyên Thái Bình Dương từ lâu và như anh trả lời cho đài Phát thanh Quốc tế Pháp vào ngày 29/10, dường như là năm nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc gián tiếp dàn trận về kinh tế và thương mại mà có khi lại trực tiếp đối đầu về cả an ninh lẫn chiến lược. Liệu đấy có phải là một khía cạnh đáng chú ý tại Thượng đỉnh APEC năm nay chăng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là quan hệ giữa hai nước có nền kinh tế thứ nhất thứ nhì thế giới ở hai bờ Thái Bình Dương cần được đặt trong bối cảnh rộng về không gian lẫn thời gian và đấy cũng là một khía cạnh đáng chú ý của Thượng đỉnh APEC năm nay tại Hawaï và Thượng đỉnh Đông Á vào tuần tới tại Bali, Indonesia. Ở giữa hai Thượng đỉnh này là chuyến thăm viếng Australia và Indonesia của Tổng thống Mỹ, hai đối tác chiến lược khác của Mỹ.

Trong 10 năm qua, Hoa Kỳ có vẻ thờ ơ với cục diện châu Á mà thật ra vẫn có quyền lợi sinh tử với Á châu, là điều tổng thống Barack Obama đã trước tiên khẳng định khi tới Hawaï để chủ trì Thượng đỉnh APEC năm nay, sau khi chính quyền của ông tuyên bố từ năm kia là "Hoa Kỳ trở lại Đông Á". Đây cũng là nơi mà Trung Quốc bung ra rất mạnh trong 10 năm đó nên không khỏi gây phân vân cho các nước vừa muốn làm ăn với Trung Quốc lại vừa lo ngại sự bành trướng của Bắc Kinh.

Từ năm 2008, trong bối cảnh kinh tế èo uột và thất nghiệp cao tại cả Hoa Kỳ và Âu châu, khi Hoa Kỳ cần bảo vệ quyền lợi và nhất là phát triển ngoại thương với các nước tân hưng trên vành cung Thái Bình Dương thì sáng kiến Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mang tầm vóc chiến lược. Cho nên từ năm kia, 9 nước trong cuộc đã có 9 kỳ họp ráo riết về dự án này, đó là Mỹ, Úc, Brunei, Chilê, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Dự Thượng đỉnh APEC năm ngoái tại Nhật, Tổng thống Mỹ còn đề nghị các quốc gia đang đàm phán về hiệp định Xuyên Thái Bình Dương hãy cố lập ra khuôn khổ cơ bản trước Thượng đỉnh năm nay. Điều ấy coi như đã đạt, nên Mỹ hy vọng là qua năm tới thì khối đối tác này sẽ thành hình. Dư luận các nước khác thì coi sáng kiến này không chỉ nhắm vào kinh tế hay thương mại mà thật ra còn có việc Hoa Kỳ tranh thủ hậu thuẫn về chiến lược vì những điều kiện tham gia do phía Mỹ nêu ra lại gây trở ngại lớn cho Trung Quốc.

RFI: Anh nói đến các điều kiện tham gia do phía Hoa Kỳ đề xướng lại có vẻ như là rào cản Trung Quốc, đó là những điều kiện gì vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Người ta cứ chú ý đến chi tiết kỹ thuật mà phía Mỹ đòi hỏi như chế độ bảo vệ lao động, quyền sở hữu trí tuệ hay phát huy loại sản phẩm bảo vệ môi sinh, hoặc việc minh bạch hóa thủ tục tiếp liệu, v.v... Thật ra, Hoa Kỳ còn nêu ra một đề nghị có tính chất sinh tử cho cả Trung Quốc lẫn một số quốc gia Đông Á. Đó là vai trò của thành phần kinh tế Nhà nước.

Tại nhiều nước Đông Á, sự cấu kết mờ ám giữa bộ máy Nhà nước, doanh nghiệp và ngân hàng có thể dẫn tới chủ nghĩa tư bản thân tộc và nạn ỷ thế làm liều. Riêng tại Trung Quốc, doanh nghiệp Nhà nước chiếm ưu thế quá lớn trên khu vực tư doanh của các tiểu doanh thương ở dưới, và lại có sức cạnh tranh quốc tế quá mạnh mà Hoa Kỳ coi là còn bất chính hơn chuyện lũng đoạn ngoại hối bằng cách định giá đồng bạc quá thấp. Vì vậy, một trong những điều kiện được nêu ra chính là hệ thống quốc doanh và lồng trong đó là định nghĩa thế nào là doanh nghiệp Nhà nước, từ trung ương tới địa phương.

Trên nguyên tắc, Mỹ và tám nước đang đàm phán hồ sơ Xuyên Thái Bình Dương này đều ngỏ ý sẵn sàng đón nhận các nước khác vào vòng đàm phán, cụ thể như Canada, Nhật Bản hay Nam Hàn, Phi Luật Tân (Philippines).... Và thực tế thì sáng kiến này có đạt thành quả đáng kể nhân Thượng đỉnh năm nay khi Thủ tướng Nhật yêu cầu tham gia việc đàm phán. Nhưng, với đề nghị của Mỹ về hệ thống quốc doanh, Trung Quốc có thể bị nghẹn, nên dù chẳng nói ra, Bắc Kinh có thấy chủ tâm dàn trận của Mỹ. Nhìn từ Bắc Kinh thì vành cung Xuyên Thái Bình Dương này nhắm vào một hồng tâm chính là Trung Quốc!

Chỉ vì đấy là yêu cầu có nội dung phản bác chủ trương xây dựng "xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa" hoặc "phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" và còn có kết quả là mở bung hình thái trao đổi tự do hơn của tư doanh trên cả vành cung Thái Bình Dương. Chẳng là ngẫu nhiên mà hai tuần trước khi Thượng đỉnh APEC nhóm họp, hôm 29 vừa qua, Ủy ban Giám sát Quan hệ Kinh tế và Chiến lược giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc của Quốc hội Mỹ đã công bố một báo cáo 120 trang về hệ thống doanh nghiệp Nhà nước của Trung Quốc với lời phê phán rất nặng. Khi Quốc hội nêu quan điểm hoài nghi như vậy thì Hành pháp Mỹ, và cụ thể là đặc sứ Thương mại, sẽ càng phải duyệt xét chuyện ấy khá kỹ, nếu sau này Trung Quốc có đề nghị tham gia. Ngược lại, nhìn vào nội tình Trung Quốc, ta cũng thấy ra sự lúng túng của Bắc Kinh. Thí dụ gần nhất, ngày 09/11 vừa qua, là khi họ phải chấp hành đạo luật chống độc quyền mà vi phạm lại là hai tập đoàn quốc doanh rất lớn về viễn thông, cả hai đều là doanh nghiệp Nhà nước của trung ương! Làm sao gia nhập khối TPP với hệ thống độc quyền đó?

RFI: Thưa anh, trong số 8 nước cùng với Hoa Kỳ đàm phán về TPP thì có Việt Nam mà trong nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò chủ chốt cho đến hiện nay. Khi đưa ra vấn đề vai trò của doanh nghiệp Nhà nước như là một điều kiện để cản Trung Quốc, thì phải chăng Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn trên khía cạnh này như Việt Nam đã từng phản đối trong quá trình đàm phán TPP?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ điều này là đúng. Thực ra, tôi cho rằng Hoa Kỳ dùng Việt Nam như vật thử nghiệm. Trong thương thuyết đàm phán với Việt Nam về điều kiện đó, thì Mỹ xem cách xoay xở của Việt Nam ra làm sao. Khi mà trò đã tính như vậy, thì thầy sẽ tính như thế nào trong tương lai. Tức là Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trong tương lai. Có thể nói, Hoa Kỳ dùng Việt Nam để thử nghiệm. Nếu Việt Nam tranh đấu cho quyền lợi của khu vực quốc doanh mà cả nước Việt Nam bây giờ đã thấy là tốn kém, không hiệu quả và lỗ nhiều, thì điều này có nghĩa là Việt Nam bảo vệ luôn cả chủ trương của Trung Quốc, đi ngược lại quyền lợi kinh tế của khu vực tư nhân, của hệ thống tư doanh, của đại đa số người dân Việt Nam.

RFI: Tìm hiểu Trung Quốc từ lâu, anh cho rằng lãnh đạo Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao với những sáng kiến này của Mỹ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Có hai mặt của một vấn đề, một mặt là kinh tế một mặt là an ninh.

Tại Thượng đỉnh APEC của 21 nền kinh tế, người ta chú ý đến mặt kinh tế và sáng kiến của Mỹ là vận động hợp tác kinh tế để xây dựng hợp tác chiến lược. Tại Thượng đỉnh Đông Á tuần tới, người ta chú ý đến khía cạnh an ninh. Ban đầu diễn đàn này là đề nghị của Malaysia có hậu thuẫn của Trung Quốc để các nước Đông Á nói chuyện với nhau mà không có sự hiện diện của Mỹ hay Liên bang Nga. Năm nay, là lần đầu tiên mà Nga và Mỹ đều cùng tham dự và Hoa Kỳ sẽ cố xoay Thượng đỉnh này của 18 nước vào đề mục an ninh, như diễn đàn đối thoại về an ninh ngoài vùng biển chẳng hạn.

Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh tận dụng quyền lực mềm để mua chuộc nhiều quốc gia Đông Á, theo kiểu bẻ đũa từng chiếc, khởi đi từ Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á ASEAN. Đó là lợi thế của khái niệm "Đồng thuận Bắc Kinh", nhằm bành trướng ảnh hưởng bằng quyền lợi lý tài mà bất chấp đạo lý nhân quyền, dân chủ hay môi sinh của xứ khác. Khi Hoa Kỳ mắc bận vì cuộc chiến chống khủng bố, Bắc Kinh bung ra còn mạnh hơn và đòi chiếm ưu thế trên vùng biển Đông Nam Á.

Bây giờ, Mỹ không chỉ nói mà thực tế tìm cách chứng minh ảnh hưởng đáng tin của mình tại Đông Á, Bắc Kinh chỉ còn vài năm trước mặt để củng cố thành quả đã đạt được qua mồi nhử kinh tế, trước hết là với nhóm ASEAN. Sau đó thì có lẽ phải xuống giọng hợp tác ôn hòa hơn với Hoa Kỳ và các nước trong vùng. Nhưng những bất ổn bên trong, khi lại có chuyển giao quyền lực sau Đại hội Đảng lần thứ 18 vào năm tới, cũng khiến xứ này có thể có phản ứng bất ngờ, là điều mà người ta không thể loại bỏ. Những lời đối đáp nháng lửa tại Hawaï mới chỉ là màn đầu.

RFI: Xin cám ơn anh Nguyễn Xuân Nghĩa.

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Quan hệ đối tác xuyên-Thái Bình Dương (TPP) trước sự trỗi dậy của Trung Quốc



Foreign Affairs 07/11/2011
(Việc gia nhập của Nhật Bản vào TPP có ý nghĩa gì?)
Vào hôm 14 tháng Mười, trong một bài diễn văn đọc trước Câu lạc bộ Kinh tế New York, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đã báo hiệu cái gọi là một sự xoay chiều [chiến lược] hướng về châu Á khi bà tuyên bố rằng: “Trọng tâm chiến lược và kinh tế đang chuyển về phương Đông”. Phát biểu của bà là một phần nỗ lực gần đây của Mỹ nhằm tái khẳng định vai trò cường quốc Thái Bình Dương của mình. Đây là một câu trả lời trước những lo âu của các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc (TQ) và sự cam kết lâu dài của Mỹ đối với vùng này. Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ nhấn mạnh thêm thông điệp này vào cuối tháng khi ông đến thăm nhiều thủ đô châu Á và đăng cai Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Hawaii. Trọng tâm của chính sách khu vực này là mậu dịch: Với việc Hiệp ước Tự do Thương mại Mỹ-Hàn đã được Quốc hội Mỹ thông qua, bây giờ Obama tìm cách thắt chặt vai trò kinh tế của Mỹ tại châu Á bằng cách thúc đẩy hoàn tất Hiệp ước Đối tác Xuyên-Thái Bình Dương (TPP), một hiệp ước thương mại đang được đàm phán giữa các nước Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, và Việt Nam.
Khi các cuộc đàm pháp kết thúc, Hiệp ước TPP sẽ hạ hầu hết thuế nhập khẩu thương mại giữa những nước trong nhóm xuống mức zero trong một giai đoạn 10 năm. Ngoài các mặt hàng thường được quy định theo truyền thống các hiệp ước trước đây, TPP sẽ bao gồm cả các dịch vụ, sở hữu trí tuệ, các loại đầu tư, các doanh nghiệp nhà nước, và nhiều lãnh vực khác. Với tính cách rộng rãi của nó, Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk đã ca ngợi nó như là một hiệp ước của “thế kỷ XXI” có khả năng dẫn đến sự hưng thịnh mậu dịch trong vùng.
Nhưng nếu TPP vẫn giữ nguyên cấu trúc như hiện nay – không có sự tham dự của Nhật Bản – thì Hiệp ước nói trên sẽ không đưa ra được một đề xuất kinh tế mà nhiều người kỳ vọng. Nhóm TPP chỉ chiếm 6% thương mại của Mỹ, một tỷ số tương đương với thương mại của Mỹ với chỉ một mình Nhật Bản. Nhật Bản là nước nhập khẩu chính các hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, đặc biệt các sản phẩm công nghệ cao đắt tiền, như đầu máy phi cơ phản lực, các máy tiện NC (điều khiển bằng số), và các sản phẩm công nghệ sinh học. Và tương phản với tình trạng nhập siêu đang gia tăng nhanh chóng của Mỹ đối với Trung Quốc, sự bất quân bình mậu dịch giữa Mỹ và Nhật Bản đang giảm bớt liên tục. Washington thấy rõ tất cả điều này, và đã kêu gọi nới rộng nhóm TPP để bao gồm luôn cả Nhật Bản. Clayton Yeutter, một cựu đại diện thương mại Mỹ, và Luật sư mậu dịch quốc tế Jonathan Stoel gần đây đã viết trong tờ Wall Street Journal rằng nếu có sự tham dự của Nhật Bản trong nhóm TPP, “thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ bộc phát, dễ dàng tăng lên 3, 4 lần”.
Trước đây, Mỹ không luôn luôn nhiệt tình trong quan hệ mậu dịch với Nhật Bản. Mặc dù ý kiến về một hiệp ước tự do mậu dịch Mỹ-Nhật đã được Đại sứ Mỹ tại Nhật Mike Mansfield đề xuất lần đầu tiên vào cuối thập niên 1980, nhưng vì những lo sợ về sự khống chế kinh tế của Nhật Bản, không mấy chính khách Mỹ chịu cứu xét ý kiến này một cách nghiêm túc. Tokyo cũng xem thường nó, chính vì quan điểm kinh tế của Nhật lúc bấy giờ tập trung vào mậu dịch toàn cầu đa phương hơn là vào các hiệp ước thương mại khu vực.
Bây giờ tất cả điều đó bắt đầu thay đổi. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burn tuyên bố tại Tokyo tháng Mười vừa qua rằng Mỹ sẽ “hoan nghênh sự quan tâm của Nhật Bản đối với TPP, đương nhiên Mỹ nhìn nhận rằng quyết định theo đuổi việc gia nhập TPP của Nhật sẽ được thể hiện dựa trên sự cân nhắc cẩn thận những ưu tiên và lợi ích của Nhật”. Về phần mình, Tokyo tỏ ra sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán. Việc gia nhập của Nhật Bản bắt đầu được đưa ra bàn luận kể từ tháng Mười năm 2010, khi cả nguyên Thủ tướng Naoto Kan lẫn Bộ trưởng Ngoại giao của ông đều chấp nhận việc này. Dĩ nhiên, mọi vấn đề mậu dịch đều bị gián đoạn vào tháng Ba 2011 do ba đại họa cùng diễn ra một lúc – động đất, sóng thần, và tan chảy lõi lò điện hạt nhân. Nhưng Tokyo đã có thái độ thăm dò trong những tháng vừa qua, và người ta tin chắc Thủ tướng Yoshihiko Noda sẽ tuyên bố vào tuần này rằng Nhật Bản sẽ tham dự các cuộc đàm phán.
Quan tâm mới đây của Nhật Bản đối với TPP phát xuất từ ba yếu tố. Trước tiên là sự lo lắng do Hiệp ước tự do mậu dịch Mỹ-Hàn gây ra. Giới công nghiệp xuất khẩu Nhật từ lâu đã lo lắng về những sản phẩm Nam Hàn tương đương với hàng hoá Nhật trên thị trường nước ngoài. Và, sự tiếp cận của Seoul đối với giới tiêu thụ Mỹ sẽ liên tục gia tăng một khi Hiệp ước được thi hành.
Yếu tố thứ hai là sức mạnh chính trị ngày một suy yếu của các nhóm lợi ích nông nghiệp Nhật. Qua một thời gian lâu dài trong quá khứ, tập thể này đã chống lại một hiệp ước thương mại tự do với Mỹ vì giới này sợ rằng các nông gia nhỏ lẻ rất được Chính phủ che chở sẽ bị hàng nhập khẩu giá rẻ đè bẹp. Nhưng năng suất nông nghiệp hiện nay chỉ chiếm 1,5% GDP của Nhật, nghĩa là dân số làm nghề nông cũng suy giảm rất nhiều. Nhu cầu xây dựng lại nền kinh tế tiếp theo sau các đại họa tháng Ba đã tăng cường các đòi hỏi phải cải tổ khu vực nông nghiệp lỗi thời của Nhật. Xu thế này đã tạo điều kiện dễ dãi cho giới xuất khẩu Nhật, đứng đầu bởi Liên đoàn công nghiệp Keidanren, thúc đẩy nghị trình ủng hộ mậu dịch của họ.
Yếu tố sau cùng là thái độ quyết đoán trong chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc. Một tín hiệu đầu tiên là, vào năm 2010 Bắc Kinh đã làm sống lại những tuyên bố chủ quyền trên các đảo trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], một vấn đề đã làm sôi sục các mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng kể từ giữa thập niên 1990. Vào năm 2002, Trung Quốc và các nước láng giềng trong khối ASEAN đã đồng ý giải quyết các tuyên bố chủ quyền theo đường lối đa phương, nhưng sau đó Trung Quốc lại đòi thương thuyết song phương với từng quốc gia láng giềng một. Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã tranh luận vào thời điểm đó: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ, và đó chỉ là một sự thật”.
Nhật Bản đã hứng chịu tất cả thái độ hung hăng của Trung Quốc vào tháng Chín năm 2010, khi một tàu đánh cá Trung Quốc húc vào một tàu tuần duyên Nhật. Khi Nhật Bản bắt giam viên Thuyền trưởng của tàu đánh cá, Bắc Kinh đòi hỏi Nhật Bản phải xin lỗi và thả ông ta. Đồng thời Trung Quốc ngưng xuất khẩu sang Nhật khoảng sản đất hiếm. Maehara, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Ngoại giao Nhật, đã gọi phản ứng của Trung Quốc là “điên cuồng”. Hiện chiếm một vị trí trung tâm trong Chính phủ Noda, Maehara là một trong những chính khách được lòng dân nhất tại Nhật Bản. Trong một bài diễn văn gần đây tại Washington, phản ánh sự đánh giá của Tokyo, ông bày tỏ mối lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc “đang thay đổi cán cân quyền lực của tình hình trong khu vực như thế nào”.
Những tuyên bố như thế này cho thấy rằng Nhật Bản đã đi một đoạn đường khá dài từ lập trường của mình vào năm 2009, khi cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama thúc đẩy Nhật Bản phải hội nhập hơn nữa với châu Á và chấp nhận một chính sách “giữ khoảng cách đều” (equidistance) giữa Bắc Kinh và Washington. Thay vì như vậy, Chính phủ Noda đã tăng cường những quan hệ vốn đã thân thiết với Washington; đồng thời, hiện nay nhiều người Nhật lý luận rằng Nhật Bản phải tham gia nền mậu dịch xuyên Thái Bình Dương hiện đang phát triển mạnh để tránh khỏi những đình đốn kinh tế của hai thập niên qua. “Nhật Bản phải khai thác năng lực của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sử dụng nó cho mục đích phục hồi kinh tế”, Noda đã tuyên bố như vậy tại một buổi họp của Đảng Dân chủ Nhật.
Đại sứ Mỹ tại Tokyo, John Roos, gần đây đã nhận xét rằng việc Nhật Bản gia nhập TPP sẽ là một “biến cố thay đổi cuộc chơi”. Ông ta nói đúng. Một hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương có sự tham dự của Nhật Bản sẽ là một thắng lợi cho nguyên tắc của một hệ thống quốc tế cởi mở. Hơn nữa, như một cố vấn của Thủ tướng Noda đã tuyên bố vào đầu tháng này, việc Tokyo tham gia các cuộc đàm phán TPP sẽ giúp chính phủ này “củng cố một môi trường chiến lược tạo ấn tượng cho Trung Quốc thấy rằng Nhật Bản là một nước đáng nể sợ chứ không dễ gì bắt nạt”. Các quốc gia trong khu vực không nhất thiết phải khứng chịu sự tất yếu của một Thái Bình Dương bị Trung Quốc khống chế. Một quan hệ đối tác gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và các nền kinh tế nhỏ hơn trong nhóm này sẽ tiêu biểu cho một giải pháp lành mạnh hơn – một giải pháp mà những chính trị gia theo chủ nghĩa thực tế sẽ nhìn nhận là một bước tiến tới một hình thức quân bình lực lượng cổ điển.
Nguồn: foreignaffairs.com

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Hãy thần tượng Bill Gates thay vì Steve Jobs


Cả Steve JobsBill Gatesđều là thiên tài trong ngành công nghệ thế giới


 Không thể phủ nhận rằng hiện nay Apple là công ty nổi bật nhất trong làng công nghệ với những sản phẩm
bán chạy nhất thế giới như iPhone, iPad, iPod, MacBook… Và Steve Jobs chính là người đưa Apple lên tới đỉnh cao ấy. Từ chỗ còn mấp mé bờ vực thẳm, Apple đã vươn lên ngôi vị công ty có giá trị lớn nhất thế giới hiện giờ, tất cả đều nhờ vào bàn tay của Steve Jobs. Tài năng và tầm nhìn của Steve Jobs thực sự rất tuyệt vời và ông là 1 trong những người lãnh đạo quan trọng nhất trong giới kinh doanh. Nhưng có 1 người khác còn quan trọng hơn cả Steve Jobs và ông là người mà chúng ta nên thần tượng chứ không phải Steve Jobs, ít nhất là theo Maxwell Wessel. Đó là người mà hầu hết mọi người đều biết đến nhưng ngày càng ít được nhắc đến hơn: Bill Gates.
Cả Steve Jobs và Bill Gates đều là những người có tầm ảnh hưởng lớn đến thế giới. Với những sản phẩm ấn tượng và đi đầu trong giới công nghệ như iPad dẫn đầu thị trường máy tính bảng, iPod dẫn đầu thị trường máy nghe nhạc và iPhone là smartphone bán chạy nhất mọi thời đại, Apple đã mở ra cả 1 kỉ nguyên cho máy tính cá nhân. Còn hệ điều hành DOS, Windows của Microsoft biến máy tính trở nên hiệu quả hơn và Windows vẫn luôn là hệ điều hành máy tính được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Apple mang những sản phẩm tuyệt vời đầy chất nghệ thuật còn Microsoft khiến cho máy tính ngày càng hoạt động hiệu quả hơn. Dù bạn có ủng hộ ai đi chăng nữa thì cả 2 công ty này đều đóng góp lớn vào lịch sử công nghệ thế giới. Và cả Jobs và Gates đều rất coi trọng các cống hiến của nhau.
Steve Jobs luôn lo lắng về tương lai của Apple
 
 Những ngày cuối cùng, Steve Jobs luôn lo lắng về tương lai của Apple. Jobs đã từng nói:
“Hewlett và Packard đã xây dựng nên 1 công ty tuyệt vời và họ tin rằng mình đã trao lại HP cho đúng người. Nhưng giờ đây HP đã dần tan rã và hủy hoại. Tôi hi vọng rằng tôi đã để lại 1 di sản mạnh mẽ hơn để điều tương tự không bao giờ xảy đến với Apple”. Di sản của Jobs chính là Apple. Ông đã cống hiến cả tài năng và trí tuệ của mình cho Apple để tạo nên những sản phẩm tuyệt vời. Những đóng góp và thành quả mà Jobs mang lại cho Apple nói riêng và giới công nghệ nói chung là vô cùng to lớn. Chúng ta khâm phục và mang ơn ông vì điều đó.

Còn về phần Bill Gates

có lẽ tất cả chúng ta đều biết đến ông nhưng cái tên này có vẻ như ngày càng ít
được nhắc đến hơn với sự tỏa sáng của Steve Jobs và Apple trong những năm gần đây. Tuy nhiên cũng ít ai quên được những đóng góp của Bill Gates với giới công nghệ. Hệ điều hành Windows của ông là 1 sản phẩm tuyệt vời góp phần thay đổi cả làng máy tính. Thị phần của Windows luôn chiếm đến hơn 90% trên toàn thế giới. Bill Gates cũng được biết đến là người có tầm nhìn chiến lược. Thậm chí ông đã nhìn thấy tương lai của PC là máy tính bảng khi mà cả thế giới, kể cả Steve Jobs vẫn còn đang tập trung vào PC. Microsoft đã sản xuất các máy tính bảng Windows XP từ rất sớm nhưng đều không được đón nhận. Chỉ đến khi iPad của Apple ra mắt, thời kỳ “hậu PC” mới bắt đầu mở ra. Cái Gates còn thiếu không phải là tầm nhìn, mà là sự hoàn hảo trong từng sản phẩm của Steve Jobs. Có lẽ đó chính là lý do mà Jobs luôn được vinh danh nhiều hơn.



 Sau nhiều năm cống hiến cho Microsoft, năm 2006 ông đã rút khỏi công ty để tập trung nhiều hơn cho các vấn đề chung của toàn nhân loại. Ông lên tiếng về các vấn đề chính trị, giúp đỡ chính phủ giải quyết những khó khăn còn dai dẳng như thuế má hay bệnh dịch. Năm 1994 ông và vợ đã lập ra quỹ Bill & Melinda Gates Foundation với số tiền hơn 31 tỷ USD nhằm giúp thế giới giải quyết những vấn đề nghiêm trọng. Quỹ này đã làm từ thiện đến hơn 25 tỷ USD và trong 17 năm, Bill & Melinda Gates Foundation đã đóng góp số tiền nhiều hơn 1/10 giá trị thị trường của Apple.
Trong khi chúng ta có nước sạch, có thức ăn, y tế… thì hàng tỷ người trên thế giới còn đói ăn và thiếu đi cả những điều cơ bản ấy. Và đó chính là điều mà Bill Gates quan tâm hơn là những khó khăn Microsoft gặp phải khi tiến vào thị trường di động.
Gandhi đã từng nói: “Hãy tự tạo nên những thay đổi mà bạn muốn thấy trong cuộc sống”. Cả Gates và Jobs đều làm được điều đó. Jobs khiến cuộc sống của những người sung túc như chúng ta trở nên đẹp đẽ hơn, còn Gates thay đổi cuộc đời của hàng tỷ người nghèo đói. Như những lời Gates đã viết cho các thành viên trong Harvard: “Tôi mong rằng bạn sẽ đánh giá được những gì mình làm. Tôi mong rằng bạn sẽ đánh giá bản thân mình không chỉ qua những thành quả bạn đạt được, mà còn qua cách bạn đóng góp cho thế giới và cách bạn đối xử với những người xa lạ cách mình cả nửa vòng trái đất”. Đó không phải là lời của 1 lãnh đạo kinh doanh. Đó là những lời của 1 lãnh đạo thế giới, 1 thần tượng của mọi người.
Steve Jobs mang đến những sản phẩm công nghệ tuyệt vời và đưa công ty của ông trở thành số 1 trong làng công nghệ. Bill Gates mang đến sự no đủ và cuộc sống tốt đẹp hơn cho những con người nghèo khổ bệnh tật trên toàn thế giới. Steve Jobs cống hiến tất cả cho Apple. Còn Bill Gates chọn cống hiến cho xã hội.
Nếu là bạn, bạn sẽ chọn ai làm thần tượng?